Từ đầu Tháng Chín tới, việc sử dụng mạng lưới Internet tại Việt Nam sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn do Nghị định số 72 của Thủ tướng Chính phủ Hà Nội. So sánh với những gì đang xảy ra tại Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa đánh giá quyết định này là một sự dại dột về kinh tế và một sự nguy hại về an ninh.
Hậu quả tai hại về dài
Vũ Hoàng: Xin kính chào chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, tuần qua thì nguồn tin từ Trung Quốc cho thấy nhà cầm quyền Bắc Kinh trù tính nới lỏng chế độ kiểm soát sinh đẻ do chính sách "mỗi hộ một con" ban hành từ năm 1978. Lý do là chính sách làm giảm dân số lao động và dẫn tới hiện tượng ông gọi là "chưa giàu đã già". Chuyện ấy khiến người ta để ý đến bài toán tương tự và mối lo về tình trạng co cụm dân số vì sinh suất sút giảm tại Việt Nam. Song song, cư dân mạng ở Việt Nam và cộng đồng quốc tế cũng vừa đả kích Nghị định số 72 của Chính phủ Hà Nội về việc tăng cường kiểm soát mạng lưới Internet kể từ đầu Tháng Chín này. Chế độ kiểm soát đó khiến người ta lại liên tưởng đến bài toán tuyên truyền tại Trung Quốc và hậu quả bất lợi về khả năng thông tin và sáng tạo trong kinh tế. Ông nghĩ sao nếu chúng ta đề cập đến chuyện thông tin, ổn định xã hội và tư duy sáng tạo ở hai xứ này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Diễn đàn của chúng ta đã nhiều lần nói đến sự chuyển dịch chậm rãi mà khó cưỡng về dân số và về tinh thần duy ý chí khi nhà nước lấy quyết định sai lầm mà mấy chục năm sau mới thấy ra hậu quả. Chuyện dân số của Trung Quốc là một thí dụ.
Đồng thời, nói về dân số học hay nhân khẩu học, ta cũng đề cập đến lối suy nghĩ tích cực là đừng nên coi một người sinh ra chỉ là một miệng ăn mà còn có đôi tay biết làm và nhất là cái đầu biết nghĩ để làm ăn có lợi nhờ khả năng sáng tạo. Trong hai ví dụ này, quan trọng nhất là quyền tự do vì nếu được tự do thì con người ta đều biết cách chọn lựa tối hảo, chứ nhà nước không thể bao biện lo toan được tất cả.
Riêng tôi thì e ngại nhất về hậu quả của Nghị định 72 ông vừa nhắc tới khi thấy những gì đã được áp dụng tại Trung Quốc trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền. Chẳng phải ngẫu nhiên mà hai quốc gia này cùng có một chế độ độc tài chính trị. Chế độ ấy mới cản trở phát triển kinh tế, và trong hoàn cảnh hiện nay còn có thể gây ra mối họa về an ninh cho Việt Nam.
Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ từng bước tìm hiểu về vấn đề này. Thưa ông, Trung Quốc áp dụng chế độ kiểm soát thông tin tuyên truyền như thế nào mà ông lại nói đến mối họa cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, nếu theo dõi kỹ thì ta thấy lãnh đạo Việt Nam ngày nay chỉ áp dụng những gì đã thử nghiệm tại Trung Quốc mà tưởng là hay, chứ không thấy ra hậu quả tai hại về dài. Hơn hai chục năm sau cuộc cách mạng về công nghệ tín học mà Hà Nội lại đòi kiểm soát thông tin thì họ có tinh thần tự sát cao độ. Tôi xin lần lượt được giải thích về bối cảnh như sau.
Từ cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, Trung Quốc có cuộc cách mạng văn hóa đích thực vì chưa từng thấy trong 21 thế kỷ của chế độ quân chủ, đó là cách mạng về tư duy, với quyền tự do phê phán, học hỏi và nhất là quyền suy nghĩ độc lập. Từ đó và sau nhiều loạn lạc mới là cuộc cách mạng chính trị dẫn tới chế độ dân chủ như ta đang thấy tại Đài Loan. Chìm sâu bên dưới là khả năng sáng tạo của kinh tế Đài Loan.
Không may cho Trung Quốc, và cả Việt Nam, là phe cộng sản lại thắng tại Hoa lục năm 1949, với cuộc cách mạng giả về văn hoá chính trị và hậu quả thật về kinh tế. Ba chục năm sau, từ năm 1979 họ mới cải cách về kinh tế mà vẫn duy trị nạn độc tôn văn hóa và chính trị, lồng trong đó có cả quyền kiểm soát chế độ sinh đẻ với hậu quả giờ này mới biết.
Điều không ngờ là địa cầu vẫn quay và thế giới đã đổi thay với cuộc cách mạng về công nghệ tin học dẫn đến nền kinh tế tri thức người ta nói từ hai chục năm trước. Trung Quốc sẽ khó tiến vào hình thái kinh tế này và là cường quốc tụt hậu khi vẫn duy trì độ hạn chế thông tin.
Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông, thính giả của chúng ta vẫn chưa hiểu là vì sao ông lại nói đến mối nguy về an ninh cho Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta sẽ tuần tự đi tới đó khi theo dõi từng bước thụt lùi của Bắc Kinh trước trào lưu bất khả cưỡng của cuộc cách mạng về thông tin.
Trước hết, lãnh đạo Trung Quốc trở về phản ứng truyền thống của sự hãi sợ. Như tổ tiên của họ đã dựng Vạn lý Trường thành, một kỳ tích của sự sợ hãi có thể thấy được từ cung trăng, họ dựng tường lửa để khoanh vùng suy tư và kiểm soát tư tưởng. Họ áp dụng chính sách tiêu cực này trong chục năm đầu và cuối năm ngoái còn nâng bức tường lửa khi bắt người dùng internet phải đăng ký lý lịch.
Nhưng họ đã thất bại vì phân nửa dân số ngày nay truy cập mạng lưới điện toán và 400 triệu người, đa số là giới trẻ, đã thành cư dân mạng và trao đổi thông tin trên không gian ảo, mà không chỉ có mạng Vi Bác của nhà nước. Trên không gian đó, cư dân mạng loan truyền về nhiều tệ nạn của bộ máy công quyền và còn cho thất sự bất nhất và bất lực của lãnh đạo, điển hình là vụ tai tiếng về Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh hay con cháu lãnh tụ tham ô đang thành triệu phú nhờ nền kinh tế tầm tô. Khi ấy, Bắc Kinh phải xoay.
...Nếu theo dõi kỹ thì ta thấy lãnh đạo Việt Nam ngày nay chỉ áp dụng những gì đã thử nghiệm tại Trung Quốc mà tưởng là hay, chứ không thấy ra hậu quả tai hại về dài. Hơn hai chục năm sau cuộc cách mạng về công nghệ tín học mà Hà Nội lại đòi kiểm soát thông tin thì họ có tinh thần tự sát cao độ.
Thứ nhất, bên trong và từ trên đầu xuống, họ thận trọng chứng tỏ tinh thần nhất trí của lãnh đạo và răn đe nhau về loại rủi ro bất lường. Tức là phải cho thấy sự đoàn kết của lãnh đạo qua việc chuyển giao quyền lực trước và sau Đại hội 18. Từ đó mình đã có thể kết luận rằng thế hệ Tập-Lý vừa lên là những người rất sợ rủi ro nên sẽ khó chuyển hướng cải cách để ra khỏi bế tắc.
Thứ hai, khi thấy như đang cưỡi lưng cọp và sợ bị cọp vồ, họ hướng quần chúng vào tinh thần quốc gia dân tộc. Không kiểm soát được tiếng nói của quần chúng, họ phải bắc thang và kiễng chân để nói to hơn quần chúng và nói về những mối họa của kẻ khác, từ bên ngoài. Nguyên nhân của mọi vấn đề chính là do cái gọi là "các thế lực thù nghịch" và "âm mưu diễn biến hòa bình". Hà Nội cũng làm như vậy khi cán bộ thông tin tuyên truyền được lệnh xung phong trên mặt trận tư tưởng trong khi lại cấm đoán tuổi trẻ xuống đường và bắt giữ các blogger có ảnh hưởng nhất.
Một sự tự sát chính trị
Vũ Hoàng: Chúng tôi hiểu ra cái ý của ông về mối nguy an ninh cho Việt Nam. Nó là kết quả của hai sự chuyển động trái ngược. Vì không thể kiểm soát được quần chúng trên mạng nên lãnh đạo Trung Quốc khích động và điều hướng quần chúng vào tinh thần quốc gia dân tộc, lại còn đổ lỗi cho xứ khác, như Hoa Kỳ hay Nhật Bản và cả Việt Nam hay Philippines. Trong khi đó, lãnh đạo Hà Nội cũng kiểm soát thông tin và tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nhưng lại bắt giam những ai dám đả kích lãnh đạo Bắc Kinh.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy. Lãnh đạo Bắc Kinh lấy thế công làm thế thủ, là công kích xứ khác để gián tiếp thủ kín quyền lực của họ. Lãnh đạo Hà Nội thì mở thế công với người dân của mình để làm thế thủ với Trung Quốc. Tức là cột tay bịt miệng người dân để khỏi mất lòng Bắc Kinh. Vì vậy, Nghị định 72 này mới là một sự tự sát chính trị, chậm mà chắc.
Vũ Hoàng: Trong một kỳ trước, ông có phát biểu rằng 10 năm sắp tới là 10 năm thoái trào của Trung Quốc với rất nhiều rủi ro. Thưa ông, những rủi ro ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo Trung Quốc nói tới nhu cầu ổn định xã hội bên trong và nêu cao khẩu hiệu họ gọi là "quật khởi hòa bình" với bên ngoài. Thực tế thì họ không ổn định được nên lại thoái lui trước làn sóng quần chúng. Họ lại mở chiến dịch đàn áp bắt bớ cư dân mạng và vì vậy gây thêm bất mãn về xã hội, sẽ thất bại trong việc chuyển hướng kinh tế và càng tự cô lập trong cộng đồng thế giới.
Y như nhà Mãn Thanh trước khi sụp đổ, lãnh đạo xứ này sẽ lại mở ra làn sóng bài ngoại, chống Tây phương, thù ghét Nhật Bản, nghi ngờ Ấn Độ hay đả kích Hoa Kỳ hoặc hung hăng với các nước láng giềng.... Kết cuộc thì chính làn sóng đó lại dội ngược và làm chế độ suy sụp như thảm kịch của Từ Hy Thái Hậu nhà Đại Thanh sau khi cải cách nửa vời vào cuối thế kỷ 19.
Vũ Hoàng: Chúng ta trở về chuyện Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, ông cho rằng Việt Nam nên làm gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho rằng dễ nhất là đừng lầm lẫn như thiên hạ. Khó hơn thế là nên nhân cơ hội sai lầm của xứ khác mà cải cách mau chóng hơn. Một cách cụ thể là nên tìm hiểu xem tuổi trẻ của các nước Đông Á đang sống, suy nghĩ, học hỏi và tiếp thu kiến thức của thế giới như thế nào để thật sự là lực lượng tiên tiến trong trào lưu chung của nhân loại. Các quốc gia đó đều trở thành tân hưng và tuổi trẻ của họ không thua kém gì tuổi trẻ Âu-Mỹ. Với khả năng tổ chức và sản xuất cao gấp bội, một thế hệ sau họ sẽ làm thầy hay làm chủ tuổi trẻ tại Việt Nam.
Trong ngắn hạn và vì ráp giới Trung Quốc, Việt Nam rất dễ gặp xung đột khi xứ này có loạn. Tất nhiên là khi ấy chế độ chính trị của đảng độc tài ở Hà Nội sẽ sụp đổ, nhưng sau đó đất nước còn gì và ra sao nếu chế độ tiêu diệt dân khí và cố tình đánh sụt dân trí? Khi thấy nhà nước Việt Nam đóng đai lên đầu người dân và kiểm soát tâm tư của tuổi trẻ, bỏ tù những người yêu nước trong khi con cháu các đảng viên có chức có quyền thì đã tẩu tán sài sản và tìm bãi đáp ở bên ngoài thì ai cũng phải lo. Nghị định 72 chính là cái đai trên đầu dân Việt và cần phải gỡ bỏ.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông, chúng ta không thể quên rằng dù sao Trung Quốc cũng là một cường quốc kinh tế và trong các dụng cụ hiện đại như máy vi tính hay điện thoại di động đều có những cơ phận ráp chế tại Trung Quốc. Có thể nào nhờ vậy mà họ sẽ theo kịp cuộc cách mạng về công nghệ tiên tiến không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi không lạc quan như vậy vì về căn bản, Trung Quốc chỉ làm gia công và góp vào phần sản xuất phụ tùng, chứ chưa có khả năng sáng tạo từ cái gốc. Họ nhặt được bạc lẻ trong cái iPhone chứ chưa thể làm ra một cái máy như Samsung để cạnh tranh với Apple của Mỹ. Mà nói về Samsung thì tập đoàn này vừa lập nhà máy ráp chế điện thoại di động lớn nhất tại Thái Nguyên của Việt Nam với kinh phí hơn ba tỷ đô la, tức là kỹ sư của họ đã làm thầy làm chủ công nhân Việt Nam. Trong thế giới đó mà nói đến Nghị định 72 thì quả là lạc điệu!
Vũ Hoàng: Xin cám ơn chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về những phân tích thấm thía này.
Nguồn:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/info-stabil-n-innova-08072013062059.html |
Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014
Thông tin - Ổn định - Sáng tạo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét