Chiến lược tối hậu của Mỹ để kiềm chế Trung Cộng
Trong khi khái niệm Không - Hải Chiến (ASB) vẫn còn
nhiều mâu thuẫn và mơ hồ thì chiến lược “phong tỏa từ xa” có thể xem là giải
pháp tối ưu cho Mỹ để kiềm chế Trung Cộng, theo một bài phân tích trên trang
National Interest (Mỹ) mới đây.
Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Cộng đã
làm thay đổi hệ thống quốc tế và trực tiếp thách thức vai trò truyền thống của
Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt trong thời điểm Mỹ đang phải đối phó với
các vấn đề ngân sách, hai cuộc chiến kéo dài chưa có hồi kết và sự chia rẽ
chính trị trong nước.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã công bố
chiến lược “tái cân bằng” để trấn an các đồng minh và đối tác, đồng thời truyền
tải thông điệp Mỹ sẽ không bỏ qua những lợi ích lâu dài và vai trò cường quốc
Thái Bình Dương của mình. Nhưng cho đến thời điểm hiện nay, Mỹ vẫn chưa có một
tuyên bố chiến lược quân sự rõ ràng, trong đó nêu rõ vai trò của quân đội Mỹ
đối với việc duy trì an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Mặc dù chiến tranh giữa Trung Cộng và Mỹ, Nhật hay Ấn
Độ là rất khó xảy ra, nhưng cả Washington và Bắc Kinh đều hiểu rằng sức mạnh
đang trỗi dậy và quyền lực thống trị về lâu dài có thể sẽ xung đột lẫn nhau.
Ngoài ra, lịch sử Thế chiến I đã chứng minh rằng ngay cả các nước có quan hệ
kinh tế chặt chẽ với nhau vẫn có thể đi đến chiến tranh.
Nhưng kinh nghiệm từ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên
Xô cho thấy xung đột trên thực tế là một sự lựa chọn, vì thế nó vẫn có thể được
ngăn chặn. Trong đó, giá trị răn đe của các lực lượng vũ trang NATO và một
tuyên bố chiến lược quân sự rõ ràng là yếu tố cực kỳ quan trọng để chặn đứng
nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, theo National Interest.
Giá trị răn đe của Không - Hải Chiến?
Được soạn thảo bởi Trung tâm Đánh giá Chiến lược và
Ngân sách (CSBA) của Mỹ hồi năm 2010, khái niệm Không - Hải Chiến (ASB) đã mặc
nhiên công nhận rằng trong trường hợp xảy ra cuộc chiến "khó tin" với
Trung Cộng, quân đội Mỹ sẽ tấn công phủ đầu các hệ thống trinh sát và phòng
không hợp nhất của Trung Cộng. Tiếp theo sau đó là chiến dịch đánh bom hạng
nặng nhằm vào các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa đối hạm trên mặt đất của
Trung Cộng để "chiếm lĩnh và duy trì thế chủ động trên không, trên biển và
không gian mạng".
Ngay sau khi công bố, ASB đã gây nhiều tranh cãi. Các
nhà phê bình chủ yếu chia thành hai phe, một bên cho rằng đó là sự khiêu khích
không cần thiết, và một bên xem đó chỉ đơn giản là cái cớ để giành phần lớn
ngân sách quốc phòng cho Hải quân và Không quân trong thời điểm cạnh tranh khốc
liệt vì chi tiêu quân sự bị cắt giảm nghiêm trọng.
Theo nội dung bài phân tích trên trang National
Interest thì khái niệm Không – Hải Chiến vừa mang tính khiêu khích lại vừa
không hiệu quả.
Đầu tiên là sự khiêu khích nguy hiểm, vì Quân đoàn
Pháo binh số 2 của Trung Cộng chẳng những kiểm soát kho tên lửa quy ước mà còn
kiểm soát luôn cả kho vũ khí hạt nhân. Một cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào lực
lượng tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Cộng có thể đẩy cuộc xung đột đến
ngưỡng không thể kiểm soát.
Thứ hai là không khả thi, vì ASB cho rằng chỉ cần sử
dụng một số lượng giới hạn các nguồn lực quân sự của Mỹ là đủ để chống lại sức
mạnh của Trung Cộng bao gồm cả mạng lưới phòng không dày đặc đầy uy lực của
nước này. Tài liệu của CSBA đã tính toán cả những năng lực cần thiết để phát
hiện và tiêu diệt các hệ thống tên lửa cơ động của Trung Cộng.
Đây được xem là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Cụ thể
trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991, Mỹ đã hoàn toàn thất bại trong nhiệm
vụ này.
Chiến đấu cơ Mỹ
Theo báo cáo điều tra của Không quân Mỹ trong cuộc
chiến vùng Vịnh, Không lực Liên quân mặc dù đã phát hiện 42 vụ phóng tên lửa
Scud của Iraq nhưng chỉ có thể can thiệp kịp thời được 8 vụ. Đó là trong trường
hợp người Iraq phóng tên lửa từ địa hình sa mạc trống trải và quân đồng minh
chiếm ưu thế tuyệt đối trên không với hàng trăm chiến đấu cơ hoạt động tự do.
Với hàng ngàn phi vụ của không quân, lực lượng mặt đất
và hệ thống tình báo quốc gia, Liên quân đã thất bại trong nhiệm vụ triệt hạ
một hệ thống cần ít nhất 30 phút để dựng lên, tiếp nhiên liệu và phóng.
Như vậy có thể nói nhiệm vụ “xuyên thủng” mạng lưới
phòng thủ dày đặc ở duyên hải Trung Cộng là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt các hệ
thống phóng tên lửa cơ động có thể ẩn nấp trong các kho chứa, công trình xây
dựng, hang động và đường hầm. Và chúng cũng có thể được ngụy trang thành xe dân
sự khi di chuyển.
Ngoài ra còn một lý do khác là hệ thống nhiên liệu rắn
cần ít thời gian chuẩn bị hơn so với loại Scud dùng nhiên liệu lỏng. Đó là chưa
kể hàng trăm chiến đấu cơ của Mỹ phải thay phiên túc trực trên không phận tác
chiến của Trung Cộng để tìm kiếm cơ hội. Và ngay cả khi có cơ hội thì phi công
Mỹ cũng chỉ có được vài phút để khai hỏa.
Tuy nhiên, điều nguy hiểm thật sự của ASB là thiếu giá
trị răn đe. Trong khi ASB phải phụ thuộc vào các hệ thống vệ tinh và không gian
mạng, thì Bắc Kinh cũng tự tin là họ có thể làm suy yếu các hệ thống này, chỉ
cần vừa đủ để làm tê liệt khả năng của ASB. Rõ ràng Trung Cộng đủ khả năng để
phát động các cuộc tấn công “cứng” và “mềm” nhằm vào các vệ tinh và không gian
mạng. Ít nhất, các vụ xâm nhập hệ thống mạng của Mỹ là những minh chứng.
Hơn nữa, Bắc Kinh cũng có thể tin rằng Mỹ không thể
“kham” nổi ASB, hoặc ít nhất, sẽ không triển khai trong thập niên tới hoặc hơn
nữa. Một khái niệm tác chiến dễ bị tổn thương sẽ ít có giá trị răn đe.
Ngoài ra ASB còn có điểm yếu về mặt chiến lược là gây
cảm giác lo ngại cho các đồng minh của Mỹ nhiều hơn là cho đối thủ tiềm năng.
Đó chính là sự nhầm lẫn giữa khái niệm của CSBA và ASB của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Sau khi CSBA công bố khái niệm của mình, Lầu Năm Góc
đã nhiều lần tuyên bố nó không đại diện cho chính sách của Mỹ. Cả Tham mưu
trưởng Hải quân và Tham mưu trưởng Không quân đều tuyên bố ASB không phải là
chiến lược của Mỹ và không nhằm vào Trung Cộng.
Tuy nhiên, Hội đồng Tham mưu Liên quân sau đó đã công
bố tài liệu Khái niệm triển khai các chiến dịch hỗn hợp (JOAC), trong đó đưa ra
học thuyết xâm nhập và hoạt động trong môi trường chống tiếp cận/khu vực cấm
(A2/AD) và sử dụng nhiều ý tưởng từ tài liệu của CSBA. Ngoài ra, Lầu Năm Góc
cũng đã thành lập một Văn phòng ASB.
Hầu hết công nghệ trong ASB thực tế của Bộ Quốc phòng
đều xếp loại tuyệt mật. Ngay cả các quan chức hàng đầu của Mỹ cũng không thể
thảo luận với các đồng minh thân cận của mình. Vì thế có thể nhiều đồng minh
của Mỹ cho rằng ASB sẽ được thực hiện theo mô hình của CSBA, và có thể bắt đầu
ngay lập tức các cuộc tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ Trung Cộng.
Mỹ có thể yêu cầu các đồng minh cung cấp căn cứ nhưng
lại không cho họ biết rõ ý định của mình. Rõ ràng, các đồng minh của Mỹ có lý
do để lo ngại nếu Trung Cộng xem các cuộc tấn công đó là xuất phát từ lãnh thổ
của họ, và sẽ trả đũa.
Chiến lược “phong tỏa từ xa”
Theo nhận định của bài phân tích trên trang National
Interest thì chiến lược "phong tỏa từ xa" sẽ hiệu quả và ít tốn kém
hơn so với khái niệm ASB trong một cuộc xung đột thông thường với Trung Cộng.
“Phong tỏa từ xa” hay “kiểm soát ngoài khơi” có nghĩa
là Mỹ và đồng minh sẽ thiết lập một vòng
tròn đồng tâm, trong đó chặn đứng khả năng sử dụng vùng biển bên trong chuỗi
đảo thứ nhất của Trung Cộng, bảo vệ lãnh hải và không phận của các quốc gia nằm
trong chuỗi đảo, và thống trị trên không và không gian biển bên ngoài.
Chiến lược này chủ yếu tận dụng lợi thế địa lý của Mỹ
và đồng minh trong khu vực đểphong tỏa các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu
quan trọng của Trung Cộng, qua đó làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế của nước
này.
Quan trọng nhất là Mỹ và đồng minh sẽ không phát động
các cuộc tấn công nhằm vào Trung Cộng đại lục, vì các chiến dịch như vậy có thể
đẩy cuộc xung đột đến ngưỡng chiến tranh hạt nhân, và do đó khó chấm dứt hơn.
Thay vào đó sẽ thiết lập một mạng lưới phòng thủ hợp nhất trên biển, trên không
và trên mặt đất bên trong chuỗi đảo thứ nhất để đạt được lợi thế chiến thuật
lớn đầu tiên trước lực lượng Trung Cộng.
Điều này sẽ phát huy thế mạnh của lực lượng đồng minh,
trong đó chủ yếu tấn công bằng tàu ngầm, thủy lôi, tên lửa hành trình và một số
lượng giới hạn phi vụ không quân bên trong chuỗi đảo thứ nhất. Khu vực này sẽ
được tuyên bố là vùng đặc quyền hàng hải với những cảnh báo rằng tàu Trung Cộng
trong khu vực sẽ bị tịch thu hoặc bị đánh chìm. Bất kỳ tài sản quân sự nào của
Trung Cộng bên ngoài giới hạn 12 hải lý của đại lục đều sẽ bị tấn công.
Chiến lược này sẽ lật ngược những lợi thế A2/AD của
Trung Cộng sang tay lực lượng đồng minh. Trung Cộng buộc phải tham chiến trên
“sân khách” trong khi Mỹ và đồng minh chiến đấu bên trong vành đai phòng thủ
hợp nhất trên lãnh thổ của mình.
Nếu Mỹ quản lý tốt các liên minh thì Trung Cộng sẽ bị
cô lập trong hầu hết các kịch bản nói trên.
Các đảo nhỏ từ Nhật Bản đến Đài Loan đến Luzon và eo
biển Malacca sẽ đóng vai trò là những căn cứ mặt đất cho Không quân và Hải quân
đồng minh tổ chức phòng thủ và lấp đầy các khoảng trống bên trong chuỗi đảo thứ
nhất.
Đặc biệt, Mỹ không được sử dụng các căn cứ của đồng
minh để tấn công các lực lượng Trung Cộng. Thay vào đó chỉ yêu cầu các quốc gia
này cho phép Mỹ đặt hệ thống phòng thủ của mình để giúp họ bảo vệ lãnh thổ.
Ngoài ra, Mỹ còn có thể triển khai lực lượng hộ tống các đoàn xe chở hàng nhập
khẩu và xuất khẩu quan trọng nếu chúng bị Trung Cộng tấn công.
Việc chặn đứng nguồn nhập khẩu năng lượng của Trung
Cộng sẽ làm suy yếu nhưng không làm tê liệt nền kinh tế Trung Cộng. Vì nước này
có thể đã và đang thực hiện kế hoạch giảm tác động của một cuộc phong tỏa nguồn
năng lượng.
Nhưng xuất khẩu lại có tầm quan trọng lớn hơn đối với
nền kinh tế Trung Cộng. Bắc Kinh có thể đối phó bằng cách thay đổi các tuyến
hải trình, nhưng tất cả đều phải đi qua chuỗi đảo thứ nhất. Ngay cả khi Trung
Cộng quản lý được một phần của chuỗi đảo, thì Mỹ và đồng minh vẫn có thể sử
dụng các “nút cổ chai” xa hơn như eo biển Malacca, Lombok, Sunda và các tuyến
đường phía nam của Úc. Về phía đông, Mỹ cần kiểm soát kênh đào Panama và eo
biển Magellan, và có thể cả các tuyến hải trình qua ngã Bắc cực.
Biện pháp đối phó hiệu quả nhất của Trung Cộng để phá
vỡ thế cô lập là xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động trên
khắp thế giới, hoặc sử dụng các tuyến đường bộ thay thế.
Nhưng xây dựng năng lực hải quân lại khó thành công
trong ngắn hạn và lại quá tốn kém. Trong thập niên qua, Trung Cộng đã phải đầu
tư đến hàng trăm tỷ USD nhưng vẫn chưa theo kịp các cường quốc hải quân khác.
Còn việc sử dụng các tuyến đường bộ thì hầu như không
khả thi. Cụ thể trong năm 2012, khối lượng xuất khẩu bằng đường biển của Trung
Cộng lên đến 9,74 tỷ tấn hàng hóa. Nếu sử dụng đường bộ thì đồng nghĩa với
khoảng 1.000 đoàn tàu mỗi ngày trên hai tuyến đường sắt liên kết Trung Cộng và
châu Âu.
Cùng phát triển hay bị “cô lập”
Hiện nay Mỹ đã có đủ năng lực để triển khai chiến lược
phong tỏa từ xa bất kỳ thời điểm nào. Đây là một lợi thế rất lớn nếu so với
khái niệm ASB phải dựa vào các công nghệ quốc phòng bí mật và tốn kém.
Thách thức an ninh quan trọng nhất đối với Mỹ và các
đối tác Thái Bình Dương là khuyến khích Trung Cộng tiếp tục tăng trưởng và hội
nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, đồng thời ngăn chặn nước này sử dụng vũ
lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Thay vì tấn công “niềm tự hào” của Trung Cộng là mạng
lưới phòng không dày đặc và kho tên lửa loại “khủng”, chiến lược phong tỏa từ
xa chỉ đơn giản là dùng quân sự để gây áp lực kinh tế. Khi phải đối mặt với mối
đe dọa sụp đổ kinh tế, giới lãnh đạo Trung Cộng nhiều khả năng sẽ phải mặc cả.
Chiến lược này về mặt lý thuyết có thể không dẫn đến
một chiến thắng quyết định về mặt quân sự, nhưng chắc chắn nó sẽ cung cấp một
lộ trình thực tế hơn cho hòa bình và thực dụng hơn để hòa giải.
Ngoài ra, khi theo đuổi chiến lược này, Washington có thể đảm bảo với
các đồng minh của mình rằng nước Mỹ có đủ ý chí và năng lực để tham gia một
cuộc đối đầu quân sự. Đồng thời thuyết phục Bắc Kinh hiểu rằng sự đối đầu giữa
các cường quốc là một lựa chọn tồi, vì đơn giản là chi phí chiến tranh quá tốn
kém.
Ngược lại, sự hợp tác giữa các cường quốc có thể mang
lại lợi ích tối đa cho Trung Cộng, Mỹ và phần còn lại của thế giới, theo
National Interest.
Nguyên Giang
Chiến tranh bắt đầu từ trên không gian.
http://baomai.blogspot.com/2012/03/chien-tranh-bat-au-tu-tren-khong-gian.html
image
|
Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014
Chiến lược tối hậu của Mỹ để kiềm chế Trung Cộng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét