Điểm lật
Minsky của Trung Quốc
Vũ Hoàng
& Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
Hàng
ngàn sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn,
Trung Quốc ngày 18 tháng 5 năm 1989.
Như đã hẹn,
Diễn đàn Kinh tế lại nhắc tới hiện trạng kinh tế của Trung Quốc, lồng trong biến
cố xảy ra 25 năm trước mà đa số giới trẻ tại xứ này, và nhiều xứ khác, có thể
lãng quên hoặc không biết. Đó là vụ khủng hoảng tại quảng trường Thiên An Môn
vào Tháng Sáu năm 1989 khiến cả ngàn sinh viên bị quân đội tàn sát. Xin quý vị
theo dõi cuộc trao đổi của Vũ Hoàng với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn
kinh tế của đài Á Châu Tự Do.
Một quốc gia
không bình thường
Vũ Hoàng: Xin
kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, mùng bốn Tháng Sáu năm 1989, đúng 25 năm trước,
quân đội Trung Quốc tiến vào Bắc Kinh đẹp cuộc biểu tình của sinh viên và mở ra
cuộc tàn sát khiến cả ngàn người thiệt mạng. Nhà nước Bắc Kinh ém nhẹm biến cố
này, và âm thầm tiến hành việc kiểm soát an ninh vì sợ người dân tổ chức sinh
hoạt tưởng niệm. Truyền thông quốc tế có theo dõi chuyện ấy và nói đến sự thờ ơ
hay lãng quên của giới trẻ tại Trung Quốc vì nhiều người không hề được biết gì
về vụ thảm sát. Trong khi đó, hôm Thứ Hai vừa qua, các thị trường tài chính Á
châu đã lên giá, một phần là do một chỉ số thống kê về đơn đặt hàng chế biến tại
Trung Quốc trong Tháng Năm, khiến người ta dự đoán tình hình kinh tế khả quan
hơn. Như đã hẹn, chương trình kỳ này xin đề nghị là ông phân tích lại về kinh
tế Trung Quốc, đặt trong một bối cảnh dài là vụ khủng hoảng Thiên An Môn. Ông
nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng Trung Quốc vẫn là một quốc gia không bình thường khi
lãnh đạo giấu nhẹm một vụ tàn sát thường dân và chỉ phô trương thành quả kinh
tế như lý do lãnh đạo chính đáng của đảng Cộng sản.
Tôi xin lấy
một thí dụ, sử sách Trung Quốc viết nhiều về vụ thảm sát Nam Kinh do quân Nhật
gây ra năm 1937 và cứ nhắc chuyện đó để khơi dậy lòng căm thù trong công chúng
mà hoàn toàn không có một chữ về việc lãnh đạo thời đó là ông Đặng Tiểu Bình ra
lệnh cho quân đội vào giết người dân tại quảng trường Thiên An Môn của thủ đô.
Họ không bạch hóa và chịu trách nhiệm về một quyết định đối với công dân của họ
mà chỉ đòi nước khác phải hối lỗi và xin lỗi về những gì đã thi hành tại Trung
Quốc trong lịch sử.
Vũ Hoàng: Trước hết, xin ông nhắc tại vụ Thiên An
Môn của 25 năm trước, rồi chúng ta sẽ trở về chuyện kinh tế ngày nay.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế từ dầu năm 1979, 10 năm sau thì bị
những mâu thuẫn khó giải quyết. Về kinh tế thì có nguy cơ lạm phát và về chính
trị thì có nạn tham nhũng trong bộ máy công quyền. Ngày 15 Tháng Tư năm 1989,
nguyên Tổng bí thư là Hồ Diệu Bang từ trần. Ông ta là nhân vật cải cách và vì
chối từ việc đàn áp trí thức hai năm trước nên bị Đặng Tiểu Bình và Bộ Chính
trị hạ bệ để đưa Triệu Tử Dương lên làm Tổng bí thư.
Khi Hồ Diệu
Bang tạ thế, người dân xếp hàng mấy cây số để bày tỏ lòng thương tiếc khiến
lãnh đạo phải tổ chức lễ quốc táng tại Nhân dân Đại sảnh đường ở Bắc Kinh. Nhân
đó, mấy vạn công nhân và sinh viên dâng kiến nghị phản đối nạn vật giá leo
thang và thái độ tham ô cửa quyền của đảng viên để yêu cầu Thủ tướng Lý Bằng
cải cách.
Vì nội bộ
lãnh đạo chưa thống nhất ý kiến về cách xử trí và trong cả tháng trời, số dân
biểu tình lên tới 10 vạn và sinh viên bắt đầu tuyệt thực đòi tự do thông tin và
dân chủ. Một tháng sau, giữa Tháng Năm lại có cuộc thăm viếng của Chủ tịch Liên
bang Xô viết Michael Gorbachev. Truyền thông quốc tế đến tường thuật cuộc gặp
gỡ đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ ba chục năm cho nên lãnh đạo Bắc Kinh
càng phân vân. Họ vừa muốn chứng tỏ với Liên Xô rằng Trung Quốc có tự do hơn
vừa sợ là phong trào đấu tranh lan rộng ra nhiều tỉnh mà nội bộ lãnh đạo lại
rạn nứt vì nhiều người thông cảm với đòi hỏi của quần chúng, kể cả Tổng bí thư
Triệu Tử Dương.
Sau khi
Gorbaehev ra về, lãnh đạo thực tế là Đặng Tiểu Bình cho ban bố lệnh thiết quân
luật và đưa ba chục sư đoàn từ năm quân khu ở xa về dẹp loạn tại Bắc Kinh. Báo
chí bị đuổi ra ngoài và các đơn vị quân đội tắt đèn nã súng vào dân biểu tình.
Số thương vong là bao nhiêu thì không ai biết rõ, có thể tới vài ngàn chứ không
phải vài trăm như Quốc vụ viện công nhận.
Vũ Hoàng: Thưa ông, kết cuộc sau đó thì sao?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Khi nhìn lại thì khởi đầu chỉ là phản ứng của quần chúng về kinh tế, mà
lại thành phong trào phản kháng chính trị của thanh niên sinh viên làm chế độ
rung chuyển đến thượng tầng. Kết cuộc thì Đặng Tiểu Bình có chuyến "Nam
tuần" là thăm các tỉnh miền Nam để nhấn mạnh đến việc tiếp tục cải cách
kinh tế, nhưng tăng cường kiểm soát chính trị, Tổng bí thư Triệu Tử Dương thì
bị cách chức, cầm tù rồi bị quản thúc tại gia cho đến chết, vào năm 2005.
Đến nay, lãnh
đạo Trung Quốc chưa công khai xét lại vụ khủng hoảng và nhận trách nhiệm, nhưng
tin là chế độ kiểm soát tư tương, độc tài chính trị và cởi mở kinh tế sẽ hướng
tuổi trẻ vào việc làm ăn mà không lý gì đến quyền tự do và dân chủ. Họ có lý
phần nào vì đa số thanh niên ngày nay chỉ để ý đến quyền lợi thiết thực mà xa
rời lý tưởng và hết biết gì về quá khứ. Còn lại, nếu quần chúng có phản ứng về
chuyện tiêu cực trong kinh tế hay xã hội thì lãnh đạo lại dẫn họ vào tinh thần
ái quốc và bài ngoại.
Dù kinh tế có
tăng trưởng trong 20 năm sau đó thì chế độ này thật không đáng kính. Huống hồ
nay kinh tế lại đi hết chu kỳ tăng trưởng mà vào điểm lật nên bất ổn có thể tái
diễn. Đấy cũng là một nguyên nhân khiến lãnh đạo Bắc Kinh mở ra cái hướng bành
trướng và gây hấn để huy động quần chúng vào chuyện bên ngoài.
“Điểm lật”
Vũ Hoàng: Ông nói kinh tế Trung Quốc hết đà bành
trướng và đi vào "điểm lật", điểm lật ấy là gì? Và ông trả lời sao về
chỉ số kinh tế khả quan mà Bắc Kinh vừa mới công bố hôm Thứ Hai?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Tôi xin nêu ý kiến chung về thống kê kinh tế của Trung Quốc rồi ta mới
đi vào từng điểm.
Công an Trung
Quốc gác tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 3 tháng 6 năm 2014. AFP
PHOTO.
Trước hết,
thống kê kinh tế của Trung Quốc có hai nhược điểm là thiếu chính xác về kỹ
thuật thu thập, lại thiếu khả tín vì bị xào nấu cải sửa cho mục tiêu chính trị
và tuyên truyền. Đây là loại vấn đề cơ bản ta không thể quên được khi nói về
kinh tế Trung Quốc. Vì chế độ không có tự do thông tin và lại giỏi gây ra ấn
tượng cho thị trường, tức là tuyên truyền, cho nên chính lãnh đạo cũng chẳng
biết được thực hư về kinh tế và có thể bị bất ngờ.
Lẽ thứ hai,
kinh tế Trung Quốc có lực đẩy là đầu tư rất cao và mắc nợ rất nhiều nên cứ lao
về phía trước và có thể lao vào khủng
hoảng. Trong một xứ đất rộng, người đông mà thông tin không chính xác thì thị
trường và cả giới kinh tế quốc tế có thể lầm nếu chỉ căn cứ vào số liệu thống
kê của một tháng. Thí dụ ông vừa nhắc tới là chỉ số PMI của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho chỉ số đó là gì.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Thưa chỉ số này gọi là "purchasing managers' index" là kết quả
khảo sát doanh nghiệp xem là trong tháng họ nhận được bao nhiêu đơn đặt hàng
chế biến, nếu cao hơn số 50 là coi như tương lai sẽ khả quan. Nhưng nếu chỉ
nhúc nhích từ số 50,4 lên 50,8 mà vội mừng thì đấy là một sự nông nổi của thị
trường. Lý do hơi chuyên môn ở đây là chỉ số này tổng hợp nhiều dữ kiện với các
"hệ số gia trọng" để nhấn mạnh đến yếu tố này hay yếu tốc khác. Loại
hệ số gia trọng đó là quyết định chính trị, về chính sách, chử không phản ảnh
thực tế thị trường. Một thí dụ là ngân hàng Hongkong Shanghai Bank của Anh cũng
có hệ thống thu thập chỉ số PMI của kinh tế Trung Quốc mà cứ điều chỉnh liên
tục sau khi hồ hởi sảng.
Đã thế, sau
Nghị quyết ba của Hội nghị Trung ương đảng vào tháng 11 năm ngoái, cả Chủ tịch
Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng Lý Khắc Cường đều nói tới yêu cầu cải cách cơ chế để
chú trọng đến phẩm hơn là lượng dù có giảm đà tăng trưởng. Vậy mà khi đà tăng
trưởng giảm tới sát mức 7,5% như vào Tháng Ba vừa qua là Bắc Kinh lật đật đưa
ra biện pháp kích thích như giảm thuế, gia tăng đầu tư về gia cư, hoả xa hay
nhiều dự án khác. Cho nên ta gặp một nghịch lý bất ngờ là khi thấy kinh tế
Trung Quốc có đà tăng trưởng cao hơn thì chớ vội mừng và lãnh đạo đừng nên xem
đó là thành tích mà nên lo vì kinh tế tiếp tục lao vào điểm lật! Nghĩa là sẽ
rơi xuống vực!
Vũ Hoàng: Bây giờ ta mới nói về cái điểm lật này,
thưa ông nó là gì vây?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Về bối cảnh, Hoa Kỳ có một giáo sư kinh tế và học giả từng nghiên cứu
sâu rộng về các vụ khủng hoảnh tài chính, đó là ông Hyman Minsky, sinh năm 1919
tạ thế năm 96. Năm 1998, một kinh tế gia kiêm quản trị tài chính của tập đoàn
đầu tư và bảo hiểm PIMCO rất lớn tại miền Nam California này áp dụng lý luận
của Minsky mà nghiên cứu vụ khủng hoảng tài chính tại Liên bang Nga để nói tới
thời suy sụp của một hệ thống tín dụng ảo. Ông ta gọi đó là "thời
Minsky", tôi xin tạm dịch là "điểm lật" cho dễ hiểu.
Đó là khi
lượng tín dụng bơm ra quá nhiều, người ta đi vay quá dễ để đầu tư thì sẽ tính
chuyện đầu cơ vì ham lời rất lớn mà ít thấy rủi ro rất nặng. Tình trạng đầu cơ
đó thổi lên bong bóng ảo và đến một lúc nào đó thì bóng sẽ bể, như tại Nhật Bản
và nhiều xứ khác, kể cả Hoa Kỳ mới vừa bị vào năm 2007-2008. Người ta có nhiều
chỉ dấu tiên báo cái điểm lật đó mà thị trường hồ hởi lại không nhìn ra và bị
thiệt hại bất ngờ. Trung Quốc có những chỉ dấu đáng ngại cho thấy là họ đang
tới điểm lật này.
Vũ Hoàng: Dù
có thể là hơi chuyên môn, xn ông nói thêm về các chỉ dấu đó để thính giả của
chúng ta cùng biết mà suy ngẫm về trường hợp của Việt Nam.
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Kinh tế Trung Quốc lấy sức đẩy chủ yếu từ đầu tư cố định vào các dự án
kém giá trị kinh tế, là tốn kém mà hoang phí. Họ tài trợ việc đầu tư đó bằng
sức tiết kiệm rất cao của người dân và thổi lên trái bóng tín dụng, tức là vay
mượn. Khi nhà nước cứ kích thích kinh tế bằng tín dụng dễ dãi thì cả khu vực
nhà nước lẫn tư nhân đều phóng tay vay tiền mà bất kể rủi ro. Tính theo Tổng
sản lượng GDP thì tổng số tín dụng công và tư của Trung Quốc từ 320% GDP vào
năm 2008 đã lên tới 420% vào năm ngoái. Đó là về lượng, một con số quá cao và
đáng ngại. Về phẩm thì núi nợ khổng lồ này có nhiều khối nợ xấu, không sinh
lời, khó đòi và sẽ mất. Mà xấu đến cỡ nào thì không ai biết vì bên trong có
nhiều khoản nợ chui, chẳng nằm trong sổ sách ngân hàng, kể cả các khoản nợ để
đầu cơ và lường gạt.
Giới kinh tế
gia Hoa Kỳ có biết điều ấy và các tổ hợp đầu tư đứng đắn của họ đều có thư
riêng cho thân chủ để nói tới rủi ro tại Trung Quốc. Vì là thư riêng trong giới
làm ăn, lại có sự hạn chế về bản quyền nên truyền thông cho đại chúng ít nhắc
tới. Bản thân tôi cũng không được phép trích dẫn những đánh giá riêng tư của
các tập đoàn tài chính này, nhưng nếu có báo động dư luận thì cũng không thừa.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông. Khi nhớ lại vụ
Thiên An Môn ngày xưa và rủi ro ngày nay thì ông kết luận như thế nào?
Nguyễn-Xuân
Nghĩa: Trong chu kỳ kinh doanh thì ai cũng có thể bị bất ngờ và lỗ vốn. Xứ nào
cũng có thể bị nạn bể bóng và kinh tế sa sút trong thời gọi là "hậu
Minsky". Mỹ, Nhật, Âu gì cũng thế. Nhưng Trung Quốc không có tự do thông
tin và dân chủ chính trị, khi bị khủng hoảng tài chính thì bị nặng hơn với hậu
quả dội ngược lên hệ thống lãnh đạo chính trị. Người ta có thể không biết hoặc
chẳng nhớ tới vụ Thiên An Môn ngày xưa nhưng giới có tiền tiết kiệm thì thấy
ngay sự phá sản trước mắt. Họ sẽ có phản ứng còn dữ dội hơn phản ứng của thị
trường!
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi
lý thú này.
---------------------------------------------------
Tin, bài liên quan
|
Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014
Điểm lật Minsky của Trung Quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét