Lễ
tang Tướng Trần Độ 10 năm trước
Trần Kinh Quốc
(Nhân
10 năm ngày mất của Chú Trần Độ-Người bạn thân tình gần gũi của Cha Mẹ, láng
giềng kề cận nhà tôi, Chú là người được cả nhà yêu mến và quý trọng, với góc độ
tình cảm gia đình , TKQ kể lại chuyện
buổi tang lễ của Chú để cả số nhà 99 cùng tưởng nhớ đến Ông Tướng nhà số 97 –
Láng giềng gần - Phố Trần Hưng Đạo Hà Nội. - Trần Đình Ngân )
NỖI ĐAU CÒN ĐÓ
“Những
người có tâm, có đức sẽ sống mãi...”
Đây là bài viết sau khi từ HN viếng cụ
Trần Độ về. Năm nay tròn 10 năm cụ đi cũng là "tuổi" của bài viết.
Một số chi tiết có điều chỉnh nhẹ nhưng giữ nguyên nội dung).
Nghe tin tang lễ cụ Trần Độ, một lão thành
cách mạng, được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, chúng tôi có mặt từ sớm. Từ 8
giờ ngày 14-8-2002, họ hàng, bạn bè thân hữu, đồng chí đồng đội trong 2 cuộc
kháng chiến của dân tộc, các văn nghệ sĩ… đã tập trung về số 5 Trần Thánh Tông,
Hà Nội. Cửa hàng bán hoa ngay cổng hôm nay thật đắt khách. Bàn đăng ký vào
viếng đặt ngay gần cổng, các đoàn đến viếng được các nhân viên ghi theo ý đồ
của ban tổ chức. Khắp nơi thấy sắc phục của lực lượng công an và kiểm soát quân
sự. Trong sân, dọc theo tường 2 cánh gà nhà tang lễ là những vòng hoa tươi của
các đoàn chờ đến lượt. Khách đợi vào viếng đứng ngồi trò chuyện dưới bóng mát
của hàng cây xanh cách nhà tang lễ một khoảng trống.
Khi len được vào bên trong nhà tang lễ thì
nghe thông báo trên loa: “Đoàn Tổng cục Chính trị do ông Hân (Phó chủ nhiệm)
dẫn đầu vào viếng ông Trần Độ”. Trong tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” trầm hùng, 2
chiến sĩ mặc lễ phục trắng đỡ vòng hoa đi nghiêm dẫn khách vào viếng. Linh cữu
cụ được đặt ở trung tâm, xung quanh đã có sẵn những vòng hoa và các bức trướng.
Áo quan có mở cửa sổ vừa đủ thấy khuôn mặt cụ. Cụ nhắm mắt thanh thản như vừa
làm xong một việc lớn. Tấm băng-rôn đen treo trên tường đá đen với dòng chữ
trắng “LỄ TANG ÔNG TRẦN ĐỘ” làm ai cũng xúc động, nghẹn ngào - Tang lễ tổ chức
khác thường quá với một người có công lớn với nước! Một bầu không khí nặng nề
bao phủ. Mọi thành viên trong gia đình mặc đồ đen. Có lẽ chỉ có Văn phòng Quốc
hội, Ban Tổ chức Chính phủ, Tổng cục Chính trị là những cơ quan được phép đi
viếng chính thức.
Các hãng thông tấn nước ngoài AFP,
Reuteur, CNN, BBC… đều có mặt. Có hãng cử nhân viên đứng trong nhà tang lễ, ghi
tỉ mỉ tên từng đoàn khi trực tiếp đọc băng tang gắn trên các vòng hoa. Họ xem
cụ được đối xử ra sao!
Đoàn bạn tù Sơn La – Hỏa Lò vào viếng có
các cụ Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Đức Tâm, Nguyễn Thanh Bình… Ông Lê Đức Anh, bạn
chiến đấu ở R, gửi vòng hoa đến viếng. Riêng cụ Mười Hương từ Sài Gòn nghe tin
cũng bay ra viếng bạn. Cụ đã yếu lắm, một tay đã bị liệt, tay còn lại chống ba-toong, chân lết
từng bước 5-10cm nhưng cương quyết không để cho ai đỡ(?!). Sau khi viếng bạn,
cụ Mười Hương đã ôm lấy bà Hằng khóc nấc lên. Thật cảm động!
Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ tạo hình, Hội
Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Tuồng, Hội Chèo… đều cử đoàn đến viếng. Tôi gặp
các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Hữu Thỉnh,
Hà Xuân Trường, nhạc sĩ Trần Hoàn… những người một thời cùng làm việc với cụ ở
Bộ Văn hóa, Ban Văn hoá – văn nghệ Trung ương, Ban Văn hóa Quốc hội… Họ đến với
niềm đau thương sâu sắc chia buồn cùng gia đình.
Trên bàn ghi lời chia buồn là những quyển
sổ tang bọc vải đen. (Khi chuẩn bị tang lễ, ban tổ chức đề nghị dùng giấy rời
“chất lượng cao” làm sổ tang, nhưng gia đình không nghe). Hai nhân viên tỏ ra
rất nhiệt tình sắp xếp bút, sổ và mời khách vào bàn ghi sổ tang.
Đến lượt chúng tôi vào viếng thì nghe
thông báo: “Ông Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa đến viếng ông Trần Độ”. Thế mới
biết, cụ Văn là con người trọn nghĩa, vẹn tình. Quãng năm 1946, cụ giao nhiệm
vụ cho cụ Độ dịch và in 2 quyển sách từ tiếng Trung Quốc “Công tác chính trị
viên đại đội” và “Công tác chính trị trong đại đội” để cấp cho các đơn vị. Đến
năm 1954, khi cụ Văn là Tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ thì Đại đoàn 312 do cụ
Lê Trọng Tấn và cụ Trần Độ chỉ huy đã tấn công vào Sở chỉ huy và bắt sống tướng
Đờ-Cát. Rồi những năm đầu thập kỷ 60 cùng đi học Gen-staff ở Liên Xô để chuẩn
bị đánh Mỹ… Những tình cảm ấy thật khó phai!
Các đoàn lần lượt vào viếng. Nắng càng về
trưa càng gắt, nhưng dòng người vẫn nối đuôi nhau vào viếng. Từ sớm đến trưa có
dễ đến vài nghìn người đến viếng. Trên sân, các cựu chiến binh thì thào trao
đổi và chuyền tay những bản thảo viết về thủ trưởng của mình. Họ vẫn dành cho
cụ những tình cảm tin yêu, quý trọng, dù cho có người nói nọ nói kia. Không ít
những vị khách không mời - đeo kính đen - len lỏi trong các cựu chiến binh để
nghe ngóng xem các cụ nói gì. Lắm vị bị các cụ chỉ mặt đuổi thẳng tay... Có đoàn
mang vòng hoa với dòng chữ “Kính viếng lão tướng Trần Độ” thì bị ban tổ chức
yêu cầu bóc ra thay bằng dòng chữ “Kính viếng ông Trần Độ”. Một cựu chiến binh
dõng dạc:
- Tin
buồn trên báo Quân đội và Nhân dân ghi ông là trung tướng. Đúng không?
- Dạ, đúng.
- Thế
ông đã già thì có phải là lão hay không? Ghi “lão tướng” có gì sai?
- Dạ,
chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh trên.
Nhà sử học Dương Trung Quốc khi đến viếng
đã kính cẩn ghi vào sổ tang: “Tưởng nhớ đến người đã có công trong sự nghiệp
giải phóng dân tộc. Những gì còn lại sẽ được lịch sử phán xét!”. Đau lòng hơn
khi một cựu chiến binh mới viết xong lời tâm sự với thủ trưởng cũ và lời chia
buồn với gia đình, vừa đứng lên đã bị nhân viên đứng sau lưng giật sổ, đòi xé trang mới viết. Không đồng ý, ông giằng tay
giữ lấy cuốn sổ tang. Phóng viên nước ngoài thấy ầm ĩ đã ập đến…
Những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô từng
sống với thủ trưởng Độ 60 ngày đêm từ ngày 19-12-1946, nay đã vào tuổi “xưa nay
hiếm” khoác trên người bộ quân phục với đầy đủ quân hàm và huân huy chương,
cùng thẻ “Chiến sĩ tự vệ Thủ đô” cũng có mặt. Họ rất kiêu hãnh và tiếc thương
một con người nghĩa khí. Cụ Lê Ngọc Hiền, nguyên Tham mưu truởng Sư 312, mặc
quân phục với quân hàm thượng tướng, thay mặt cho gia đình đến vĩnh biệt cụ
Trần Độ, người đã cùng anh mình - Tư lệnh Lê Trọng Tấn – cách đây hơn nửa thế
kỷ dựng lên Đại đoàn 312 anh hùng.
Khi đang đứng trong sảnh lại nghe ban tổ
chức một lần nữa giới thiệu vòng hoa của cụ Văn gửi đến viếng. Mọi người sửng
sốt!? Hóa ra lần trước khi đưa vòng hoa vào, ban tổ chức yêu cầu dừng lại để
thay đổi nội dung (bỏ chữ “Vô cùng” và không được ghi cấp bậc của 2 vị tướng và
thay bằng từ “ÔNG”). Đồng chí thư ký không chấp nhận đã điện thoại ngay cho cụ
Văn. Cụ chỉ thị: giữ nguyên! Sau một hồi bàn cãi, đôi bên nhượng bộ, 2 chữ “Vô
cùng” phải bỏ đi và vòng hoa viết lại với nội dung: “Thương tiếc Trung tướng
Trần Độ – Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, được đưa vào lần này(!?) . Đau quá! Ai đã
cho ra những quy định này để bôi nhọ đất nước ta?
Cảm động hơn khi nghe giới thiệu đến đoàn
của Sư 312 thì thấy hơn 500 cán bộ, chiến sĩ các thời kỳ (người trong quân
phục, người mặc thường phục, có những cụ phải chống nạng vì đã mất một chân, cụ
ông có, cụ bà cũng có…) mang theo vòng hoa lớn: “Hội truyền thống Sư đoàn 312
tại Hà Nội kính viếng Chính uỷ Đại đoàn 312 Trần Độ”. Dòng người không dứt, họ
tới để nhìn mặt thủ trưởng cũ lần cuối.Những tấm phướn đỏ với nhiều nội dung
được các đoàn trực tiếp mang vào viếng. Những vòng hoa “không đúng quy định”
đều được chuyển ngay ra sân sau và bóc đi dải băng đen. Chính tôi đi tìm vòng
hoa của gia đình mà không thấy(!).
Đám tang của cụ Trần Độ là đám có nhiều
Camera men “phục vụ” với chục máy quay vidéo kỹ thuật số, họ lởn vởn, thản
nhiên quay tất cả mọi người đến viếng. Có điều, hỏi kỹ ra, họ không phải là
người của gia đình, không phải là bè bạn thân thiết của người quá cố (!).
Nhiều tướng lĩnh không mặc quân phục cũng
có mặt, họ đến với một tình cảm của những người lính đã cùng chiến đấu vì độc
lập, tự do của Tổ quốc. (Nghe đâu, các cơ quan Bộ Quốc phòng đều lên lịch giao
ban điều lệnh vào cả sáng nay!). Tuy vậy, khi các tướng lĩnh tại ngũ bận thì
các gia đình quân nhân ở khu Lý Nam Đế, Cửa Đông, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Phạm
Ngũ Lão, Nam Đồng, Phan Đình Phùng… đi viếng thay đều có mặt đông đủ ! Văn nghệ
sĩ các thế hệ trong và ngoài quân đội (đạo diễn, NSƯT, NSND, diễn viên, hoạ sĩ,
nhạc sĩ, ca sĩ, nhà thơ, nhà văn…) với một tâm hồn thật trong sáng đã đến với
một nhà chính trị làm công tác văn hoá, văn nghệ nhưng rất gần gũi, rất cảm
thông và luôn giúp đỡ họ. Lòng người ta là thế!
Kết thúc lễ viếng, ban tổ chức đòi kiểm duyệt
sổ tang(!?). Gia đình cực lực phản đối. Đúng 12 giờ 15, ban tổ chức mời các quý
khách vào bên trong làm lễ truy điệu. Gia đình đứng hàng ngang về phía bên
trái, 1 trung đội lính mặc quân phục xanh, đội mũ kê-pi, tay đeo bang đỏ, dàn
hàng ngang trước linh cữu. Quan khách đứng đông nghịt. Mọi người nhìn lên tấm
băng-rôn đen, xì xào: “Người Việt Nam ta có đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”, cho
dù ai có khuyết điểm cũng không bao giờ bị đối xử như vậy, chưa kể cụ Trần Độ
lại là một người lính vào sinh ra tử”… Không khí lễ truy điệu rất nặng nề!
Ông Vũ Mão thay mặt Văn phòng Quốc hội lên
đọc điếu văn. Cả điếu văn ca ngợi cuộc đời hy sinh chiến đấu của cụ nhưng đến
câu cuối cùng: “Tiếc rằng, về cuối đời, ông đã
phạm một số khuyết điểm…(Những tiếng thở dài và nấc nghẹn trong những
người đưa tang)... Để tưởng nhớ đến người đ khuất… (Lại những tiếng thở dài…...
chả lẽ họ chỉ coi người có công với nước như một kẻ chết dọc đường…)... chúng
ta dành một phút mặc niệm!”.
Nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” vang lên trầm hùng.
Đau đớn, thương tiếc, lưu luyến…
Sau đó, ban tổ chức giới thiệu anh Trần Thắng, con trưởng của cụ, đọc
lời cảm tạ. Anh cảm ơn ban tổ chức tang lễ, Văn phòng Quốc hội đã đứng ra tổ
chức đám tang cho cụ. Anh cảm ơn họ hàng, đồng chí đồng đội, bạn bè, Bệnh viện
108, Bệnh viện Hữu nghị đã chăm sóc và thăm hỏi trong thời gian cụ đau ốm và
đến viếng, tiễn đưa cụ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Anh dõng dạc:
- Bố
Tạ Ngọc Phách kính yêu của chúng con! Cuộc đời trong sáng, liêm khiết của bố đã
là tấm gương cho chúng con học tập và giáo dục con cháu noi theo. Bố mẹ đã dạy
dỗ 4 anh em chng con thành những người có ích cho xã hội. Mong bố yên giấc ngàn
thu!... Về phía gia đình, chúng tôi không chấp nhận đoạn cuối của điếu văn của
ban tổ chức tang lễ!
Lập tức có tiếng vỗ tay hưởng ứng, rồi như
một đợt sóng trào tiếng vỗ tay nổi lên khắp nhà tang lễ. Lần đầu tiên trong
lịch sử nước nhà trong không khí đau thương của lễ truy điệu, mọi người đã vỗ
tay để tôn vinh người đã mất. Tiếng vỗ tay kéo dài đến 5 phút. Một nữ phóng
viên (có lẽ của AFP) đã hỏi ngay một phụ nữ biết tiếng Pháp (sau biết là bà Ngô
Bá Thành, luật sư, đại biểu Quốc hội) đứng không xa: “Vì sao trong tang lễ lại
vỗ tay?”…
Một lão đồng chí không nén được, chỉ tay
lên tấm băng-rôn nói to:
-
Cả cuộc đời chúng tôi đi chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ
quốc, để đến giờ có người lại treo tấm băng-rôn kia trong đám tang của người có
công. Tại sao lại không phải là “Vô cùng thương tiếc ông Trần Độ”? Làm như vậy
là phạm vào truyền thống, đạo lý của người Việt Nam. Thử hỏi bố mẹ các ông chết
thì có thể treo tấm băng-rôn như thế không?
Ồn ào, xôn xao khắp nhà tang lễ. Có cụ
nói: ”Họ đã bôi nhọ danh dự của Đảng, danh dự của Nhà nước”. Ban tổ chức phải
lên loa mời gia đình lên thắp hương cho cụ lần cuối. Có cựu chiến binh ra khỏi
nhà tang lễ nói: “Tiếc rằng năm 1952, tôi đã ký để cái thằng đọc điếu văn ngày
hôm nay sang Trung Quốc học Thiếu sinh quân. Nó là đồ “ăn cháo đá bát”. Nó sẽ
đau đớn cho đến khi chết!”. Các nhà báo nước ngoài tìm mọi cách tiếp cận những
cụ quá bức xúc để phỏng vấn. Thật là đau khổ cho một cách cư xử thiếu văn hóa,
thiếu đạo lý của người Việt Nam…
Khi đưa linh cữu ra xe, gia đình kiên
quyết giữ tấm phướn “Trí dũng – Vì dàn”. Con cháu trong gia đình đã giương cao
những tấm phướn của bạn bè, đồng đội ca ngợi cụ:
- “Trọn
nghĩa nước non, Vẹn tình đồng chí – Ban Liên lạc Báo QĐND”,
- “Tuệ mục, tuệ tâm/ Văn nhân, Võ tướng”
- “Kính
viếng Tướng quân Trần Độ: NHÂN VĂN DANH TƯỚNG, TRUNG DŨNG VẸN TOÀN - Ngày 9 tháng 8 năm 2002. Tập thể chí thiết
kính viếng!”. Bức trướng này do cụ Lê Giản đứng đầu với danh sách của hơn 20
cựu chiến binh.
- “Kính
viếng lão tướng Trần Độ: Công thần không làm phách/ Danh toại chẳng cần nhàn/
Bút thần vung mấy độ/ Đáng mặt ĐẠI NGHĨA NHÂN”. (Xin lưu ý, tại đây ông Trần
Khuê đã chơi chữ vì Phách và Độ đều là tên của người đà khuất). Mà có phải ai
cũng làm được những câu đối chát chúa như thế!
Sau xe linh cữu là 2 xe quân sự Kraz chở
đầy vòng hoa và lính tiêu binh. Thật tiếc là vòng hoa treo quanh thành xe bị
bóc hết dải băng ghi tên người và đoàn đến viếng. Họ sợ dân chúng dọc đường cụ
đi qua sẽ biết được những ai đã đến với cụ trong giờ phút cuối cùng. Đúng là cụ
đã mất nhưng cụ vẫn sống mãi trong lòng đồng chí, đồng bào. Chả thế một chiến
sĩ của cụ ở Đại đoàn 312 đã viết: “Đời người ta ai học hết chữ Ngờ/ Ngờ Anh
chết, nhưng Anh vẫn sống!”
Qua các ngã ba, ngã tư đều có cảnh sát và
quân cảnh bảo vệ cho đoàn xe thông suốt. Gia đình đưa cụ về 97 Trần Hưng Đạo và
rước di ảnh cùng bát hương vào nhà. Bà con khối phố đứng kín hai bên đường tiễn
đưa cụ với tấm lòng đầy thương tiếc và kính trọng.
Con đường Nam Bộ cách đây 40 năm đã đưa cụ
và Bộ chỉ huy Đại đoàn 312 vào Nam chiến đấu theo đề nghị đích danh của Đại
tướng Nguyễn Chí Thanh, hôm nay lại lưu luyến tiễn đưa cụ về nơi an nghỉ cuối
cùng. Theo di chúc, cụ đề nghị được hoả táng (vì đất cho dân ở đã quá chật),
sau đó đưa lên chùa. Nhưng gia đình đề nghị đưa về quê ở Tiền Hải, Thái Bình
yên nghỉ cùng tổ tiên và bà chị Tạ Thị Câu– người đã hết mực thương yêu em và
là người đầu tiên giác ngộ cụ theo Đảng. Cụ đã đồng ý trước khi nhắm mắt. Trưa
đó, gia đình đưa cụ về Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển. Cả một đoàn tầu từ Nam ra
đã dừng lại chờ cho cụ đi qua.
Linh cữu cụ được lính tiêu binh đưa từ
trên xe tang vào gian vĩnh biệt. Hương khói nghi ngút. Trên cửa dẫn vào buồng
hoả thiêu là tấm bảng “Vô cùng thương tiếc ông Trần Độ”. Lần lượt từng người
đến nhìn mặt cụ lần cuối… Chuông đồng gióng lên những tiếng chuông vĩnh biệt!
Lửa bật lên và cửa lò khép lại! Cụ đã về với Vĩnh hằng…
Ghi
thêm
TranKienQuoc 07:30 Ngày 06 tháng 8 năm
2012
Sáng ấy đến đăng kí viếng.
- Bác đi theo đoàn nào?
- Gia đình Thiếu tướng TTB?
- TTB là ai?
- Bạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh ông
Trần Độ.
Cả hội ngơ ngác nhìn. Chán!
Khi đưa ông đến Đài hóa thân Hoàn Vũ Văn
Điển, vì có Lý Anh, bạn cũ cùng thời ĐHKT QS, hiện là cán bộ phụ trách ở đây nên chạy vào trong,
chuyện trò vài câu.
- Ừ, tôi biết đám cụ Độ rồi. Nghe mấy tay
trên HN phi xe xuống đây trước, bảo trên kia ầm ỹ lắm. Thấy ở đây treo băng
rôn: "Vô cùng thương tiếc ông Trần Độ!", họ bảo phải thay như trên
nhà tang lễ ( bỏ chữ vô cùng!) . Tôi bảo:
Ở đây ai chết (dù là quan to hay dân thường, thậm chí là kẻ có tội)
chúng tôi đều có câu "vô cùng thương tiếc". Còn ông nào muốn bỏ thì
tự làm. Rồi chắc họ sợ...
http://lexuanquang.org/post/2398/
Danh sách các bài viết khác :
Phạm Chí Dũng: Ai
nắm chắc ngọn cờ ở ĐH 12
BẢN TUYÊN NGÔN CỦA MỸ DÀNH CHO CHÂU Á...
VƯƠNG LẬP QUÂN - Là ai ?
Giai thoại và ý nghĩa bản nhạc...
Số phận một bức tượng
MÙA XUẠN CỦA NGUYỄN BÍNH
RFA : ĐIỂM CÁC BLOG CỦA NGƯỜI VIỆT
TỪ BLOG CỦA HUY ĐÚC
Chiến tranh không gian ảo
HNV HÀ NỘI Trao giải thưởng VH năm 2013
BẢN TUYÊN NGÔN CỦA MỸ DÀNH CHO CHÂU Á...
VƯƠNG LẬP QUÂN - Là ai ?
Giai thoại và ý nghĩa bản nhạc...
Số phận một bức tượng
MÙA XUẠN CỦA NGUYỄN BÍNH
RFA : ĐIỂM CÁC BLOG CỦA NGƯỜI VIỆT
TỪ BLOG CỦA HUY ĐÚC
Chiến tranh không gian ảo
HNV HÀ NỘI Trao giải thưởng VH năm 2013
-----------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét