Trung Quốc - Đứa trẻ hư cần được dạy dỗ
Cao Huy Huân 11.06.2014
Không ngày nào bật ti vi lên hay lật báo ra mà không
thấy xuất hiện hai từ “Trung Quốc”. Trung Quốc đã thành công trong công cuộc
quảng bá tên tuổi quốc gia của họ ra năm châu bốn bể. Dĩ nhiên, tầm ảnh hưởng
của họ cũng được nâng lên một tầm cao mới. Nhưng vấn đề đang đi theo chiều
hướng bất lợi, bởi vì hình ảnh họ quảng bá ra khắp thế giới là một hình ảnh tồi
tệ chưa từng thấy trong lịch sử từ trước đến nay.
Cách đây vài năm, Trung Quốc nổi lên là công xưởng của
toàn thế giới. Hàng hóa của họ chu du khắp nơi và được đón nhận nhờ hai yếu tố:
giá thành rẻ và mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó,
hàng loạt hàng hóa bê bối của Trung Quốc xuất hiện dày đặc làm người tiêu
dùng hoang mang. Và đến ngày nay, hàng
hóa “made in China” gần như bị xem là hàng kém chất lượng và thậm chí là có hại
cho người tiêu dùng.
Tiếp đó là sự kiện xâm lấn Biển Đông và gây hấn với
nhiều quốc gia có chủ quyền biển đảo trong khu vực. Hình ảnh Trung Quốc lập tức
biến thành một thằng nhãi ranh mới lớn hung hăng bất trị của thế giới. Vẽ bản
đồ đường 9 đoạn, ngang nhiên xâm chiếm Hoàng Sa, đặt giàn khoan HD-981 và liên
tục gây hấn bạo lực với tàu cá Việt Nam trong chính vùng lãnh hải của Việt
Nam,…đã cho thấy Trung Quốc đang đóng vai ác trong vở kịch chính họ tạo ra.
Mới đây Trung Quốc lại đeo một mặt nạ thiện chí khi cử
ông Hồng Tiểu Dũng làm tân lãnh sự Trung Quốc tại Việt Nam. Trước khi tới Việt
Nam, ông Hồng là Phó đặc phái viên Văn phòng đặc trách ở Hong Kong. Các
chuyên gia cho rằng hoạt động ở Hong Kong sẽ cho ông Hồng những "kinh
nghiệm vô giá" khi xử lý quan hệ nhạy cảm giữa Bắc Kinh và Hà Nội vào thời
điểm kịch tính. Được biết, mặc dù đã được trao trả về cho Trung Quốc từ 17 năm
trước, nhưng Hong Kong luôn nằm trong danh sách cần chinh phục của chính quyền
Bắc Kinh.
Càng phải nói thêm, Bắc Kinh luôn đánh giá tình hình ở
Hong Kong là phức tạp và độc nhất. Vậy việc cử ông Hồng đến làm việc tại Hà Nội
có phải là một sách lược nhằm kiểm soát ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam?
Nếu đúng là vậy, Trung Quốc đang diễn một vai ác dở tệ. Bởi vì Hong Kong là
Hong Kong và Hà Nội là Hà Nội. Hong Kong là đứa con rơi nhặt lại của Trung
Quốc, còn Hà Nội là đối trọng với Bắc Kinh trong mối quan hệ ngoại giao giữa
Việt Nam và Trung Quốc. Một mối quan hệ giả tạo của Bắc Kinh, nhưng Hà Nội
trước đó cứ ngỡ đó là mối thâm giao thân thiết.
Nhiều người nêu câu hỏi: Nếu xảy ra chiến tranh giữa
Trung Quốc và Việt Nam, chúng ta phải làm sao? Theo tôi, lo ngại đó là không
cần thiết. Chúng ta đang đánh giá quá cao Trung Quốc. Trung Quốc chưa đủ thông
minh để phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nếu Trung Quốc đủ thông
minh, họ đã không cư xử kém cỏi và tiểu nhân đến mức ấy. Ai cũng nhận thấy rằng
Trung Quốc đang từng bước trở thành cường quốc trong khu vực và trên thế giới,
tuy nhiên lối hành xử của họ lại nhỏ nhen và bần tiện. Nếu có thể so sánh, tôi
muốn so sánh Trung Quốc như một đứa trẻ vị thành niên to xác đã được thế giới
nuông chìu quá mức và trở nên ích kỷ, bất trị.
Sỡ dĩ tôi muốn so sánh như vậy là bởi vì hình ảnh đứa
trẻ vị thành niên bất trị cũng phổ biến trên khắp đất nước gần 1,4 tỷ dân này.
Chính sách một con cùng với sự thịnh vượng đã biến những đứa trẻ con một đó
thành những trẻ em hư cần giáo dục. Và cho dù có to xác thì trẻ vị thành niên
cũng chưa phải là người lớn, và do đó rất cần sự dạy bảo từ những tiền bối
trưởng thành hơn.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á – hay còn gọi
là Đối Thoại Shangri-La diễn ra vào ngày 31/5 vừa qua tại Singapore, đoàn đại
diện Trung Quốc cũng bị đánh giá là cư xử hung hăng và vô phép tắc. Tiến sỹ Ely
Ratner - Phó Giám đốc Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung
tâm nghiên cứu về một nền an ninh mới của Mỹ và cũng là chuyên viên của Uỷ ban
đối ngoại Thượng viện Mỹ đã phát biểu: “Tôi rất ngạc nhiên khi tướng Vương Quán
Trung (Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc) nói rằng: Trung Quốc không
bao giờ là bên châm ngòi cho các rắc rối tại Biển Đông. Nhưng xin nhắc lại,
không ai bên ngoài Trung Quốc tin vào điều đó. Rất nhiều lần trong cuộc Đối
thoại Shangri-La, người điều hành phiên họp đã phải ngăn hoặc cố gắng ngăn các
câu hỏi khiếm nhã và hung hăng mà các thành viên đoàn Trung Quốc đưa ra đối với
các diễn giả, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Không có thành
viên của bất cứ đoàn nào có cách hành xử kỳ cục và không thể tưởng tượng nổi
giống như đoàn Trung Quốc. Trong tình huống tương tự, các thành viên đoàn Mỹ
cũng sẽ không bao giờ hành xử thô lỗ như vậy với Bộ trưởng Quốc phòng Trung
Quốc. Tôi cho rằng cách hành xử của đoàn Trung Quốc tại Shangri-La rất không
chuyên nghiệp và thể hiện sự thiếu tự tin của một cường quốc.” Rõ ràng “đàn
anh” Hoa Kỳ đã có những nhận định xác đáng về đứa em to xác kém cỏi Trung Quốc,
rằng “không ai bên ngoài Trung Quốc tin vào” những cáo buộc dối trá trắng trợn
của bọn chúng, và rõ ràng lối cư xử kém cỏi đó chỉ thể hiện “sự thiếu tự tin
của một cường quốc”.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc dùng mọi biện
pháp (có thể cả vũ lực) để hiện thực hóa giấc mơ ngông cuồng trở thành bá quyền
ở Biển Đông? Cần phải xem xét mục đích của đường lưỡi bò 9 đoạn. Đây chính là
kế hoạch chính của Trung Quốc hiện nay. Trong khi cả thế giới tỏ ra ngạc nhiên
rằng có căn cứ nào cho đường lưỡi bò 9 đoạn ấy, thì chính Trung Quốc cũng đang
loay hoay tìm bằng chứng xác thực cho cái hải đồ ảo tưởng của chính mình.
Ngoài mục tiêu xâm phạm lãnh thổ của các quốc gia,
đường lưỡi bò 9 đoạn còn ảnh hưởng đến lợi ích địa kinh tế của những nước liên
quan và các quốc gia lớn khác (trong đó có Hoa Kỳ). Khi đường lưỡi bò được hiện
thực hóa, các tiếp cận vào khu vực Đông Nam Á gần như đều phải thông qua Trung
Quốc. Vậy ngoài Việt Nam và những nước trực tiếp liên quan, các quốc gia khác
(trong đó có Hoa Kỳ) có sẽ làm ngơ cho qua chuyện? Chắc chắn là không, vì tại
Diễn đàn Shangri-La, chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cảnh báo
Trung Quốc rằng Washington sẽ không làm ngơ nếu trật tự thế giới bị đe dọa.
Nhật Bản và Úc cũng đã lên tiếng phản đối Trung Quốc trong vụ việc này. Rõ ràng
chúng ta sẽ không đứng một mình trong cuộc chiến với Trung Quốc.
Vấn đề là hãy hành động chín chắn như một người lớn
trước những động thái xấc xược của đứa trẻ ranh Trung Quốc. Chúng ta cần cư xử
đúng với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi ủng hộ từ những quốc gia có ảnh
hưởng trực tiếp và gián tiếp từ những hành vi vi phạm những nguyên tắc cơ bản
về công ước quốc tế. Hãy tận dụng những hành động và thái độ hung hăng của
Trung Quốc, biến chúng thành cơ sở để cả thế giới ra tay dạy dỗ. Thời đại này
là thời đại của thông tin nhanh chóng và chính xác. Mọi người dân đều có thể
trở thành một chiến sĩ thông tin để tố cáo mọi hành vi của Trung Quốc ra thế
giới. Đã đến lúc chúng ta cần tập hợp luận cứ để cho Trung Quốc một bài học về
phép tắc cư xử và hành động cho đáng mặt một cường quốc mới nổi.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết
trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan
điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Cao Huy Huân |
Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014
Trung Quốc - Đứa trẻ hư cần được dạy dỗ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét