Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Ai thù, Ai bạn ?






Ai thù, Ai bạn ?








Ai thù, ai bạn?

Ðoàn Xuân Lộc
09.05.2014
Những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong những ngày qua cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng làm tất cả để độc chiếm Biển Đông.
Các hành động ấy cũng là một ví dụ điển hình chứng mình rằng Trung Quốc không phải là một “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đối với Việt Nam. Những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong những ngày qua cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng làm tất cả để độc chiếm Biển Đông.
Mặt thật ‘bốn tốt’
Từ lâu Trung Quốc đã có ý đồ lấn chiếm Biển Đông và trong những năm qua bằng nhiều hình thức khác nhau – như đưa ra đường lưỡi bò hay chế tạo giàn khoan HD 981 – Bắc Kinh đã dần dần biểu lộ cũng như chuẩn bị cho ý đồ đó.
Với việc đưa giàn khoan khổng lồ này cùng với rất nhiều tàu, máy bay tới một vị trí nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam trong những ngày qua, Trung Quốc đã công khai – nếu không muốn nói là ngang ngược, trắng trợn – thực hiện ý đồ bánh trướng ấy.
Nếu coi vị trí đó nằm trong vùng lãnh hải của mình, Bắc Kinh không cần phải huy động đến 80 tàu, máy bay các loại – trong đó có không ít tàu quân sự và tàu hải cảnh – như vậy.
Những việc làm đó của Trung Quốc không khác gì cách Nga thôn tính Crimea của Ukraine. Có thể nói cũng giống như Nga đã làm với Ukraine ở Crimea, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc xâm lược đối với Việt Nam ở Biển Đông.
Hơn nữa, những diễn biến mới đây cho thấy vì tham vọng bành trướng của mình, Trung Quốc dám dùng sức mạnh (kể cả vũ lực), bất chấp luật pháp quốc tế và đặc biệt sẵn sàng phớt lờ những cam kết, những lời đường ngọt về tình “bạn”, tình “đồng chí” mà Bắc Kinh đã hứa hẹn, luôn thề thốt với Việt Nam.
Nếu thực sự là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, Trung Quốc không bao giờ lấn chiếm lãnh hải của “láng giềng” mình, đưa giàn khoan, các loại tàu, máy bay vào trong vùng biển của “bạn” mình, hay cho tàu của mình đâm rách tàu của “đồng chí” mình, rồi la làng “đối tác” mình là kẻ gây hấn như vậy.
Nếu là người coi trọng “ổn định lâu dài”, biết “hướng tới tương lai”, giữ gìn “hữu nghị láng giềng” và đề cao “hợp tác toàn diện” – thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt của mình, dùng sức mạnh để chèn ép Việt Nam, gây bất ổn trong khu vực, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm một giải pháp ôn hòa, có lợi cho cả hai bên trong những tranh chấp ở Biển Đông.

Trong thời gian qua đã có không ít người chỉ trích, phản đối phương châm “bốn tốt” và “16 chữ vàng” này vì cho rằng đó là những lời lừa mị của Bắc Kinh.

Giờ quả đúng như vậy.
Những hành động của Trung Quốc trong mấy ngày qua chứng tỏ phương châm đó chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng, một chiêu bài mà Bắc Kinh dùng để ru ngủ hay thậm chí lừa phỉnh Việt Nam.
Trung Quốc không phải – và có thể mãi sẽ không bao giờ – là “bốn tốt” của Việt Nam, trừ phi quốc gia này từ bỏ tham vọng bành trướng và lấn chiếm lãnh hải của Việt Nam.




Hết tin ‘bốn tốt’?
Vì vậy, đây có thể cũng là dịp tốt để Việt Nam xem lại quan hệ của mình với Trung Quốc.
Chuyện Việt Nam chịu nhiều thua thiệt, liên lục bị chèn ép về nhiều mặt trong quan hệ với Trung Quốc nhiều người, nhiều bài viết đã nêu lên.
Và có thể giới lãnh đạo Việt Nam cũng biết, hiểu điều đó.
Nhưng có thể vì muốn giữ tình “hữu nghị” giữa hai nước, tình “đồng chí” giữa hai Đảng và đặc biệt có thể vì muốn tìm một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp, chính quyền Việt Nam đã chấp nhận nhường nhịn, chịu đựng, kiềm chế trong nhiều năm qua.
Tuy vậy, với thái độ hung hăng, ngang ngược và trắng trợn mới đây của Trung Quốc, xem ra giờ chính quyền Việt Nam đã nhận ra rằng – như ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát, biển nói trong cuộc họp hôm 07/05 tại Hà Nội – “mọi sự chịu đựng đều có giới hạn” và cần có biện pháp tương ứng để bảo vệ chủ quyền của mình.
Đó cũng là tâm trạng chung của dư luận và báo chí chính thống ở Việt Nam nói riêng trong mấy ngày qua.
Trong một bài viết đăng sáng 08/05, tờ Nhân Dân viết: “Giới chức Việt Nam khẳng định: Mặc dù ưu tiên sử dụng các biện pháp hòa bình và ngoại giao để giải quyết tình hình, song Việt Nam xác định, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.”
Vì vậy, tờ báo của Đảng nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng tiến hành mọi biện pháp cần thiết đấu tranh kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, nhằm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế.”
Đây là một thái độ rất ôn hòa nhưng cũng rất cương quyết.
Có thể nói đến giờ chính quyền Việt Nam đã có các biện pháp nhanh nhạy, rất khôn ngoan, thích hợp trong việc đối phó với các hành động hung hăng, khiêu khích, ngang ngược của Trung Quốc trong những ngày qua.
Trong đó có việc Phó thủ tướng Phạm Bình Minh điện đàm với phía Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và kiên quyết phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào trong vùng biển Việt Nam, cho tàu ra để kiểm tra, ngăn chặn giàn khoan HD 981 và tổ chức họp báo quốc tế để công khai thông tin về vụ việc và qua đó tỏ rõ lập trường của mình.
Chỉ hy vọng rằng đây không phải chỉ là những phản ứng nhất thời mà là một sự thay đổi về nhận thức, lập trường, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Nếu không để Trung Quốc dễ dàng chi phối, áp đặt chắc chắn Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn trong việc tìm chọn cho mình một đường lối thích hợp. Nhờ vậy Việt Nam cũng tránh được cảnh bị Trung Quốc chèn ép, bắt nạt và có thể tự lập, tự cường.
Phát biểu hôm 08/05, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho rằng những diễn biến từ mấy ngày qua chỉ là “một sự cố” chứ không phải là một “cuộc đụng độ” giữa hai nước và nói rằng Bắc Kinh và Hà Nội có thể giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình.
Nhưng cùng lúc, ông khẳng định: "Nơi xảy ra vụ việc vẫn luôn thuộc về vùng lãnh thổ của Trung Quốc."
Nói cách khác, dù có dịu giọng và tỏ vẻ hiếu hòa, Trung Quốc vẫn cứ đinh ninh rằng vị trí đó thuộc chủ quyền của họ. Thậm chí ông ta phủ nhận chuyện Trung Quốc gây hấn và đổ lỗi cho các lực lượng vũ trang của Việt Nam.

Nhưng dù Bắc Kinh có dịu giọng hay tỏ thái độ hiếu hòa đi nữa, Việt Nam cũng không nên tin vào những lời nói của các quan chức Trung Quốc, vì thái độ “hiếu hòa” ấy có thể chỉ là một mưu kế.
Ai cũng biết “tiến ba, lùi hai” hay thậm chí chỉ “lùi một” là một thủ thuật mà Bắc Kinh thường dùng trong kế sách lấn chiếm lãnh hải tại các vùng biển trong khu vực.

Hơn nữa, càng không thể tin khi Trung Quốc luôn nói một đàng và làm một nẻo. Xem ra giờ nhiều người Việt giờ cũng nhận ra và hiểu rõ điều này.
Trong các phản hồi về bài “‘Trung Quốc dịu giọng, kêu gọi đàm phán” trên Vnexpress chiều 08/05, có một độc giả viết “Không nghe những gì Trung Quốc nói mà hãy nhìn những hàng động thực tế của họ để giải quyết vấn đề” và một người khác viết: “Đừng tin những gì Trung Quốc nói. Hãy xem những gì Trung Quốc làm”.
Phản hồi trước đã có đến 7461 người thích sau 5 giờ và phản hồi sau có 4090 người thích sau 4 giờ.
Nhận ra ai tốt?
Cũng nên nhắc lại, khi cuộc khủng hoảng ở Crimea/Ukraine xẩy ra, một vài tờ báo Việt Nam đã ủng hộ Nga và chỉ trích Mỹ.
Nhưng đến giờ, Nga vẫn không lên tiếng gì về chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Hơn nữa, trong khi Trung Quốc và Việt Nam đang căng thẳng về vụ việc này, truyền thông Nga cho hay hải quân Nga và Trung Quốc sẽ có diễn tập quy mô lớn tại Biển Hoa Đông vào giữa tháng này.
Quốc gia công khai lên tiếng chỉ trích hành động “đơn phương” và “khiêu khích” của Trung Quốc lúc này không ai khác là Mỹ.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng đã lên tiếng cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam là “bất hợp pháp” và “yêu cầu Trung Quốc không có hành động đơn phương khiến tình hình leo thang và kiềm chế theo đúng luật pháp quốc tế.”
Một cách gián tiếp Nhật Bản và đặc biệt Mỹ đã đứng về phía Việt Nam dù Việt Nam không phải là một đối tác chiến lược, càng không phải là một đồng minh của Mỹ.
Đây là một điều tốt và may cho Việt Nam vì Việt Nam không thấy cô thế trong việc đối phó với những hành động gây hấn, hung hăng, ngạc ngược từ Trung Quốc.
Hơn nữa, ngoài Mỹ và một vài nước tương đối mạnh về kinh tế như Nhật, không quốc gia nào có thể kiềm chế được Trung Quốc hay sẵn sàng đứng về phía Việt Nam để công khai chỉ trích Bắc Kinh khi Trung Quốc có những hành động gây hấn đối với Việt Nam.
Đúng vậy, đến giờ chỉ có hai quốc gia này lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về chuyện họ đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vì vậy, hy vọng rằng qua những gì diễn ra trong mấy ngày qua, Việt Nam nhận ra được thực sự ai là “bạn”, ai chỉ là “bè” và ai là “thù” của mình để qua đó có thể tìm cho mình một hướng đi, một đối sách thích hợp, khôn ngoan tại một thời điểm, trong một khu vực và một thế giới có nhiều biến động, bất ổn khó lường.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
---------------------------------------




Ðoàn Xuân Lộc
Tiến sĩ về quan hệ quốc tế, hiện là chuyên viên nghiên cứu tại Global Policy Institute, London, Anh quốc.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét