Ngư dân Đà nẵng nói
về biển Đông
Nhóm phóng viên
tường trình từ Việt Nam
2014-06-09
Với ngư dân, đặc biệt là ngư dân ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng, biển Đông và ngư trường Hoàng Sa là cái nôi sinh sống, là nguồn tồn tại được lưu truyền từ nhiều đời để mỗi khi ra khơi, ngư dân lại háo hức, mơ mộng về những chuyến tàu đầy ắp cá tôm, một mùa lưới bội thu… Nhưng đó là chuyện đã xưa cũ, hiện tại, những con cá mập sắt của Trung Quốc đang là mối đe dọa kinh hoàng đối với ngư dân.
Kiếp nạn trên biển
Anh Vĩnh, một ngư dân quận Thanh Khê, Đà Nẵng, cho biết: “Thì không được lại gần giàn khoan thôi, thì cảnh sát biển của mình còn không tới gần thì huống gì tàu cá của mình. Thì nó cắm giàn khoan trên biển của mình, cách Lý Sơn 90km chi đó, nó đâu cho mình lại gần, trong vòng bán kính 11 hải lý là nó không cho tới gần, tới là nó đâm, nó ví chạy vậy đó, tàu mình là tàu nhỏ, tàu nó là tàu lớn mà!”
Theo anh Vĩnh, chưa năm nào thời tiết và đời sống lại khắc nghiệt như năm nay, ngư dân phải đối diện với ba kiếp họa cùng một lần, đó là kiếp họa giá thị trường, kiếp họa nhà buôn Trung Quốc và kiếp họa bị nhấn chìm trên biển.
Ở kiếp họa thứ nhất là giá thị trường, anh Vĩnh nói rằng giá xăng dầu tăng mỗi lúc một cao, trong khi đó, nếu như trước đây ra khơi chỉ cần chạy tốc độ trung bình từ sáu đến chín hải lý trên mỗi giờ. Với tốc độ này, tàu sẽ ít hao tốn xăng dầu. Nhưng hiện tại, mỗi khi ra ngư trường Hoàng Sa, phải chạy ở tốc độ cao nhất có thể được khi đi ra để đảm bảo an toàn và đánh bắt vào buổi tối, đánh bắt xong là lo cuốn lưới, thu dọn, cuống cuồng quay về để phòng tàu Trung Quốc bắt gặp. Một khi chạy với tốc độ bất thường như thế sẽ tốn nhiên liệu vô cùng.
Bên cạnh đó, mọi thứ nhu yếu phẩm và dược phẩm mang theo trên tàu cũng rất đắt đỏ trong lúc này. Chưa cần nói chi đến bị đâm chìm tàu mà chỉ bị rượt đuổi liên tục trong vài ngày, không bủa lưới được, lương thực cạn dần, xăng dầu dự trữ cũng vơi thì chuyện thua lỗ tiền tỉ rõ dần trước mắt. Nhưng đáng sợ nhất là Trung Quốc ít khi nào rượt đuổi tàu mới ra khơi, chúng để ý và đợi cho việc đánh bắt được hai phần ba chặng đường thì bắt đầu rượt đuổi, lúc đó không kịp cuốn lưới, cá cũng không kịp thu hoạch và nếu đầy cá thì chúng sẽ húc liên tục cho đến khi nào chìm tàu mới bỏ đi.
Kiếp họa thứ hai là nhà buôn Trung Quốc, có một nghịch lý là ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc hành hạ, ám hại nhưng khi hải sản vào bờ, lại phải chấp nhận bán cho nhà buôn Trung Quốc mới có hy vọng lấy được vốn hoặc kiếm lãi. Vì hiện tại, các thị trường màu mỡ của Việt Nam từ hải sản cho đến hoa quả, phế liệu, cao cấp hơn là khoáng sản đều nằm trong tay người Trung Quốc. Chính vì thế, dù có không muốn thì đa phần ngư dân đều phải thụ động bán sản phẩm cho nhà buôn Trung Quốc.
Chỉ vài tuần trở lại đây, ngư dân Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung mới đoạn tuyệt với nhà buôn Trung Quốc. Nhưng khi quyết định đoạn tuyệt với họ, một bài toán hóc búa mới lại xuất hiện, đó là nếu không bán cho nhà buôn Trung Quốc thì bán cho ai với sản phẩm trong tay đang dần hư hỏng một khi nhà buôn các nước khác đã không thèm chơi với thị trường Việt Nam bởi nó đã Trung Quốc chiếm hữu, độc quyền.
Còn kiếp họa bị nhấn chìm trên biển, nếu như trước đây, chỉ riêng chuyện thời tiết khắc nghiệt, sóng gió thất thường không thôi đã làm cho ngư dân điêu đứng. Hiện tại, khi xuất bến, ngư dân thắp nhang khấn vái trời yên bể lặng và khấn Đức Thánh Trần thương tình phù hộ cho ngư dân khỏi gặp bọn hải tặc trá hình nhà nước có tên ‘tàu hải giám Trung Quốc’. Anh Vĩnh nhấn mạnh, suy cho cùng, hải tặc chỉ cướp và giết khi mình có tài sản và chống đối, đằng này không những cướp giết mà chúng còn nhấn chìm khi mình đã bỏ chạy. Chúng còn tệ hơn hải tặc rất nhiều.
Có chồng nghề biển hồn treo cột buồm
Với những ngư dân, việc gặp phải nhiều kiếp nạn trên biển làm họ đau đầu thì với vợ con, người thân của các ngư dân, những kiếp nạn tiềm ẩn trên biển mà chồng, cha, anh của họ phải gặp luôn làm họ mất ngủ, bất an, thậm chí có người bị suy tim vì lo lắng.
Chị Thương, vợ của một ngư dân đánh bắt xa bờ, hiện đang sống tại Thanh Khê, Đà Nẵng, chia sẻ: “Tàu Trung Quốc mà nó đâm tàu mình thì mình sợ, trước tiên chồng không về với vợ, cha không về với con, rồi chồng là lao động chính, lấy ai lo cho con ăn học, trang trải cuộc sống, lo chứ sao không lo. Mà nghe Trung Quốc tông thì không thể xóa được, con người sẽ càng ngày càng cuồng, nghe Trung Quốc tông thì sẽ càng cuồng, thà bão tố hại bị chìm hay sao thì vẫn buồn ghê lắm, buồn không thể tả, nhưng có thể là nó sẽ phai nhưng Trung Quốc mà tông mình thì mình đứt từng khúc, từng khúc mang cái hận, cái thù Trung Quốc đến mức độ nào luôn. Giờ mình phải nhờ hội nghề cá của mình, luật sư, các báo đài trong và ngoài nước hỗ trợ mình để mình kiện Trung Quốc để lấy lại cái của mình. Anh cứ thử nghĩ đi, nếu Trung Quốc nó làm anh như thế thì anh sụp đổ như thế nào, nói thiệt là đâu dễ mà dựng được cái của, nhiều người, nhiều đời, nhiều kiếp mới dựng được cái của, giờ nó hại mình thế này thì biết khi nào mình ngớt đầu lên để làm lại được cái của đó.”
Theo chị Thương, tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng hơn và rõ ràng là người Trung Quốc có dã tâm cũng như định hướng trong thủ đoạn của họ. Vào đầu tháng 5, họ chỉ cắm giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, sau đó dùng tàu hải giám xua đuổi các tàu cảnh sát biển Việt Nam, nếu có nặng lắm cũng chỉ là đâm tàu làm vở boong ở mức độ vừa phải. Nhưng đúng một tháng sau, ngày 1 tháng 6 thì mọi chuyện hoàn toàn khác.
Trung Quốc tăng cường tàu chiến dày đặc trên biển Đông và thái độ hung hăng cũng nâng lên cấp độ mới, nặng nề hơn, họ đâm một tàu cảnh sát biển Việt Nam gần như vỡ toác mũi tàu vào ngày 1 tháng 6. Sau đó, họ đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khiến cho ngư dân của huyện đảo Lý Sơn bị thiệt mạng.
Điều này cho thấy một mặt Trung Quốc lu loa trên các phương tiện truyền thông thứ luận điệu hàm hồ của họ, mặt khác, họ tăng cường giết tróc để đẩy bật ngư dân ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Và một khi đã dàn đủ số lượng và phương tiện chiến đấu, họ sẽ tăng cường giết tróc mạnh tay hơn. Bởi vì với ngay chính cư dân Trung Quốc cũng đã bị nhà cầm quyền Trung Cộng giết không gớm tay ở Thiên An Môn, huống gì là người Việt Nam.
Đặc biệt, chị Thương nói rằng việc máy bay MH 370 bị rơi trên biển Đông không biết có thật hay là dàn cảnh mà kể từ khi máy bay này bị mất tích, Trung Cộng mang tàu chiến vào khu vực biển Đông, sau đó không bao lâu, họ lại mang giàn khoan và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và hiện tại, chiến tranh có vẻ như sắp nổ ra.
Mọi động thái của người Trung Quốc đều được chị Thương để ý kĩ lưỡng và xâu chuỗi theo thời gian, bởi chị có chồng và con trai đều là ngư dân trên biển Đông. Chị Thương nói rằng với tình hình này, tháng sau chị sẽ không cho chồng con ra khơi nữa. Vì lúc đó mọi chuyện sẽ ghê gớm khôn lường!
|
Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014
Ngư dân Đà nẵng nói về biển Đông
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét