Chuyên gia:
Bản đồ chỉ là cơ sở tối thiểu để đòi chủ quyền ở Biển Ðông
Bộ Ngoại giao Philippines công bố hình ảnh
Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động lấp biển trong khu vực xung quanh đảo
Johnson South mà Việt Nam gọi là đảo Gạc Ma.
MANILA —
Các giới chức Philippines cho biết quân đội của họ hồi gần đây đã phát giác
những hoạt động lấp biển mà Trung Quốc thực hiện tại một số bãi cạn ở Biển
Đông. Lâu nay Trung Quốc vẫn cho rằng họ có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối
với hầu như toàn bộ Biển Đông dựa trên các dữ kiện lịch sử và những tấm bản đồ.
Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên Simone
Orendain của đài VOA gởi về từ Manila.
Một vị thẩm
phán Tối cao Pháp viện Philippines đã bác bỏ việc Trung Quốc dựa vào các tấm
bản đồ để đòi chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông. Thẩm phán Antonio Carpio
nói rằng những tấm bản đồ đó không có giá trị gì nhiều.
"Trung
Quốc nêu ra những bản đồ cổ của Trung Quốc như những sự thật lịch sử để đòi chủ
quyền các đảo, các bãi đá, các bãi cạn và các vùng biển bên trong đường 9 đoạn
mà họ vạch ra ở Biển Đông."
Trước hết,
chúng tôi phải khẳng định là dựa theo luật pháp quốc tế một tấm bản đồ tự nó
không cấu thành một giấy chủ quyền lãnh thổ hoặc một văn kiện pháp lý để xác định
các quyền về lãnh thổ.
Thẩm phán
Carpio đã đề nghị chính phủ Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc ra tòa trọng
tài quốc tế để thách thức yêu sách đường 9 đoạn chữ U, thường được gọi là đường
lưỡi bò, của Trung Quốc.
Ông Carpio
đã dạy nhiều lớp về cơ sở pháp lý của những yêu sách chủ quyền của Philippines
và Trung Quốc ở Biển Đông dựa theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Trong một
cuộc nói chuyện ở Manila hồi đầu tuần này, ông Carpio đã đề cập tới mười mấy
tấm bản đồ mà các nhà vẽ địa đồ người Trung Quốc và người ngoại quốc đã vẽ từ
năm 1136 cho tới những năm đầu của thập niên 1930.
"Tất
cả các tấm bản đồ cổ này cho thấy rằng kể từ khi Trung Quốc có những tấm bản đồ
đầu tiên, Đảo Hải Nam là lãnh thổ cực nam của Trung Quốc."
Ông
Francoi-Xavier Bonnet là một nhà địa lý học của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
Đương đại ở Bangkok. Ông nói rằng vào đầu thế kỷ 20, Trung Quốc đã khảo sát và
bao gồm quần đảo Paracel (Việt Nam gọi là Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là Tây Sa) ở
Biển Đông và cho đó là lãnh thổ cực nam của họ. Vào đầu thập niên 1930, Trung
Quốc phản bác yêu sách chủ quyền của Pháp đối với Hoàng Sa và sau đó bao gồm
quần đảo này trong một bản đồ in vào năm 1935. Bản đồ này trở thành cơ sở để
vạch ra đường 9 đoạn vào năm 1947 mà giờ đây đã trở thành bản đồ chính thức của
Trung Quốc.
"Trong
công pháp quốc tế, hầu hết các tấm bản đồ chỉ có tính chất thông tin. Trên thực
tế nó cung cấp thông tin về một thời kỳ và nó không phải là một văn kiện pháp
lý."
Philippines
nói rằng Trung Quốc đã xâm phạm khu vực đặc quyền kinh tế 370 kilomét của họ
nhiều lần, trong lúc Trung Quốc nhất mực cho rằng họ có “chủ quyền không thể
tranh cãi” đối với hầu hết khu vực này. Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam
cũng đòi chủ quyền ở vùng biển này.
Hạ tuần
tháng ba, Philippines đã nộp cho Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển những
giấy tờ để hậu thuẫn cho đơn kiện của họ. Đơn kiện này cho rằng yêu sách đường
9 đoạn của Trung Quốc là quá đáng. Tháng trước, Tòa án Trọng tài Thường trực đã
cho Trung Quốc tới ngày 15 tháng 12 để Trung Quốc nộp các giấy tờ phản bác lập
luận của Philippines. Tuy nhiên Trung Quốc lại một lần nữa không chịu tham gia
vụ phân xử này.
Tiến sĩ
Myron Nordquist, một chuyên gia của Trung tâm Luật pháp và Chính sách Hải dương
của Đại học Virginia, cho rằng bản đồ và những dữ liệu bổ sung nên được xem là
những tài liệu hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền.
"Quí
vị phải làm nhiều hơn là chỉ đưa ra một yêu sách. Quí vị phải chứng tỏ sự chiếm
lĩnh có hiệu lực. Và họ chưa làm được như thế."
Giáo sư
Nordquist nói rằng một nước yêu sách chủ quyền cần phải có quyền lực hoặc quyền
hạn đối với lãnh thổ đó và điều đó không thể thực hiện trong lúc có sự phản đối
của một nước khác. Ông nói rằng hoạt động lấp biển lấy đất của Trung Quốc tại
Bãi cạn Johnson South (Việt Nam gọi là Đảo Gạc Ma) không chứng tỏ sự chiếm lĩnh
có hiệu lực của Trung Quốc vì Philippines đã nộp một kháng thư ngoại
giao."
Manila đang
theo dõi 3 bãi cạn khác ở quần đảo Trường Sa mà họ nghi là Bắc Kinh đang định
lấp biển để lấy đất. Các giới chức cho biết họ dự định nộp kháng nghị thư nếu
họ phát giác là những hoạt động lấp biển lấy đất đang được tiến hành.
Ông Euan
Graham là một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hải dương
của Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore. Ông nói rằng Trung Quốc
đang lâm vào một tình thế khó xử.
"Họ có
thể tạo ra một yêu sách dựa trên các cơ sở lịch sử đối với các hòn đảo ở Biển
Đông và nộp những bản đồ mà họ tin là có lợi cho luận cứ của họ, nhưng đường 9
đoạn không phù hợp với Luật Biển Liên hiệp quốc nếu sự giải thích của họ là
đường đó là sự đóng khung của lãnh hải."
Nhưng giáo
sư Nordquist nói rằng mặc dù việc sử dụng bản đồ để củng cố yêu sách chỉ có tác
dụng tối thiểu, Trung Quốc có một lập trường pháp lý mạnh hơn so với bề ngoài.
Ông nói rằng Trung Quốc có thể bác bỏ sự trọng tài bởi vì vào năm 2006, dựa
trên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, họ đã chọn là không để cho một bên
thứ ba xác định lãnh thổ hay phân định ranh giới trên biển. Và điều đó có nghĩa
là một phán quyết có lợi cho Philippines sẽ khó được chấp hành.
|
Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014
Bản đồ chỉ là cơ sở tối thiểu để đòi chủ quyền ở Biển Ðông
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét