THỨ TƯ 18 THÁNG GIÊNG 2012
Vẻ đẹp của Quan Họ cổ truyền xứ Kinh Bắc
Theo UGVF
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, hai đoàn dân ca Quan Họ Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ tới Paris biểu diễn vào những ngày 21 và 22 tới tại Trụ sở UNESCO và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV) (19 phố Albert, quận 13 Paris). Đi cùng các đoàn lần này có các nghệ nhân thuộc dòng Quan Họ cổ truyền xứ Kinh Bắc.
Quan Họ Bắc Ninh là một môn nghệ thuật dân ca rất phổ biến tại Việt Nam. Năm 2009, Quan Họ cổ truyền của xứ Kinh Bắc đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chắc rằng, phần lớn người Việt Nam hay những người hiểu tiếng Việt, đều đã từng nghe không ít lần các làn điệu Quan họ. Tuy nhiên, Quan Họ cổ truyền xứ Kinh Bắc, được công nhận là di sản thế giới, lại là một sinh hoạt nghệ thuật còn ít người biết tới.
Tạp chí Cộng đồng RFI tuần này đưa đến với quý thính giả một số hiểu biết và cảm nhận về gia tài nghệ thuật sắp được trình diễn, qua nhận xét và tâm tình của các chuyên gia và nghệ sĩ. Khách mời của chúng ta là giáo sư âm nhạc dân tộc học Trần Quang Hải (Paris), nghệ sĩ Nguyễn Quý Tráng, phụ trách nhà hát Quan Họ Bắc Ninh, trưởng đoàn Quan Họ Bắc Ninh sẽ sang trình diễn, và nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm, một trong những người sẽ đưa Quan Họ cổ truyền đến với công chúng tại Pháp. Ngoài chương trình nói trên, sẽ có trình diễn Quan Họ tại Lyon và Arcueil ngày 29/01/2012 và ngày 27/1/2011, và tại Đại sứ quán Việt Nam vào ngày 20/01/2012 (để vào xem các buổi biểu diễn cần liên hệ trước để có giấy mời). Buổi trình diễn ngày 22/1 tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp có phần hướng dẫn chi tiết do giáo sư Trần Quang Hải thực hiện, với sự có mặt của hai nghệ sĩ Nguyễn Quý Tráng và Nguyễn Thị Thềm. Cũng tại Trung tâm còn có phần trưng bày với nhiều tư liệu nghe nhìn và các đồ vật gắn liền với thú chơi Quan Họ cổ truyền xứ Kinh Bắc. Trưng bày về Quan Họ Kinh Bắc sẽ mở cửa từ ngày 22/1 đến 22/2/2012 (trừ thời gian CCV nghỉ Tết 1/2 - 8/2).
Chơi Quan Họ : Nhìn nhau mà hát
Mở đầu tạp chí, giáo sư Trần Quang Hải giải thích về một số điều cơ bản để có thể phân biệt được di sản Quan họ cổ truyền với Quan Họ mới.Giáo sư Trần Quang Hải : Có ba loại Quan Họ. Quan Họ làng, hay Quan Họ chay, tức là hát mà không có đệm. Quan Họ đoàn là do những người chuyên nghiệp ở trong 49 làng ở trong tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, tức là xứ Kinh Bắc, và Quan Họ đài, tức là những người ở ngoài vùng đó, được huấn luyện tại các nhạc viện. Lần đầu tiên bên Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật đưa sang Pháp những người hát Quan Họ làng, tức là không có đệm đàn, để cho thấy rằng, đó là cái nguồn gốc. Cái Quan Họ chính thức, truyền thống, có thể nói là khó nghe. Nhưng có điều là bắt đầu từ đó mới sanh ra các loại Quan Họ khác. Quan Họ truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của xứ Kinh Bắc, với những quy định rất là nghiêm túc, khắt khe, đòi hỏi những người hát, như liền anh, liền chị, phải am tường các tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này người ta gọi là thú chơi, chơi Quan Họ, chứ không phải là hát Quan Họ. Chơi Quan Họ chủ yếu là hát đôi giữa liền anh, liền chị, vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Trong Quan Họ truyền thống, thì đôi liền anh, liền chị họ phải nhìn nhau mà hát. Còn trong khi đó, những người hát trên sân khấu là họ nhìn khán giả để hát. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm, làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), là một trong cái nôi của Quan họ vùng Kinh Bắc. Nghệ nhân Thềm là một trong số không nhiều liền chị tiếp tục hát và sống với truyền thống Quan Họ nghìn năm. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm : Cái môn nghệ thuật dân ca Quan Họ này nó rất trữ tình, tình tứ, nói chung là từ các em nhỏ độ 8 đến 10, cho đến các cụ 90 tuổi vẫn ca hát, vẫn xưng là "anh hai", "chị hai"... Quan Họ rất là riêng, mộc mạc, chân tình, nhưng càng nghe thì càng ngấm, càng ngấm và càng say. Ví dụ như, hát Quan Họ truyền thống ở làng chúng tôi chỉ là hát canh đối đáp, ngồi chiếu, bên nữ đối ra, thì bên nam đối lại. Càng nghe về khuya, mới càng ngấm. Hiểu được các lề luật của Quan Họ Bắc Ninh cổ truyền là điều rất cần thiết để có thể thưởng thức được nghệ thuật này. Giáo sư Trần Quang Hải : Trong các luật lệ chánh, nó có ba chặng. Thứ nhất vô là phải hát "lề lối", tức là giọng cổ : "hừ là, là rằng, .. " hay là "ái ả", hay là giọng "kim lang", hay là giọng "cây gạo", tức là những giọng rất là khó, và lại đặc biệt là chú trọng về những kỹ thuật hát, như « nẩy hạt ». Ý nghĩa thứ nhất của chặng này là để mở đầu một canh Quan Họ, để mà « rửa giọng » cho giọng được tốt, để cho người ta thấy rằng, những người hát này là những người nắm vững truyền thống. Bởi vì, nếu không hát các giọng cổ (lề lối), thì không thể coi đó là một canh Quan Họ được. Mà giọng lề lối thì hát nghe không hay lắm, tại vì nghe « ừ, à ». Mấy người trẻ nói sao hát gì mà, tối ngày cứ « í, a, ừ hà, ừ hừ » hoài, không hiểu gì hết. Cái giai điệu trong gian đoạn này nó rất là đơn sơ, chứ không phong phú như trong giọng « vặt ». Khi nào hát xong các bài giọng lề lối đó rồi, thì mới chuyển qua giọng vặt. Mà trước khi đó, thì « bọn » (nhóm) Quan Họ phía nam mới bắt đầu mời « bọn » Quan Họ phía nữ đến nhà, rồi có những màn chào đón, mời ăn trầu ... Mà têm trầu phải têm cánh phượng thật là đẹp, hoặc các loại trầu quý khác để mời nhau ăn trầu, rồi uống trà, rồi bày cỗ ra ăn, … Trong khi ăn, cũng hát đôi chút. Rồi sau khi ăn xong, mới đi vào một canh hát Quan Họ. Chặng hát thứ hai "giọng vặt" là gồm những bài hát hoa lá, nói về tình yêu, nói về cảnh vật, nói về nỗi lòng … Nhiều khi hai bên thương nhau, nhưng hai bên Quan Họ không được quyền lấy nhau. Trong phần giọng vặt đó, bên phía đàn ông muốn tỏ tình thương của họ đối với người đàn bà, nhưng có điều không thể đi vượt quá cái truyền thống đó, thành ra phải âm thầm. Thương thôi chớ không nghĩ tới việc kết thành vợ chồng. Cũng có thể có một vài trường hợp ngoại lệ, nhưng có điều, những người đấy mà lấy nhau rồi, thì phải đi ra ngoài, không được ở trong bọn Quan Họ nữa. Sau cùng, mà hát xong giọng vặt rồi, thì mới tới giọng chót (hay chặng cuối) là giọng « giã bạn ». Tức là từ giã nhau, mà khi từ giã nhau, thì quyến luyến, nhiều khi hát giã bạn tới hai, ba tiếng đồng hồ. Bình thường có thể hát từ 7 giờ tối cho đến 2, 3 giờ khuya. Có những nơi có thể kéo dài hai, ba đêm.
Hát để thương, để nhớ, để say ...
Quan Họ không phải là chỉ là hát đơn thuần. Đi liền với nghệ thuật hát là cả một nghệ thuật sống, đặc biệt là trong tình cảm giữa nam và nữ. Một tình yêu lý tưởng, không chuyển thành hôn nhân, nhưng vẫn có thể đâm hoa, kết trái. Sau đây là các tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm :Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm : Thật ra Quan Họ thì học cũng hát được, và nó cũng gọi là dễ. Nhưng về cái lối chơi Quan Họ thì nó mới là khó. Chơi làm sao, người Quan Họ gọi là « giấy rách, thì giữ lấy lề », phải lịch sự, phải khiêm nhường. Ví dụ như là, nói chuyện với anh hai, với chị hai, thì bao giờ cũng phải « năm thưa, mười gửi » : « Em xin đỡ nhờ anh hai, anh ba, … », kể cả nữ, bên chị hai, nhiều tuổi hơn các anh hai, nhưng vẫn xưng em, và cũng năm thưa mười gửi ... Kể cả, ví dụ như là bên nam cũng thế. Bên nam, kể cả già bảy, tám mươi tuổi, nhưng hát với các chị hai, ví dụ chỉ có bằng 20, 30 tuổi thôi, cũng vẫn xưng là em. Quan Họ rất lịch sự và tinh tế ở chỗ đấy. Ví dụ Quan Họ hát thì không bao giờ nam và nữ được đứng gần nhau. Ngày xưa, đi hát, nam ngồi một bên gian nhà bên này, nữ ngồi một bên gian nhà bên kia. Đèn dầu ở gian giữa, tối không nhìn thấy mặt nhau, nhưng mà say nhau về lời ca tiếng hát. Và có khi rất là lưu luyến nhớ nhung đấy, nhưng mà Quan Họ thì không lấy được nhau. RFI : Thưa chị, cái chị gọi là « say nhau », nhưng không được lấy nhau, thì trong khi mình sinh hoạt như thế, cái tình cảm qua lại nó được thể hiện như thế nào qua nghệ thuật Quan Họ ? Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm : Ví dụ như thế này. Bên nam và bên nữ hát một canh với nhau. Nam một bên, nữ một bên. Có thể có chị hai bên này có cảm tình với anh hai bên kia, nhưng ở đây chỉ là lưu luyến nhớ nhung nhau trong những câu hát thôi. Nói chung là bọn tôi hát rất say. Có khi hát thâu đêm, suốt sáng, quên cả thời gian (…). Say câu hát, cũng không phải chỉ là say câu hát thôi, mà cũng có thể là say tình. Say vì anh kia hát hay, anh kia nhiều câu, nhiều vốn liếng. Nhưng mà, vì bây giờ Quan Họ đã có lời nguyền với nhau rồi, đã « kết chạ » với nhau, coi nhau như anh em một nhà rồi. Quan Họ có lời thề độc, nếu mà lấy nhau, thì sẽ không được sống trọn đời, trọn kiếp với nhau. Có khi yêu vụng, nhớ thầm đấy, về nhà đêm ngủ là cũng bâng khuâng, lưu luyến đấy, nhưng mà chỉ là mong sao là hẹn đến ngày mai, hoặc ngày kia, đến ngày hội để mình được gặp nhau, để mình lại được hát, để được nghe anh ba, anh hai hát, để mình lại đối đáp với nhau. Thắm thiết, nhưng mà chỉ qua lời ca tiếng hát thôi.
Hai mà một
Quan Họ là một sinh hoạt nghệ thuật cổ truyền của vùng Kinh Bắc, rất đặc biệt về lề lối, về các quan hệ giữa các liền anh, liền chị, về những xúc cảm, tâm trạng của họ được gửi gắm qua nội dung các câu hát. Quan Họ hay còn đặc biệt là vì những kỹ thuật hát rất đặc thù. Sau đây là các giải thích của nhà âm nhạc dân tộc học Trần Quang Hải :Giáo sư Trần Quang Hải : Cái đặc trưng trong hát Quan Họ là có "giọng dẫn" và "giọng luồn", tức là giọng chánh và giọng phụ. Hai giọng phải làm sao cho người nghe có cảm tưởng chỉ có một giọng hát mà thôi. Thành ra hai người đó phải luyện tập với nhau hàng chục năm, để cho hai giọng mà chúng ta có cảm tưởng là một. Từ cái đó, mới đẻ ra các kỹ thuật hát riêng của Quan Họ là « Vang, rền, nền, nẩy » (…). Trong tất cả các dân ca Việt Nam, không bao giờ có chuyện hai người hát mà cùng nghe một giọng như vậy (hát cùng giọng hoàn toàn khác với hát cùng một bè - chú thích của người biên tập). Muốn lựa được như thế phải lâu năm. Phải tìm trong nhóm của mình hai người, có thể là một người trẻ, một người lớn tuổi. Hai người phải có cùng một âm vực, phải làm sao lựa, khi nào ngân, lúc nào luyến láy, lúc nào làm rền, ... (…) Tôi có dịp xem ở làng Viêm Xá, thì thấy hai người phụ nữ và hai đàn ông hát với nhau, nhìn nhau, ăn khớp đến mức khi mình nhắm mắt lại thì mình cảm tưởng chỉ có một người hát thôi.
Tình yêu : Sáng tạo và thách thức
Cái hay đặc biệt của Quan Họ không chỉ là hát thành cặp, mà còn thể hiện qua sự đối đáp giữa hai bên nam nữ. Đây là một không khí đặc biệt, khiến Quan Họ trở thành một môi trường rộng mở cho sáng tạo.Giáo sư Trần Quang Hải : Khi hát cái giọng lề lối, bên phụ nữ hát trước, hát mời, rồi người bên kia phải hát đối lại, theo giọng lề lối. Còn về phần giọng vặt, thì nó có cái khác là hát vừa đối lời, vừa đối luôn cả giai điệu, rồi bên đối lại phải sáng tác một điệu khác, nếu bên kia đối không được là bên kia thua. Từ đó mới sáng tạo ra rất nhiều giai điệu Quan Họ. Giai đoạn thứ hai (giọng vặt) là để tạo cho những người nghệ nhân Quan Họ có dịp sáng tác mới qua những lúc tức hứng. Có khi họ sáng tác tại chỗ, có khi sáng tác tại nhà, để đưa ra trong các dịp hát đối, nếu phía bên kia không đối được, thì bên kia thua. Hồi xưa, Quan Họ cổ truyền có rất ít bài bản. Mỗi lần gặp nhau, thì tạo ra thêm một số bài bản mới. Qua năm tháng, số bài càng ngày càng tăng. Trong Quan Họ, có chừng gần 300 bài. 300 bài như thế chứng tỏ rằng Quan Họ có rất nhiều sáng tác, điều này tạo cho Quan Họ một chỗ đứng biệt lập trong kho tàng dân ca Việt Nam. Trở lại những tương giao giữa các liền anh, liền chị, đối với nghệ sĩ Nguyễn Quý Tráng, chính cái tình cảm tha thiết giữa người nam và người nữ, không kết thúc trong hôn nhân, có thể là cơ sở cho sự nảy nở một tình yêu trọn vẹn trong nghệ thuật : Nghệ sĩ Nguyễn Quý Tráng : Trước đây, theo quy định của Quan Họ các cụ đặt ra, thì Quan Họ làng A không lấy Quan Họ làng B, thì người ta bị quy định bởi cái đấy, cho nên cái sức sáng tạo trong Quan Họ, thì tôi nghĩ rằng, cũng vì cái cấm đoán ấy mà nó trở thành rất nhanh nhậy trong lời ca của Quan Họ. Nếu mà không có sự cấm đoán ấy, thì cái Tình Yêu chưa chắc đã đẹp được đến như thế. Còn bây giờ, thì có thể thông qua sự giao duyên, thông qua tiếng hát của Quan Họ, thì cá thể con người nam, nữ thời đại ngày nay, người ta có thể yêu nhau, người ta có thể đến kết duyên với nhau, thì điều này vẫn có thể có. Và tôi cho rằng, đấy cũng là một cái để gây ra cảm xúc cho thanh niên thế hệ thời nay. Xin chân thành cảm ơn giáo sư Trần Quang Hải, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm và Nghệ sĩ Nguyễn Quý Tráng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét