Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Đọc “Bên Thắng Cuộc” - Nguyễn Ngọc Chinh





Đọc “Bên Thắng Cuộc”
 (1)
Quyền bính


Tướng Giáp

Sau Bên Thắng Cuộc, Phần I: Giải phóng, Huy Đức dẫn người đọc đến Phần II: Quyền bính. Tác giả khẳng định: “Quyền Bính không phải là một cuốn sách nói chuyện “thâm cung bí sử” cho dù có nhiều câu chuyện, có nhiều nhân vật được đặc tả rất cận cảnh. Những câu chuyện được kể trong cuốn sách này là sự chia sẻ của rất nhiều người trong cuộc về một giai đoạn mà Việt Nam đã bỏ lỡ những cơ hội có thể đi tới mục tiêu “công bằng, dân chủ, văn minh” do chính đảng cầm quyền đề ra”.

Tuy nhiên, người đọc, nhất là những người thuộc “bên thua cuộc”, vẫn coi đây là chuyện “thâm cung bí sử” vì (1) họ không có cơ hội tiếp xúc một cách gần gũi với các nhân vật quan trọng của Đảng Cộng sản như nhà báo Huy Đức và, (2) họ không là “người trong nội bộ Đảng” nên những gì cuốn sách tiết lộ đều được coi là những góc khuất về quyền lực tại Ba Đình.

Gần một chục nhân vật chóp bu trong đảng đều có những góc khuất của riêng mình và việc khám phá ra chúng làm cho cuốn sách có giá trị lịch sử thú vị, cho dù sự tin cậy của các tài liệu Huy Đức cung cấp không phải là hoàn toàn khả tín hoặc chính Huy Đức cũng là nạn nhân của sự cố tình đánh lạc hướng do chính các nhân vật tạo ra.

Nói như vậy để hiểu rằng mỗi người đọc sẽ có đánh giá riêng của mình về cuốn sách sau khi đã loại trừ những thông tin, những vấn đề còn nhiều tranh cãi hoặc nghi vấn.

Trong Mấy lời của tác giả, nhà báo Huy Đức viết, “Những năm đầu thập niên 1990, chúng tôi được bố trí ăn, ở với các đoàn đại biểu tại nhà khách số 8 Chu Văn An; được dự hầu hết các phiên thảo luận mà các đại biểu đang là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ chính trị. Chúng tôi cũng dễ dàng gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh”.

Trong phạm vi bài viết này, nhân vật chúng tôi muốn nói đến là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lịch sử đã ghi chép, duới gốc đa Tân Trào, tại tỉnh Tuyên Quang, ngày 22/11/1944, ông Giáp cùng với 34 chiến sĩ, trong đó có 3 nữ, ra mắt lực lượng đầu tiên của Việt Minh với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Trong bước đầu thành lập, đội quân này được trang bị vỏn vẹn 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Bức ảnh lịch sử thành lập quân đội dưới đây, tướng Giáp là người đội mũ phớt đứng bên trái. Sau này, Lê Đức Thọ đã gọi ông là… “ông tướng mũ phớt”.

Võ Nguyên Giáp và đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

Đến tháng 5/1948, tức khoảng 3 năm rưỡi sau, Võ Nguyên Giáp được ông Hồ Chí Minh phong chức Đại tướng, khi ấy mới 37 tuổi. Đó là cả một “huyền thoại” trong cuộc đời binh nghiệp vì có lẽ trên thế giới chỉ mới thấy xuất hiện hai đại tướng được phong vượt 17 cấp như thế! Đầu tiên là ông Giáp và sau này, ở Bắc Triều Tiên, có Kim Jong-un.

Từ đó người ta gọi ông là “Tướng Giáp” và ông đã trải qua những chức vụ quan trọng như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội cho đến năm 1982.

Võ Nguyên Giáp được coi là một nhà chỉ huy quân sự, nhà hoạt động chính trị và là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân. Ông cũng là chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975). Tướng Giáp tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới Thu đông (1950), Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).

Điểm đặc biệt về vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân là ông chưa từng trải qua một trường lớp quân sự nào. Bên Thắng Cuộc tiết lộ: “Cụ Hồ cũng đã từng cử Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc học quân sự. Nhưng trên đường đi, Chiến tranh Thế giới thứ II đưa người Pháp ở chính quốc vào thế thua, Hồ Chí Minh thấy thời cơ tới nên gọi ông trở lại. Tướng Giáp vì thế chưa từng qua bất cứ một trường lớp nhà binh nào. Có lẽ, tư duy quân sự của ông hình thành trong những năm dạy sử”.

Hồ Chí Minh & Võ Nguyên Giáp

Tướng Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Gia đình Võ Nguyên Giáp có 7 anh chị em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm, 3 người con gái và 2 người con trai là Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho, sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục.

Những năm học ở Trường Quốc Học Huế ông thường tới nhà cụ Phan Bội Châu đàm đạo và được cụ Phan cho mặc sức sử dụng kho sách của mình. Giáp cũng chơi thân với thầy giáo Đặng Thai Mai.

Năm ông mười sáu tuổi, người Pháp đuổi học Nguyễn Chí Diểu. Giáp khởi xướng một cuộc bãi khóa để phản đối. Vì sự kiện ấy, Giáp cũng bị đuổi học. Nguyễn Chí Diểu đến An Xá tìm Giáp và tiết lộ“Chúng tôi đã lập Đảng Tân Việt” (chứ không phải Việt Tân ngày nay!).  Giáp bảo: “Tôi đi với anh”. Võ Nguyên Giáp là người đã góp phần tích cực đưa Tân Việt tham gia Đông Dương Cộng sản Đảng.

Đầu tháng 10/1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa Phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng... Năm 1935, Nguyễn Thị Quang Thái trở thành người vợ đầu tiên và có một con với ông.


Võ Nguyên Giáp & Nguyễn Thị Quang Thái

Chị Quang Thái hẹn khi con (Võ Hồng Anh) cứng cáp sẽ đi thoát ly hoạt động cùng chồng. Nhưng cả hai không ngờ lần chia tay năm 1940 cũng là lần vĩnh biệt, chị Thái bị người Pháp bắt giam và chết trong tù năm 1944. Theo lịch sử đảng, bà Thái là một hình tượng người phụ nữ mẫu mực, kiên trung, yêu nước và được phong tặng danh hiệu “liệt sĩ”.

Nguyễn Thị Quang Thái & Võ Hồng Anh

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Hồng Anh (1941-2009), con gái Tướng Giáp, kể lại: “Năm 1929, cha tôi lần đầu tiên nghe nhắc đến cái tên Nguyễn Thị Quang Thái, cô em gái trẻ, thông minh và rất xinh của Nguyễn Thị Minh Khai. Trong chuyến tàu cha tôi trở lại Huế, tới Vinh thì gặp mẹ tôi lên tàu, cùng với một nữ sinh Đồng Khánh. Lúc đó mẹ tôi mặc áo dài, tóc để xõa, da trắng, gương mặt sáng. Nhưng điểm gây ấn tượng với cha tôi nhất là đôi mắt”.

Tướng Giáp và con gái, GS-TS Võ Hồng Anh

Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut, nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.

Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng.

Tháng 5/1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội, do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường. Một trong những học trò của Tướng Giáp, ông Bùi Diễm, người đã từng là bộ trưởng Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa năm 1965, viết:

“Những gì về ông Giáp hồi ấy thật đặc biệt, vì vậy mà hơn nửa thế kỷ sau, tôi vẫn còn nhớ rõ rệt. Phần giảng dạy của ông về Nã Phá Luân rất ly kỳ... Hình như ông đã in tất cả trong đầu và sử trở thành một phần trong con người ông. Ông như chìm đắm vào thế giới của mình và ông lôi kéo học trò vào thế giới đó” (Bùi Diễm, Trong Gọng Kìm Lịch Sử, Phạm Quang Khai xuất bản năm 2000, trang 21, 22, 23).

Hồ Chí Minh & Võ Nguyên Giáp
(1950)

Mối quan hệ giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp thoạt đầu được mô tả là khá thân thiện, đằm thắm. Bên Thắng Cuộc trích dẫn lời Tướng Giáp: “Lúc mới ra Bắc, anh Lê Duẩn thường tâm sự với tôi những khó khăn trong công việc. Anh đã nhiều lần nói với tôi, năm 1940 nhờ có chị Thái nên anh thoát khỏi án tử hình”.

Câu chuyện về “chị Thái” mà ông Lê Duẩn đề cập, theo Huy Đức, xảy ra trong phiên tòa xử những người lãnh đạo Nam Kỳ khởi nghĩa, Lê Duẩn và Nguyễn Thị Minh Khai đứng đối diện trong song sắt trước tòa. Minh Khai viết một bức thư nhỏ, gấp lại rồi ném cho Lê Duẩn, chẳng may thư rơi xuống gần người lính canh ngục. Nguyễn Thị Quang Thái đứng gần đó, nhanh chóng nhặt và nuốt ngay lá thư.

Năm 1946, khi ông Đặng Thai Mai (1902-1984) chuyển từ Sầm Sơn ra Hà Nội, Giáp tìm tới thăm, lúc này cô con gái của thầy Mai, Đặng Bích Hà, đã là một cô gái mười chín xuân thì. Họ lấy nhau và có bốn người con. Đặng Bích Hà sau này là Phó giáo sư lịch sử tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Võ Nguyên Giáp & Đặng Bích Hà

Sau 1954, gia đình Tướng Giáp – Đặng Bích Hà, kể cả người con gái của ông (Võ Hồng Anh) với bà vợ trước Nguyễn Thị Quang Thái, sống quây quần trong biệt thự, số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

Võ Nguyên Giáp - Đặng Bích Hà cùng 5 người con
Võ Hồng Anh, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam và Võ Hòa Bình
(1963)

Bên Thắng Cuộc, Chương 15: Tướng Giáp, bàn về mối quan hệ giữa Lê Duẩn [1] cùng những người thân cận của ông với Tướng Giáp. Nổi bật nhất là sự thật về vụ án chống đảng “Năm Châu - Sáu Sứ” năm 1967 đến sự kiện về việc “Thống chế đi đặt vòng”.

Chương 15 cũng trưng nhiều tài liệu về vai trò thực sự của Tướng Giáp trong cuộc chiến tranh 1955-1975, Sự kiện Vịnh Bắc bộ, Tết Mậu Thân 1968. Huy Đức đưa Tướng Giáp vào cuối phần Dấu ấn Nguyễn Văn Linh, đó là thời điểm bắt đầu một nỗ lực nhằm hạ uy tín của “Vị tướng Điện Biên” diễn ra vào cuối nhiệm kỳ Tổng bí thư.

Từ trái qua phải:
Nguyễn Văn Linh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái

Lịch sử ghi lại, mãi tới tháng 5/1940, Võ Nguyên Giáp mới sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh và tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương trong khi năm 1939 Lê Duẩn đã được bổ sung vào Thường vụ Trung ương Đảng. Tuy nhiên, trong thời gian Lê Duẩn gần như mờ nhạt ở miền Nam thì Võ Nguyên Giáp đã “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” tại miền Bắc.

Theo ông Hoàng Tùng, khi đó là chánh Văn phòng Trung ương Đảng, “Khi mới từ miền Nam ra, cả Lê Duẩn và Lê Đức Thọ [2] đều không thấy thoải mái khi ngồi cùng Tướng Giáp. Cho dù lịch sử gắn bó giữa Lê Đức Thọ và Lê Duẩn bắt đầu bằng một cuộc đụng độ [3]. Kể từ khi Lê Duẩn ra Bắc, Lê Đức Thọ đã đóng một vai trò quan trọng trong quy trình cán bộ đưa Lê Duẩn đạt đến đỉnh cao quyền lực”.

Về phần mình, ông Giáp cũng đã rất giữ mình, đặc biệt, với Lê Duẩn. Năm 1956, Trung ương Đảng thừa nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất, Trường Chinh xin từ chức, Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là chủ tịch Đảng kiêm thêm chức vụ tổng bí thư. Ông Giáp, lúc đó đang là trợ lý về Đảng của Hồ Chí Minh, tiết lộ:

“Tháng 7/1956, tôi đề nghị Bộ Chính trị cử anh Ba [Lê Duẩn] làm phó tổng bí thư để dễ làm việc,nhưng anh đã từ chối và nói, nên chờ đại hội quyết định. Tại hội nghị Bộ Chính trị bàn việc chuẩn bị đại hội, khi được đề nghị làm trưởng ban chuẩn bị Báo cáo Chính trị, anh cũng từ chối và nói, ‘đã mười năm không ở miền Bắc, chủ trì chuẩn bị báo cáo e khó khăn, vì vậy đề nghị hai đồng chí Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp tham gia’. Cuối cùng Bộ Chính trị đề nghị Bác làm trưởng ban, anh Ba làm phó”.

Hoàng Tùng kể lại, “Lê Đức Thọ gặp không ít đàn em gợi ý thẳng… ‘giờ đến lượt tao’. Những năm 1945, 1946, thế Lê Đức Thọ lớn lắm, chỉ sau Hồ Chí Minh, Trường Chinh. Bác cử Lê Đức Thọ vào Nam cũng có ý không để hai ‘con hổ’ Trường Chinh, Lê Đức Thọ gần nhau. Nhưng khi Bác lấy phiếu thăm dò, không ai đề cử Lê Đức Thọ cả. Trong bốn ứng cử viên Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn cao phiếu hơn hẳn”.

Ngày 26/8/1945, Tướng Giáp về Hà Nội
sau khi Việt Minh giành được chính quyền

Tiếp đến là thời kỳ Tết Mậu Thân. Ngày 1/1/1968, sau khi thăm một số nơi bị máy bay bắn phá ở Hà Nội, vào lúc 2 giờ 30 chiều và tiếp “Bộ Chính trị đến làm việc”, ông Hồ Chí Minh tiếp tục “sang Bắc Kinh dưỡng bệnh”. Ở Hà Nội, bàn tay của Lê Đức Thọ bắt đầu siết mạnh hơn.

Để đảm bảo hoàn toàn bí mật chiến dịch Tổng công kích Tết Mậu Thân, chỉ trước khi nổ súng một tuần, Lê Duẩn mới triệu tập các ủy viên Trung ương về Kim Bôi họp Hội nghị Trung ương lần 14. Tại hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thông báo với Trung ương rằng trong cuộc họp quan trọng này “có nhiều đồng chí vắng mặt”. Lê Duẩn giải thích:

“Trước hết, tôi xin báo cáo với các đồng chí, lần này hội nghị Trung ương chúng ta họp, có một số đồng chí Trung ương bị ốm không đến được, có một số đồng chí bận việc không đến được. Trong Bộ Chính trị cũng có đồng chí bận việc không đến được, một số đồng chí sẽ đến, mai có đồng chí Thọ (Lê Đức Thọ), đồng chí Dũng (Văn Tiến Dũng) sẽ đến báo cáo”

Sau Hội nghị Trung ương 14, chiều 20/1/1968, Lê Đức Thọ có đến Bắc Kinh để “báo cáo Bác Hồ”. Tướng Giáp khi đó lại ở Hungary, ông nhớ lại: “Sắp nổ súng thì Bác cũng đang ở Bắc Kinh. Bác điện cho tôi: chú thu xếp về càng sớm, càng tốt”.

Từ Hungary, Tướng Giáp bay tới Bắc Kinh. Theo ông Vũ Kỳ, sáng 25/1/1968, Hồ Chí Minh gặp riêng Võ Nguyên Giáp. Trong khi, cả “Cha già Dân tộc” và “Anh cả của Quân đội” vẫn đang “an trí” ở Bắc Kinh thì những binh đoàn chủ lực miền Bắc bí mật áp sát các đô thị miền Nam.

Máy bay Trung Quốc đưa Tướng Giáp về tới Hà Nội ngay trong ngày 29 Tết. Hôm sau ông mới được Tướng Vũ Lăng, cục trưởng Cục Tác chiến báo cáo “Kế hoạch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa”. Vũ Lăng nói: “Anh Văn Tiến Dũng bảo bây giờ thì có thể báo cáo toàn bộ với anh Văn” (Văn là bí danh của Võ Nguyên Giáp).

Tướng Giáp cố giữ vẻ mặt bình thản để dấu niềm cay đắng. Ông, vị tổng tư lệnh, đã không được biết một kế hoạch lớn như vậy cho đến trước khi nổ súng một ngày. Cái đêm mà cả miền Nam chìm trong khói lửa của Tổng tiến công Tết Mậu Thân, Hồ Chí Minh đang ở Bắc Kinh.

Theo lời kể của Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chí Minh, hai người ngồi “trong căn phòng vắng” để nghe lời chúc Tết của chính ông qua đài Tiếng nói Việt Nam từ chiếc radio bán dẫn: 

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”

Cũng theo lời Vũ Kỳ, bài thơ trên được Hồ Chí Minh làm trong gần ba tháng khi đang ở Bắc Kinh và đã được thu thanh khi ông về Hà Nội hồi cuối tháng 12/1967 (Vũ Kỳ, Bác Hồ với Tết Mậu Thân Năm Ấy, báo Văn Nghệ số Xuân, năm 1998).

Bốn ngày sau khi Chiến dịch Mậu Thân bắt đầu, một trong những nhân vật quan trọng nhất của chiến dịch, Tướng Nguyễn Văn Vịnh [4], bị vô hiệu hóa. Ông là Ủy viên Thường trực Tổng Quân ủy, được cử vào Trung ương Cục trao đổi Kế hoạch Mậu Thân chỉ mười ngày sau khi Tướng Nguyễn Chí Thanh mất.

Tướng Vịnh trở lại Hà Nội vào đầu tháng 1/1968, và chính ông là người báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Quân ủy và cũng là người trực tiếp soạn thảo Nghị quyết Trung ương 14.

Theo thư ký riêng của Tướng Vịnh, ông Phạm Văn Hùng, thì chiều mồng 5 Tết Mậu Thân, ông Vịnh được Lê Đức Thọ mời tới nhà riêng để gặp vào lúc 15 giờ. Cuộc gặp kéo dài tới chập tối nên ông Hùng không thể chờ.

Sáng hôm sau khi ông Phạm Văn Hùng quay lại nhà riêng và là nơi làm việc của Tướng Vịnh, 34 Cao Bá Quát, thì được ông Vịnh cho biết, ông bị ngưng tất cả các chức vụ: ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, ủy viên thường trực Quân ủy, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Khoảng ba mươi nhân vật cao cấp đã bị bắt, phần lớn là những người thân cận với Tướng Giáp như: Thiếu tướng Đặng Kim Giang [5], Đại tá Lê Trọng Nghĩa, Đại tá Lê Minh Nghĩa, Đại tá Đỗ Đức Kiên… Trừ một số người bị bức cung để phải khai ra “vai trò cầm đầu của Tướng Giáp” lờ mờ nhận thấy mục tiêu chính trị của “vụ án”, phần đông cho đến tận cuối đời không hiểu vì sao lại có vụ án này.

(Còn tiếp)


Chú thích:

[1] Lê Duẩn (1907–1986) là Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ 1960 đến 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1976 đến 1986. Ông là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam có tổng thời gian tại vị lâu nhất với 25 năm, 303 ngày. Từ 1960 cho đến khi qua đời năm 1986, ông có một ảnh hưởng chính trị rất lớn tại miền Bắc và ở Việt Nam sau 1975. Ông cũng đã xác lập quyền uy tối thượng của mình trong những năm tháng còn tại vị.

Lê Duẩn chính là người đã vạch ra chiến lược cách mạng ở miền Nam với tác phẩm Đề cương cách mạng miền Nam. Từ bản đề cương này, hàng loạt phong trào bạo động ở miền Nam nổ ra, dọn đường cho quân đội Bắc Việt tấn công và đánh chiếm Sài Gòn vào năm 1975, kết thúc Chiến tranh Việt Nam.

Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7/4/1907, tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Sau đó ông theo gia đình về sinh sống tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành cùng huyện, ở bên kia dòng sông Thạch Hãn. Khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn hiện nay được xây dựng tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành.

Pierre Asselin từng nhận xét về Lê Duẩn: “Ông khao khát quyền lực tuyệt đối. Thông qua việc cô lập ông Hồ, ông Giáp và các đồng minh của họ trong đảng, ông Lê Duẩn đã thiết lập một bộ máy lãnh đạo ở Hà Nội không chỉ trung thành mà còn chung quyết tâm hoàn tất các mục tiêu cách mạng”.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc phủ nhận cách nhìn này, theo đó vai trò của Tướng Giáp bị làm lu mờ bởi những thành viên Bộ Chính trị trong giai đoạn cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cũng cho rằng không hề có một sự phân chia ê-kíp trong nội bộ Bộ Chính trị lúc bấy giờ, mà theo đó Tướng Giáp được cho là thuộc phái "chủ hoà".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng viết rằng: “Với tôi, những năm công tác trong Bộ Chính trị, Anh [Lê Duẩn] đã thường xuyên trao đổi ý kiến, thường là nhanh chóng đi đến nhất trí trong những vấn đề lớn; khi có ý kiến khác nhau thì tranh luận thẳng thắn, những điều chưa nhất trí thì chờ thực tiễn kiểm nghiệm. Lúc mới ra Bắc, Anh thường tâm sự với tôi những khó khăn trong công việc... Từ sau Đại hội III và Đại hội IV, tôi đã ba lần đề nghị Anh là Tổng Bí thư kiêm luôn Bí thư Quân ủy Trung ương, nhưng Anh nói: “Anh là Tổng chỉ huy lâu năm nên tiếp tục làm Bí thư Quân ủy Trung ương, như vậy có lợi cho lãnh đạo”.

Hồ Chí Minh & Lê Duẩn

[2] Lê Đức Thọ (1911 – 1990) là chính khách đã từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger vào năm 1973 nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. Cho đến này, đó là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt.

Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911, tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Cha là Phan Đình Quế, làm hương trưởng, chánh hương hội ở xã, từng được ban hàm cửu phẩm. Hai vợ chồng ông Phan Đình Quế sinh được tám người con, trong đó có ba người theo cộng sản: Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ), Phan Đình Dinh (Đinh Đức Thiện), Phan Đình Đống (Mai Chí Thọ).

Năm 1948, ông vào miền Nam làm Phó Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ cho tới khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954. Sau khi tập kết ra Bắc năm 1955, ông được bầu vào Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi là Đảng Cộng sản Việt Nam) và đắc cử.

Đầu năm 1968, ông trở lại miền Nam làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam một thời gian ngắn. Đến tháng 5 cùng năm, ông làm cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Từ tháng 3/1983, ông là Bí thư phụ trách Tư tưởng, Nội chính và Ngoại giao. Năm 1983, ông được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng. Năm 1986, ông là Trưởng Tiểu Ban Nhân sự Đại hội VI. Từ tháng 12 năm 1986, ông là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Lê Đức Thọ & Henry Kissinger

[3] Năm 1948, với tư cách là ủy viên Thường vụ Trung ương, Lê Đức Thọ được cử vào Nam, nơi ông Lê Duẩn đang là bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Trong một hội nghị do Xứ ủy tổ chức vào năm 1949, Lê Đức Thọ đã xuất hiện như một cấp trên, chỉ trích Xứ ủy Nam Bộ bằng những lời lẽ nặng nề. Khi mới vàoNam, ông Lê Đức Thọ là cấp trên và ông cũng có ý định thay thế Lê Duẩn giữ chức bí thư Xứ ủy. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thọ sau đó đã chủ động xin ở lại làm phó cho Lê Duẩn.

[4] Nguyễn Văn Vịnh (1918-1978) đã từng là Trưởng phái đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế thi hành hiệp định Geneve tại Sài Gòn, Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ - Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III.

Giữa năm 1967, ông được Trung ương cử bí mật vào Nam, thay tướng Nguyễn Chí Thanh vừa mất trước đó 10 ngày, để phổ biến kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân. Năm 1969, do liên can đến việc bảo vệ một số người trong Vụ án Xét lại Chống Đảng, ông bị kỷ luật và buộc thôi giữ các chức vụ, bị hạ quân hàm xuống Thiếu tướng. Ngày 27/1/1972, Ban Chấp hành Trung ương mới ra nghị quyết tước quân hàm trung tướng của ông Nguyễn Văn Vịnh.

Ngày 13/10/1977, sau khi phục hồi đảng tịch và giữ quân hàm thiếu tướng cho Tướng Vịnh, Quyết định số 255 do chính Lê Đức Thọ ký, viết: “Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh biết Đặng Kim Giang là phần tử xấu có quan điểm chống lại Nghị quyết 9 của Đảng vẫn quan hệ trao đổi một số quan điểm sai trái về đường lối chống Mỹ, tiết lộ những tin tức cơ mật về quân sự, chính trị với Giang. Giang đã sử dụng những tin ấy để hoạt động chống Đảng và cung cấp cho người nước ngoài. Nhưng tác hại không lớn. Đồng chí Vịnh không có quan hệ về tổ chức và hành động với nhóm chống Đảng của Đặng Kim Giang và không biết Giang hoạt động chống Đảng có tổ chức như sai lầm của 3 ủy viên Trung ương: Ung Văn Khiêm, Lê Liêm, Bùi Công Trừng”.

[5] Đặng Kim Giang (1910-1983) là một trong bốn chỉ huy quan trọng nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, với vai trò chủ nhiệm cung cấp của mặt trận, ông đã đảm bảo cung cấp mỗi ngày năm mươi tấn gạo cho chiến dịch. Năm 1958, ông được phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1962, ông ra làm thứ trưởng Bộ Nông trường.

Năm 1967, ông là một trong những nhân vật chính trong Vụ án Xét lại Chống Đảng. Ông bị chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bí mật bắt giam 7 năm tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội và quản thúc 7 năm sau đó tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (nay là huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh).

Năm 1980 ông trở về Hà Nội, sống trong ngôi nhà cũ rộng 14 mét vuông tại số 30 ngõ Chùa Liên Phái thuộc quận Hai Bà Trưng. Mười người, vợ chồng, con cái, cháu nội, cháu ngoại sống trong ngôi nhà đó hơn 10 năm trời. Ông mất ngày 16/5/1983. An táng tại Nghĩa trang Văn Điển, Hà Nội.

***


Đọc “Bên Thắng Cuộc”
(2)

 Con số & góc khuất


Huy Đức có đủ “dũng khí” để trở về Việt Nam sau khi học bổng Nieman Fellowship tại Đại học Havard (Boston) chấm dứt vào năm 2013? Câu trả lời hãy còn bỏ ngỏ.

Cuộc hành trình hồi hương với tác phẩm Bên Thắng Cuộc, nếu xảy ra, sẽ là cuộc đối đầu đầy gian nan và nhiều phức tạp trong tình hình tại Việt Nam ngày càng nhiều phiên tòa xử những vụ án có liên quan đến chính trị và các blogger tự do.

Quảng cáo đặt mua trước sách ‘Bên Thắng Cuộc’
của Báo Người Việt tại Mỹ  với giá 20 đô-la

Bên Thắng Cuộc đã cung cấp rất nhiều thông tin trong một khoảng thời gian dài, từ 1975 cho đến nay, ngoài ra còn có những tư liệu thuộc loại “thâm cung bí sử” trong suốt cuộc chiến vừa qua. Đó là thế mạnh của cuốn sách nhưng cũng lại là thế “kẹt” của Huy Đức đối với chính quyền Việt Nam. Thế cho nên, trở về nước đòi hỏi dũng khí của tác giả.

Tùy theo cách nhìn và góc độ nhìn, những tài liệu có liên quan trong sách có thể bị coi như những hành vi “tiết lộ bí mật an ninh quốc gia”, “bôi xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước”, “xuyên tạc sự thật lịch sử”… thậm chí còn là “vi phạm các quy định về xuất bản và phát hành sách…” [1].

Đó mới chỉ là những dự đoán những gì sẽ xảy ra khi Huy Đức trở về Việt Nam. Và nếu trở về, Huy Đức sẽ có tên bên cạnh “những tác giả sống tại Việt Nam” có sách xuất bản tại hải ngoại như nhạc sĩ Tô Hải (một nhạc sĩ có công với cách mạng từ thời kháng chiến) với tác phẩm Hồi ký của một thằng hèn [2].

Cảm giác chung khi đọc Bên Thắng Cuộc người đọc bị “choáng ngợp”, có khi thậm chí còn bị “bội thực” về nguồn tư liệu tác giả cung cấp. Con số thống kê là một trong những yếu tố quan trọng trong chứng liệu về lịch sử. Con số tuy khô khan nhưng hoàn toàn không biết nói dối, chỉ trừ khi người sử dụng nó có thâm ý đánh lừa người đọc. Mặt khác, số liệu nói lên rất nhiều và còn nói nhiều hơn chữ viết. 

Những con số thống kê được Bên Thắng Cuộc trích dẫn đa số đều có dẫn nguồn, tuy nhiên, người đọc có quyền thắc mắc về sự chính xác và trung thực của nguồn dẫn. Ngoài ra, con số nếu được đi kèm hình ảnh sẽ tăng tính thuyết phục. Đáng tiếc là điều này Bên Thắng Cuộc không có.

Cover photo trên Facebook Osin Huy Đức:
Tác giả có cô đơn tại Hoa Kỳ?

Trong Chương I, Bên Thắng Cuộc trình bày những diễn biến quân sự và chính trị trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến và những gì xảy ra trong dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1075. Người đọc lần lượt theo dõi sự việc qua các tiểu mục Đi từ bưng biền, trận đánh Xuân Lộc, Trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất… với những nhân vật có liên quan như Tướng Big Minh, tướng về hưu Nguyễn Hữu Hạnh đến những trường hợp tuẫn tiết của các tướng lãnh quân đội VNCH.

Đây là những đề tài đã được rất nhiều tác giả khai thác, cả từ “bên thắng cuộc” cũng như “bên thua cuộc” [3]. Điểm đặc biệt, qua Bên Thắng Cuộc, tác giả Huy Đức, vốn là một nhà báo của chế độ mới nên có thuận lợi trong việc tiếp cận các nhân vật có liên quan đến bên thắng cuộc, họ cung cấp nhiều tài liệu thuộc loại báo chí gọi là “độc quyền” (exclusive) cho cuốn sách.

Nổi bật hơn cả là phụ lục Sự thật lịch sử về tăng 390 và tăng 384. Huy Đức viết, “Trong suốt hơn hai mươi năm kể từ ngày 30-4-1975, truyền thông trong nước đã mặc nhiên thừa nhận chiếc xe 843 của Bùi Quang Thận đã húc đổ cổng Dinh trong khi sự thật chính là xe 390”.
…   

Trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, kể lại: “Sau khi biết Thận là người cắm cờ, báo chí vây lấy cậu ấy. Chắc thằng Thận không nói, nhưng các nhà báo suy ra Thận cắm cờ thì 843 của Thận phải là xe vào trước. Khi về tới Long Bình, anh em đã báo cáo lên, xe 390 húc đổ cổng Dinh, nhưng khi nghe báo nói xe 843 anh em cũng cho qua. Về sau, do vụ “ai cắm cờ” đã khá bầm dập nên nhiều người nghĩ, cải chính làm chi cho phức tạp. Sau đó, Việt Nam lại xung đột với Trung Quốc mà chiếc 390 là T59, viện trợ của Trung Quốc, trong khi chiếc 843, T54, viện trợ của Liên Xô nên càng không ai nghĩ tới việc làm rõ sự kiện này”.

Đấy là tài liệu thuộc loại “thâm cung bí sử” nói lên tính cách dễ dãi của chính quyền thời ấy khi họ lý luận “cải chính làm chi cho phức tạp”. Hơn nữa, qua cuộc chiến Việt Nam – Trung Quốc năm 1979, người ta “thích” để xe tăng T54 của Liên Xô đâm vào cổng dinh Độc Lập hơn là chiếc tăng 390 do Trung Quốc viện Trợ [4].

Sau những "hiểu lầm" trong lịch sử, chiếc xe đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 đã được xác nhận là chiếc xe tăng mang số hiệu 390. Hai trong số bốn chiến sĩ tham gia chiến đấu trên chiếc xe tăng 390 đã kiến nghị về việc xét tặng giải thưởng cho tác phẩm, vì cho rằng bức ảnh của tác giả Trần Mai Hưởng không phải là bức ảnh chụp chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập và đây là hình ảnh được dàn dựng lại.

Mạnh Thường, Phó ban Lý luận phê bình - Hội Nhệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bày tỏ: “Tác phẩm Xe tăng đánh chiếm dinh Độc Lập của tác giả Trần Mai Hưởng không phải là bức ảnh chụp chiếc xe tăng 390 đầu tiên húc đổ cánh cổng dinh. Hơn nữa, đây là một bức ảnh không trung thực, không chụp hình ảnh thật lúc đó mà chụp hình ảnh được dựng lại để quay phim. Vì thế tác phẩm không có ý nghĩa, không xứng đáng với giải thưởng”.

Bên Thắng Cuộc cung cấp thêm chi tiết: “Những thước phim, những bức ảnh “húc đổ cổng Dinh Độc Lập” được phục dựng đã thế chỗ sự thật và số phận của những người được nói đến thật cách biệt với những người im lặng. Bùi Quang Thận sau ngày 30/4 được điều về Bộ chỉ huy, còn Thiếu úy Lê Văn Phượng và ê-kíp xe 390 được điều lên biên giới Tây Ninh, chuẩn bị cho cuộc chiến ở Campuchia, rồi tháng 3-1979 lại được điều ra tham gia cuộc chiến tranh phía Bắc. Ba người trên chiếc xe tăng 390 xuất ngũ năm 1981, một người, Lê Văn Phượng, xuất ngũ năm 1986. Kể từ đó, bốn anh em không có điều kiện gặp nhau”.

Xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập
(Ảnh được xét duyệt Giải thưởng Hồ Chí Minh của Trần Mai Hưởng)

Chúng tôi sẽ dẫn một số đoạn tác giả Bên Thắng Cuộc sử dụng những con số thống kê để tăng cường tính thuyết phục, nhưng cũng xin nhắc lại, không thể xác minh được số liệu trích dẫn. ỞChương II: Cải tạo – Phần 1 – Những ngày đầu, cuốn sách đưa ra những con số về đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, những con số này không rõ trích từ nguồn nào nên người đọc có thể đặt ra nghi vấn:

“Trước 30-4-1975, tại Sài Gòn có 735 đảng viên tại chỗ. Trung ương Cục bổ sung thêm 2.820 cán bộ đảng viên từ trong các cơ quan của R về. Nhưng đến cuối tháng 5-1975, số đảng viên đã nhanh chóng tăng lên đến 6.553 người”.
Theo Wikipedia, trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 4 (tổ chức vào tháng 12/1976 tại Hà Nội, nột năm sau biến cố 1975) số đảng viên trên toàn quốc là 1.550.000 người và đến Đại hội lần thứ 11 (tháng 1/2011) lên đến 3.600.000 đảng viên [5].
Tôi nghĩ, số người tăng vọt trong hàng ngũ của đảng viên không loại trừ những thành phần tham gia vì mục đích tiến thân chứ không hẳn vì lập trường chính trị. Con số 3,6 triệu đảng viên năm 2011 so với dân số Việt Nam gần 90 triệu, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4%. 
Những biến cố bi thương tại miền Nam sau 1975 bao gồm học tập cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, đốt sách, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế mới… đã dẫn đến việc hàng triệu người Việt Nam phải bỏ nước ra đi. Điều gì đã khiến người miền Nam phải “vượt biên” đã được lý giải phần nào trong Bên Thắng Cuộc. Nhiều tác giả cũng đã viết về những bi kịch này nhưng có lẽ Bên Thắng Cuộc là một kho tư liệu phong phú nhất với cái nhìn từ bên thắng cuộc. Tôi gọi giai đoạn này là Thời Điêu Linh [6].

Chương II nói về chính sách cải tạo áp dụng với “Ngụy quân” và “Ngụy quyền”  cũng là trường hợp số liệu không dẫn nguồn về số người thuộc chế độ cũ trình diện theo thông cáo của chính quyền mới: “Ở Sài Gòn, 443.360 người ra trình diện, trong đó có hai mươi tám viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sỹ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo các loại, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, 9.306 người trong các đảng phái được cách mạng coi là “phản động”. Chỉ 4.162 người phải truy bắt trong đó có một viên tướng và 281 sỹ quan cấp tá.”

Bên Thắng Cuộc tiết lộ một chứng liệu rất quý giá về Chỉ thị 218/CT-TW của Ban Bí thư ngày 18/4/1975 mà hầu như nhiều người chưa từng biết đến: “Đối với sỹ quan, tất cả đều phải tập trung giam giữ quản lý, giáo dục và lao động; sau này tùy sự tiến bộ của từng tên sẽ phân loại và sẽ có chính sách giải quyết cụ thể. Những người có chuyên môn kỹ thuật [kể cả lính và sỹ quan] mà ta cần thì có thể dùng vào từng việc trong một thời gian nhất định, nhưng phải cảnh giác và phải quản lý chặt chẽ, sau này tuỳ theo yêu cầu của ta và tuỳ theo sự tiến bộ của từng người mà có thể tuyển dụng vào làm ở các ngành ngoài quân đội. Đối với những phần tử ác ôn, tình báo an ninh quân đội, sỹ quan tâm lý, bình định chiêu hồi, đầu sỏ đảng phái phản động trong quân đội, thì bất kể là lính, hạ sỹ quan hay sỹ quan đều phải tập trung cải tạo dài hạn, giam giữ riêng ở nơi an toàn và quản lý chặt chẽ”.

Đoạn trích dẫn nêu trên có thể được coi như một “góc khuất” trong lịch sử qua đó người đọc hiểu rõ hơn chính sách của chính quyền mới trong một Chỉ thị với giọng văn hằn học và miệt thị công chức, quân nhân VNCH. Người ta cũng thấy dân miền Nam quá ngây thơ khi tin tưởng vào những thông báo đại loại như “Phải mang giấy bút, quần áo, mùng màn, các vật dụng cá nhân, lương thực, thực phẩm [bằng tiền hoặc hiện vật] đủ dùng trong mười ngày kể từ ngày đến tập trung” hoặc sỹ quan cấp tướng được yêu cầu mang theo thực phẩm, lương thực “đủ dùng trong một tháng”.

Huy Đức viết: “Ngay trong phòng làm việc của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Trung ương Cục đã bàn cách đưa các sỹ quan của ông đi “cải tạo lâu dài”. Kế hoạch được gọi là Chiến dịch X-1. Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: Việc công bố ba mức thời gian học tập – hạ sỹ quan binh lính, ba ngày; cấp úy, mười ngày; tướng, tá, một tháng – là có ý để cho các đối tượng ngầm hiểu rằng, thời gian học tập tối đa của các sỹ quan chỉ là một tháng”.

Huy Đức

Trong Chương II: Cải tạo – Phần 3 – Đoàn tụ, Phản động, Trung ương Cục nhóm họp để triển khai “Chiến dịch X-1, X-2”, được quan tâm đặc biệt vì liên quan đến an ninh chính trị những ngày đầu sau khi Sài Gòn thất thủ. Báo cáo ngày 2/9/1975 như sau:

“Bọn chánh quyền cơ sở đi tập trung rất ít. Bọn Tuyên úy cũng đi rất ít. Cảnh sát đặc biệt, dự kiến đi 1.500, nhưng chúng tập trung đến 2.460 tên. Nhưng, dự kiến trên 1.000 tuyên úy chỉ đi 2 tên; dự kiến trên 150 tên chiến tranh tâm lý, đi 46 tên; dự kiến 500 cảnh sát đã chiến chỉ đi 190 tên; Quân cảnh đi 140 tên; Tình báo dự kiến 1000 chỉ đi 142 tên; Biệt kích 1000 chỉ đi 64 tên; Chiêu hồi dự kiến 300 chỉ đi 130 tên; Bình Định dự kiến 1500 chỉ đi 55 tên; Dự kiến đợt I, (đối tượng này) là 10.200 nhưng chỉ đi 4.800 tên; còn lại tên 5000; ta tổ chức bắt trên 400 tên; bọn cơ sở, tình báo, quân báo tại chỗ dự kiến 3 vạn mới làm được 8.290 tên…”

Theo chú thích số [67] ở trên, đó là Biên bản giao ban Trung ương Cục ngày 3-9-1975, không có sự thống nhất giữa “ngày 2” ghi trong sách và “ngày 3” ghi trong chú thích. Người đọc, nhất là những người thuộc “bên thua cuộc”, cũng không khỏi ngỡ ngàng vì lối hành văn của báo cáo với những từ ngữ như “bọn”, “tên”, “chúng”… đầy tính cách hận thù.

Thật đúng là Thời Điêu Linh đối với người thuộc “bên thua cuộc”. Trong khi quân nhân, công chức bị gom hết trong trại cải tạo thì những người dân thường bên ngoài đời phải trải qua những chiến dịch mang những danh xưng mỹ miều. Đoạn trích từ Những Sự Kiện Lịch Sử Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh (Cuốn I, 1975-1985, trang 20), về diễn biến của “Chiến dịch X-2” như sau:

“Ta đã huy động hơn một vạn nhân lực, kết hợp giữa lực lượng an ninh, quân sự, kinh tài, tuyên huấn và đội ngũ cán bộ dân chính đảng, thành lập 7 đoàn, 60 đội và 10 ngàn công nhân lao động, học sinh, sinh viên trực tiếp tham gia đánh vào mục tiêu đã định. Ta đã bắt được các đối tượng chủ yếu, chiếm lĩnh các cơ sở xí nghiệp, kho tàng. Chỉ trong hai ngày 10 và 11-9-1975, ta đã huy động hơn 70 vạn quần chúng nội, ngoại thành, cả người Việt lẫn người Hoa, từ tầng lớp quần chúng cơ bản đến tiểu thương, tiểu chủ và tư sản dân tộc, tổ chức mít- tin, biểu tình, sôi nổi lên án và yêu cầu trừng trị bọn tư sản mại bản lũng đoạn, đầu cơ, tích trữ…”.

Chính quyền mới tấn công ồ ạt trên nhiều “mặt trận”. Về xe cộ tại miền Nam và Sài Gòn, Bên Thắng Cuộc đưa ra những con số như sau:“Tính đến cuối năm 1974, ở miền Nam Việt Nam có 258.514 xe, gồm: 35.384 xe vận tải nặng; 64.229 xe du lịch; còn các xe máy dầu, xe gắn máy 2-3 bánh thì không tính hết vì chính quyền miền Nam không buộc các xe dưới 49cc phải đăng ký. Chỉ riêng Sài Gòn năm 1974 đã có 599.215 xe gắn máy, 3.025 xe taxi, 1.270 xích lô máy, 5.348 xích lô đạp. Tổng số xe công của các cơ quan và các đoàn ngoại giao có trên toàn miền Nam đến năm 1974 là 973.624 xe” (Chú thích [350] nhưng không dẫn nguồn).

Trong chú thích [151] tác giả xác định được trích từ Lịch sử Giao thông Vận tải Việt Nam (Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải, 2005, trang 606-607): “Trưng mua và mua, trưng thu và tịch thu 1.202 xe ô tô các loại; 58 tàu thuyền đường sông, gồm tàu chở hàng, tàu chở khách và tàu kéo - số phương tiện vận tải này chủ yếu thuộc người dân Sài Gòn và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang…; Tịch thu ba tàu biển, trưng mua 14 chiếc; Quốc hữu hóa hai đoàn hoa tiêu; Cho phép một số công ty xây dựng tư nhân, các nhà thầu chịu cải tạo và chịu sự điều hành của nhà nước; Trưng mua tài sản của một số công ty như: Công ty Huỳnh Như Hoa, các cổ phần trong Công ty Nguyễn Văn Tấn, Công ty Lodisbagco; Tổ chức công ty hợp doanh đối với Công ty Vinameco, Trần Dương và Trần Văn On

Tính đến khi hoàn thành “công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam”, chính quyền đã: “Trưng mua, trưng thu được 3.287 xe ô tô loại 5T và 40 ghế hành khách trở lên, hợp với các đoàn xe từ khu giải phóng, xe ngoài Bắc vào là 1.105 chiếc, tổng cộng: 4.393 xe tổ chức thành 14 xí nghiệp quốc doanh… Nhà nước cải tạo và xóa bỏ quyền sở hữu tư nhân về công cụ sản xuất được 14.059 xe tổ chức thành 45 xí nghiệp công tư hợp doanh vận tải ô tô… Tổng cộng cả trưng mua, trưng thu, cải tạo được 17.346 xe loại trọng tải lớn tổ chức thành 59 xí nghiệp vận tải quốc doanh và xí nghiệp vận tải công tư hợp doanh… Số xe vận tải nhỏ (từ 2,5T và 25 ghế trở xuống) đã được cải tạo là 28.856 xe, tổ chức thành 281 Hợp tác xã, ở hầu hết các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh hoặc thành phố…” (Nguồn:Lịch sử Giao thông Vận tải Việt Nam, Nhà Xuất bản Giao thông Vận tải, 2005, trang 276-277.)..

Trong giai đoạn 1975-1980, chính quyền đã đưa hơn 832.000 người hồi hương hoặc đi kinh tế mới ở các tỉnh từ miền Tây, miền Đông Nam Bộ cho tới Tây Nguyên. Có đến 90% số này rời khỏi thành phố trong giai đoạn 1975-1980, đó cũng là thời gian tư sản bị cải tạo và chính sách sổ gạo bắt đầu được thắt chặt.

Bằng những quyết định hành chánh ấy, dân số Sài Gòn đã giảm từ 3.391.000 người năm 1976 xuống còn 3.201.000 người năm 1980. Cho đến cuối thập niên 1990, vẫn còn 24% số người không có “hộ khẩu thường trú” dù họ vốn là người Sài Gòn-Gia Định. Họ là nạn nhân của chính sách Kinh Tế Mớitrong giai đoạn 1975-1980.

Để trả lời cho câu hỏi những “chiến lợi phẩm” từ các chiến dịch sau ngày “giải phóng” đi về đâu, Bên Thắng Cuộc tiết lộ một số trường hợp điển hình:

“Ở Kiên Giang: Ngoài số 1.413 lạng vàng và 96.913 đồng ngoại tệ (trong đó có 26.000 đô la) do các đồng chí Hai Cầu, Năm Thức, Chín Kỳ chủ trương báo Ty Công an đưa qua Thường vụ Tỉnh ủy làm quỹ riêng, một số đồng chí trong Thường vụ không nhất trí nên đồng chí báo Phòng Ngân sách Tỉnh ủy, đã đem nộp cho ngân hàng. Một số đồng chí Thường vụ Tỉnh Ủy Kiên Giang đã lấy 158 lạng vàng đem bán lấy tiền cộng với số tiền của PA2 và tiền bắt vượt biên, tất cả là 671.921 đồng, đã chi một số còn lại 234.398 đồng đưa qua xây dựng trụ sở Tỉnh ủy.

Ở Sông Bé: Lấy 185.511 đồng tiền lời (mua gỗ của lâm nghiệp về xẻ bán cho người Hoa (đóng tàu) đi PA2) để chi cho Đại hội Đảng bộ Tỉnh, một số còn để ngân sách địa phương.

Ở Hậu Giang: Công an Vũ trang lấy 148.942 đồng, Ty Công an lấy 76.254 đồng thuộc tiền PA2 làm quỹ cho đơn vị, cơ quan mình.

Minh Hải: Ty công an mua hàng nước ngoài bán lấy lời 190.715 đồng, bán tôm lời 847.370 đồng, tổng cộng là 1.038.085 đồng làm quỹ.

Quảng Nam - Đà Nẵng: Ty công an lấy 14.500 đồng; Công an Thành phố Đà Nẵng lấy 53.547 đồng; Huyện Tam Kỳ, 40.000 đồng; Ty thủy sản, 53.399 đồng”…

(Còn tiếp)


Chú thích:

[1] Trong trường của hợp Huy Đức, chính phủ Việt Nam có thể căn cứ vào những Điều luật và những Chỉ thị dưới đây để đưa để đưa tác giả Bên Thắng Cuộc ra tòa:

Luật Xuất Bản, Điều 10, Khoản 3: “Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định” và Khoản 4:“Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”;
Bộ luật Hình sự, Điều 271, về “Tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác”.
Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/12/1997 của Bộ Chính trị về việc “Nói và viết những vấn đề liên quan đến lịch sử và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”;
Chỉ thị 48-CT/TW ngày 14/2/2005 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ bí mật của Đảng trong phát ngôn và sử dụng bảo quản thông tin, tài liệu trong tình hình mới”.
[2] Hồi ký của một thằng hèn (nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, phát hành tháng 5, 2009): Trong Đôi điều phi lộ viết sau cùng, nhạc sĩ Tô Hải viết:

“Tập ‘Hồi ký’ này tôi đã viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do... hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa “Để xuất bản vào năm 2010”. Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã... chết!”

Tới năm 2003, mang bản thảo ra đọc lại, thấy ngòi bút của mình sao vẫn còn rụt rè, vẫn còn lấp lửng. Mới biết mình vẫn còn chưa hết sợ sức mạnh tàn bạo của nền “chuyên chính vô sản” mà mình từng nếm trải. Nhất là sợ rồi đây vợ con mình sẽ phải chịu đựng những đòn thù bẩn thỉu của bầy dã thú đội lốt người, nếu chẳng may những gì mình viết ra rơi vào tay chúng.

Tôi thấy mình cần phải sửa lại cuốn sách - từ cách viết, từ cái nhìn chưa đủ tinh tường về những sự kiện lịch sử - và viết thêm về những con người cần được nhắc tới, mỗi người là một mảnh gương nhỏ, nhưng gộp lại người đọc có thể thấy hình ảnh một thời đại. Và viết thêm một chương “TÔI ĐÃ HẾT HÈN”!

“Tại sao lại phải công bố trên Internet?

Bởi vì không thể trông chờ sự xuất hiện của một nhà xuất bản tư nhân nhờ “ơn trên” nào đó sẽ ra đời trong một cuộc đổi mới giả hiệu, và tập hồi ký này sẽ được in. Trong cái quái thai “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng vẫn độc tài với tự do tư tưởng, với nhân quyền tối thiểu, chuyện đó quyết không thể xảy ra”.
Tham khảo Hồi ký của một thằng hèn trên Việt Nam Thư quán:

Hồi ký của một thằng hèn


[3] Đọc thêm các bài viết của Nguyễn Ngọc Chính trên Blogspot về ngày 30/4/1975:

[4] Về xe tăng 843 hay 390, đọc thêm bài LẠI CÃI NHAU VỀ BỨC ẢNH XE TĂNG HÚC ĐỔ CỔNG DINH ĐỘC LẬP:


[5] Theo nguồn Wikipedia, số đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đai hội Đại biểu Toàn quốc như sau:

Đại hội Đại biểu toàn quốc
Thời gian
Địa điểm
Số đại biểu
Số đảng viên
Sự kiện
Lần thứ 1

27 đến 31
tháng 3/1935
Ma Cao

13
600
Thực hiện phong trào Cộng sản ở ba xứ Đông Dương
Lần thứ 2
11 đến 19
tháng 2/1951
Tuyên Quang
158 (53 dự khuyết)
766.349
Đổi tên thành Đảng Lao Động ViệtNam
Lần thứ 3

05 đến 12
tháng 9/1960
Hà Nội
525 (51 dự khuyết)
500.000
Xây dựng CNXH ở miền Bắc, tiến hành cách mạng miền Nam
Lần thứ 4

14 đến 20
tháng 12/1976
Hà Nội

1008
1.550.000
Đại hội đầu tiên sau thống nhất, lấy lại tên là đảng Cộng sản VN
Lần thứ 5
27 đến 31
tháng 3/1982
Hà Nội
1033
1.727.000
Giữ gìn và bảo vệ tổ quốc trước tình trạng chiến tranh cục bộ
Lần thứ 6
15 đến 18
tháng 12/1986
Hà Nội
1129
~1.900.000
Khởi xướng chính sách đổi mới
Lần thứ 7
24 đến 27
tháng 6/1991
Hà Nội
1176
2.155.022
Giữ gìn và bảo vệ tổ quốc, tiếp tục phát huy kinh tế và đẩy mạnh mở cửa quan hệ ngoại giao về mọi mặt trong chính trị - xã hội
Lần thứ 8
28 đến 01
tháng 7/1996
Hà Nội
1198
2.130.000
Tổng kết các hoạt động Cộng Sản vào thế kỉ 20, xây dựng chủ trương của Đảng vào thế kỉ 21
Lần thứ 9
19 đến 22
tháng 4/2001
Hà Nội
1168
2.479.719
Thay đổi chính sách kinh tế 10 năm, bắt đầu giai đoạn đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010
Lần thứ 10
18 đến 25
tháng 4/2006
Hà Nội
1176
~3.100.000
Thay đổi chính sách kinh tế 10 năm lần 2, đưa đất nước ra khỏi kém phát triển và phấn đấu đến năm 2020 xây dựng đất nước thành nước công nghiệp hóa
Lần thứ 11
12 đến 19
tháng 1/2011
Hà Nội
1377
~3.600.000
Phấn đấu đến năm 2020 đưa đất nước cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại

[6] Đọc thêm những bài viết của Nguyễn Ngọc Chính trên Blogspot về Thời Điêu Linh:

Góp nhặt buồn vui thời cải tạo
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-cai-tao.html

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đổi tiền
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-oi-tien.html

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Chợ trời
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-cho-troi.html

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Đốt sách
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-ot-sach.html

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Bao cấp
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-bao-cap.html

Buồn vui thời điêu linh: Kinh tế mới
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/buon-vui-thoi-ieu-linh-kinh-te-moi.html

Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Cải tạo Công thương nghiệp
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/gop-nhat-buon-vui-thoi-ieu-linh-cai-tao.html

***


Bên Thắng Cuộc/Quyền bính
 (3): 
Lê Khả Phiêu & Bill Clinton
(Tiếp theo)

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân

Hai câu Kiều của Nguyễn Du chắc hẳn một số người Việt Nam cũng không biết đến. Thế nhưng, câu thơ đó đã được Tổng thống Bill Clinton trích dẫn trong bài phát biểu tại bữa tiệc chiêu đãi quốc khách của Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17 đến 19/11/2000 [1].

Tổng thống Bill Clinton

Theo tôi, quả là một thiếu sót lớn khi trong cuốn Bên Thắng Cuộc Huy Đức không nói đến những chi tiết bên lề chuyến viếng thăm lịch sử của ông Clinton, vị Tổng thống thứ 42 của Hoa Kỳ (1993-2001) tại Hà Nội và Sài Gòn.

Tổng thống Clinton đã thi vị hóa mối bang giao Hoa Kỳ - Việt Nam qua thơ Kiều, ông ví von: “Những hình ảnh băng giá của quá khứ đã bắt đầu tan và những phác thảo về nột tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng mùa xuân mới” [2] 

Không chỉ “lẩy” Kiều, bài diễn văn của Clinton còn khiến cử tọa ngạc nhiên vì sự hiểu biết khá sâu sắc của ông về văn chương và lịch sử Việt Nam. Ông nhắc đến Nguyễn Trãi như “nhà chính trị người Việt vĩ đại” (the great Vietnamese statesman) của hơn 500 năm về trước để dẫn ý “sau những năm chiến tranh, chỉ có cuộc sống là tồn tại” (after so many years of war, only life remains).

Clinton còn nhắc đến Hồ Xuân Hương nhân sự kiện cuốn sách Những bài thơ 200 năm tuổi về bà vừa được xuất bản tại Hoa Kỳ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và thậm chí cả bằng nguyên bản chữ Nôm. Ông cũng nói đến hiện tượng chiếc áo dài truyền thống Việt Nam đã là nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới như Armani và Calvin Klein.

Tổng thống Clinton bắt tay người dân Hà Nội

Điều mà hầu hết báo chí quốc tế chú ý đến cuộc viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Clinton là những bài diễn văn của ông. Trong buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 17/11/2000, được truyền hình trực tiếp, ông đã mở đầu bằng những lời lẽ thân mật:

“… I was given a Vietnamese phrase; I am going to try to say it. If I mess it up, feel free to laugh at me: Xin chào các bạn!” (Tôi được dạy một câu tiếng Việt, tôi sẽ cố gắng nói câu đó, các bạn cứ cười thoải mái nếu tôi nói sai: Xin chào các bạn). Quả nhiên sinh viên cười và vỗ tay. Họ cười có lẽ vì được nghe tiếng Việt lơ lớ của ông nhưng họ vỗ tay vì cảm thấy hãnh diện khi một vị Tổng thống Hoa Kỳ lần đầu tiên nói tiếng Việt.

Clinton cũng tạo được sự gần gũi với giới trẻ khi ông nhắc đến Trần Hiếu Ngân, nữ vận động viên Taekwondo, huy chương bạc Olympic Sydney 2000, và cũng là người Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương tại Thế vận hội. Ông còn nhắc đến các cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam: Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hồng Sơn.

Phải nói tài hùng biện của Bill Clinton đã chinh phục cảm tình của cử tọa. Lúc thì dí dỏm, khi lại rất nghiêm trang. Nhắc lại lời của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Pete Peterson, về chuyện quá khứ và tương lai của mối bang giao Việt Nam và Hoa Kỳ, ông nói: “We cannot change the past. What we can change is the future” (Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều mà chúng ta có thể thay đổi là tương lai).

Tạp chí Newsweek, ngày 27/11/2000, bình luận: “Getting over the past and making history seem to be the two things on Clinton’s agenda these days” (Vượt qua quá khứ và tạo nên lịch sử là hai điều trong chương trình hành động của ông Clinton trong thời gian này).

Newsweek ám chỉ thời gian ngắn ngủi trước khi nhiệm kỳ của ông Clinton chấm dứt vào năm 2001 mà tiếng Anh gọi là thời kỳ “lame duck” (vịt què). Nội các “vịt què” (lame-duck cabinet) của ông sẽ bàn giao vào ngày 20/01/2001, chỉ hơn 2 tháng sau chuyến thăm Việt Nam.

Gia đình Tổng thống Bill Clinton

Bên Thắng Cuộc (Phần II, Chương 20: Lê Khả Phiêu và ba ông cố vấn) nói đến cuộc viếng thăm chính thức của Bill Clinton dưới một cách nhìn khác. Theo Huy Đức, có hai thái độ đón tiếp trái ngược nhau: trong khi giới lãnh đạo dè dặt, chừng mực trong các nghi lễ tiếp đón thì người dân Việt lại đón Clintonmột cách thân thiện, cởi mở.

“Bill Clinton và tùy tùng tới sân bay Nội Bài lúc 11 giờ đêm ngày 16/11/2000. Điều ngạc nhiên là vị tổng thống của quốc gia mà chính quyền đang coi như kẻ thù lại được hàng ngàn người dân Hà Nội và các địa phương lân cận đứng chờ trong đêm lạnh dọc hai bên đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài.

Dường như cảm kích trước sự chào đón đó, Tổng thống Clinton đã bật đèn trong khoang xe của mình để vẫy tay đáp trả người dân Hà Nội. Dân chúng cũng đã chen chúc đến khu Văn Miếu để nhìn thấy Bill Clinton. Hai hôm sau, khi rời Hà Nội đến Sài Gòn cũng vào lúc mười một giờ đêm, Bill Clinton lại được người dân đứng chờ và reo hò khi thấy ông xuất hiện từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong khi đó, Bộ Chính trị đã phải tính đến từng nụ cười, cái bắt tay khi đón vợ chồng Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Phan Văn Khải kể, khi tiếp Clinton, ông đã không cười và bàn tay thì chỉ đưa ra nhẹ mà không nắm lại. Ông Nguyễn Đức Hòa, trợ lý của ông hỏi: “Người ta đã sang tận đây, tiếc gì anh không nở một nụ cười với họ?”. Ông Khải nói: “Không được đâu mày ơi, Bộ Chính trị đã thống nhất là không được cười”

Trước đó vào tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành nhà lãnh đạo Cộng sản đầu tiên thăm chính thức Washington. Chuyến đi của ông Khải gây chú ý đặc biệt và người ta không khỏi bàn tán khi trước báo giới, ngồi bên cạnh một ông Bush đầy tự tin, ông Khải tỏ vẻ bối rối, tay cầm tờ giấy để trả lời báo chí.

Ông Khải thừa nhận: “Quan hệ với Mỹ dễ dàng hơn nhiều so với Trung Quốc. Tôi hội đàm hết sức thoải mái với Tổng thống G. W. Bush và Bill Clinton trước đây nhưng đúng là tôi ngại báo chí. Chỉ cần báo chí đưa không đúng một câu nói của mình thì sẽ có vấn đề ngay với Bộ chính trị. Sang Mỹ nhưng thực ra chúng tôi phải lo đối nội nhiều hơn đối ngoại”

Thủ tướng Phan Văn Khải & Tổng thống George Bush
(2005)

Cuộc nói chuyện của Clinton với sinh viên cũng được Bên Thắng Cuộc kể lại theo hướng khác: “Một ngày trước khi Tổng thống Bill Clinton nói chuyện với sinh viên ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Tướng Nguyễn Chí Trung, trợ lý của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã mấy lần xuống “quán triệt” với Ban Giám đốc các nghi thức, khi nào thì đứng dậy, khi nào vỗ tay… Thay vì theo kịch bản, sinh viên đã vỗ tay gần như liên tục ở các đoạn đầu”.

Clinton nói với sinh viên Việt Nam: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, giới trẻ sẽ có nhiều niềm tin hơn vào tương lai nếu họ có tiếng nói trong việc định hướng tương lai, trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo chính phủ của họ và có một chính phủ có trách nhiệm đối với những người dân mà chính phủ phục vụ”.

Mặc dù nhấn mạnh “chúng tôi không tìm cách và cũng không thể áp đặt những ý tưởng này”, Bill Cliton giải thích: “Chỉ có các bạn mới quyết định xem có nên chăng tiếp tục mở cửa thị trường, mở cửa xã hội của mình và củng cố nền pháp trị. Chỉ có các bạn mới quyết định liên kết như thế nào giữa tự do cá nhân và nhân quyền trên nền tảng giàu mạnh của bản sắc quốc gia Việt Nam”.

Diễn văn của Clinton cũng dẫn thêm một câu chuyện mà ít người biết đến: hơn 200 năm trước, Thomas Jefferson đã cố gắng để đưa các giống lúa Việt Nam về trồng trong trang trại của ông ởVirginia. Jefferson là tác giả của Bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của nước Mỹ. Bản tuyên ngôn mà Clinton nói là đã “vang vọng trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 1945” của Việt Nam.

Bill Clinton cũng nhắc đến bức tường bằng đá màu đen Vietnam Veterans Memorial tại Washington D.C, nơi ghi tên những người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Ông nhắc đến điều mà các cựu binh Mỹ gọi là “mặt sau của bức tường”, đó là “sự hy sinh lớn lao” (staggering sacrifice) của ba triệu người Việt Nam thuộc hai miền Nam – Bắc.

Vietnam Veterans Memorial tại Washington D.C

Cuối buổi chiều 18/11/2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chào đón Tổng thống Bill Clinton bằng một bài phát biểu dài. Sau lời mở đầu theo thủ tục, ông Lê Khả Phiêu bắt đầu bày tỏ chính kiến của mình:

“Tôi đồng ý với Ngài là chúng ta không quên quá khứ, không làm lại được quá khứ. Vấn đề quan trọng là hiểu cho đúng thực chất cái quá khứ ấy. Cụ thể là hiểu cho đúng thực chất cuộc kháng chiến chống xâm lược mà chúng tôi đã phải tiến hành…

Việt Nam có đem quân đi đánh Hoa Kỳ đâu mà Hoa Kỳ lại đem quân sang đánh Việt Nam? Cuộc kháng chiến chống xâm lược của chúng tôi là giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc và đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cho nên đối với chúng tôi, quá khứ không phải trang sử đen tối, đau buồn và bất hạnh”.

Ông Lê Khả Phiêu nói tiếp: “Bà bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ trong một lần gặp tôi có hỏi: chủ nghĩa xã hội có tồn tại được không? Tôi nói: không những tồn tại mà chủ nghĩa xã hội sẽ tiếp tục phát triển thắng lợi…

Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước, quan hệ thương mại với hơn 150 nước. Đảng chúng tôi có quan hệ với hơn 180 đảng cộng sản, cánh tả, đảng cầm quyền… Trong quan hệ quốc tế ngày nay, mọi quốc gia, dân tộc đều cần hợp tác để cùng phát triển. Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn, cách sống và chế độ chính trị của các dân tộc. Chúng tôi cũng đòi hỏi các nước tôn trọng chế độ chính trị, sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi”.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kết thúc bài phát biểu “chào mừng” tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đến Văn phòng Trung ương Đảng: “Chúng tôi quý trọng nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Thấy hình ảnh cháu Chelsea, tôi chạnh nhớ cháu Emily [3] con gái của Morrison [4] và mẹ cháu cũng đã từng sang thăm Việt Nam. Đó là biểu tượng đẹp của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”.

Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Phát biểu đáp từ của Bill Clinton được lược thuật trên báo Nhân Dân ngày 19/11/2000: “Về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhiều người ở Hoa Kỳ không nhất trí với nhau về chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ và về bản chất cuộc chiến tranh. Nhiều người, trong đó có Đại sứ Peterson của chúng tôi, đã tưởng rằng họ sang chiến đấu để giúp cho người Việt Nam được tự do và tự quyết. Ngày nay, tôi thấy rất thú vị là đã có một nước Việt Nam thống nhất và tiến bộ”.

Sau này, trong cuốn hồi ký My Life, Bill Clinton viết: “Lê Khả Phiêu cố gắng sử dụng hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của tôi để cáo buộc những gì Mỹ đã làm là hành vi đế quốc. Tôi đã rất giận dữ nhất là khi ông ta nói vậy trước sự có mặt của Đại sứ Pete Peterson, một người đã từng là tù binh chiến tranh.

Tôi nói với nhà lãnh đạo Việt Nam rằng khi tôi không tán thành các chính sách đối với Việt Nam, những người theo đuổi nó cũng không phải là đế quốc hay thực dân, mà là những người tốt chiến đấu chống cộng sản. Tôi chỉ Pete và nói, ông đại sứ không ngồi sáu năm rưỡi trong nhà tù ‘Hà Nội Hilton’ vì muốn thực dân hóa Việt Nam” [5]

Hồi ký My Life, Bill Clinton

Ông Phan Văn Khải nhớ lại: “Ông Phiêu nói như thời chiến tranh làm cho họ [người Mỹ] rất khó chịu. Ông ấy muốn tỏ rõ thái độ của một chính quyền cộng sản. Nhưng, ông Phiêu không hiểu tình hình thế giới giờ đây đã khác. Phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã. Vấn đề là mối quan hệ giữa hai quốc gia, chúng ta cần Mỹ. Nếu người Mỹ không vào thì những công ty lớn trên thế giới không có ai vào cả”.

Theo Tổng thống Bill Clinton, giữa ông và Thủ tướng Phan Văn Khải đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp trong lần gặp ở Auckland (New Zealand), khi đó ông Khải cũng nói là ông cảm kích trước việc Bill Clinton đã từng phản đối chiến tranh Việt Nam. Clinton nhớ lại: “Khi tôi nói: những người Mỹ phản đối hay ủng hộ cuộc chiến tranh đó đều là người tốt. Ông Khải nói: tôi hiểu”.

Bill Clinton, Hillary Clinton và con gái Chelsea
xem biểu diễn nghệ thuật tại Hà Nội

Cũng trong cuốn hồi ký My Life, Clinton đưa ra nhận xét, dường như những người mà ông gặp ở Việt Nam, chức vụ càng cao thì ngôn ngữ càng “sặc mùi” cộng sản theo kiểu cũ. Ông mô tả chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh: “Võ Viết Thanh ăn nói như những thị trưởng năng nổ ở Mỹ mà tôi biết. Ông khoe về việc cân đối ngân sách, cắt giảm chi tiêu, và nỗ lực lôi kéo thêm các nhà đầu tư nước ngoài”. Đối với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Bill Clinton nhận xét: “Chỉ kém giáo điều hơn Lê Khả Phiêu một chút”.

Tác giả Huy Đức cho rằng ông Phiêu có “lý do đối nội” khi cố tình làm mất lòng Bill Clinton chỉ vì muốn được lòng các nhân vật khác trong nội bộ Đảng Cộng sản. Nhưng sau này, điều oái ăm đã xảy ra, chính những người mà ông nghĩ sẽ hài lòng với thái độ cứng rắn trước Tổng thống Mỹ lại sử dụng điều đó để chống lại ông.

Hillary Clinton và con gái Chelsea với chiếc nón lá Việt Nam

Vào Sài Gòn, Tổng thống Clinton đã nói chuyện với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Cảng Container Quốc tế (Vietnam International Container Terminals – VICT), một liên doanh giữa Singaporevà Việt Nam. Ông lên tiếng ca ngợi những tiến bộ tích cực trong công cuộc đổi mới về kinh tế và xã hội của Việt Nam trong thập niên vừa qua.

Theo Clinton, Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư đến Việt Namnhiều hơn. Ông tuyên bố chính phủ Hoa Kỳ sẽ dành một khoản tín dụng 200 triệu đô-la để hỗ trợ các dự án đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

Nhân dịp này, Clinton cũng đề cao vai trò của những người Việt tại nước ngoài. Theo ông, họ đầu tư vào Việt Nam không những bằng tiền bạc mà còn với cả tấm lòng. Nước Mỹ vui mừng khi giúp họ trở về làm ăn, cũng xin cám ơn chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chào đón họ tại quê nhà [6].

Và có lẽ cũng để ủng hộ việc kinh doanh của người Mỹ gốc Việt tại Sài Gòn, Tổng thống Bill Clinton, phu nhân Hillary, con gái Chelsea cùng đoàn tùy tùng đã dùng bữa trưa tại Phở 2000, góc đường Lê Lai, bên hông chợ Bến Thành. Đây là mạng lưới các tiệm Phở 2000 tại Sài Gòn do Alain Huỳnh Trung Tấn từ Hoa Kỳ về kinh doanh. Kể từ đó, Phở 2000 có thêm khẩu hiệu “Phở for the President”.

Bill Clinton chụp hình kỷ niệm với nhân viên Phở 2000

***

Chú thích:

[1] Hai câu Kiều của Nguyễn Du:

Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân

đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh trong bài phát biểu của Tống thống Bill Clinton tại Hà Nội như sau:

Just as the lotus wilts, the mums bloom forth
Time softens grief, and the winter turns to spring

Chắc chắn những cố vấn người Việt của Tổng thống Clinton đã phải làm việc tích cực trong việc soạn những bài diễn văn cho ông. Clinton đã tỏ ra rất am hiểu về lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam, ông rất tự tin khi trình bày những vấn đề này.

[2] Nguyên văn tiếng Anh: “Frozen images of the past have begun to thaw and outlines of a warmer shared future have begun to take shape. Let us make the most of this new spring together”.

[3] Emily rất nổi tiếng ở Việt Nam sau khi bài thơ Ê-mê-ly, Con ơi! của Tố Hữu được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy suốt nhiều thập niên. Bài thơ có những câu như:

Ê mi ly con ơi!
Ê mi-ly, con đi cùng cha
Sau khôn lớn con thuộc đường, khỏi lạc...
- Đi đâu cha?
- Ra bờ sông Pô-tô-mác
- Xem gì cha?
Không con ơi, chỉ có Lầu ngũ giác.

Oa-sinh-tơn
Buổi hoàng hôn
Còn mất?
Đã đến phút lòng ta sáng nhất
Ta đốt thân ta
Cho ngọn lửa chói loà
Sự thật..........

[4] Morrison: Một người Mỹ ở Pennsylvania, ngày 2/11/1965, bế con gái Emily một tuổi tới trước văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng McNamara rồi tự thiêu để phản đối chiến tranh Việt Nam.

[5] My Life, Bill Clinton, Vintage Books 2005, trang 930.

[6] Nguyên văn: “Overseas Vietnamese want to invest in your country, not only with their money, but with their hearts. We are glad to be helping them to return and we thank you, the people and the government of Vietnam, for welcoming them home”

***

Full text of US President Bill Clinton's speech in Vietnam

HANOI - The following is the full text of US President Bill Clinton's speech on Friday at Hanoi National University:

"Thank you very much and good afternoon. I can think of no more fitting place to begin my visit at this hopeful moment in our common history than here at Hanoi National University. I was given a Vietnamese phrase; I am going to try to say it. If I mess it up, feel free to laugh at me. Xin chao cac ban. (Hello, everybody) So much of the promise of this youthful nation is embodied with you. I learned that you have exchanges here with students from nearly 100 universities, from Canada to France to Korea -- and that you are now hosting more than a dozen full-time students from your partner school in the United States, the Universityof California. I salute your vigorous efforts to engage the world. Of course, like students everywhere, I know you have things to think about other than your studies. For example, in September, you had to study for your classes and watch the Olympic accomplishments of Tran Hieu Ngan in Sydney. And this week you have to study and cheer Le Huynh Duc and Nguyen Hong Son in Bangkok at the football matches.

I am honored to be the first American President to see Hanoi, and to visit this university. But I do so conscious that the histories of our two nations are deeply intertwined in ways that are both a source of pain for generations that came before, and a source of promise for generations yet to come. Two centuries ago, during the early days of the United States, we reached across the seas for partners in trade and one of the first nations we encountered was Vietnam. In fact, one of our founding fathers, Thomas Jefferson, tried to obtain rice seed from Vietnam to grow on his farm in Virginia 200 years ago, By the time World War II arrived, the United States had become a significant consumer of export from Vietnam. In 1945, at the moment of your country's birth, the words of Thomas Jefferson were chosen to be echoed in your own Declaration of Independence: "All men are created equal. The creator has given us certain inviolable rights, -- the right to life, the right to be free, the right to achieve happiness." Of course, all of this common history, 200 years of it, has been obscured in the last few decades by the conflict we call the Vietnam War and you call the American War. You may know that in Washington, D.C. on our National Mall, there is a stark black granite wall engraved with the name of every single American who died in Vietnam. At this solemn memorial, some American veterans also refer to the "other side of the wall," the staggering sacrifice of the Vietnamese people on both sides of that conflict -- more than three million brave soldiers and civilians. This shared suffering has given our countries a relationship unlike any other. Because of the conflict, America is now home to one million Americans of Vietnamese ancestry. Because of the conflict, three million American veterans served in Vietnam, as did many journalists, embassy personnel, aid workers and others who are forever connected to your country.

Almost 20 years ago now, a group of American servicemen took the first step to reestablish contacts between the United States and Vietnam. They traveled back to Vietnam for the first time since the war, and as they walked through the streets ofHanoi, they were approached by Vietnamese citizens who had heard of their visit. Are you the American soldiers, they asked? Not sure what to expect our veterans answered, yes we are. And to their immense relief, their hosts simply said, welcome toVietnam. More veterans followed, including distinguished American veterans and heroes who serve now in the United States Congress: Senator John McCain, Senator Bob Kerrey, Senator Chuck Robb and Senator John Kerry from Massachussettes, who is here with me today along with a number of representatives from our Congress, some of whom are veterans of theVietnam conflict. When they came here, they were determined to honor those who fought without refighting the battle; to remember our history, but not to perpetuate it; to give young people like you in both our countries the chance to live in your tomorrows, not in our yesterdays. As Ambassador Pete Peterson has said so eloquently, "We cannot change the past. What we can change is the future."

Our new relationship gained strength as American veterans launched non profit organisations to work on behalf of the Vietnamese people, such as providing devices to people with war injuries to help them lead more normal lives. Vietnam's willingness to help us return the remains of our fallen servicemen to their families has been the biggest boost to improve ties. And there are many Americans here who have worked in that endeavor for many years now, including our Secretary of Veterans Affairs, Hershel Gobar. The desire to be reunited with a lost family member is something we all understand. It touches the hearts of Americans to know that every Sunday in Vietnam one of your most-wanted television shows features families seeking viewers help in finding loved ones they lost in the war so long ago now. And we are grateful for the Vietnamese villagers who have helped us to find our missing and, therefore, to give their families the peace of mind that comes with knowing what actually happened to their loved ones. No two nations have ever before done the things we are doing together to find the missing from the Vietnam conflict. Teams of Americans and Vietnamese work together, sometimes in tight and dangerous places. The Vietnamese government has offered us access to files and government information to assist our search. And, in turn, we have been able to give Vietnam almost 400,000 pages of documents that could assist in your search. On this trip, I have brought with me another 350,000 pages of documents that I hope will help Vietnamese families find out what happened to their missing loved ones.

Today, I was honored to present these to your President, Tran Duc Luong. And I told him before the year is over, America will provide another million pages of documents. We will continue to offer our help and to ask for your help as we both honor our commitment to do whatever we can for as long as it takes to achieve the fullest possible accounting of our loved ones. Your cooperation in that mission over these last eight years has made it possible for America to support international lending toVietnam, to resume trade between our countries, to establish formal diplomatic relations and, this year, to sign a pivotal trade agreement. Finally, America is coming to see Vietnam as your people have asked for years -- as a country, not a war. A country with the highest literacy rate in Southeast Asia; a country whose young people just won three Gold Medals at the International Math Olympiad in Seoul; a country of gifted hardworking entrepreneurs emerging from years of conflict and uncertainty to shape a bright future.

Today, the United States and Vietnam open a new chapter in our relationship, at a time when people all across the world trade more, travel more, know more about and talk more with each other than ever before. Even as people take pride in their national independence, we know we are becoming more and more interdependent. The movement of people, money and ideas across borders, frankly breeds suspicion among many good people in every country. They are worried about globalization because of its unsettling and unpredictable consequences. Yet globalization is not something we can hold off or turn off. It is the economic equivalent of a force of nature -- like wind or water. We can harness wind to fill a sail. We can use water to generate energy. We can work hard to protect people and property from storms and floods. But there is no point in denying the existence of wind or water, or trying to make them go away. The same is true for globalization. We can work to maximize its benefits and minimize its risks, but we cannot ignore it -- and it is not going away. In the last decade, as the volume of world trade has doubled, investment flows from wealthy nations to developing ones have increased by six times, from 25 billion dollars in 1990 to more than 150 billion dollars in 1998. Nations that have opened their economies to the international trading system have grown at least twice as fast as nations with closed economies. Your next job may well depend on foreign trade and investment. Come to think of it, since I have to leave office in about eight weeks, my next job may depend on foreign trade and investment.

Over the last 15 years, Vietnam launched its policy of Doi Moi, joined APEC and ASEAN, normalized relations with the European Union and the United States, and disbanded collective farming, freeing farmers to grow what they want and earn the fruits of their own labor. The results were impressive proof of the power of your markets and the abilities of your people. You not only conquered malnutrition, you became the world's second largest exporter of rice and achieved stronger overall economic growth. Of course, in recent years the rate of growth has slowed and foreign investment has declined here, showing that any attempt to remain isolated from the risks of a global economy also guarantees isolation from its rewards, as well. General Secretary Le Kha Phieu said this summer, and I quote, "We have yet to achieve the level of development commensurate with the possibilities of our country. And there is only one way to further open up the economy." So this summer, in what I believe will be seen as a pivotal step toward your future prosperity, Vietnam joined the United States in signing an historic bilateral trade agreement, building a foundation for Vietnam's entry eventually into the World Trade Organization.

Under the agreement, Vietnam will grant to its citizens, and over time to citizens of other countries, rights to import, export and distribute goods, giving the Vietnamese people expanding rights to determine their own economic destiny. Vietnam has agreed it will subject important decisions to the rule of law and the international trading system, increase the flow of information to its people, and accelerate the rise of a free economy and the private sector. Of course, this will be good for Vietnam's foreign partners, like the United States. But it will be even better for Vietnam's own entrepreneurs, who are working hard to build businesses of their own. Under this agreement, Vietnam could be earning, according to the World Bank, another 1.5 billion dollars each and every year from exports alone.

Both our nations were born with a Declaration of Independence. This trade agreement is a form of declaration of interdependence, a clear, unequivocal statement that prosperity in the 21st century depends upon a nation's economic engagement in the rest of the world. This new openness is a great opportunity for you. But it does not guarantee success. What else should be done? Vietnam is such a young country, with 60 percent of your population under the age of 30, and 1.4 million new people entering your work force every year. Your leaders realize that government and state-owned businesses cannot generate 1.4 million new jobs every year. Thy know that the industries driving the global economy today -- computers, telecommunications, biotechnology -- these are all based on knowledge. That is why economies all over the world grow faster when young people stay in school longer, when women have the same educational opportunities that men have, when young people like you have every opportunity to explore new ideas and then to turn those ideas into your own business opportunities.

You can be -- indeed, those of you in this hall today must be -- the engine of Vietnam's future prosperity. As President Tran Duc Luong has said, the internal strength of the country is the intellect and capacity of its people. The United States has great respect for your intellect and capacity. One of our government's largest educational exchange programs is with Vietnam. And we want to do more. Senator Kerry is right there, and I mentioned him earlier -- is leading an effort in our United States Congress, along with Senator John McCain and other veterans of the conflict here, to establish a new Vietnam Education Foundation. Once enacted, the foundation would support 100 fellowships every year, either here or in the United States, for people to study or teach science, math, technology and medicine.

We're ready to put more funding in our exchange programs now so this effort can get underway immediately. I hope some of you in this room will have a chance to take part. And I want to thank Senator Kerry for this great idea. Thank you, sir, for what you have done. Let me say, as important as knowledge is, the benefits of knowledge are necessarily limited by undue restrictions on its use. We Americans believe the freedom to explore, to travel. to think, to speak, to shape decisions that affect our lives enrich the lives of individuals and nations in ways that go far beyond economics.

Now, America's record is not perfect in this area. After all, it took us almost a century to banish slavery. It took us even longer to give women the right to vote. And we are still seeking to live up to the more perfect union of our founders' dreams and the words of our Declaration of Independence and Constitution. But along the way over these 226 years -- 224 years -- we've learned some lessons. For example, we have seen that economics work better where newspapers are free to expose corruption, and independent courts can ensure that contracts are honored, that competition is robust and fair, that public officials honor the rule of law.

In our experience, guaranteeing the right to religious worship and the right to political dissent does not threaten the stability of a society. Instead it builds people's confidence in the fairness of our institutions, and it enables us to take it when a decision goes in a way we don't agree with. All this makes our country stronger in good times and bad. In our experience, young people are much more likely to have confidence in their future if they have a say in shaping it, in choosing their governmental leaders and having a government that is accountable to those it serves. Now, let me say emphatically, we do not seek to impose these ideals, nor could we. Vietnam is an ancient and enduring country. You have proved to the world that you will make your own decisions. Only you can decide, for example, if you will continue to share Vietnam's talents and ideas with the world; if you will continue to open Vietnam so that you can enrich it with the insight of others. Only you can decide if you will continue to open your markets, open your society and strengthen the rule of law. Only you can decide how to weave individual liberties and human rights into the rich and strong fabric of Vietnamese national identity.

Your future should be in your hands, the hands of the Vietnam people. But your future is important to the rest of us as well. For as Vietnam succeeds, it will benefit this region and your trading partners and your friends throughout the world. We are eager to increase our cooperation with you across the board. We want to continue our work to clear land mines and unexploded ordnance. We want to strengthen our common efforts to protect the environment by phasing out leaded gasoline in Vietnam, maintaining a clean water supply, saving coral reefs and tropical forests. We want to bolster our efforts on disaster relief and prevention, including our efforts to help those suffering from the floods in the Mekong delta. Yesterday we presented to your government satellite imagery from our Global Disaster Information Network -- images that show in great detail the latest flood levels on the delta that can help Vietnam to rebuild.

We want to accelerate our cooperation in science, cooperation focused this month on our meeting in Singapore to study together the health and ecological effects of dioxin on the people of Vietnam and the Americans who were in Vietnam; and cooperation that we are advancing further with the Science and Technology Agreement our two countries signed just today. We want to be your ally in the fight against killer diseases like AIDS, tuberculosis and malaria. I am glad to announce that we will nearly double our support of Vietnam's efforts to contain the AIDS crisis through education, prevention, care and treatment. We want to work with you to make Vietnam a safer place by giving you help to reduce preventable injuries -- on the streets, at home and in the workplace. We want to work with you to make the most of this trade agreement, by providing technical assistance to assure its full and smooth implementation, in finding ways to encourage greater United States investment in your country.

We are, in short, eager to build our partnership with Vietnam. We believe it's good for both our nations. We believe the Vietnamese people have the talent to succeed in this new global age as they have in the past. We know it because we've seen the progress you have made in this last decade. We have seen the talent and ingenuity of the Vietnamese who have come to settle in America. Vietnamese-Americans have become elected officials, judges, leaders in science and in our high-tech industry. Last year, a Vietnamese-American achieved a mathematical breakthrough that will make it easier to conduct high-quality video-conferencing. And all America took notice when Hoang Nhu Tran graduated number one in his class at the United States Air Force Academy.

Vietnamese-Americans have flourished not just because of their unique abilities and their good values, but also because they have had the opportunity to make the most of their abilities and their values. As your opportunities grow to live, to learn, to express your creativity, there will be no stopping the people of Vietnam. And you will find, I am certain, that the American people will be by your side. For in this interdependent world, we truly do have a stake in your success. Almost 200 years ago, at the beginning of the relations between the United States and Vietnam, our two nations made many attempts to negotiate a treaty of commerce, sort of like the trade agreement that we signed today. But 200 years ago, they all failed, and no treaty was concluded. Listen to what one historian said about what happened 200 years ago, and think how many times it could have been said in the two centuries since. He said, "These efforts failed because two distant cultures were talking past each other, and the importance of each to the other was insufficient to overcome these barriers."

Let the days when we talk past each other be gone for good. Let us acknowledge our importance to one another. Let us continue to help each other heal the wounds of war, not by forgetting the bravery shown and the tragedy suffered by all sides, but by embracing the spirit of reconciliation and the courage to build better tomorrows for our children. May our children learn from us that good people, through respectful dialogue, can discover and rediscover their common humanity, and that a painful, painful past can be redeemed in a peaceful and prosperous future.

Thank you for welcoming me and my family and our American delegation to Vietnam. Thank you for your faith in the future. Chuc cac ban suc khoe va thanh cong. (May you have health and success)

(Agence France Presse - November 17, 2000)

Các trang nguồn: Đọc “Bên Thắng Cuộc”









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét