Truyện Lịch sử
Yên Tử Cư Sĩ
Trần Đại Sỹ
Lời ngỏ trước khi vào truyện
Phụ lục
Bộ Anh Hùng Lĩnh Nam mà quý
độc giả cầm trên tay, được khởi viết vào ngày 30 tháng 1 năm 1968, tại Sài gòn.
Nội dung thuật cuộc khởi nghĩa của vua Trưng cùng 162 anh hùng vào đầu thế kỷ
thứ nhất. Tôi viết đến đầu năm 1975 thì xong. Bản thảo rất sơ lược, khoảng trên
dưới năm trăm trang. Nếu in ra thì độ hai tập.
Hai chữ Lĩnh Nam lấy ý trong
bài nói về Trưng vương của bộ Đại Nam quốc sử diễn ca do hai sử thần triều
Nguyễn là Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, tuân chỉ vua soạn ra :
Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng công.
Trời Tây nổi áng phong trần,
Aàm ầm binh mã xuống gần Long biên.
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, giặc yên bên thành.
Đô kỳ đóng cõi Mê linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là báo phương.
Uy danh Động đến Bắc phương,
Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.
Hồ Tây đua sức vẫy vùng,
Nữ nhi chống với anh hùng được nao.
Cẩm khê đến lúc hiểm nghèo,
Chị em thất thế phải liều với sông.
Phục Ba mới dựng cột đồng,
Ai quan truyền dấu biên công cõi ngoài.
Trưng vương vắng mặt còn ai ?
Đi về thay đổi mặc người Hán quan.
Tôi chưa kịp xuất bản thì
luồng gió từ Bắc thổi vào miền Nam, thổi tôi phiêu bạt sang Pháp vào ngày 23
tháng 6 năm 1975. Nghề sinh nhai lối dọc đường ngang, phải sáu năm sau, tức
tháng 6 năm 1981, cuộc sống tại Pháp của tôi mới hoàn toàn ổn định. Bộ sách
được đem ra chỉnh đốn lại, đến năm 1983 dự đem xuất bản. Nhưng nhớ di chúc của
tiền nhân :
« Viết, con cứ viết. Nhưng
phải nhớ rằng mỗi lời con viết ra là Trưng vương nói, Hưng Đạo vương nói. Phải
cấn thận. Vì vậy viết xong, con cứ cất đấy, thỉnh thoảng đem ra đọc lại một
lần, chỉnh đốn những cái bồng bột của tuổi trẻ. Đợi đến năm 45-46 tuổi, cái
tuổi chín chắn hãy đem ra xuất bản ».
Do vậy năm 1987, sau nhiều
lần thêm bớt, sửa chữa, bộ sách ước khoảng 3922 trang, chia ra 11 tập, được
trao cho nhà xuất bản Nam á (Paris). Bấy giờ nhà xuất bản mới thành lập, không
trường vốn như các nhà xuất bản của Pháp. Thế nhưng anh Mai Trung, giám đốc có
cái nhìn rất xa, rất rộng. Anh nhận ra giá trị của bộ sách, nên nhận xuất bản.
Với kinh nghiệm về thị trường hải ngoại, anh khuyên tôi nên cắt bộ sách ra làm
ba. Vì vậy toàn bộ bộ sách được chia ra :
Anh hùng Lĩnh Nam,
Giai đoạn 1 : hình thành chủ
đạo tộc Việt. 4 tập, 1421 trang.
Anh hùng Lĩnh Nam,
Giai đoạn 2: Động Đình hồ
ngoại sử . Thuật cuộc khởi nghĩa, 3 tập, 1140 trang.
Anh hùng Lĩnh Nam,
Giai đoạn 3: Cẩm Khê di hận,
Thuật cuộc kháng chiến. 4 tập, 1361 trang.
KHÓ KHĂN LÚC ĐẦU:
Hoặc có người hỏi: tôi đã
gặp những khó khăn gì trong việc in ấn vào cái thời mà chưa có máy vi tính cá
nhân, làm sao để có thể in chữ Việt?
Xin thưa khó khăn thì không
có, nhưng gặp những rắc rối nho nhỏ. Khởi đầu tôi viết tay, rồi sửa chữa chồng
chéo lên nhau. Khi tới Pháp, sau khi sửa chữa tôi gặp một giai nhân, tên LTT,
cô tốt nghiệp Đại học sư phạm Sài gòn ban Việt Hán, ngành thường xuyên. Trước
đây cô từng được đóng vai Trưng vương, cỡi voi diễn hành trong dịp giỗ vua
Trưng. Cô muốn đọc bản thảo. Tôi vui vẻ trao cho cô. Khi đọc, có nhiều đoạn cô
không đọc được, vì chữ của tôi viết xấu quá. Cô đề nghị tôi nên đánh máy, cô
tình nguyện đánh cho tôi. Thế là cứ mỗi ngày tan sở lúc 17 giờ thì cô tới phòng
mạch tôi, cặm cụi đánh trên máy vi tính dùm . Bấy giờ ( 1982) máy vi tính cá
nhân, chưa có dấu chữ Việt. Tôi dùng chương trình Norton editor, không so hàng
được, cũng không thể trình bầy thành trang sách. Phải gần một năm cô mới đánh
máy xong trên 3922 trang!
Khi giao cho nhà xuất bản,
tôi in ra, khổ A4, rồi bố con xúm vào bỏ dấu tay. Nhà xuất bản cho đánh máy,
bằng máy chữ IBM, có so hàng, trình bầy trang, sau đó bỏ dấu tay, vì vậy 4 tập
đầu có rất nhiều lỗi chính tả, nhưng còn chấp nhận được. Sang đến giai đoạn 2
(Động đình hồ ngoại sử), đã có bộ dấu Việt toán, VNI, nhưng kiến thức của người
đánh máy quá kém, nên đã có những lỗi kinh hoàng như:
- Tôi dùng thành ngữ: đánh
dư trăm trận, để chỉ kinh nghiệm chiến đấu. Câu này lấy ý trong Kiều, bị đổi
thành : đánh đủ trăm trận rồi đánh đu trăm trận. Khổ thực!
- Tên anh hùng Đặng Đường
Hoàn, bị đổi thành Đặng Dương Hoán.
- Chàng bơ vơ một mình giữa
cánh đồng, bị đổi thành: chàng bỏ vợ một mình giữa cánh đồng.
- Vung đao chém đầu bị đổi
thành: vùng đảo chém đau.
- Nòi tình bị đổi thành nói
tình.
Đại loại khắp ba tập, đầy
rẫy lỗi kinh hoàng như vậy. Sang đến giai đoạn ba Cẩm khê di hận, thì tôi dùng
bộ chữ Việt của Việt toán, người đánh máy là cô LTT, thành ra rất ít lỗi chính
tả.
NGUYÊN DO NÀO CHỌN CHƯƠNG
HỒI:
Có nhiều vị hỏi: khởi nguồn
từ đâu mà tôi lại viết lịch sử tiểu thuyết, và chọn chương hồi?
Tôi sinh ra trong một gia
đình nội ngoại đều là những nhà Nho. Ông ngoại tôi không có con trai, mẹ tôi
là con gái út của người . Theo truyền thống Việt Nam cụ nhận tôi làm con nuôi.
Năm 5 tuổi (tính theo người Việt là 6 tuổi) Người may cho tôi bộ y phục Nho
gia, sắm lễ rồi dẫn tôi ra Văn miếu lễ Khổng tử, 72 Tiên hiền, trở về Người dạy
khai tâm cho tôi. Người ở trong một ngôi nhà khá lớn, nên Ngưới thu nhận trên
dưới 20 học trò; hầu hết là các cháu ngoại, cháu họ. Cụ cầm bút viết cho tôi
bốn câu trong Tam tự kinh:
Nhân chi sơ,
Tính bản thiện.
Tình tương cận,
Tập tương viễn.
Thường thì những học trò
khác, trong buổi khai tâm, ê a cả ngày cũng chưa thuộc bốn câu. Tôi chỉ mất đâu
2-3 phút đã thuộc. Người viết tiếp cho tôi 8 câu nữa, cũng không quá mười phút
tôi lại thuộc. Ngày đầu tiên tôi được học tới 40 câu. Học hết Tam tự kinh,
Người dạy tôi bộ Ấu học Ngũ ngôn thi, rồi Ấu học quỳnh lâm. Ba bộ sách trên
tôi chỉ mất có một năm đã nuốt hết. Thế là tôi học sau, mà đuổi kịp các đàn anh
lớn hơn cả chục tuổi. Người cho tôi học Tứ thư, Ngũ kinh.
Cho đến giờ tôi cũng không
hiểu sao tôi mới có 8-9 tuổi mà Người có thể nhét vào đầu cháu Người những
triết lý trong bộ Đại học, Luận ngữ ? Năm 10 tuổi, Người bắt đầu dạy Bắc sử, Nam
sử cho tôi. Thường Người chỉ giảng tổng quát các biến cố lịch sử, rồi Người
trao sách cho tôi đọc. Năm tôi 11 tuổi Người dạy tôi làm thơ, phú, văn tế, chế,
chiếu, biểu, văn sách.
Bấy giờ các vị khoa bảng cổ
từ từ ra đi như sao ban mai. Người học chữ Hán dường như không còn nữa. Chữ
Quốc ngữ được phổ biến rộng rãi. Vì vậy những tiểu thuyết của Trung quốc được
ào ạt dịch sang quốc ngữ cho quần chúng đọc. Ngoài Bắc có Đông Chu liệt quốc,
bộ Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, bộ Thủy Hử của Thi Nại Am và các
bộ Tây Du ký, Hán Sở tranh hùng, Thuyết Dường, La Thông Tảo Bắc, Chinh Đông,
Chinh Tây, Hồng lâu mộng. Trong Nam thì nhà xuất bản Tín đức thư xã xuất bản
các bộ do cụ Đoàn Trung Còn dịch cũng hầu hết các bộ trên, thêm bộ Phong Thần,
Đông Chu liệt quốc, Chung Vô Diệm, Đông Hán, Tây Hán.
Mà các bộ tiểu thuyết đó của
Trung quốc thì viết theo chủ đạo của họ: vua Trung quốc là con trời sai xuống,
các quan văn thì là Văn khúc tinh quân, quan võ thì là Vũ khúc tinh quân. Quần
thần thì là Nhị thập bát tú trên trời đầu thai. Các dân xung quanh Trung quốc
thì Bắc là Địch, Tây là Nhung, Đông là Di, Nam là Man.
Người Việt thi nhau đọc rồi
tin là thực. Tin đến độ lập ra tôn giáo thờ cúng các nhân vật tiểu thuyết của
Trung quốc. Trong những người tin đó có mẹ tôi, chị tôi, anh tôi.
Năm 12 tuổi tôi đã thụ lĩnh
được cái sở học của tiền nhân về Kinh, Sử, Tử, Tập ở nhà. Năm này tôi lên Trung
học, mỗi tuần được học 4 giờ Việt văn. Khi thảo luận với các bạn, cũng như ở
nhà, tôi đem những gì học trong sử ra cãi rằng kiến thức mà họ có là tiểu
thuyết, là hư cấu, là bịa đặt. Nhưng không ai tin cả.
Tôi đem vụ này ra thảo luận
với phụ thân tôi. Người rầy tôi:
- Con đã làm một việc tối vô
ích là cãi nhau với những người mù. Đem đàn ra gảy cho trâu nghe.
Một kỷ niệm đau nhất là giáo
sư dạy Việt văn lớp đệ thất của tôi cho tôi điểm zéro, khi ông bắt tôi giảng
nghĩa từ ngữ trữ tình. Tôi đã giảng:
Trữ là phát tiết ra.
Tình là rung động của thần
minh.
Ông mắng: Trữ là chứa chất.
Tôi lên bảng viết chữ trữ
bằng Hán văn rồi cãi: chữ trữ có bộ tài gẩy bên cạnh nghĩa là phát tiết. Các
bạn cùng lớp được dịp cười: thầy thụt vào, trò kéo ra. Vì tôi thì bảo trữ là mở
ra còn thầy thì bảo chứa chất tức co vào. Oâng mắng tôi dốt còn xổ nho. Oâng
cho tôi điểm Zéro. Tôi vẫn không khất phục. Vụ việc đưa lên cụ hiệu trưởng. Bộ
tự điển Từ hải được đem ra làm trọng tài. Tôi đúng. Thế là cụ hiêụ trưởng đổi
tôi sang lớp khác. Các bạn gọi tôi là Đồ kéo ra.
Năm 14 tuổi, tôi đã được học
Bách gia chư tử, Cửu lưu tam giáo; Kinh, Sử , Tử, Tập, và có cái vốn rất sâu về
sử Trung quốc, Việt Nam. Ông tôi, bố tôi thường ưu tư về cái tai họa tiểu
thuyết Trung quốc, ảnh hưởng vào quần chúng bình dân Việt Nam. Trong một lần
thảo luận tay ba, bố tôi phác họa chương trình cho tôi:
“ Sau này, các nhà nho từ từ
qua đời, thì con là một trong số ít những người có cái vốn cổ học sót lại. Muốn
giải độc cái họa tiểu thuyết Trung quốc đầu độc người Việt thì ít ra mình phải
có những bộ tiểu thuyết nói lên sự thực tổ tiên ta anh hùng như thế nào? Vậy
trước hết con phải học để có địa vị vững chắc về tài chánh, rồi sẽ viết. Chứ
viết mà phải lo kiếm cơm-áo thì không thể nào thành công được. Các bộ cần viết
có bốn:
Một là thuật cuộc khởi nghĩa
của vua Trưng cùng 162 anh hùng, lập nền tự chủ.
Hai là cuộc bình Mông của
quân dân thời Trần.
Ba là cuộc khởi nghĩa của
vua Lê, quét giặc Minh ra khỏi đất nước.
Bốn là cuộc khởi nghĩa của
anh hùng Tây sơn”.
Ông tôi, bố tôi không
khuyên tôi viết về thời đại Tiêu sơn tức triều Lý. Sau này lớn lên, tôi mới
hiểu rằng các nhà nho vốn ghét bọn hoạn quan. Vì bọn này thường lợi dụng vào vị
thế hầu hạ vua chúa, cùng các phi tần, rồi chuyên quyền làm hại dân, hại nước.
Nếu tôi viết về triều Lý thì phải viết về Lý Thường Kiệt. Mà Lý Thường Kiệt là
một hoạn quan.
Năm 1953 bố tôi phải đi làm
việc xa. Đầu năm 1954, ông tôi qua đời. Tôi bơ vơ, cô độc trong gia đình một
chị gái và năm anh em trai. Ngày 15 tháng 5 năm 1954, một thảm cảnh gia đình
xẩy ra, sau cuộc tranh luận ngắn về lịch sử, tôi phải rời tổ ấm tha phương. Di
cư vào Nam một mình, khi tuổi mới 15. May mắn tôi được nhận vào học một trường
có truyền thống giáo dục cực tốt. Căm hận vì phải ly tán gia đình, tôi dồn hết
chí khí vào việc học. Mười tám tuổi đỗ Tú tài, lên đại học. Năm 24 tuổi ra
trường. Bấy giờ tôi mới trở về với tổ ấm trong vinh quang.
Có địa vị vững chắc về tài
chính, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết. Bố tôi với tôi dành ra mỗi tuần vào ngày
thứ bẩy để bàn luận về hành trạng các anh hùng, về cấu trúc của các bộ tiểu
thuyết sẽ viết. Cả hai bố con đều đồng ý chọn hình thức cho các bộ sách là
chương hồi.
TÀI LIỆU DÙNG ĐỂ VIẾT VỀ ANH
HÙNG LĨNH NAM
Cuộc khởi nghĩa của Trưng
vương với 162 anh hùng vĩ đại biết là dường nào, nhưng sử sách chép lại rất ít.
Điều này dễ hiểu, bởi cuộc khởi nghĩa diễn ra vào buổi bình minh lịch sử, tiếp
nối theo là một nghìn năm Bắc thuộc không ai lưu giữ được.
Về sử Việt, hai bộ sử chữ
Hán duy nhất có chép là:
- Đại Việt sử ký toàn thư,
- Khâm định Việt sử thông
giám cương mục.
Nhưng mỗi bộ chép tổng cộng
không quá ba trang. Ngoài ra còn có những bộ nho nhỏ như Việt sử lược, Đại Nam Quốc sử diễn ca.
Về sử Trung quốc thì chỉ bộ
Hậu Hán thư của Phạm Việp là có vài trang viết về cuộc khởi nghĩa của vua
Trưng. Tôi lần mò tìm ra những chi tiết nhỏ của phần:
Vũ đế kỷ, Mã Viện, Lưu Long, Đoàn Chí,
Mã Vũ, Sầm Bành, Tế Tuân, Tang Cung, Lưu Hân truyện.
Không có chính sử thì khi
tìm tài liệu viết, tôi đành lần mò tìm những cuốn phổ tại đền thờ các anh hùng,
rồi nối kết lại.
Sau khi vua Trưng cùng 162
tướng tuẫn quốc, dân chúng tưỡng nhớ huân công, lập đền thờ khắp nơi. Khi thì
tại nơi các ngài tuẫn quốc, khi thì tại nơi các ngài trấn nhậm, khi thì tại quê
hương các ngài.Tại mỗi đền, miếu đều có một cuốn phổ chép tiểu truyện các ngài.
Dẹp loạn sứ quân, thống nhất
sơn hà, vua Đinh, rồi vua Lê ban sắc phong cho các anh hùng. Sang triều Lý một
lần nữa các vua sai viết lại hành trạng chư vị anhg hùng, tu bổ đền thờ, ban
sắc phong thần. Tới triều Trần, thì đã tìm ra hầu hết vết tích chư thần thời
Lĩnh Nam. Nhưng sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, nhà Minh sai Trương
Phụ, Mộc Thạch đem quân sang chinh tiễu. Năm 1407 với chủ trương đồng hóa cần
xóa bỏ văn hóa, lịch sử Đại Việt; Trương Phụ sai thu tất cả thư tịch về văn,
triết, kinh, sử , cùng các cuốn phổ tại đền thờ chư thần Đại Việt đem về Kim
lăng.
Sau khi vua Lê quét sạch
giặc Minh khỏi đất nước, thì tất cả các cuốn phổ được viết lại, thành ra có nạn
tam sao, thất bản. Sang triều Nguyễn thì triều đình lệnh cho các Tổng đốc tấu
về triều hành trạng của chư thần trong tỉnh, để triều đình ban sắc phong. Tấu
chương phải đính kèm cuốn phổ, chép tiểu sử của thần. Các cuốn phổ này trữ tại
quốc sử quán.
Năm 1955, khi Thủ tướng Ngô
Đình Diệm tổ chức truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thì kho sách này được bảo quản
rất kỹ. Thời gian 1964-1975 tôi được làm quen với giáo sư Trần Kinh Hòa (Chen
Chinh Ho). Giáo sư gốc người Hoa, mang quốc tịch Nhật bản, phụ trách giảng dạy
tại đại học Soka, sang VN nghiên cứu về văn, sử cổ của Việt Nam. Giáo sư đã sắp
xếp, phân loại tất cả thư tịch tại Quốc sử quán. Ông giúp tôi tìm các cuốn phổ
của các tướng thời Lĩnh Nam.
Khi tôi rời Việt Nam năm 1975,
toàn bộ Anh hùng Lĩnh nam đã viết xong. Năm1977, Liên Hiệp các viện bào chế
châu Âu (CEP, Coopétative Européenne Pharma- çeutique), và Ủy ban trao đổi y
học Pháp Hoa (CMFC, Commité Médical Franco-Chinois) thành lập hoạt động song
song. Tôi được tuyển làm việc với chức vụ Thông dịch, rồi Liên lạc và tổ chức.
Mỗi năm ít nhất tôi theo phái đoàn Pháp sang Trung quốc làm việc một lần, trong
vòng 10 đến 15 ngày. Trong những dịp này tôi lần mò vào các thư viện, và phát
hiện ra không biết bao nhiêu dấu vết về triều đại Lĩnh Nam. Ba thư viện mà tôi
tìm được nhiều nhất là Trường sa, Quảng Châu, Côn Minh. Vì vậy khi trở về, tôi
lại sửa chữa, thêm bớt, nên lúc đầu chỉ khoảng 500 trang, thành 3511 trang.
Nay tuổi đã già, thời gian
thuận tiện, tôi quyết định đem về Việt Nam xuất bản, coi như món quà tặng cho
phụ nữ Việt Nam, cho tuổi trẻ Việt Nam.
Paris ngày 18 tháng 6 năm
2008
|
Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014
Anh hùng Lĩnh Nam - Lời ngỏ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét