Trung Quốc làm tăng phẫn nộ của dân Việt với nhà cầm quyền Hà NộiBiểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam
Tôn thờ ngay kẻ thù trực tiếp và lâu dài nhất mà lại bảo chúng tôi theo thì chúng tôi theo thế nào?
Hành động mới đây của Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động tại khu vực có tranh chấp với Việt Nam ở Biển Đông không những thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ của người Việt chống chủ nghĩa thôn tính-bành trướng từ Bắc Kinh, mà còn khơi dậy những bất bình trong dân chúng đối với đường lối đối nội-đối ngoại của Hà Nội.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay ghi nhận ý kiến của 4 người trẻ trong nước ngay sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rầm rộ tại 3 miền đất nước hồi cuối tuần qua.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc thảo luận
Anh Chí: Không thể loại trừ khả năng Trung Quốc tiếp tục khiêu khích dẫn tới leo thang, cũng không loại trừ khả năng có thể nổ súng giữa hai bên. Trung Quốc không dễ dàng từ bỏ ngay mục tiêu lâu dài. Kế hoạch họ xây dựng từ rất lâu và họ quyết tâm sẽ làm bằng được. Việt Nam lần này nếu không phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát, thì họ sẽ còn lấn tới nữa.
Trà Mi: Theo các bạn, vì sao lần này Trung Quốc hành động táo bạo tới mức báo động như thế?
Trung Nghĩa: Mình nghĩ rằng khi Trung Quốc leo thang như thế ít nhất phải có sự hậu thuẫn nhất định nào đó từ phía Việt Nam. Mình không tin tưởng đường lối của các vị lãnh đạo. Mình nghĩ ít nhất phải có sự ‘tay trong’ nào đó hoặc có sự hậu thuẫn thì Trung Quốc mới dám ngang nhiên đưa cả giàn khoan lớn vào như thế. Thật vô lý, không thể nào có chuyện cả một giàn khoan đưa vào Việt Nam mà mình hoàn toàn không biết gì cho đến khi nó công khai ra. Lúc đó mới phản ứng lại, sự phản ứng đó quá muộn màng. Họ giả vờ không biết thì đúng hơn.
Trà Mi: Nếu ‘giả vờ’ vì sao lần này họ lại phản ứng rất mạnh, thậm chí đáp trả các cuộc tấn công vòi rồng của Trung Quốc, tuyên bố dùng ‘mọi biện pháp’ cần thiết trước các hành động khiêu khích của Bắc Kinh, tàu Việt Nam vẫn hiện diện tại hiện trường, báo chí nhà nước ồ ạt đưa tin…v..v..?
Em là một công dân của Việt Nam, em sẵn sàng cầm súng ra chiến trận, nhưng nếu ra chiến đấu để sau này cho đảng cộng sản tiếp tục cầm quyền thì chắc chắn là không bao giờ em làm.
Mai Thanh: Khi sự việc rất nóng bỏng, sau 3 ngày dân phẫn nộ lên như vậy thì nhà nước mới bắt đầu có phản ứng nhẹ chứ không phải gay gắt. Khi giàn khoan ấy đã lộ ra rồi mới lên tiếng phản ứng, chắc chắn phải có bí ẩn trong vụ giàn khoan này.
Nguyễn Chí Đức: Mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản Trung-Việt là mối quan hệ giữa cộng sản và độc tài, họ có những thương lượng và đối thoại ‘đi đêm’. Đáng ra chuyện này người đứng đầu quốc gia phải lên tiếng. Đại hội đảng lần rồi họ không nói gì đến chuyện biển đảo hay mối đe dọa từ Trung Quốc, chứng tỏ họ có kênh đối thoại ngầm với đảng cộng sản Trung Quốc. Sự việc lần này đặt nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vào thế bắt buộc phải phản ứng, không thể bịp được nữa. Nếu không có đủ phản ứng thích hợp, giữa lúc lòng phẫn nộ của dân Việt đang bị thổi bùng lên họ không bảo vệ Tổ quốc thì không đủ tư cách để lãnh đạo đất nước. Cho nên buộc họ phải có biện pháp cứng rắn hơn so với những lần trước. Không thể bưng bít thông tin hay bịt miệng dân như xưa nữa.
Trà Mi: Những phản ứng quyết liệt lần này có thỏa lòng dân?
Trung Nghĩa: So với những lần trước, lần này phản ứng tương đối là mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực như Philippines hay Nhật, phản ứng hiện tại của Việt Nam vẫn còn quá là yếu ớt, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Dân cần chính phủ phải có hành động rõ rệt và quyết liệt hơn. Nó lấn sân mình như thế, nó đã xác định giẫm đạp lên luật quốc tế, không coi luật quốc tế ra gì thì mình không thể nào chấp nhận đàm phán như thế được.
Trà Mi: Nếu Việt Nam ‘quyết liệt hơn’ e dẫn tới những rủi ro. Việt Nam nếu không kiềm chế, khó đối đầu với Trung Quốc, khó tránh được tổn thất. Ý kiến các bạn thế nào?
Trung Nghĩa: Mình biết thế nhưng không nhất thiết phải là chiến tranh.
Trà Mi: Những việc làm ‘quyết liệt hơn’ cụ thể mà các bạn đề nghị là gì?
Anh Chí: Có nhiều bước nhà nước phải làm từ mặt trận ngoại giao, pháp lý, tới mặt trận quân sự. Việt Nam cần phải ngay lập tức đưa vụ này ra tòa quốc tế như Philippines đã làm, chứng minh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam theo Luật biển 1982. Đánh động được dư luận quốc tế thì người ta mới có thể can thiệp. Việt Nam càng lùi thì họ càng tiến. Mình đang cầm chính nghĩa trong tay không lý gì không làm được việc đó, phải chăng vì những uẩn khúc trong quá khứ lịch sử mà không dám làm?
Trà Mi: Anh muốn nhắc tới công hàm của ông Phạm Văn Đồng với Trung Quốc lúc trước?
Anh Chí: Vâng, chính xác.
Trung Nghĩa: Điều mà chính phủ Việt Nam làm không tốt nữa là không lấy được lòng dân. Mình là công dân Việt Nam mà cảm thấy không tin tưởng chính phủ Việt Nam hiện tại.
Nguyễn Chí Đức: Người dân trong nước bây giờ thật sự chả ưa gì đảng cộng sản. Họ muốn tạo đoàn kết nhân dân, phải thể hiện qua việc chống tham nhũng và bớt đàn áp dân lành, đàn áp những tiếng nói phản biện giúp cho đất nước. Đằng này họ cứ đàn áp, sách nhiễu. Chính quyền này phải thay đổi toàn diện, chẳng hạn phải ra luật biểu tình. Họ sợ ra luật này, cái gì ảnh hưởng tới quyền cai trị của họ là họ sợ. Chính vì vậy từ rất lâu rồi họ bưng bít thông tin về chuyện biển đảo. Lần này mà im nữa là đảng của họ mất chính nghĩa ngay, lòng dân còn sôi sục hơn.
Mồm họ đòi chúng tôi ủng hộ mà tay họ vẫn cứ bóp cổ dân, tống tù đày đọa bao nhiêu người yêu nước thì làm sao mà chúng tôi chấp nhận được. Thứ hai, họ cứ ca tụng ‘4 tốt’, ‘16 vàng’ thì làm sao các nước xung quanh như Philippines hay Nhật liên minh với Việt Nam, một nước cứ ca tụng kẻ thù đánh mình thì họ liên minh làm gì?
Trà Mi: Khi Việt Nam để diễn ra các cuộc biểu tình hôm 11/5 có là một ‘thay đổi’ không so với các cuộc biểu tình trước đây mà chính anh Chí Đức là một nạn nhân bị đạp vào mặt khi tham gia?
Nguyễn Chí Đức: Không thay đổi. Họ cài cắm những người phò đảng vào để đánh anh em thuần túy yêu nước cơ. Tôi chứng kiến hết. Đối tượng được nhà nước bật đèn xanh cài vào biểu tình họ không hô đả đảo Trung Quốc. Họ chỉ tung hô ‘đảng cộng sản quang vinh’, ‘nhân dân đứng sau chính phủ’ thế này thế kia. Ý tôi muốn nói họ đi biểu tình mang tính trá hình.
Trà Mi: Ý anh là các cuộc biểu tình đó theo cái gọi là ‘định hướng’?
Trung Nghĩa: Chính xác. Chính vì vậy mà có rất nhiều anh em đấu tranh không tham gia cuộc biểu tình này vì đơn giản họ không muốn thành con rối cho đảng cộng sản giật dây.
Nếu chiến tranh, không riêng gì tôi mà nhiều thanh niên Việt Nam sẽ lên đường. Lên đường xong về bảo đảm kiểu gì chúng tôi cũng phải thay đổi chế độ này, không còn độc tài cộng sản nữa mà phải là dân chủ
Trà Mi: Việt Nam có thể làm gì hơn nữa trong tình thế hiện nay? Các bạn chưa hài lòng, các bạn có kiến nghị nào nữa cụ thể không?
Anh Chí: Cái cần nhất bây giờ là đảng cộng sản phải tuyên bố công khai cho dân chương trình hành động cụ thể của họ thế nào để dân biết mà ủng hộ hay không ủng hộ. Họ cứ nói chung chung là dân phải đồng lòng với chính phủ, với đảng. Nhưng đồng lòng như thế nào. Chúng tôi không biết cụ thể nó như thế nào thì làm sao mà đồng lòng được? Chúng tôi có quyền lựa chọn. Dân không phải ‘đứng sau chính phủ’ như họ vẫn nói, mà dân có quyền đứng ngang bằng hoặc thậm chí đứng trước chính phủ. Từ hôm xảy ra tới giờ, ‘tứ trụ triều đình’, những người đại diện của chính quyền Việt Nam không có một phát ngôn chính thức nào ngoài những phản ứng của người dân hoặc từ cán bộ các cấp để chấp nhận sự đã rồi và ăn chia với Trung Quốc. Cái đó khác gì bán nước. Dân muốn biết đảng cộng sản có dám lựa chọn dứt khoát giữa lợi ích của họ mà bấy lâu họ đặt lên trên lợi ích dân tộc, lợi ích Tổ quốc. Bây giờ họ dám từ bỏ cái đó không hay vẫn cứ muốn đè đầu cưỡi cổ dân, dành đặc quyền đặc lợi, bán rẻ đất nước vì đặc quyền đặc lợi của phe nhóm thiểu số của họ và con cháu họ. Chúng tôi nực cười với bụng dạ của họ thì làm sao chúng tôi đồng lòng với họ được? Họ không thể nào hô hào suông. Cái bây giờ người dân phải biết là đảng cộng sản có tuyên bố dứt khoát hay vẫn giữ chính sách tôn thờ ‘16 vàng’, ‘4 tốt’. Tôn thờ ngay kẻ thù trực tiếp và lâu dài nhất mà lại bảo chúng tôi theo thì chúng tôi theo thế nào? Không bao giờ chúng tôi tốn xương máu cho kẻ khác ngồi hưởng lợi trên xương máu của nhân dân. Họ là những kẻ bán nước, đi ngược lại lợi ích dân tộc nếu như họ không có những động thái đứng về phía nhân dân. Chúng tôi bây giờ nói công khai chuyện đấy chứ không có gì phải che giấu với họ.
Trà Mi: Có thể chăng đảng và nhà nước Việt Nam cũng muốn có những hành động dứt khoát, mạnh mẽ với Trung Quốc, nhưng trong thế kẹt vì Trung Quốc bây giờ quá hùng mạnh?
Anh Chí: Ở đây nói ‘dứt khoát’ không phải là đánh nhau mà là phải thể hiện thái độ cứng rắn và quyết liệt qua chính sách có phụ thuộc vào Trung Quốc hay không. Cái đó mới là quan trọng. Sự phụ thuộc vào chính trị, kinh tế, văn hóa còn nguy hiểm hơn gấp vạn lần. Cái đó mới nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam vì chuyện đánh nhau rất khó xảy ra. Trung Quốc cũng không muốn vì nếu họ phát động chiến tranh, tổn hại cho họ sẽ lớn hơn Việt Nam. Thế giới văn minh không cho phép anh dùng sức mạnh đè bẹp nước láng giềng như thế. Khi đó Việt Nam có thể kêu gọi sự giúp đỡ của các nước khác và người ta sẵn sàng giúp chống lại Trung Quốc.
Trà Mi: Nhưng trong thời đại đối tác-đối thoại hiện nay, nếu mình có thái độ ‘cứng rắn’, ‘quyết liệt’ với người khổng lồ như vậy liệu chăng cũng có nhiều rủi ro cho mình? Phải chăng mình cũng nên ‘kiềm chế’, ‘mềm dẻo’, ‘uyển chuyển’?
Trung Nghĩa: Em không nghĩ thế. Mặc dù đều có kẻ thù chung là Trung Quốc, nhưng ta thấy Philippines, Nhật, Hàn họ có thể liên kết với nhau nhưng chưa thấy một mối liên kết nào của họ với Việt Nam cả. Nguyên nhân là do đảng cầm quyền ở Việt Nam. Mình yếu không thể nào đánh lại kẻ mạnh hơn mình, thế thì phải liên kết với những người khác. Nhưng vì lý do gì mà những người hàng xóm của mình không liên kết với mình.
Nguyễn Chí Đức: Tôi từng là cộng sản tôi hiểu. Bản chất của đảng cộng sản là muốn cầm quyền đến suốt đời, như khẩu hiệu ‘đảng cộng sản muôn năm’ của họ đó. Cho nên họ phải o bế nước cộng sản Tàu vì bây giờ trên thế giới thật ra chả ai thích cộng sản cả. Họ muốn bám trụ quyền lực đến cùng, thậm chí phải bán rẻ Tổ quốc họ cũng chấp nhận. Bây giờ họ cứ lẩn quẩn thế. Nếu họ thật tâm vì đất nước này, cách đây mười mấy năm họ đã phải ý thức vấn đề biển đảo, thức tỉnh lòng dân, tăng cường nội lực kinh tế, quốc phòng, giáo dục. Tôi hay đi biểu tình vì tôi muốn thức tỉnh cái đảng của tôi, nhưng tới mức tôi chán quá, tôi buông hết. Tôi tin trước sau gì Trung Quốc sẽ gây chiến. Lúc đấy, nó cũng giống như Nga, bất chấp luật pháp quốc tế. Thân phận dân tộc-đất nước Việt Nam nó khổ như thế.
Trà Mi: Trước tình hình hiện nay, phương cách nào cho vấn đề chủ quyền Việt Nam và người trẻ Việt có thể góp phần thế nào?
Trung Nghĩa: Vấn đề ở chỗ họ đối xử với người dân không hợp lý, cho nên dân cũng không đồng lòng. Em là một công dân của Việt Nam, em sẵn sàng cầm súng ra chiến trận, nhưng nếu ra chiến đấu để sau này cho đảng cộng sản tiếp tục cầm quyền thì chắc chắn là không bao giờ em làm. Một giọt máu em cũng không nhỏ cho đảng cộng sản. Quốc tế nhìn vào người ta phải thấy anh đối xử với con dân anh thế nào thì họ mới đồng ý kết hợp với anh hay không. Mỹ nói bao giờ Việt Nam thả tù nhân chính trị thì mới bắt tay với Việt Nam. Trong việc này, giữa đối nội và đối ngoại có sự xen kẽ cài răng lược với nhau và có một mối liên kết nhất định. Nếu trong nhà anh là người cha không tốt thì không một người hàng xóm nào chơi với anh cả.
Trà Mi: Trách nhiệm người công dân trong vấn đề này ra sao?
Anh Chí: Trước khi nhà nước nói tới trách nhiệm của công dân, họ phải có trách nhiệm của nhà nước trước. Đơn giản như quyền lên tiếng của người dân, quyền bày tỏ, nhân quyền họ cũng đàn áp, bóp cổ bóp miệng chúng tôi bấy lâu nay. Họ bắt bỏ tù những người như Điếu Cày, Bùi Thị Minh Hằng và nhiều người khác nữa. Hiện giờ họ vẫn cầm tù một cách vô căn cứ. Họ thích dùng quyền lực đày đọa chúng tôi vào con đường tù tội thì làm sao đòi hỏi trách nhiệm công dân? Bây giờ chúng tôi đặt ngược lại, chúng tôi đòi hỏi họ phải thả tất cả tù nhân lương tâm ra thì mới thuyết phục được lòng dân. Mồm họ đòi chúng tôi ủng hộ mà tay họ vẫn cứ bóp cổ dân, tống tù đày đọa bao nhiêu người yêu nước thì làm sao mà chúng tôi chấp nhận được. Thứ hai, họ cứ ca tụng ‘4 tốt’, ‘16 vàng’ thì làm sao các nước xung quanh như Philippines hay Nhật liên minh với Việt Nam, một nước cứ ca tụng kẻ thù đánh mình thì họ liên minh làm gì? Mỗi công dân khẳng định cho mình trách nhiệm với Tổ quốc, với đất nước,-dân tộc, chứ không phải với đảng cộng sản cầm quyền. Câu trả lời dứt khoát của chúng tôi là như thế.
Khi giàn khoan ấy đã lộ ra rồi mới lên tiếng phản ứng, chắc chắn phải có bí ẩn trong vụ giàn khoan này
Nguyễn Chí Đức: Họ phải an dân. Niềm tin vào đảng cộng sản đã bị xói mòn từ rất lâu rồi.
Trà Mi: Nếu sắp tới Trung Quốc có những hành động lấn lướt hơn nữa, táo bạo hơn nữa, công dân của Việt Nam sẽ làm gì?
Nguyễn Chí Đức: Nếu chiến tranh, không riêng gì tôi mà nhiều thanh niên Việt Nam sẽ lên đường. Lên đường xong về bảo đảm kiểu gì chúng tôi cũng phải thay đổi chế độ này, không còn độc tài cộng sản nữa mà phải là dân chủ.
Trung Nghĩa: Tôi sẽ không cầm súng ra chiến trường cho đến khi nào mà đảng cộng sản chưa nới tay với nhân dân, chưa thả tù nhân lương tâm, chưa làm theo nguyện vọng nhân dân kêu gọi. Không bao giờ tôi cầm súng cho đảng cộng sản để bảo vệ một chế độ như thế cả. Mình muốn phải có sự thay đổi từ chính quyền. Trung Quốc lấn lướt được Việt Nam cũng bởi vì chính quyền mình quá nhu nhược.
Trà Mi: Các bạn dự đoán mọi chuyện sẽ thế nào nếu Việt Nam ‘nhường bước’ hoặc ‘không nhường bước’?
Trung Nghĩa: Một thằng ăn cướp vào nhà cướp bóc của mình, không thể nào mình cứ lùi mãi. Lùi mãi thì lùi tới bao giờ? Nó dồn mình tới chân tường thì mình phải chống lại bằng cách này hay cách khác, kể cả chấp nhận thương vong.
Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình này.
|
Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014
Trung Quốc làm tăng phẫn nộ của dân Việt với nhà cầm quyền Hà Nội
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét