Tiềm năng kinh tế ở Biển Đông qua ý kiến chuyên gia
Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-05-29
Theo những nguồn tin của mình ông Carl Thayer chuyên gia về Việt Nam từ Úc nói rằng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc biết rằng khoan thăm dò trong khu vực hiện đang có cuộc đối đầu với Việt Nam là không có hiệu quả, tuy nhiên họ được lệnh phải tiến hành. Hành động này được nhiều người cho rằng Trung Quốc không phải chú ý đến việc tìm kiếm dầu khí trong cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên biển Đông.
“Cổng thu tiền mãi lộ”
Tiến sĩ địa vật lý Nguyễn Thanh Giang, người làm việc lâu năm ở Tổng cục địa chất Việt Nam dành cho Kính Hòa cuộc trao đổi sau đây. Đầu tiên ông cho biết ý kiến của ông về những so sánh dầu khí với chính trị hiện nay:
TS Nguyễn Thanh Giang: Trong mưu đồ bá quyền Đại Hán, Biển Đông là một trong những mối ưu tư hàng đầu của Trung Quốc. Biển Đông không chỉ là lối ra của Trung Quốc mà còn là “cổng thu tiền mãi lộ” thường nhật và chặn đường thông thương của các đối thủ khi cần. Biển Đông nói chung cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có vị trí quan trọng do nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một vùng chiến lược quan trọng. Khu vực này cũng là một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất trên thế giới. Hàng năm, hơn một nửa lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển của thế giới sau khi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda, và eo biển Lombok, đều tiếp tục hành trình qua Biển Đông. Trong số đó, lượng tàu chở dầu đi qua eo biển Malacca để vào Biển Đông nhiều hơn 3 lần số tàu loại này qua kênh đào Suez, hơn 5 lần số lượt loại tàu này qua kênh đào Panama.
Kính Hòa: Như vậy, phải chăng ông cũng đồng ý rằng giàn khoan dầu nước sâu HD 981 đang đi làm nhiệm vụ chính trị chứ không hẳn với mục đích thăm dò khai thác dầu khí?
TS Nguyễn Thanh Giang: Không, tôi hoàn toàn không thể không lưu ý đến mục tiêu cướp bóc tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc. Có thực tế là, Hoa Kỳ đánh giá tiềm năng dầu khí Biển Đông không cao. Theo con số riêng của công ty tư vấn Wood Mackenzie, trữ lượng tương đương cho cả dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông chỉ có 2,5 tỷ thùng. Tuy nhiên, đây chỉ là những con số của Trung tâm Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) ước tính dựa trên các khảo sát gần bờ của những quốc gia Đông Nam Á ven biển. Ở đó chưa có kết quả thăm dò trong các vùng biển tranh chấp và tại các vùng biển nước sâu.
Trong khi đó, theo Bộ Tài nguyên, Địa chất Trung Quốc, trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông ước tính khoảng 17,7 tỷ tấn, so với trữ lượng 13 tỷ tấn của Kuwait. Trung Quốc gọi Biển Đông là "vịnh Ba Tư thứ hai".
Tất nhiên, không thể không xét đến khả năng kích động của những con số trên nhằm đánh lừa nhân dân Trung Quốc xông lên phục vụ ý đồ bá quyền Đại Hán.
Tập đoàn Dầu khí CNOOC của Trung Quốc đã không giấu giếm ý đồ thọc sâu vào vùng Biển Đông từ vài năm trước. Tháng 6/2012, họ đã công khai mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Đến tháng 8/2012, họ lại mời thầu 22 lô, trong đó, lô mang số hiệu 65/12 chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 50 km.
“Tiềm năng vô cùng to lớn”
Kính Hòa: Thưa vâng, nhưng trên đây ông chỉ nói đến những đánh giá tiềm năng Dầu Khí Biển Đông của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông có thể cho biết về những kết quả nghiên cứu và khảo sát của các nhà khoa học địa chất Việt Nam?
TS Nguyễn Thanh Giang: Một phần lớn địa hình đáy biển Việt Nam có vĩ tuyến trùng với hướng tách giãn của Biển Đông. Tại đây, xuất hiện nhiều núi lửa, là dạng địa hình thuận lợi cho việc hình thành các cao nguyên ngầm, các đới nâng. Phần sườn lục địa miền Trung và Đông Nam, địa hình đáy biển thay đổi đột ngột từ vài trăm mét xuống 1500 - 2.500m, tạo thành vách dốc đứng ẩn chứa tiềm năng vô cùng to lớn về băng cháy.
Chỉ với những kết quả tìm kiếm thăm dò đã biết, hai vùng thềm lục địa Việt Nam làm Trung Quốc thèm khát nhất nằm trong vịnh Bắc Bộ và khu vực bãi Tứ Chính ở ngoài khơi Nam Bộ. Biển Đông Việt Nam rộng tới 1.460.000 km2 chia ra hai phần gần bằng nhau:
720.000 km2 biển sâu và 740.000 km2 vuông thuộc thềm lục địa.
Đã thăm dò chủ yếu các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Hồng Ngọc, Rạng Đông, Bunga Kekwa - Cái Nước, Lan Tây... nhưng dự đoán tiềm năng dầu khí ở dưới các vùng lòng chảo "basin" lớn hơn thềm lục địa nhiều. Chỉ mới khảo sát triển vọng của các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn. Ngoài ra còn phải kể đến tiềm năng ở các basin khác như: Phú Khánh, Trường Sa, Tư Chính – Vũng Mây, Ma Lay - Thổ Chu…
Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối. Sản lượng sản xuất dầu thô của Việt Nam hiện đang đạt mức khoảng 350.000 thùng một ngày.
Ngoài ra, không thể không nói đến các nguồn lợi thủy sản. Biển Đông Việt Nam có hơn 2.000 loài cá, trong đó có gần 130 loài cá có giá trị kinh tế cao. Hiện Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 cường quốc đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Hiện nay các nguồn lợi khai thác từ biển đang đóng góp khoảng 45% GDP, nếu giữ được toàn vẹn phần lãnh hải trên Biển Đông và nâng cao hiệu quả khai thác bằng khoa học kỹ thuật hiện đại thì Biển Đông sẽ đóng góp được tới 60% cho GDP của Việt Nam.
Kính Hòa: Trên đây, khi nói về tiềm năng của Biển Đông ông có đề cập đến “băng cháy” mà ông cho rằng đấy là “tiềm năng vô cùng to lớn”, phải chăng đấy là hydrate methane? Ông có thể nói rõ hơn về loại khóang sản này?
TS Nguyễn Thanh Giang: Thưa đúng, về hình dạng hydrate methane trông như tuyết hay băng nên người ta gọi nó là “băng cháy”. Băng cháy hình thành trong điều kiện áp suất cao, khoảng 40 atm, và nhiệt độ thấp, khoảng 6 độ C, ứng với độ sâu 400-500m. Người ta nói hydrate methane là nguồn nhiên liệu khổng lồ cho tương lai vì tiềm năng tài nguyên này rất lớn. Trữ lượng hydrate methane toàn cầu khoảng 11.200 triệu tỷ m3, trong khi trữ lượng khí thiên nhiên chỉ khoảng 150 nghìn tỷ mét khối.
Năm 1967, các nhà khoa học Liên Xô lần đầu tiên phát hiện một mỏ hydrate methane trữ lượng lớn ở độ sâu 900 m tại Messoyakha, một vùng băng tuyết quanh năm. Trong suốt thập kỉ sau đó, hơn 5.109 m3 khí đã được khai thác tại mỏ này.
Kính Hòa: Xin được hỏi ông một câu hỏi cuối: Ông nghĩ thế nào về khả năng Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
TS Nguyễn Thanh Giang: Họ sẽ rút thôi. Tin cho biết là mới hôm qua là họ rút rồi, xong cái việc của họ là họ lại cắm quanh quanh đâu đó. Từ hiện tượng này tôi đoán là kết quả khoan của họ đã ngửi được mùi dầu hay khí, cho nên họ không rút đi xa, họ chỉ đi loanh quanh vài ba hải lý cho nên có lẽ họ đã ngửi được mùi dầu khí nên họ tiếp tục một mũi khoan khác để chuẩn bị khai thác. Nếu khoan gặp dầu hoặc gặp khí thì họ rút mũi khoan lên rồi lại cắm xuống ở quanh quanh đó để tiến hành khai thác. Nếu đúng là không gặp gì cả thì họ lại đem cái của nợ ấy đi cắm ở đâu đó. Có thể lại vẫn trong lãnh hải Việt Nam.
Sự thật là ta đã mất một phần lãnh thổ và lãnh hải rồi! Và sẽ còn mất nữa! Nói: dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổ quốc đã được độc lập, đất nước đã được bảo vệ toàn vẹn là nói láo, là lừa bịp nhân dân.
Không liên minh quân sự với Hoa Kỳ thì chắc chắn mất Biển Đông. Liên minh quân sự với Hoa Kỳ thì vừa giữ được Biển Đông vừa giữ được môi trường hòa bình. Muốn giữ được hòa bình phải có thế mạnh. Trong tình thế hiện nay mà chỉ thề một lòng vì hòa bình tức là khoanh tay nộp mạng cho bọn Đại Hán. Phải nhanh chóng tự tạo ra được thế mạnh bằng cách thâu gom cho được sức mạnh của quốc tế để tăng cường cho nội lực còn quá yểu của ta. Sức mạnh quốc tế có thể khai thác để cùng ta giữ Biển Đông trong trường hợp cụ thể này chỉ có thể tìm kiếm chủ yếu ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẵn sàng liên minh với ta, như đã thấy trong tuyên bố của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, của ngọai trưởng John Kerry, của hàng loạt chính khách Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẵn sàng liên minh với ta cùng giữ Biển Đông vì họ cũng có quyền lợi ở đó. Họ rất muốn được ta cho vào Cam Ranh. Muốn liên minh được với Hoa Kỳ chỉ cần Đảng bớt độc quyền, độc đoán, độc tài vì Đảng mà hãy vì nhân dân, vì Tổ quốc mở rộng tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền.
Tin, bài liên quan
|
Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014
Tiềm năng kinh tế ở Biển Đông qua ý kiến chuyên gia
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét