Ðoàn Thanh Liêm - Giải mã Lãnh tụ: Một đóng góp quan trọng của Trần Đức ThảoThứ Tư, ngày 25 tháng 6 năm 2014
Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm
Tài liệu tham khảo chính yếu : Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối
Tác giả : Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê
Do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ ấn hành năm 2014
Sách dày 428 trang – giấy trắng, khổ chữ 12 – bìa giấy màu vàng.
Giải mã Lãnh tụ:
Một đóng góp quan trọng của
Trần Đức Thảo
Ðoàn Thanh
Liêm
Ở nước ta,
thì có rất nhiều vị giáo sư dậy môn Triết học từ cấp trung học lên đến cấp đại
học, trong đó đặc biệt là ở miền Nam, thì có một số vị được nhiều môn sinh quý
trọng vì sự uyên bác với sở học vững vàng. Nhưng chỉ duy nhất có một mình ông
Trần Đức Thảo (1917 – 1993) thì mới là người được gọi là triết gia – mà lại gây
được sự chú ý và nể trọng trong giới học thuật riêng tại nước Pháp.
Từ thời còn
trẻ lúc theo học tại trung học Albert Sarraut ở Hà nội, ông Thảo đã là một học
sinh xuất sắc, rồi được học bổng qua học tại Pháp. Tại đây, ông lại thi đậu vào
trường Cao đẳng Sư phạm (École Normale Supérieure ENS) là một trong những cơ sở
giáo dục có danh tiếng hàng đầu của nước Pháp. Và chỉ ít năm sau đó, ông Thảo
đã có bằng Thạc sĩ vào lúc chưa đày 30 tuổi. Cũng như nhiều trí thức khác ở Âu
châu trong thập niên 1940 – 50, ông Thảo say mê với chủ thuyết Mác xít và coi
đó là một thứ kim chỉ nam cho công cuộc cách mạng xã hội ở thế kỷ XX.
Vào năm 1949
– 50, ông Thảo đã có cuộc tranh luận trên báo chí với Jean Paul Sartre là một
triết gia rất nổi tiếng thời ấy. Nhưng vào năm 1951, ông Thảo đã tìm cách đi
qua ngả Liên Xô, Trung Quốc để về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống
Pháp. Và thảm thương thay, kể từ đó là bắt đầu một cuộc đời bi đát đen tối vì
ông bị đày đọa, nghi kỵ theo dõi kềm kẹp liên tục cho đến lúc chết ở Paris năm
1993.
Năm 1991, vào
tuổi 74 ông Thảo mơi lại có dịp trở lại Paris và suốt trong 6 tháng cuối đời,
ông mới kịp thổ lộ tâm sự thầm kín với vài người vốn có lòng quý trọng đối với
triết gia. Và nhà báo Tri Vũ ở bên Pháp đã rất công phu nghe lại các cuốn băng
ghi âm về các cuộc nói chuyện đó - để viết thành cuốn sách “Trần Đức Thảo –
Những Lời Trăng Trối” mà vừa được ra mắt công chúng vào tháng 5/2014.
Khác với
trường hợp của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường là người đã viết cuốn Hồi ký bằng
tiếng Pháp nhan đề là “Un Excommunié” (Kẻ bị khai trừ, đã có bản dịch ra Việt
ngữ) – ông Thảo thì không để lại một cuốn sách nào kể lại cuộc đời đày dãy
những truân chuyên sóng gió của mình trong suốt 40 năm sống dưới chế độ cộng
sản. Nên ta có thể coi cuốn sách này như là một sự gửi gấm cho hậu thế biết về
cuộc đời nhiều cay đắng éo le của ông vậy.
Vì lý do cuốn sách này vừa được nhà báo Phan
Thanh Tâm ở Minnesota viết bài giới thiệu với rất nhiều chi tiết và phổ biến
vào giữa tháng 6 mới đây, nên tôi thấy không cần phải trình bày dài dòng gì
thêm nữa. Mà tôi chỉ xin tập trung về một khía cạnh rất quan trọng được ghi
trong Chương 12 nhan đề “Giải mã Lãnh tụ” trải dài đến 70 trang (từ trang 258
đến 328).
Tôi coi đây
là một đóng góp rất quan trọng của ông Trần Đức Thảo trong việc góp phần “Giải
trừ Huyền thọai Hồ Chí Minh” - mà mới do Nhóm của quý vị Trần Quốc Bảo và
Nguyễn Hữu Lễ phát động trong vòng 7 - 8 năm nay. Xin được trình bày vấn đề dưới các mục sau
đây :
I – Gặp mặt
lãnh tụ.
1 – Ba lần
gặp gỡ trực tiếp với vị Lãnh tụ hàng đầu Hồ Chí Minh.
Ông Thảo
thuật lại có đến tất cả 3 lần ông trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện với “Ông Cụ”.
Còn rất nhiều lần khác, thì ông Thảo chỉ được bố trí cho có mặt “để làm cảnh”
mà thôi – do đó mà không có gì đáng nói về chuyện này.
Lần thứ nhất,
ông Thảo gặp gỡ và nói chuyện với ông Hồ là vào tháng 6 năm 1946 tại Pháp. Lúc
đó, ông Thảo là đại diện cho khối người Đông Dương sinh sống tại Pháp.
Lần thứ hai
là vào cuối năm 1952, ông được bố trí để gặp lãnh tụ trong ít phút thật ngắn
ngủi tại một nơi trong An Tòan Khu (ATK) ở vùng Việt Bắc.
Lần thứ ba là
vào năm 1964, ông được chỉ định trình bày quan điểm về chiến tranh và hòa bình
trước giới lãnh đạo cao cấp tại văn phòng Phủ Chủ Tịch. Ngay sau buổi thuyết trình đó, ông Hồ có nói
vài câu có phần lơ là miễn cưỡng, mà không hề bày tỏ sự nhiệt tình thân mật gì
đối với ông Thảo cả. Ông thuật lại là vào mấy phút cuối bài thuyết trình của
ông, thì ông cụ tỏ vẻ mặt cau có vì không đồng ý với quan điểm của thuyết trình
viên đã “không theo đúng với sách lược chủ chiến” của giới lãnh đạo đảng cộng
sản thời ấy.
Qua 3 lần
trực tiếp gặp mặt và nói chuyện với “Cụ Hồ” và qua sự quan sát về sinh họat của
lãnh tụ hàng đầu này trong nhiều năm, cũng như nhờ thâu thập thêm được nhiều
thông tin từ những nhân vật gần gũi thân tín với “ông cụ” - mà ông Thảo đã có
những nhận xét thật là chính xác, sâu sắc về ông Hồ Chí Minh – mà tôi sẽ xin
ghi lại chi tiết hơn trong mục II tiếp liền sau mục I này.
2 – Những lần
gặp gỡ với các lãnh tụ Trường Chinh và Lê Duẫn.
Ông Thảo cũng
còn thuật lại những lần gặp gỡ trao đổi với các nhà lãnh đạo cộng sản cao cấp
khác nữa, đặc biệt là các ông Trường Chinh và Lê Duẫn.
Vào cuối năm
1955, ông đã có dịp trao đổi chuyện trò khá lâu với ông Trường Chinh, ông Thảo
cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về khía cạnh nhân bản, nhân ái của
cuộc cách mạng lý tưởng – điều này khác biệt hẳn với chủ trương xúi giục hận
thù giữa các tầng lớp nhân dân như trong Cải cách Ruộng đất hiện đang diễn ra
thời ấy. Ông Trường Chinh trả lời hụych tọet thế này : “…Nhân lọai có tiến bộ
là nhờ có chiến tranh… Vì cách mạng luôn luôn phải là ở trong vị thế của thời
chiến tranh, cách mạng phải luôn luôn cần thấy rõ thù trong, giặc ngòai để mà
chiến đấu!”…
Với ông Lê
Duẫn, lại càng tệ hại hơn nữa. Ông Thảo kể lại : “Sau này cánh Lê Đức Thọ, Lê
Duẫn thì rất gờm tôi, vì biết tôi muốn ngăn cản mở lại chiến tranh. Còn một lần
gặp riêng ông Lê Duẫn, thì rồi ông ấy cũng không ưa tôi, vì lúc ấy, trong cương
vị Tổng bí thư, ông ta muốn tôi chấp bút viết Hồi ký cho ông ấy. Nhưng sau khi
ngồi cả tiếng đồng hồ để nghe ông ta giảng giải tư tưởng của ông, tôi đành trả
lời thẳng là tôi nghe ông nói mà không hiểu gì cả! Vì thế mà sau này ông ấy
cũng cay ghét tôi…”
II – Giải mã
Lãnh tụ.
Thật ra những
điều ông Thảo bộc bệch tâm sự như được ghi lại trong rất nhiều trang, đặc biệt
là trong Chương 12 của cuốn sách này, thì cho đến nay cũng đã có nhiều người
nói đến rồi. Nhưng cái lối phân tích cặn kẽ sâu sắc của vị triết gia đã “trải
nghiệm, quan sát và nghiền ngẫm trong suốt 40 năm sống trong lòng chế độ cộng
sản”, thì phải coi là rất có giá trị và có sức thuyết phục rất cao đối với phần
đông người Việt chúng ta. Có thể tóm tắt lại trong mấy điểm như sau đây.
1 – Ông Hồ là
một người có “cuồng vọng làm lãnh tụ”.
Theo dõi hành
tung “xuất quỷ nhập thần” của “ông cụ” trong mấy chục năm tại khắp nơi ở hải
ngọai với hàng trăm tên và bí danh khác nhau, ta dễ có thể nhận ra được cái
tham vọng của một con người đa mưu túc trí, lúc nào cũng sẵn sàng làm bất kể
việc gì miễn sao đạt được mục đích của riêng mình. Rõ ràng là ông nằm lòng cái
lối mưu lược bá đạo của Machiavel, chứ không hề có chủ trương vương đạo theo
truyền thống luân lý nhân bản của cha ông ta. Ngay cái tên ông chọn cho mình
như “Ái Quốc”, “Vương”, “Chí Minh” cũng đủ nói lên cái tham vọng vượt mức của một
con người làm chính trị rồi.
Xin trích một
số đọan ngắn như sau : “Ông cụ” là một con người cực kỳ vị kỷ, mang mặc cảm tự
tôn tuyệt đối… “Ông cụ” còn có tính đa nghi như Tào Tháo ấy…Anh phải biết là
cho tới nay, những ai đã từng coi thường “Người”, từng tỏ ra ngang hàng với
“Người”, thì sau đều đã vĩnh viễn bị lọai ra khỏi tầm nhìn của “Người”. Không
ít người đã mất mạng, mất cả xác vì dám có ứng xử tay ngang như thế đấy… Người
ta ưa kể cho nhau nghe rằng : Tạ Thu Thâu đã chết mất xác vì câu nói : “Ngòai
Bắc có Cụ, trong Nam có… tôi” …!
2 – Cái “Bóng
Ma Mao Trạch Đông”.
Vào cuối thập
niên 1920, khi bị Comintern gán cho tội theo chủ trương “quốc gia chủ nghĩa hẹp
hòi” và bị gạt ra rìa, thì “ông cụ” tìm cách “ôm chân Mao Trạch Đông” bằng cách
tuyên thệ làm đảng viên đảng cộng sản Trung quốc và gia nhập hàng ngũ Bát Lộ
Quân thuộc Giải Phóng Quân Trung Quốc. Nhờ thế, mà sau ít lâu, “ông cụ” đã trở
thành một lãnh tụ vượt lên trên tất cả các cán bộ nòng cốt được đào tạo chính
quy bài bản ở Liên Xô như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ
v.v…
Mà cũng vì
thế cho nên “ông cụ” mới du nhập vào nước ta bao nhiêu tai họa phát sinh từ chủ
trương sắt máu bạo ngược của cộng sản Trung quốc điển hình như các chiến dịch
Chỉnh Huấn, Cải Cách Ruộng Đất v.v…
Và sau này,
với chuyện hôi họp lén lút ở Thành Đô vào năm 1990, các ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ
Mười… đã ươn hèn quy phục giới lãnh đạo ở Bắc Kinh để mà “bán đất, nhượng biển
cho Trung quốc” hầu cứu vớt đảng cộng sản đang lâm nguy của tập đòan họ. Làm
như vậy, chính là họ tiếp nối cái chuyện bán nước của Hồ Chí Minh từ xưa vậy.
3 – Từ Hồ Chí
Minh đến Trường Chinh, Lê Duẫn …, tất cả đều rất mực hiếu sát, hiếu chiến.
Trong suốt
cuốn sách, ông Thảo nhắc lại đến cả mấy chục lần về việc ông tìm cách thuyết
phục giới lãnh đạo cộng sản là :”Không nên chọn chiến tranh, mà phải dồn mọi năng
lực vào việc xây dựng hòa bình”. Nhưng rõ ràng là tất cả các ông lãnh tụ này
đều một mực hiếu chiến, nên đã phát động cuộc chiến tranh xâm chiếm miền Nam
bằng mọi giá, bất kể đến tổn thất kinh hòang về nhân mạng, hay phải trả cái giá
quá đắt là lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc và Liên Xô. Và ngày nay, dù cuộc
chiến đã chấm dứt từ lâu mà xã hội chúng ta vẫn chưa làm sao có thể phục hồi
lại được cái truyền thống nhân bản và nhân ái của cha ông mình.
Cũng vì chủ
trương nhân bản hòa ái như vậy, mà ông Thảo bị họ liệt vào “lọai có vấn đề” để
mà bị theo dõi, kiềm chế và trù dập rất gắt gao – đến nỗi mà ông đã phải giả vờ
như người khùng, người hề, người mất trí để tránh khỏi bị ám hại.
Và cuối cùng,
thì ông Thảo đã phải đanh thép kết luận rằng : Tất cả những sự tệ hại tàn ác
xảy ra cho đất nước và dân tộc chúng ta, thì đều do cái học thuyết “đấu tranh
giai cấp” mà ra. Và người thủ phạm gốc của tệ nạn này, đó chính là ông tổ sư
Karl Marx đấy! Lời xác nhận này rất quan trọng, vì nó phát xuất từ một người
trí thức có tên tuổi mà hồi còn trẻ đã có sự say mê tin tưởng vào chủ thuyết
Marxist và đã dám có sự can đảm hy sinh từ bỏ cả sự nghiệp và tương lai đày hứa
hẹn trên đất Pháp để về tham gia công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp từ năm
1951 lúc mới có 34 tuổi. Mà rồi sau đó 40 năm với bao điều chính bản thân mình
đã tai nghe mất thấy – ông Thảo đã chứng nghiệm được sự sai lầm tột độ của lý
thuyết dựa trên lòng hận thù bạo ngược của chính người khởi xướng là Karl Marx.
Và ông đã có sự can đảm và lòng thành thật để công khai nói lên điều đó.
Từ ngày qua
Pháp, ông Thảo đã cố gắng viết cho xong một cuốn sách thật nghiêm túc để nêu
lên sự sai lầm tai hại của chủ thuyết Marxist - với lý luận chặt chẽ dựa trên
những trải nghiệm bi đát của bản thân trong hơn 40 năm sinh sống ở Việt nam.
Ông phải làm việc rất thận trọng nhằm hòan thành được một cuốn sách cho thật
xứng đáng với tầm vóc của một triết gia. Nhưng tiếc thay, ông đã phải ra đi ở
tuổi 76 mà chưa kịp hòan thành tác phẩm quan trọng này.
Vì thế mà tác
giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê mới lấy nhan đề cho cuốn sách ghi lại những thổ lộ
tâm sự uất nén đã bao nhiêu năm của ông Thảo là :
“Trần Đức
Thảo – Những Lời Trăng Trối”
Cuốn sách
chứa đựng nhiều thông tin thật quý báu để minh họa cho lập trường nhân bản,
nhân ái và tính cương trực can đảm của vị triết gia có tên tuổi trong hàng ngũ
trí thức ở nước ta cũng như tại nhiều nơi trên thế giới.
Người viết
rất hân hạnh được giới thiệu với quý bạn đọc cuốn sách thật sự có giá trị
này.
Hơn nữa, sự
Giải mã Lãnh tụ (Deciphering) được trình bày với nhiều chi tiết xác thực trong
cuốn sách sẽ giúp ích rất nhiều cho công cuộc “Giải trừ Huyền thoại Hồ chí
Minh” (Demystifying) đã được phát động từ 7 – 8 năm nay.
Và cuối cùng người viết cũng xin được gửi lời
cảm ơn đến tác giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê cũng như đến Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông
vì sự cống hiến thật đáng ca ngợi này.
San Clemente
California ngày 24 tháng Sáu năm 2014
Đoàn Thanh
Liêm
|
Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014
Giải mã Lãnh tụ: Một đóng góp quan trọng của Trần Đức Thảo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét