Trung Quốc đã thắng ở Biển Ðông
Mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan đến khu vực Biển Đông là gì?
Trên các diễn đàn mạng, trước sự hoài nghi của nhiều người đối với khả năng ứng phó của Việt Nam về vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào khu vực thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, các dư luận viên của Hà Nội đều đưa ra luận điệu giống nhau: Đừng coi thường Việt Nam! Việt Nam đã có sẵn kế sách đối phó với Trung Quốc. Việt Nam sẽ ra tay ở một thời điểm thích hợp nào đó. Và chắc chắn họ sẽ thắng.
Thật ra, một chiến thắng về quân sự trên mặt trận trên biển của Việt Nam đối với Trung Quốc, với giới quan sát quốc tế, là một không tưởng. Nhiều người lập luận: Về quân sự, Việt Nam đứng vào hàng thứ mười mấy trên thế giới. Thì đành vậy. Có điều, khi nói như thế, người ta quên nhìn vào Trung Quốc: Bây giờ họ chỉ thua Mỹ. Khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc, do đó, vẫn còn rất xa.
Hơn nữa, ở khía cạnh này, sức mạnh chủ yếu của Việt Nam là ở con người, một yếu tố chỉ phát huy hết tiềm lực của nó trong cái gọi là chiến tranh nhân dân. Nhưng không ai có thể sử dụng chiến tranh nhân dân trên biển được. Đưa cả hàng chục ngàn chiếc tàu đánh cá ra khơi để tham gia vào trận chiến chỉ là một cách tự tử tập thể. Trên biển, chỉ có một yếu tố quan trọng: vũ khí; trong vũ khí, chỉ có hai đặc điểm đáng kể: số lượng và trình độ kỹ thuật. Ở cả hai, Việt Nam đều thua Trung Quốc rất xa. Sự thua kém này có thể bù đắp được với một điều kiện: Việt Nam có thêm nhiều đồng minh giúp đỡ. Nhưng chuyện đồng minh, những nước có thể tham gia chia lửa với Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay, gần như là một con số không to tướng.
Trước mắt, trong hơn hai tuần hục hặc, chủ yếu chỉ lấy vòi rồng xịt nước vào nhau, chứ chưa có tiếng súng nào nhắm vào nhau nổ cả, người ta có thể đánh giá: Trung Quốc đã thắng. Thắng đến cả mấy bàn.
Tuy nhiên, trước khi nói đến chuyện thắng hay thua, chúng ta cần phải căn cứ vào mục tiêu của Trung Quốc trong việc gây hấn ấy. Thắng, khi người ta đạt được mục tiêu; và thua, khi người ta không đạt được tất cả hoặc phần lớn các mục tiêu ấy.
Vậy, mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan đến khu vực Biển Đông là gì?
Hầu như mọi người đều đồng ý với nhau, có hai mục tiêu chính: kinh tế và chính trị. Kinh tế chỉ là phụ: Một là, đây chỉ là giai đoạn thăm dò chứ không phải khai thác; hai là, theo sự đánh giá của các chuyên gia quốc tế, triển vọng khai thác được dầu khí ở khu vực này (lô 143) khá thấp. Chính trị mới là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Tầm quan trọng ấy nằm ở hai điểm: Một, nó là một bước mới trong cả tiến trình cưỡng đoạt Biển Đông từ Việt Nam; và hai, nó nhằm trắc nghiệm phản ứng của ba đối tượng chính: Việt Nam, khối ASEAN và Mỹ.
Có thể nói, một cách tóm tắt và rõ ràng, ở cả ba cuộc trắc nghiệm ấy, Trung Quốc đều thành công.
Thứ nhất, về phía Việt Nam, cho đến nay, họ vẫn sử dụng một sách lược mà Trung Quốc cũng như cả thế giới đã biết rõ từ lâu: cứng rắn nhưng tự kiềm chế đến tối đa. Dù Trung Quốc ngang ngược đến mấy, Việt Nam cũng vẫn muốn giải quyết tranh chấp bằng hoà bình, nghĩa là luôn luôn cố gắng tránh việc sử dụng bạo lực để có thể làm bùng nổ một cuộc chiến tranh mà họ nắm chắc phần thua. Sự tránh né ấy khiến cái gọi là “cứng rắn” chỉ còn là một động thái mang tính chất tu từ học. Nói cách khác, người ta tin là Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài cuộc chiến tranh tu từ (rhetoric war) ấy cho đến khi Trung Quốc chấm dứt cuộc thăm dò vào tháng tám tới. Khi Trung Quốc rút giàn khoan HD-981 về sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ, họ sẽ tuyên bố với nhân dân trong nước: Họ đã “chiến thắng”!
Thứ hai, về phía ASEAN, chiến thắng của Trung Quốc càng dễ thấy. Trong cuộc Hội nghị cao cấp của khối vào ngày 11 tháng 5 tại Miến Điện, Nguyễn Tấn Dũng đã đọc một bài diễn văn khá mạnh mẽ, trong đó, lần đầu tiên ông gọi đích danh Trung Quốc, kẻ đang hung hăng đe doạ hoà bình trong khu vực và ông cũng kêu gọi các nước trong Khối cùng nhau bày tỏ sự phản đối đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, kết quả là gì? Trong thông báo chung cuối hội nghị, người ta chỉ đồng ý với nhau ở lời kêu gọi chung chung và đầy khuôn sáo: “Hai bên Trung Quốc và Việt Nam nên kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.” Coi như huề. Họ không phê phán Trung Quốc. Họ cũng không hề bày tỏ là sẽ đứng vào phe nào nếu cuộc xung đột nổ lớn.
Thái độ này, thật ra, cũng chả có gì khó hiểu. Có hai lý do chính. Một là, giữa Việt Nam và một số nước khác trong khối cũng đang tranh chấp với nhau về một số hòn đảo, và vì những tranh chấp ấy, cho đến nay, hầu như họ vẫn từ chối hợp tác với nhau trong cuộc đương đầu với Trung Quốc. Hai là, ngoài một số nước đã bị Trung Quốc mua chuộc (trong đó có nước láng giềng và xưa nay vốn bị xem là đàn em thân tín của Việt Nam: Campuchia), và tất cả các nước đều lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, bởi vậy không ai thấy có lợi gì trong việc liên kết với Việt Nam để chống lại Trung Quốc cả. Nếu có một số nước muốn làm điều đó, thì các nước còn lại sẽ tìm cách phá đám để cuối cùng không đi đến một thông báo chung, như điều đã xảy ra trong cuộc hội nghị tại Campuchia năm ngoái.
Thứ ba, về phía Mỹ, cho đến nay, đó là nước lên án Trung Quốc một cách mạnh mẽ nhất với việc cho hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là “khiêu khích”. Tuy nhiên, chắc chắn là Mỹ sẽ không đi xa hơn việc phê phán gay gắt ấy. Có nhiều lý do. Một là, do những khủng hoảng kinh tế và những khó khăn ở Afghanistan cũng như do tâm lý mệt mỏi của quần chúng Mỹ, chính phủ Mỹ không hề sẵn sàng để dấn thân vào bất cứ một cuộc tranh chấp nào khác nữa. Hai là, một trong những nguyên tắc căn bản làm nên chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Obama là “lãnh đạo từ đằng sau” (lead from behind), mà điển hình là việc tham gia vào cuộc lật đổ Muammar Gaddafi ở Libya vào năm 2011. Theo nguyên tắc này, có thể nói Mỹ chỉ có thể giúp đỡ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông với hai điều kiện: Việt Nam phải quyết tâm chống lại Trung Quốc trước và phải có một số đồng minh khác sẵn sàng nhảy vào góp sức với Việt Nam. Ngoài ra, còn có thêm yếu tố này nữa: Mỹ chỉ có thể tham dự nếu họ tin cậy Việt Nam. Không có sự tin cậy ấy, không thể có quan hệ hợp tác chiến lược để tiến hành chiến tranh. Kinh nghiệm ở Syria chứng minh điều đó: Mấy năm qua, các cuộc xung đột ở đó đã giết chết cả trăm ngàn thường dân vô tội và làm cho cả triệu người phải chạy sang các nước láng giềng để tị nạn, Mỹ vẫn án binh bất động. Lý do, ai cũng biết: Mỹ, dù rất ghét nhà độc tài Bashar al-Assad, nhưng vẫn nghi ngờ các thành phần đối kháng, trong đó, có những nhóm vốn bị xem là bài Mỹ và khủng bố. Dưới mắt Mỹ, giới lãnh đạo Việt Nam không phải là khủng bố, nhưng lại là những kẻ bài Mỹ. Không ai đem xương máu dân chúng nước họ để hy sinh cho những kẻ cứ ra rả chửi mình!
Nếu cả ba cuộc trắc nghiệm trên của Trung Quốc đều thành công, chả có gì quá đáng nếu chúng ta nói: cho đến nay, ở thời điểm này lúc chưa có bên nào nổ súng cả, Trung Quốc đã thắng Việt Nam trong cả ba ván.
Với ba chiến thắng ấy, Trung Quốc không cần đánh Việt Nam, họ cũng thắng ở trận cuối cùng: Làm cho mọi người mặc nhiên thừa nhận là Trung Quốc có toàn quyền trên Biển Đông. Khi việc thăm dò chấm dứt, họ có thể mang giàn khoan HD-981 về nước và sau đó, khi cần, họ có thể ung dung trở lại. Chiến tranh, nếu có, cũng chỉ là những trận đánh võ mồm, chủ yếu để lừa dân trong nước.
Chưa bao giờ tôi viết bài nào mà lại có tâm trạng đau đớn và tức tối như lúc viết bài này. Nhưng chúng ta chỉ có thể hy vọng nếu chúng ta can đảm nhìn vào sự thật. Cả việc bị lừa dối hay tự lừa dối đều chỉ làm tăng thêm và/hoặc kéo dài thảm kịch.
=======================
Chỉ là chiến tranh tâm lý
Biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam
Chung quanh vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, nhiều người hốt hoảng tưởng một cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc đang hoặc sắp sửa bùng nổ. Chưa biết vài ngày hay vài tuần hay vài tháng nữa thế nào, chứ hiện nay, theo tôi, đó chỉ là một cuộc chiến tranh tâm lý.
Vâng, chỉ là chiến tranh tâm lý.
Như tôi đã phân tích trong bài “Trung Quốc đã thắng trên Biển Đông”, mục tiêu chính của Trung Quốc khi mang giàn khoan HD-981 đến khu vực được xem là thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không phải để đánh nhau. Với Trung Quốc hiện nay, một cuộc chiến tranh với Việt Nam, dù có thắng, cũng chưa chắc đã có lợi, đặc biệt, về phương diện kinh tế và quan hệ quốc tế, trong đó có hình ảnh phát triển trong hòa bình mà Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền bạc và công sức ra để xây dựng. Làm thế, có lẽ Trung Quốc chỉ nhắm đến hai mục tiêu chính: Một, trắc nghiệm phản ứng của Việt Nam, ASEAN và Mỹ; và hai, khẳng định chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Về phía Việt Nam, chính quyền có một quyết định, tuy bị phê phán nặng nề, nhưng theo tôi, thành thực mà nói, khá hợp lý là cố gắng kiềm chế, không sử dụng bạo lực để dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh như thế, Việt Nam không thể thắng được. Hơn nữa, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn còn rất èo uột của Việt Nam. Nhưng, có điều, nếu Việt Nam không sử dụng bạo lực thì họ làm gì? Trên thực tế, như các bản tin được phát cho báo chí, họ chỉ cho tàu cảnh sát biển vờn tới vờn lui, húc qua húc lại và bắn súng nước… chơi. Làm như vậy, dĩ nhiên không thể thắng được Trung Quốc. Họ không thể đuổi được giàn khoan. Cũng không thể nhảy lên chiếm giàn khoan. Tất cả đều bất khả. Vậy thì tại sao người ta phải tốn tiền, tốn sức để làm một chuyện không có mục tiêu như vậy? Thực ra, hai mục tiêu mà Việt Nam nhắm tới và có thể làm được là: Một, lôi kéo sự chú ý của thế giới, từ đó, may ra, nhận được sự đồng cảm và/hoặc sự ủng hộ của các cường quốc hoặc các nước trong khu vực; và hai, chứng minh với dân chúng Việt Nam là chính quyền không… hèn: Họ cương quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Cả hai mục tiêu ấy đều có tính chất tuyên truyền.
Dĩ nhiên, trò chơi tuyên truyền như vậy cũng nguy hiểm lắm. Chỉ cần húc nhau mạnh một chút, một chiếc tàu nào đó bị đắm, những người còn lại không thể kiềm chế, phản ứng theo bản năng, bất chấp mệnh lệnh từ trên, nổi điên bắn vài phát súng, làm chết vài người bên phe đối phương. Khi có máu đổ, chiến tranh cũng rất dễ bùng lên. Không ai biết trước được. Trên thế giới, từ xưa đến nay, có rất nhiều cuộc chiến tranh nổ ra một cách rất… lãng xẹt. Hy vọng đó không phải là trường hợp của chúng ta. Lần này.
Nếu xem cuộc tranh chấp hiện nay chỉ là một chiến tranh tâm lý và trên thực tế, nó chỉ là một cuộc chiến tranh tâm lý, có hai điều cần được ghi nhận ngay:
Thứ nhất, như tôi đã từng phân tích trong bài “Trung Quốc đã thắng trên Biển Đông”, cho đến nay, Trung Quốc đã thành công trong tất cả các mục tiêu họ đặt ra.
Thứ hai, điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam đã thất bại: Họ không thể nào đuổi được Trung Quốc ra khỏi Biển Đông và cũng không thể tìm bất cứ đồng minh nào có thể giúp Việt Nam làm được điều đó.
Nhưng như vậy không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn tuyệt vọng. Nếu khôn ngoan, Việt Nam có thể lợi dụng tình thế hiểm nghèo và khá nhục này để chuyển bại thành thắng.
Bằng cách nào?
Có nhiều cách, nhưng cách thứ nhất là sử dụng hình ảnh ngang ngược của Trung Quốc trong cuộc xâm lăng thô bạo vùng biển của Việt Nam để giúp thế giới hiểu rõ những hiểm họa mà Trung Quốc có thể gây ra cho các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và, về lâu về dài, cho cả thế giới. Nhận thức được hiểm họa ấy, người ta sẽ đoàn kết hơn để cùng chống lại Trung Quốc. Với sự đoàn kết ấy, may ra Việt Nam mới có thể xây dựng liên minh chiến lược với một số nước trong khu vực.
Trong cái gọi là liên minh trong khu vực này, hầu hết các nhà bình luận chính trị trên thế giới đều có hai ý kiến giống nhau: Một, Việt Nam nên loại bỏ ý định sử dụng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một liên minh để đối đầu với Trung Quốc. Lý do đơn giản: đó là một điều bất khả. Hầu hết các quốc gia trong khối đều có liên hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc. Sẽ không bao giờ có sự thống nhất nào cả, trừ phi Trung Quốc gặp khủng hoảng về kinh tế dài hạn. Hai, thực tế hơn, Việt Nam nên liên kết với các nước hiện đang có sự tranh chấp về biển và đảo với Trung Quốc: Malaysia, Philippines và Brunei (và có thể, Indonesia). Thật ra, Việt Nam và các quốc gia này cũng có những tranh chấp về lãnh hải, nhưng những tranh chấp ấy có những phạm vi khá nhỏ, không nghiêm trọng bằng những tranh chấp giữa họ với Trung Quốc (bao trùm đến 90% diện tích Biển Đông). Nếu khôn khéo và biết nhân nhượng nhau, họ có thể lập thành một mặt trận chung để đối đầu với Trung Quốc, từ đó, đòi hỏi Trung Quốc phải giải quyết vấn đề theo chiều hướng đa phương thay vì song phương như hiện nay. Nhờ thế, Việt Nam mới có thể quốc tế hóa các tranh chấp với Trung Quốc được.
Thứ hai, Việt Nam phải cấp tốc đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Thích hay không thích Mỹ, chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau sự thật này: Hiện nay, chỉ có một nước duy nhất có thể giúp Việt Nam thoát khỏi hiểm họa Trung Quốc: đó là Mỹ. Không còn nước nào khác.
Thứ ba, trong suốt thời gian chờn vờn với nhau ngoài Biển Đông, chính quyền Việt Nam cần lấy lại niềm tin của dân chúng. Từ nhiều năm nay, rõ ràng nhận định phổ biến của dân chúng Việt Nam đối với chính quyền là: hèn. Không ít người đi xa hơn, cho chính quyền Việt Nam đã bị Trung Quốc hoàn toàn mua chuộc. Công việc đầu tiên mà chính quyền cần làm là chứng minh các nhận định ấy hoàn toàn sai và cũng chứng minh là họ thực sự đang lãnh đạo đất nước trong cuộc đối đầu với Trung Quốc xâm lược.
Nhưng để làm được ba điều trên, điều chính quyền cần phải làm là xác định lại quan hệ với Trung Quốc. Dĩ nhiên, sẽ không khôn ngoan chút nào nếu chính quyền công khai và thẳng thừng cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Là nước nhỏ, nằm ngay sát nách của Trung Quốc, Việt Nam rất khó làm được điều đó. Ngay từ xưa, cha ông chúng ta đã biết rõ như vậy. Ngay sau chiến thắng nhà Minh vào năm 1428, Lê Lợi đã chủ trương làm hòa ngay với Trung Quốc. Ngay sau khi đuổi bọn giặc nhà Thanh khỏi bờ cõi năm 1789, Quang Trung cũng đã làm hòa với Trung Quốc. Bây giờ, thời đại khác, nhưng số phận của đất nước chúng ta cũng không thay đổi. Nhưng làm hòa với Trung Quốc không có nghĩa là nhu nhược và dại dột đến mức cứ ra rả tụng niệm 4 Tốt và 16 Chữ Vàng.
Cứ khư khư ôm giữ những khẩu hiệu mù quáng ấy, sẽ không có ai tin và muốn làm bạn với Việt Nam.
Ngay cả dân chúng cũng không thể tin và kính trọng chính quyền.
Nguyễn Hưng Quốc
----------------------------------------------
http://www.voatiengviet.com/content/chi-la-chien-tranh-tam-ly/1917955.html
|
Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014
Trung Quốc đã thắng ở Biển Ðông - Chỉ là chiến tranh tâm lý
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét