Mặt trái rất thiếu an toàn của Trung Quốc
Giữa nhưng
sôi động và đấu khẩu ngoài biển Ðông, báo chí Trung Quốc vừa loan một tin rất lạ
và thật ra bất lợi cho Bắc Kinh. Lạ hơn thế là việc báo chí Hoa Kỳ và quốc tế
lại ít nhắc tới.
Hôm 26 Tháng
Năm vừa qua, lực lượng cảnh sát Tân Cương bắt được năm nghi can khủng bố tại
thành phố Hòa Ðiền ở phía Tây Nam của khu tự trị và tịch thu được nhiều tang
vật. Trong số này có 1.8 tấn thuốc nổ. Theo sự đánh giá của bộ máy an ninh sở
tại thì các nghi can trù tính chế tạo bom để tấn công nhiều khu vực đông dân
trong thành phố. Viết lại cho gọn: khủng bố Tân Cương có một lượng chất nổ lớn.
“Hồ Sơ Người
Việt” xin tìm hiểu thêm về chuyện này...
Khủng bố Hồi
Giáo tại Trung Quốc
Hòa Ðiền
(Hotan) là quận lỵ của Quận Hòa Ðiền tại phía Tây Nam của khu tự trị Duy Ngô
Nhĩ Tân Cương (Tân Cương Duy Ngô Nhĩ Tự Trị Khu), phía Nam rặng Côn Luân và
tiếp giáp với khu tự trị Tây Tạng. Thành phố là ốc đảo giữa rúi rừng và sa mạc,
hiện có gần 400 ngàn dân.
Xưa kia, Hòa
Ðiền là kinh đô của vương quốc Vu Ðiền (Khotan) nổi tiếng của Phật Giáo trên
con đường tơ lụa nối liền Trung Quốc với cõi Tây Vực và Trung Á. Từ thế kỷ 11
(quãng 1006), vương quốc này bị Mông Cổ thôn tính và sau này theo Hồi Giáo, trở
thành đất ngụ cư của người Ðông Thổ, hay là tộc Duy Ngô Nhĩ (Uighurs, cũng có
tên cũ là Hồi Hột hay Ðột Quyết). Ngày nay, Hòa Ðiền là một trung tâm buôn bán,
giao điểm của các sinh hoạt trong vùng Tân Cương.
Ở nơi đó,
cảnh sát Trung Quốc vừa bắt được năm nghi can khủng bố. Chuyện ấy khiến người
ta nhìn lại nhiều hoạt động khủng bố gần đây của sắc dân Uighur.
Mùng Một
Tháng Ba năm nay, tám người dùng dao chém loạn tại nhà ga Côn Minh, thủ phủ
tỉnh Vân Nam, khiến 29 người chết và 130 người bị thương. Không có nhóm nào ra
tuyên cáo nhận lãnh công trạng của vụ khủng bố, nhưng cảnh sát tìm thấy tại chỗ
và trưng bày cho báo chí một lá cờ đen sơn bằng tay của nước Ðông Thổ, với hàm
ý là tác phẩm của dân Duy Ngô Nhĩ đang đòi độc lập. Một tổ chức chính trị xưng
danh Ðảng Hồi Giáo Turkistan (Turkistan Islamic Party - TIP) đã phổ biến băng
hình ngợi ca hành động này.
Ngày 30 Tháng
Tư, khủng bố dùng bom tự sát tấn công một nhà ga tại thủ phủ Urumqi (Ô Lỗ Mộc
Tề) của Tân Cương khiến ba người thiệt mạng và hơn chục người bị thương. Ngay
sau đó tổ chức Turkistan Islamic Party ra thông cáo xác nhận công trạng kèm
theo cuốn băng hình cho thấy cách làm bom thủ công nghiệp và lời hăm dọa là sẽ
còn tấn công như vậy.
Ngày 22 Tháng
Năm, cũng tại Urumqi, nhiều hung thủ lái hai xe chứa đầy chất nổ lao vào một
ngôi chợ lộ thiên. Họ ném chất nổ và cho nổ tung một xe trong chợ khiến 31
người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Cho đến nay, chưa thấy ai lên tiếng
nhận lãnh công trạng của vụ khủng bố này.
Với việc cảnh
sát Hòa Ðiền vừa tịch thu được một lượng chất nổ rất lớn, chúng ta thấy được
bốn vụ khủng bố trong vòng ba tháng trời, nhưng trải rộng từ Tân Cương tới Vân
Nam. Nét chung là sắc tộc Uighur với phong trào đòi quyền độc lập cho một quốc
gia, khác với dân Tây Tạng chỉ muốn được tự trị để bảo vệ văn hóa và Phật Giáo
Tây Tạng.
Lúc bấy giờ
người ta mới nhớ ra một biến cố khác: ngày 28 Tháng Mười năm ngoái, có hai
chiếc xe bóp còi inh ỏi để tránh người đi đường và lao vào quảng trường Thiên
An Môn, một chiếc bốc cháy gần chân dung của lãnh tụ Mao Trạch Ðông! Biến cố có
tính chất phô trương đó xảy ra với nội dung chính trị: ngay trước khi Ban Chấp
Hành Trung Ương đảng Cộng sản Trung Quốc họp hội nghị kỳ ba (Third Plenum) của
khóa 18. An ninh trên quảng trường Thiên An Môn là một ưu tiên cực kỳ nhạy cảm
cho chế độ Bắc Kinh, vậy mà vẫn có người biểu dương tinh thần phản kháng một
cách ác liệt! Hung thủ là người Hán, người Hồi hay Tây Tạng, chúng ta không
biết...
Hồi Giáo Tân
Cương
Tân Cương,
hay Tây Tạng, không là lãnh thổ của Trung Quốc từ cả ngàn năm nay.
Vùng đất có
tên gọi Tân Cương chính là nước Ðông Thổ của dân Hồi Hột, bị nhà Ðại Thanh thôn
tính vào quãng 1750 và đặt lại tên thành “biên cương mới.” Trong gần nửa thế kỷ
hỗn loạn từ khi nhà Thanh sụp đổ (1911) và đảng cộng sản ngự trị (1949), người
dân địa phương xưng lại quốc hiệu Ðông Thổ (East Turkistan) theo ý nghĩa là xứ
Thổ tại miền Ðông - chữ “stan” có nghĩa là đất của, như Afghanistan là “đất của
dân Afghan.” Nhờ loạn lạc Trung Quốc, nước Ðông Thổ có hai giai đoạn độc lập
ngắn ngủi vào năm 1933-1934 và từ 1944 đến 1949 khi Mao Trạch Ðông xua quân
chiếm đóng. Cái tên Uighur sử dụng sau nay thật ra là do Liên Bang Xô Viết đặt
ra và Trung Quốc phiên âm lại thành Duy Ngô Nhĩ.
Kể từ 1949,
Ðông Thổ hay Tân Cương là một phần lãnh thổ của Trung Quốc nhưng thường xuyên
gặp phản ứng đấu tranh và nổi dậy của dân Hồi Hột.
Cái tên
Turkistan Islamic Party hay Turkistan Islamic Movement do phiên dịch từ “Hizbul
Islam Li-Turkistan” đã xuất hiện từ năm 1940 và là lực lượng tiến hành nhiều
cuộc nổi dậy từ 1940 đến 1952, chống các lãnh chúa Trung Hoa ở địa phương và
chống lại chế độ Cộng Sản Trung Quốc. Khi chiến dịch “Trăm Hoa Ðua Nở” của Mao
Trạch Ðông được tung ra năm 1956 thì cùng giới trí thức đòi tự do ở các tỉnh
miền Ðông, các lực lượng đấu tranh Duy Ngô Nhĩ ở miền Tây cũng đổi phương pháp
và danh xưng, từ Turkistan đổi ra East Turkistan và sau vài lần nổi dậy không
thành thì tan dần vào quên lãng.
Khi Ðặng Tiểu
Bình tiến hành cải cách từ năm 1979, không khí tương đối dễ thở hơn cũng tạo cơ
hội phục hưng cho đạo Hồi và tộc Ðột Quyết trên đất Tân Cương. Một lãnh tụ còn
lại của phong trào Hizbul Islam Li-Turkistan là Abdul Hakeem đã được phóng
thích và ngầm mở ra các trường đạo của Hồi giáo để đào luyện cán bộ. Từ đám đệ
tử của Abdul Hakeem, có Hasan Mahsum là người thành lập phong trào “East
Turkistan Islamic Movement” vào năm 1997. Lực lượng ETIM này nổi danh vì áp
dụng phương pháp bạo động và khủng bố. Chúng ta nên nhớ đến cái tên Hasan
Mahsum.
Kiểm lại thì
nếu lực lượng ETIM là phần võ trang thì đảng Hồi Giáo Turkistan Islamic Party
(TIP) là mặt chính trị của khủng bố Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ. Như vậy phong trào
đấu tranh vì độc lập dân tộc của người Ðông Thổ tại Tân Cương đã có gốc rễ sâu
xa. Rồi mới nối liền với phong trào khủng bố Hồi Giáo xưng danh Thánh Chiến-Jihad...
Thánh Chiến
vào Tân Cương
Từ 65 năm nay
(1949), những người đấu tranh cho quyền tự trị hay độc lập của quốc gia Ðông
Thổ đã bị nhà cầm quyền Trung Quốc thẳng tay đàn áp và tiêu diệt. Bắc Kinh đối
xử với dân Hồi giáo Ðông Thổ còn nặng tay hơn là với người Tây Tạng theo Phật
Giáo. Lý do trước tiên vẫn là sự lo sợ và địa dư chiến lược.
Về địa dư
chiến lược, Trung Quốc muốn chiếm đóng và xây dựng những vùng đất ở biên vực
như Tân Cương và Tây Tạng thành vùng trái độn để bảo vệ khu vực sinh hoạt của
Hán tộc. Thời Chiến Tranh Lạnh, từ 1949 đến 1991, Bắc Kinh sợ là Hoa Kỳ sẽ yểm
trợ dân Tây Tạng, mà còn sợ hơn vậy là việc Liên Xô có thể hỗ trợ phong trào ly
khai của Hồi Giáo Tân Cương.
Nhưng chính
là sự đàn áp này lại gây tác dụng ngược.
Nhiều người
Ðông Thổ đã phải lưu vong để tránh bị sát hại. Thành phần đấu trang ôn hòa và
bất bạo động đã lập cơ sở chính trị tại Hoa Kỳ, Âu Châu, xứ Turkey và Trung Á.
Còn các nhóm đấu tranh cực đoan hay lực lượng dân quân thì tìm vào Afghanistan
để nương nhờ chế độ Taliban (lên nắm chính quyền từ 1996), hay tới Pakistan tìm
sự trợ giúp của Taliban, al-Qaeda hay nhóm võ trang khủng bố Islamic Movement
of Uzbekistan.
Chúng ta trở
lại với nhân vật Hasan Mahsum. Sau khi thành lập lực lượng ETIM năm 1997 thì
Mahsum đã lánh nạn tại thủ đô Kabul của Afghanistan, được Taliban che chở và
tiếp xúc với al-Qaeda cùng thủ lãnh Osama bin Laden. Sau này, vào năm Mahsum bị
các đơn vị quân đội Pakistan hạ sát khi họ càn quét một căn cứ al-Qaeda trong
vùng Nam Waziristan.
Ngoài Hasan
Mahsum của lực lượng ETIM, có lãnh tụ Abdul Haq al-Turkistani của đảng Hồi Giáo
TIP là thành viên của nhóm lãnh đạo al-Qaeda và y như lực lượng ETIM, đảng TIP
cũng bị Hoa Kỳ cùng Liên Hiệp Quốc xếp vào danh mục của khủng bố. Tháng Hai năm
2012, Abdul Haq đã bị máy bay tự động của Hoa Kỳ bắn chết tại vùng Bắc
Waziristan.
Nhân vật thứ
ba của khủng bố Duy Ngô Nhĩ là lãnh tụ Abdul Shakoor al-Turkistani cũng sát
cánh với al-Qaeda và Tháng Tám năm 2012 thì bị máy bay tự động của Mỹ giết chết
cùng ba phụ tá dưới trướng.
Như vậy,
khủng bố Hồi Giáo tại Tân Cương đã ra ngoài tiếp xúc và hợp tác với phong trào
Thánh Chiến, rồi phổ biến phương tiện tuyên truyền của họ bằng tiếng Á Rập làm
võ khí huy động ở Tân Cương. Sau vụ khủng bố bằng bom tự sát tại Urumqi ngày 30
Tháng Tư (đã nói ở trên), lãnh tụ Abdullah Mansour của đảng Hồi Giáo Turkistan
Islamic Movement đã xuất hiện qua băng hình để nhận công trạng và phát biểu
bằng tiếng Á Rập rồi mới nói tiếng Hồi Hột. Cuốn băng hình có đầy những đặc
tính dàn dựng của al-Qaeda.
Chúng ta trở
lại với chuyện gần hai tấn chất nổ vừa tịch thu được ở Hòa Ðiền.
Hồ Sơ Người
Việt đã có bài về khủng bố Duy Ngô Nhĩ vào ngày 23 Tháng Tư vừa qua (Duy Ngô
Nhĩ và An Ninh Ðông Nam Á) khi xảy ra chuyện lưu dân Duy Ngô Nhĩ đột nhập Việt
Nam và gây ra vụ bạo động ở của Bắc Phong Sinh của tỉnh Quảng Ninh vào ngày 18.
Người ta thấy phong trào đấu tranh cho nền độc lập Ðông Thổ chuyển dần phương
pháp, từ quyền ly khai qua đòn khủng bố, từ tấn công đồn bót hay cảnh sát Trung
Quốc qua những vụ tàn sát thường dân bằng dao rừng, bom xăng, xe hơi có chất
nổ.
Lần này,
khủng bố Duy Ngô Nhĩ có hậu cần của al-Qaeda và tiếp vận của Thánh Chiến toàn
cầu. Nếu hai tấn chất nổ được chế thành bom để tấn công các mục tiêu “mềm,” là
thường dân, thì an ninh Trung Quốc có vấn đề....
Kết luận ở
đây là gì?
Quy luật vật
lý chính trị có dạy rằng “sức ép tạo ra sức bật.”
Trung Quốc
đàn áp nặng thì lãnh nạn khủng bố Hồi Giáo. Họ đòi tung hoành ngoài Ðông Hải
thì bị Ðông Thổ vỗ vào lưng, với cả tấn thuốc nổ!
|
Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014
Mặt trái rất thiếu an toàn của Trung Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét