Ủy viên Quốc vụ TQ sang Việt Nam Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ có cuộc họp tại Hà Nội hôm thứ Tư giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng vì diễn biến giàn khoan. Ông Dương đã đến Hà Nội hôm thứ Ba và sẽ họp với phía Việt Nam vào thứ Tư. Chức Ủy viên Quốc vụ cao hơn vị trí bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc, nắm thực quyền về chính sách ngoại giao của nước này.
Ông Dương Khiết Trì tại Hà Nội ngày 17/6
Trước đó tin này đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình xác nhận tại họp báo ở Hà Nội hôm 16/6 và nói thêm ông Dương sẽ gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ông Bình được trang tin BấmVietNamNet dẫn lời nói:
"Theo chúng tôi biết, ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam.
"Đây là cuộc gặp của hai chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc.
"Trong các chủ đề thảo luận, tôi tin vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chắc chắn sẽ được bàn đến."
Ông Bình cũng nói Việt Nam luôn "hết sức kiên trì trao đổi, tìm mọi kênh thông tin kênh trao đổi đối thoại với Trung Quốc để giải quyết hòa bình vấn đề căng thẳng ở Biển Đông" và nói thêm:
"Cuộc gặp hai chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương chắc chắn là một kênh, một sự kiện hai bên có thể thảo luận vấn đề tìm giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông."
Hãng tin AP dẫn lời Tân Hoa Xã nói ông Dương và ngoại trưởng Việt Nam đã điện đàm hồi tháng Năm và ông Dương nói với ông Minh rằng Việt Nam cần ngưng quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.
'Chứng sinh ở Hoàng Sa'?
Tại họp báo quốc tế diễn ra hôm 16/6 ở Hà Nội, các quan chức Việt Nam cũng mạnh mẽ chỉ trích các tuyên bố của Trung Quốc.
Việt Nam nói cuộc họp báo nhằm bác bỏ “những luận điệu sai trái” gần đây của Trung Quốc.
Trong các ngày 8 và 9/6, Trung Quốc đã cho công bố tài liệu tiêu đề tác nghiệp ở giàn khoan Hải Dương-981, yêu cầu Liên Hiệp Quốc phổ biến cho các nước thành viên.
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia Việt Nam, tuyên bố các tài liệu chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa là “không có cơ sở” và “suy diễn tùy tiện”.
Ông cũng phủ nhận tuyên bố của Trung Quốc về chuyện chính quyền Pháp đã từng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với Tây Sa, tức Hoàng Sa:
"Ý kiến đó của Trung Quốc là hoàn toàn bịa đặt. Sau khi Pháp vào Việt Nam, thay mặt chính quyền Việt Nam, Pháp thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
"Việc thực hiện quản lý hành chính của Pháp đối với Hoàng Sa ở mức độ rất cao.
"Pháp đã có cơ quan hành chính đặt tại Hoàng Sa, thậm chí cơ quan hành chính này cấp giấy chứng sinh cho công dân Việt Nam sinh ra tại quần đảo Hoàng Sa, đây là mức độ quản lý hành chính rất cao trong quản lý hành chính của Pháp.
"Trong thời kỳ đó, Pháp đã nhiều lần phản đối hành động của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có nhiều công hàm gửi cho Trung Quốc phản đối hành động của Trung Quốc, thậm chí Pháp đã đề nghị đưa vấn đề ra giải quyết tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng Trung Quốc đã từ chối," ông Hải nói.
Còn ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam, thì bác bỏ cáo buộc của Trung Quốc rằng các tàu Việt Nam đã “đâm húc 1547 lần” vào tàu Trung Quốc.
“Chúng tôi bác bỏ thông tin sai lệch phi lý trên,” ông Thu nói.
“Chỉ có Trung Quốc chủ động đâm va Việt Nam làm nhiều tàu Việt Nam hư hỏng. Hiện đã có 15 kiểm ngư viên và một số ngư dân bị thương.”
Ông Thu cũng tuyên bố Việt Nam có “bằng chứng không thể chối cãi” rằng Trung Quốc đã đưa tàu chiến và máy bay đến hiện trường.
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, nhấn mạnh: “Hiện nay chưa có bất kỳ trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc như phía Trung Quốc đưa tin.”
Không rõ cuộc họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Trung Quốc sẽ tạo ra đột phá gì không trong lúc quan hệ Việt – Trung vô cùng căng thẳng.
------------------------------- |
Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014
Ủy viên Quốc vụ TQ sang Việt Nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét