Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Việt Nam phản biện trước khi họp với Trung Quốc




Việt Nam phản biện trước khi họp với Trung Quốc
 Nam Nguyên, phóng viên RFA 2014-06-16


017_197743-600.jpg
Cảnh sát biển Trung Quốc (P) phất cờ báo hiệu cho tàu biển Việt Nam KN-762 (T)
để tránh va chạm trên vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 hôm 02/5/2014.



Việt Nam đã sử dụng cuộc họp báo Quốc tế lần thứ 5 tại Hà Nội để giải tỏa dư luận, phát xuất từ sự việc Trung Quốc ngày 8 và 9/6 công bố tài liệu mang tên “Tác nghiệp của giàn khoan Hải Dương 981: sự khiêu khích của Việt Nam và lập trường của Trung Quốc, đề nghị lưu hành tại Liên Hợp Quốc.”
Trong cuộc họp báo, đáp câu hỏi của Vietnam Net về phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc đang mở rộng một số công trình kiên cố ở Trường Sa. Ông Lê Hải Bình phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng để khẳng định chủ quyền ở Trường Sa. Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết Trung Quốc đã mở rộng, xây dựng công trình trái phép ở Gạc Ma và một số điểm khác vốn bị Trung Quốc chiếm từ tháng 3-1988.
Theo lời ông Bình, Việt Nam cực lực phản đối hành vi này và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xây dựng mở rộng trái phép, các hành động thay đổi hiện trạng, không để hành động tái diễn trong tương lai vì nó ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở biển Đông…
Được biết ngày 12/6 vừa qua hàng trăm người dân Philippines đã biểu tình phản kháng Trung Quốc về việc kiên cố hóa bãi Gạc Ma thiết lập đường băng cho máy bay, chuẩn bị lập vùng nhận dạng phòng không trên biển đông. Nhận định về vấn đề Trung Quốc đang phát triển Gạc Ma và không thấy một cuộc biểu tình nào của người dân Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự từ Hà Nội nhận định:
“Có lẽ người dân cũng chán không buồn biểu tình nữa với cách ứng xử của nhà cầm quyền, nó làm cho người Việt Nam rời rạc không gắn kết với nhau nữa. Đó là điều rất nguy hiểm rất lớn, ví dụ Gạc Ma có thể là vấn đề nguy hiểm không kém gì giàn khoan HD 981. Phía nhà nước, chính phủ mà không để cho người dân thực hiện quyền biểu tình của mình thì đây là sai lầm rất lớn của chế độ này.”
Trong cuộc họp báo không thấy các giới chức Việt nam đề cập cụ thể  những tài liệu mà Trung Quốc công bố tại Liên hợp quốc như Bản đồ Thế giới do Cục Đo đạc và bản đồ-Phủ Thủ tướng Việt Nam ấn hành năm 1972 và sách giáo khoa địa lý lớp 9 ấn hành năm 1974. Những tài liệu này theo phía Trung Quốc thể hiện việc Việt Nam công nhận Tây Sa, Nam Sa là của Trung Quốc. Các quần đảo này là Hoàng Sa Trường Sa mà Việt Nam khẳng định chủ quyền. TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Lẽ ra phải nêu những chuyện đó ra. Nhưng mà họ nêu ra thì họ có thể có sự e ngại nào đó, trên báo chí hay TV người dân biết được có những chuyện như thế thì có thể tính chính đáng của chế độ này bị lung lay.”

Về công thư Phạm Văn Đồng 1958

Tại cuộc họp báo ông  Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, qua trả lời các câu hỏi của báo chí đã đưa ra 4 luận điểm bác bỏ các quan điểm của Trung Quốc liên quan tới chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Thứ nhất các tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền với Hoàng Sa; thứ hai các hội nghị quốc tế không giao Hoàng Sa cho Trung Quốc, cụ thể Hội nghị San Francisco và cho đến trước 1974, Trung Quốc vẫn hoàn toàn ý thức Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa; thứ ba Trung Quốc vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực, năm 1974 đánh chiếm các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa sau khi đánh bại quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Và luận điểm thứ 4 theo lời ông Trần Duy Hải Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công thư Phạm Văn Đồng 1958 không hề đề cập vấn đề chủ quyền và phía Trung Quốc luôn tìm cách diễn giải sai văn bản này.
Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Nhã chuyên gia nghiên cứu biển Đông hiện sống và làm việc tại TP.HCM chia sẻ quan điểm:
“Công hàm Phạm Văn Đồng hay tất cả mọi thứ khác Trung Quốc nói Việt Nam lật lọng. Trong đó có ông Ung Văn Khiêm tuyên bố thế nào, viên chức Bộ Ngoại giao thế nào…sách giáo khoa, bản đồ thế nào…Theo tôi Hiệp định Genève qui định rất rõ rồi, trong thời gian sau 54 cho đến 75 trong lãnh thổ cũng như ngoài biển từ vĩ tuyến 17 trở xuống thuộc về chính quyền phía Nam quản lý. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không quản lý, cho nên những điều như Trung Quốc nói nó chỉ thể hiện vấn đề chính trị, quan hệ đồng minh đồng chí ủng hộ cùng phe thôi.”
Theo TS Nguyễn Nhã, Việt Nam qua các thời đại đều khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa Trường Sa. Trước 1975 Hoàng Sa Trường Sa thuộc về VNCH, sau 30/4/1975 Việt Nam thống nhất dưới danh nghĩa một nhà nước mới và được quốc tế công nhận. TS Nguyễn Nhã nhấn mạnh:
“Nhà nước mới thống nhất này có tính chất pháp lý hoàn toàn khác với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù nhà nước này cũng có một số nhân vật trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó nhà nước thống nhất này đã khẳng định chủ quyền, về ngoại giao năm 1979 có Sách Trắng khẳng định chủ quyền Việt Nam về Hoàng Sa Trường Sa rồi và phản bác những gì Trung Quốc nóiNhư thế về tính pháp lý quốc tế, bất cứ chính quyền nào kể từ Chúa Nguyễn cho đến Nhà Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc, sau 1954 rồi sau 1975 thống nhất, tất cả các chính quyền có trách nhiệm quản lý chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền thành thử ra những bằng chứng Trung Quốc đưa ra không có giá trị pháp lý quốc tế.”
Cuộc  họp báo quốc tế lần thứ 5 ngày 16/6/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam diễn ra trong bối cảnh giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã hoạt động trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam 47 ngày. Trung Quốc tiếp tục duy trì lực lượng hơn 100 tàu có máy bay yểm trợ để bảo vệ giàn khoan, bao gồm tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu cá. Việt Nam từ chỗ là nạn nhân bị xâm lấn, bị phun vòi rồng bị va đập hư hại hơn 30 tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển nay đã bị Trung Quốc vu vạ ngược lại. Việt Nam đã cực lực phản bác các cáo giác được cho là bịa đặt của Trung Quốc.
Chuyến thăm Việt Nam của ông Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc trong tuần này, đặt ra chút ít khả năng về việc giảm căng thẳng về vụ giàn khoan HD 981, dù lịch làm việc trên nguyên tắc là đối thoại thường niên về hợp tác song phương. Trước đây các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từ chối gặp gỡ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

--------------------------------------------------------------------



--------------------------------------------------------------------------------------------------














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét