Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam








Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam
Sài Gòn ngày 4 tháng 7 năm 2014

Tuyên bố thành lập Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”? Làm thế nào để báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản biện và xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu hoặc run sợ trước hiểm họa ngoại xâm đang quá cận kề?

Đã đến lúc báo chí và các nhà báo Việt Nam cần có tư cách độc lập để trả lời những câu hỏi trên. Tuân theo kinh nghiệm của mọi xã hội dân sự tiến bộ nhất trên thế giới, một trong những giải pháp cần phải có là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

1* Quan điểm thành lập:

- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (tiếng Anh: Independent Journalists Association of Vietnam – IJAVN) là tổ chức xã hội dân sự nằm trong xã hội dân sự Việt Nam, vì một Việt Nam tiến bộ xã hội, dân chủ và đa nguyên, văn minh và giàu mạnh.

- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hoạt động trên cơ sở:

+ Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên có nghĩa vụ tuân thủ.

+ Các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội được minh định trong Hiến pháp Việt Nam.

- Thông qua hoạt động báo chí, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc ôn hòa, bất bạo động; tôn trọng đa nguyên chính trị; phi lợi nhuận; hướng đến mục tiêu cổ súy cho tự do của người dân và dân chủ cho toàn xã hội, đóng góp ý kiến phản biện dưới dạng các tác phẩm báo chí và diễn đàn ngôn luận cho xã hội và đất nước.

- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sinh hoạt trí tuệ và lành mạnh cho các hội viên và những người yêu thích nghề báo, đặc biệt là những người trẻ, nhằm thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí.

- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam gồm những người có quá trình hoạt động báo chí không phân biệt quan điểm chính trị, tôn giáo, giới tính, độ tuổi; không phân biệt người trong nước và ngoài nước; tự nguyện dấn thân vì tự do báo chí, vì một nền dân chủ thật sự, vì tiến bộ xã hội và hạnh phúc người dân.

- Hội Nhà báo độc lập Việt Nam độc lập về quan điểm, nhân sự, tài chính…

2* Mục đích thành lập:

- Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước.

- Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí.

- Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước.

- Hỗ trợ về tinh thần và vật chất, hoạt động tương thân tương ái giữa các hội viên.

- Lên tiếng và có hành động cần thiết để bảo vệ những người làm báo vì tiến bộ xã hội, nhưng bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày, khủng bố… Đấu tranh yêu cầu Nhà nước Việt Nam hủy bỏ những điều luật mơ hồ của Bộ luật hình sự được dùng để áp chế tự do báo chí như Điều 258, 88…

- Thu hút và đào tạo cây viết trẻ nhằm đóng góp cho nền báo chí chuyên nghiệp Việt Nam trong tương lai.

- Thu hút và tạo môi trường sinh hoạt cho các nhà báo và cộng tác viên báo chí, không phân biệt báo nhà nước hay truyền thông xã hội.

3* Những nội dung hoạt động chính:

- Sinh hoạt định kỳ và đột xuất về thông tin thời sự. Trao đổi về phương hướng và chủ đề viết.

- Tổ chức tọa đàm, hội thảo về một số chủ đề quan trọng của xã hội và đất nước.

- Xây dựng lực lượng làm báo trẻ để tạo lớp kế thừa cho lớp nhà báo lớn tuổi.

- Lên tiếng kịp thời về những trường hợp người dân và nhà báo bị xâm hại.

- Chuyển tải những vấn đề nóng bỏng và cấp thiết của đất nước, xã hội ra hệ thống truyền thông quốc tế.

- Liên kết và hợp tác với những tổ chức chính phủ và phi chính phủ quốc tế về báo chí.

- Vận hành một trang báo mạng dành cho các nhà báo và cộng tác viên.

4* Cơ cấu tổ chức:

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có Ban lãnh đạo gồm chủ tịch và một số phó chủ tịch, ủy viên. Ban lãnh đạo được phân công điều hành theo các công việc và theo khu vực.

Ban lãnh đạo:

- Chủ tịch: Nhà báo Phạm Chí Dũng.

Phụ trách chung các hoạt động của Hội. Email: phamchidungsg@gmail.com

- Phó chủ tịch thường trực: Nhà báo, linh mục Anton Lê Ngọc Thanh.

Phụ trách khu vực miền Nam và trang báo của Hội. Email: naygum@gmail.com

- Phó chủ tịch: Nhà báo Nguyễn Tường Thụy.

Phụ trách khu vực miền Bắc. Email: tuongthuy52@gmail.com

- Phó chủ tịch: Nhà báo Bùi Minh Quốc.

Phụ trách khu vực miền Trung. Email: bmquoc40@gmail.com

- Ủy viên: Nhà báo Ngô Nhật Đăng.

Trị sự hai trang báo: Việt Nam Thời Báo và Vietnam Times Email: dangngonhat@gmail.com hoặc vietnamtimes00@gmail.com

Cơ cấu ban:

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có một số ban chuyên môn và trang báo là cơ quan ngôn luận của Hội.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mời gọi những người làm báo có tâm nguyện với dân tộc tham gia vào Hội, chung sức làm mọi việc có ích cho quê hương.

Mọi liên hệ, ghi tên tham gia và ủng hộ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam xin gửi về các địa chỉ email: hoinhabaodoclapvietnam@gmail.com

Ban lãnh đạo Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

- Phạm Chí Dũng

- Anton Lê Ngọc Thanh

- Nguyễn Tường Thụy

- Bùi Minh Quốc

- Ngô Nhật Đăng.



Điều lệ hoạt động của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

1* Quan điểm:

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam (tiếng Anh: The Independent Journalists Association of Vietnam – IJAVN) là tổ chức xã hội dân sự nằm trong xã hội dân sự Việt Nam, vì một Việt Nam tiến bộ xã hội, dân chủ và đa nguyên, văn minh và giàu mạnh.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sinh hoạt trí tuệ và lành mạnh cho các hội viên, đặc biệt là những người viết trẻ, nhằm thể hiện quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí.

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam không phân biệt quan điểm chính trị, tôn giáo, giới tính, độ tuổi; không phân biệt người trong nước và ngoài nước; tự nguyện dấn thân vì tự do báo chí, vì một nền dân chủ thật sự, vì hạnh phúc của nhân dân.

2* Những nội dung hoạt động chính:

- Sinh hoạt định kỳ và đột xuất về thông tin thời sự. Trao đổi về phương hướng và chủ đề viết.

- Tổ chức tọa đàm, hội thảo về một số chủ đề quan trọng của xã hội và đất nước.

- Xây dựng lực lượng viết báo trẻ để tạo lớp kế thừa cho lớp nhà báo lớn tuổi.

- Lên tiếng kịp thời về những trường hợp người dân và nhà báo bị xâm hại.

- Chuyển tải những vấn đề nóng bỏng và cấp thiết của đất nước, xã hội ra hệ thống truyền thông quốc tế.

- Liên kết và hợp tác với những tổ chức phi chính phủ quốc tế về báo chí.

- Vận hành một trang báo mạng dành cho các nhà báo và cộng tác viên độc lập.

3* Nguyên tắc sinh hoạt:

Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được tổ chức dựa trên hiệu quả và tinh thần đồng đội, phát huy tối đa trách nhiệm của từng cá nhân để Hội thực sự đóng góp có hiệu quả cho xã hội mà không bị lệ thuộc vào tính hình thức.

Hội được tổ chức theo tinh thần dân chủ:

- Thông tin đầy đủ; thảo luận và biểu quyết tự do; ủy nhiệm công tác; kiểm soát và báo cáo công việc.

- Quyết định bằng đồng thuận hoặc qua biểu quyết của đa số.

Hội được tổ chức trong tinh thần tự nguyện chấp hành kỷ luật:

- Tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do của mỗi thành viên.

- Tôn trọng quyết định của tập thể.

- Tôn trọng những thành viên được ủy nhiệm công tác.

- Thực hiện và báo cáo những công việc được giao.

Các quyết định được biểu quyết theo đa số thành viên hợp lệ.

4* Hội viên:

Hội viên phải là người có ít nhất 5 tác phẩm báo chí đã công bố phù hợp với tiêu chí của Hội.

Hội viên được bảo đảm quyền tự do phát biểu đối với mọi vấn đề của Hội.

Hội viên có thể tự quyết định ra khỏi Hội.

Hội viên có thể bị khai trừ vì vi phạm kỷ luật hay có hành động ngược lại tiêu chí của Hội.

5* Cơ cấu tổ chức:

Cơ quan điều hành cao nhất của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là Ban lãnh đạo, gồm chủ tịch và một số phó chủ tịch, ủy viên.

Ban lãnh đạo được phân công điều hành theo các công việc và theo khu vực.

Ban lãnh đạo thay mặt toàn thể thành viên ban hành quyết định và đôn đốc, giám sát việc thi hành.

Ban lãnh đạo biểu quyết mỗi khi thấy cần những qui định về cách thức sinh hoạt.

Nhiệm kỳ đầu của Ban lãnh đạo là 2 năm. Hết nhiệm kỳ đầu, các hội viên sẽ cùng quyết định cụ thể về các nhiệm kỳ kế tiếp.

Nhân sự và nhiệm vụ Ban lãnh đạo Hội và các ban chuyên môn, trang báo có thể được bố trí, điều chỉnh tùy yêu cầu tình hình và do Chủ tịch Hội quyết định.

Trong trường hợp vì lý do biến cố hoặc bất khả kháng mà Chủ tịch Hội không thể điều hành, Phó chủ tịch thường trực Hội sẽ đảm nhiệm công tác điều hành Hội. Nếu Phó chủ tịch thường trực Hội cũng không thể điều hành bởi lý do biến cố hoặc bất khả kháng, một Phó chủ tịch Hội sẽ được ủy nhiệm để điều hành công tác của Hội.

6* Các chi hội:

Trong giai đoạn đầu hoạt động, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có 4 chi hội:

- Miền Bắc

- Miền Trung

- Miền Nam

- Hải Ngoại

Văn phòng của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam được đặt tại Sài Gòn.

7* Ban chuyên môn:

Trong giai đoạn đầu hoạt động, Hội có các ban chuyên môn:

- Văn phòng Hội

Người phụ trách: Chủ tịch, Phó chủ tịch thường trực, Chuyên viên

- Ban Sự kiện và Đào tạo

Người phụ trách: Một Phó chủ tịch và Chuyên viên

- Ban Quan hệ quốc tế

Người phụ trách: Một Phó chủ tịch hoặc Một Ủy viên và Chuyên viên

- Trang báo

Người phụ trách: Do chủ tịch bổ nhiệm sau khi tham khảo với toàn Ban lãnh đạo

Các ban chuyên môn có thể đón nhận sự hợp tác của mọi thành viên và thân hữu.

Nhân sự và nhiệm vụ các ban chuyên môn, trang báo có thể được bố trí, điều chỉnh tùy yêu cầu tình hình và do Chủ tịch Hội quyết định.

8* Tài chính:

Hội viên tự nguyện đóng góp.

Hội tiếp nhận đóng góp tài chính của các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước để sử dụng cho mục tiêu chung và các chương trình xã hội.



Danh sách hội viên ban đầu của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

(xếp theo a – b – c…)

1.Tường An (Pháp)

2.Vũ Thị Phương Anh (Sài Gòn)

3. Nguyễn Đình Ấm (Hà Nội)

4.Nguyễn Vũ Bình (Hà Nội)

5.Huỳnh Ngọc Chênh(Sài Gòn)

6.Tiêu Dao Bảo Cự (Đà Lạt)

7.Phạm Chí Dũng (Sài Gòn)

8.Ngô Nhật Đăng (Sài Gòn)

9. Nguyễn Hoàng Đức (Hà Nội)

10.Trương Minh Đức (Bình Dương)

11.Nguyễn Thanh Giang (Hà Nội)

12. Chu Vĩnh Hải (Sài Gòn)

13. Phạm Bá Hải (Sài Gòn)

14. Phan Thanh Hải (Sài Gòn)

15. Lê Hải (Đà Nẵng)

16. Vũ Sỹ Hoàng (Sài Gòn)

17. Huỳnh Trọng Hiếu (Quảng Nam)

18. Vi Đức Hồi (Lạng Sơn)

19. Lê Phú Khải (Sài Gòn)

20. Mai Thái Lĩnh (Đà Lạt)

21. Hạ Đình Nguyên (Sài Gòn)

22. Kha Lương Ngãi (Sài Gòn)

23. Hồ Ngọc Nhuận (Sài Gòn)

24. Vũ Quốc Ngữ (Hà Nội)

25. Hà Sĩ Phu (Đà Lạt)

26. Đỗ Trung Quân (Sài Gòn)

27. Bùi Minh Quốc (Đà Lạt)

28. Nguyễn Quốc Thái (Sài Gòn)

29. Lê Ngọc Thanh (Sài Gòn)

30. Phạm Đình Trọng (Sài Gòn)

31. Phạm Thành (Hà Nội)

32. Trần Quang Thành (Séc)

33. Nguyễn Văn Thạnh (Đà Nẵng)

34. Châu Văn Thi(Sài Gòn)

35. Huỳnh Công Thuận (Sài Gòn)

36. Nguyễn Tường Thụy (Hà Nội)

37. Nguyễn Trung Tôn (Thanh Hóa)

38. Nguyễn Khắc Toàn (Hà Nội)

39. Nguyễn Thị Huyền Trang (Sài Gòn)

40. JB. Nguyễn Hữu Vinh (Hà Nội)

41. Huỳnh Thục Vy (Đắc Lắc)

42. Dương Thị Xuân (Hà Nội)














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét