Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Thoát khỏi áp lực Trung Quốc bằng cách nào?






Thoát khỏi áp lực Trung Quốc bằng cách nào?


Trung Quốc điều động đủ loại tàu lớn nhỏ đến bảo vệ giàn khoan HD 981
Trung Quốc điều động đủ loại tàu lớn nhỏ đến bảo vệ giàn khoan HD 981
AFP
Hiện nay, Trung Quốc đã thực sự gây áp lực rất lớn trong việc việc tạo ra nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông, điều này đã khiến các nhà lãnh đạo hết sức lo lắng. Thực tế đó ra sao và phải làm thế nào để thoát khỏi các áp lực đó từ TQ trên Biển Đông?
Tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu lãnh hải của VN sau hơn một tháng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Cần một sự lựa chọn dứt khoát
Với thái độ ngày càng cứng rắn hơn Trung Quốc đẩy Việt Nam vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, trong khi đó phía VN vẫn hết sức nhũn nhặn và kiềm chế. Vì sợ rằng một khi căng thẳng chính trị leo thang sẽ tạo ra nhiều tác động tiêu cực cho các quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Nhận định về quan điểm của lãnh đạo Việt Nam hiện nay trong vấn đề Biển Đông, TS Đinh Hoàng Thắng cựu Đại sứ VN tại Hà lan cho rằng cần thấy căn nguyên của quan hệ Việt-Trung nói chung và vụ việc giàn khoan HD-981 là cả một tiến trình lâu dài từ xưa đến nay và nói như Nguyễn Trãi thì “Họa phúc đâu chỉ một buổi”.
Theo ông lịch sử quan hệ VN-TQ đa phần là xung đột, nhưng chủ trương của người Việt luôn là hòa hiếu, chỉ khi nào một khi sự kiên nhẫn không còn thì người Việt Nam mới chấp nhận xảy ra chiến tranh. Nhưng kết thúc mọi cuộc chiến tranh thì lập tức hòa hiếu trở lại. Do vậy sự mềm mỏng của chính quyền VN trong vấn đề Biển Đông hiện nay là một việc làm hợp lý.
Từ Hà nội, TS Đinh Hoàng Thắng nói với chúng tôi:
Chính sách đối ngoại của VN muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới đã phá sản trong giai đoạn hiện nay, vì thế giới đang có xu hướng trở về lưỡng cực giữa hai nhóm đại diện cho quyền lợi của Mỹ-EU và một nhóm đại diện cho quyền lợi của Nga-Trung
Nhà báo, LS. Vũ Đức Khanh
“Cầm cự một tháng như thế mà vẫn không rơi vào bẫy khiêu khích của TQ, vì TQ chỉ muốn VN nổ một phát súng đấy là cái điều mà TQ khát khao cháy bỏng. Nhưng VN rất kiên cường nhưng không rơi vào bẫy khiêu khích của TQ. Điều đó cho thấy rằng dễ gì mà lãnh đạo VN không tiên liệu được trước ”


Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ và Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam là Tướng Phùng Quang Thanh tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á. 31 tháng 5, 2014. AFP

Tổng Trưởng Quốc Phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ và Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam là Tướng Phùng Quang Thanh tại Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á. 31 tháng 5, 2014. AFP


Nhà báo, LS. Vũ Đức Khanh thấy rằng: chính sách bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc đây không phải là vấn đề mới, mà đây là hậu quả do sự sai lầm của chính sách đối ngoại phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga của Việt Nam. Nên đến lúc này trên thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam đã hết sức cô độc không có đồng minh. Theo ông Việt Nam hiện nay không chỉ chịu áp lực từ phía Trung Quốc mà còn chịu các áp lực khác từ quốc tế, trong bối cảnh quan hệ quốc tế đang dần dần hình thành thế lưỡng cực. Điều đó đỏi hỏi Việt Nam cần có một sự lựa chọn dứt khoát hoặc một sự trung lập một cách rõ ràng, tránh sự lập lờ như hiện nay.
Từ Canada, Nhà báo, LS. Vũ Đức Khanh nói với chúng tôi:
“Chính sách đối ngoại của VN muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới đã phá sản trong giai đoạn hiện nay, vì thế giới đang có xu hướng trở về lưỡng cực giữa hai nhóm đại diện cho quyền lợi của Mỹ-EU và một nhóm đại diện cho quyền lợi của Nga-Trung”.
Đã tới lúc không thể chần chờ
Trả lời câu hỏi Việt Nam cần phải làm gì để đối phó, đồng thời để thoát ra các áp lực hiện nay của Trung Quốc, Nhà báo, LS. Vũ Đức Khanh thấy rằng trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay, nếu khôn khéo thì sự kiện giàn khoan sẽ có ý nghĩa tích cực. Và nếu lãnh đạo Việt Nam tỉnh táo thì sẽ có thể tạo ra một bước ngoặt cho Việt Nam, đó là vấn đề phải Thoát Trung.  Theo ông nếu Việt Nam đổi mới theo hướng dân chủ, tiến bộ sẽ tạo đà cho đất nước phát triển và đó cũng là giải pháp về lâu dài để thoát Trung. Nếu làm được điều này hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ thay đổi, thế giới khi thấy Việt Nam thay đổi theo hướng dân chủ, họ sẽ hết lòng ủng hộ giúp đỡ Việt Nam, kể cả trong vấn đề Biển Đông.
Từ Canada LS. Vũ Đức Khanh nói:
“Độc đảng thì không có một quốc gia nào trên thế giới ủng hộ VN, cho nên giải cái bài toán VN hiện tại trước hết là giải quyết bài toán của chế độ, tức là giải quyết tận gốc rễ vấn đề của chế độ để giải quyết vấn đề tự do dân chủ hóa đất nước. Nếu giải quyết vấn đề tự do dân chủ hóa đất nước thì có thể huy động được tổng lực của toàn dân. Một khi có thể huy động được tổng lực của toàn dân thì chúng ta không ngại gì với việc đối phó sức ép của TQ”
Thứ nhất lãnh đạo VN phải có sự thay đổi trong việc nhìn nhận vấn đề, thứ hai là phải thực thi các bước đi làm sao để tránh một cuộc chiến tranh có thể nổ ra. Vì già néo sẽ đứt dây, mà người già néo ở đây thì chỉ có các lãnh đạo VN
ông Đặng Xương Hùng
Ông Đặng Xương Hùng một nhà ngoại giao cho rằng: chiến tranh trên Biển Đông là điều không thể xảy ra, vì đối với lãnh đạo Đảng CSVN điều đó là nguy cơ sụp đổ của chế độ.  Theo ông lãnh đạo Việt Nam cần thay đổi chính sách đối ngoại và cần có các hành động cụ thể, như việc kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế là việc cần phải làm ngay, để tạo lòng tin, cũng như để VN  có thể tham gia một liên minh mang tính tập thể với nhiều quốc gia khác để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Từ Thụy sĩ, ông Đặng Xương Hùng nói với chúng tôi:
“Thứ nhất lãnh đạo VN phải có sự thay đổi trong việc nhìn nhận vấn đề, thứ hai là phải thực thi các bước đi làm sao để tránh một cuộc chiến tranh có thể nổ ra. Vì già néo sẽ đứt dây, mà người già néo ở đây thì chỉ có các lãnh đạo VN”.
Theo báo VnExpress thì chuyên gia phân tích James Holmes của báo The Diplomat nhận định cho rằng Trung Quốc trước hết cần chấm dứt hoạt động thăm dò vi phạm luật quốc tế, rồi có thể học theo mô hình Hiệp ước nghề cá Nhật Bản - Đài Loan, để cùng các nước Đông Nam Á hợp tác khai thác phát triển tài nguyên, hải sản trên khu vực chồng lấn thuộc vùng đặc quyền kinh tế song phương ở Biển Đông, nhưng sẽ không đề cập đến tuyên bố chủ quyền. Điều đó giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang và những căng thẳng không cần thiết trên Biển Đông trong lúc này. Nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro chính trị thông qua thúc đẩy hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi, đáng để các nước vận dụng.
TS Đinh Hoàng Thắng thấy rằng trong cái rủi có cái may, đây là lúc Việt Nam phải có sự tính toán lại toàn bộ chiến lược trong quan hệ ngoại giao của mình đối với các quốc gia khác. Đồng thời Việt Nam cần phải gióng lên tiếng chuông cho thế giới thấy bộ mặt thật trong chính sách độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đây là nguy cơ không chỉ riêng đối với Việt Nam. Quan trọng nhất là không để chiến tranh trên Biển Đông nổ ra.
TS Đinh Hoàng Thắng nói với chúng tôi:
“Nhưng mà cái khó nhất của người VN trong lúc này là làm thế nào không để lịch sử lặp lại cái bài học vinh quang và cay đắng của thế kỷ 20. Tức là biến VN trở thành một chiến địa của những học thuyết, nhưng tham vọng của nước lớn. VN không được lặp lại những cái đó nữa, mình phải làm thế nào mình phải minh triết, vừa bảo vệ được quyền lợi sinh tồn của mình vừa không rơi vào cái bẫy ”.
Với mọi quốc gia, hòa bình để phát triển đất nước là điều cần thiết, nhưng chủ quyền quốc gia là điều quan trọng hơn cả. Không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy thứ hòa bình có điều kiện trong sức ép của kẻ thù, vì đó thực chất là một sự đầu hàng không thể chấp nhận được.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét