Chiến tranh Việt - Trung, có hay không?
Hiện tại, nhắc đến đề tài chiến
tranh là điều hoàn toàn không nên, bởi tai ương này đã đến quá gần và có thể nổ
ra bất kì giờ phút nào trên dải đất hình chữ S này. Nhưng nếu không nhắc đến nó
cũng không được, vì đó là một thực tế mà mỗi người cần phải chuẩn bị và chọn
cho mình một tâm thế cũng như một sự chuẩn bị khả thể nhất cho mạng sống và
tính mạng cộng đồng, quốc dân.
Khi tôi viết những dòng này, không
phải dựa trên dữ liệu những bức ảnh về quân đội và vũ khí của Trung Quốc đang
dịch chuyển dần về biên giới Đồng Đăng, cũng không dựa trên chuyện giàn khoan
HD 981, vì những chuyện đó đã là bài ngửa, không cần đoán hay phân tích nữa.
Vấn đề tôi muốn nói đến ở đây là phe trục và bí mật khí tài.
Cũng xin nhắc lại một vấn đề trong
chiến tranh mà đúng hơn đó là một bài học xương máu; Trung Quốc có địa hình
hiểm trở không kém gì Việt Nam, điều này nói lên rằng trong chiến lược và địa
hình, quân đội Trung Quốc không phải là loại quân không biết đánh du kích hoặc
lơ ngơ với chiến trận núi non, rừng già. Bộ đội Việt Nam sẽ rất khó khăn để đối
phó với lực lượng chuyên đánh trận theo địa hình này của Trung Cộng, bằng chứng
là năm 1979, họ đã tiến sang các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và chốt ở đó
khá lâu.
Về chiến trận trên biển, yếu tố
chiến thuật và kĩ thuật khí tài lại đặt lên hàng đầu, khác xa với chiến trận
rừng núi. Trận Gạc Ma 1988 và giàn khoan HD 981 đang diễn ra ít nhiều cũng
chứng minh được vấn đề kĩ thuật khí tài vô cùng quan trọng. Nó quyết định thành
hay bại, sinh hay tử, giữ được nước hay mất nước.
Ở trận Gạc Ma 1988, kẻ cướp đã mang
súng vào tận nhà, dí súng vào đầu, không thể bảo chúng ta giữ hòa hiếu, tôn
trọng luật pháp quốc tế nên không nổ súng nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền quốc
gia, lãnh thổ, lập luận như vậy là láo toét. Chúng ta đã mất 64 chiến sĩ, mất
64 cơ số vũ khí và mất đứt bãi đá ngầm Gạc Ma mà hậu quả của nó thì đến bây
giờ, nó trở thành một điểm mới để phóng hải đồ và là quân cảng của Trung Cộng
trong một ngày gần đây. Rõ ràng trận Gạc Ma 1988 Việt Nam đã thua đau đớn và
uổng phí một sự hy sinh xương máu của 64 người con nước Việt bởi không có tầm
nhìn quân sự, chiến lược và không lượng được sức, hay nói khác là không đủ khí
tài và chiến thuật, thua!
Hiện tại, vụ giàn khoan HD 981, chưa
bàn gì về chuyện luật pháp quốc tế hoặc chiến lược quốc gia. Vì muốn bàn về một
tòa án quốc tế, phiên tòa quốc tế, cần phải nhớ là ít nhất Việt Nam cũng không
ở thế lép vế về mặt quân sự. Chính yếu tố này sẽ thúc đẩy sự công tâm ở phiên
tòa quốc tế. Bởi vì xét cho cùng, nếu tương quan lực lượng của Việt Nam và
Trung Quốc là 50/50, thế giới, giới quan sát mới lo sợ một cuộc chiến tranh khu
vực nổ ra. Ngược lại, nếu tương quan lực lượng quá so le, chuyện một phiên tòa
hình thức (thậm chí) để hợp thức hóa tài sản của kẻ cướp và an ủi kẻ thua trận
là chuyện rất có thể. Vì nếu xử ra, công bố Trung Quốc sai, nhưng Trung Quốc
vẫn khư khư dùng quân sự và thậm chí lăm le chuyển quân sang Việt Nam, nguy cơ
chiến tranh khu vực xảy ra thì xử làm gì nữa!
Và tất cả mọi biểu hiện cũng như khả
năng phản ứng của Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại chỉ cho thấy nhà cầm quyền
Việt Nam đang đứng ở vế dưới, đang ngày càng lún sâu vào thế đuối, hết đường
gỡ. So về tương quan lực lượng (dù không đánh), lẽ ra nước bị cướp phải đưa ra
lực lượng hùng hậu để thị uy và tạo thế áp đảo trong thương thảo, đối thoại.
Đằng này, Việt Nam không những không thị uy được mà còn tỏ rõ sự yếu nhược của
mình trước kẻ xâm lăng. Tôi tin là nếu Philipines hay bất kì nước nào có quyền
lợi trên biển Đông nếu bị Trung Quốc xâm lăng, họ sẽ không yếu đuối và chịu
nhục như Việt Nam, ít nhất họ cũng cho thấy được sức mạnh của họ. Vì sao lại có
chuyện như thế?
Vì Việt Nam có 3 yếu tố chi phối mà
chắc chắn là ba yếu tố này tồn tại thì Trung Quốc sẽ dễ dàng lấy từng phần lãnh
thổ, lãnh hải Việt Nam: Phụ thuộc và nợ nần Trung Quốc; Tham nhũng tàn bạo;
Giới cầm quyền quá yếu kém và vẫn chưa thoát khỏi tình trạng dốt nát từ trung
ương xuống địa phương.
Vấn đề phục thuộc và nợ nần Trung
Quốc sẽ khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam lo sợ một cuộc “bạch hóa” từ phía
Trung Quốc và luôn cúi luồn Trung Quốc cho qua chuyện. Vấn đề tham nhũng đã đưa
đất nước đến chỗ nghèo nàn, tiền mua khí tài và đầu tư nuôi quân, chuyên nghiệp
hóa quân đội bị nuốt chừng vào túi quan tham, hệ quả là như đang thấy, khí tài
Việt Nam quá lạc hậu so với Trung Quốc. Đừng nói chi đến hai chiếc tàu ngầm
hạng kilo vừa mua của Nga, cả hai chục chiếc như thế cũng chưa chắc địch nổi
với cả một binh chủng tàu ngầm khủng của Trung Quốc! Và tình trạng dốt từ Trung
ương xuống địa phương đã không cho ra được những giải pháp khả dĩ để đánh kẻ
xâm lược mà vô hình trung, sự cộng hưởng cái dốt đã đẩy bộ máy trung ương tập
quyền vào cảm giác hoang mang, sợ hãi và tư thủ, chưa thấy giặc đã lo ôm tài
sản cất giấu và bỏ chạy.
Vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
trả lời phỏng vấn khá hay, khá quyết liệt, trong đó có một ý nói lên tất cả:
“Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia
khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Chúng tôi đã công
khai điều này rất nhiều lần với thế giới!”.
Thử hỏi: Vũ khí của Việt Nam có bao
nhiêu phần trăm mua của Nga? Chắc chắc là không dưới 80%. Trong khi đó, Nga
chọn đứng về phía Trung Quốc, như vậy, bí mật khí tài của Việt Nam còn ra trò
trống gì nữa đối với Trung Quốc? Và một khi Việt Nam không tham gia liên minh
quân sự, cũng đồng nghĩa với không bao giờ có chuyện mời Mỹ hay Nhật hay bất kì
nước nào cố vấn hoặc hỗ trợ quân sự, như vậy, với vũ khí hiện tại, đánh được
mấy ngày với Trung Quốc?
Và một khi kĩ thuật khí tài quá thua
kém, liên minh quân sự không có, nếu đánh nhau, chỉ dựa hoàn toàn vào yếu tố
con người, liệu sự gan dạ, dũng cảm và quyết tâm hy sinh cho tổ quốc của các
chiến sĩ Việt Nam có ý nghĩa gì trước các khối sắt, thép biết nói chuyện của kẻ
thù? Và có bao nhiêu nhân mạng con em Việt Nam mang ra để nướng trên chiến cuộc
này?
Đến đây, chắc có lờ mờ cũng nhìn
thấy được bức thông điệp của ông thủ tướng Dũng là gì rồi! Đừng vội mừng! Mà
cần suy nghĩ nhiều hơn về cuộc cờ đầy tiền, máu và nước mắt đang sắp đến hồi
cao trào này! Và đến đây, xin trả lời câu hỏi bên trên: chắc chắn có chiến
tranh Việt – Trung. Và thắng thua cũng đã xếp đặt cả rồi, kẻ thắng làm gì,
người thua về đâu, nghe ra cũng đã có bài bản cả rồi!
Viết từ Sài Gòn, 22/05/2014
--------------------------------------------
Nếu chiến tranh Việt-Trung xảy ra…
Nếu chiến tranh Việt-Trung lại xảy ra một lần
nữa trong tình hình như hiện nay, VN sẽ thua hay thắng?
Có thể cho đến giờ phút này nhiều người VN, vì
yêu nước, vì lòng tự hào dân tộc, hay thậm chí vì vẫn còn niềm tin mơ hồ vào
“đảng ta, chính phủ ta” đã từng đánh thắng hai đế quốc to Pháp, Mỹ, sau đó lại
chiến đấu ngang ngửa, thậm chí còn trội hơn trong cuộc chiến biên giới với
Trung Cộng năm 1979, nên nghĩ rằng VN có thể sẽ thua lúc đầu nhưng sau đó sẽ
thắng, rồi nào Trung Hoa đã từng đô hộ ta cả ngàn năm nhưng ta cũng có bị xóa
sổ đâu, ta vẫn là ta v.v…
Người viết bài này thì nghĩ khác. Nếu chiến
tranh Việt-Trung lại xảy ra một lần nữa, VN chắc chắn sẽ thua và cái thua lần
này sẽ dẫn tới một hậu quả bi đát hơn rất nhiều, nếu nhìn vào hình ảnh của các
nước Tây Tạng, Tân Cương…hiện nay.
Lý do vì sao trước đây đảng cộng sản VN thắng
được Pháp, Mỹ, cho đến bây giờ có lẽ đã có quá nhiều bài viết chỉ ra sự thật
phía sau cái “hào quang chiến thắng” này, tưởng chỉ cần nói vắn tắt:
Thứ nhất,
bởi vì ít ra lúc đó cũng còn khá nhiều người VN tin rằng đảng cộng sản thực tâm
vì dân vì nước, bản thân nhiều người trong hàng ngũ đảng cộng sản lúc đó chân
thành tin vào đảng, vào lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản, vào tương lai tươi
sáng sau khi giành được độc lập, thống nhất đất nước.
Thứ hai, nói thẳng ra, chỉ trừ thịt da máu xương
là của người Việt còn lại từ phong lương khô, quân trang quân dụng của người
lính cho đến đạn dược, súng ống, vũ khí các loại, kể cả cố vấn…cũng là của các
đồng minh trong khối XHCN anh em, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc chi viện
cho, đúng với cụm từ “Chống “ngoại xâm” bằng “ngoại nhân” trong một bài viết
trên RFA trước đây.
Quan trọng nhất, lúc đó đảng cộng sản như những
kẻ lên đồng, không sợ Pháp sợ Mỹ. Có thể nói họ tàn ác, sắt máu khi sẵn sàng
thí quân trong các trận đánh theo kiểu “mười chọi một”, hoặc sẵn sàng đặt bom,
nổ mìn, pháo kích, ám sát các yếu nhân… tại các thành thị cho tới nông thôn
miền Nam mà không chùn tay, nhưng khó có thể nói họ hèn.
Còn bây giờ. Đối mặt với Trung Cộng, VN sẽ thua
cũng vì quá nhiều lý do rõ ràng không kém. Không chỉ thua về tiềm lực quân sự,
vũ khí, kỹ thuật, tiền của sẽ phải đổ vào cho cuộc chiến. Không chỉ thua vì
không có bạn bè đồng minh thực sự như trước đây đã có Liên Xô, Trung Quốc và cả
khối XHCN. Có thể Trung Cộng, mặc dù là một cường quốc nhưng cũng cô độc không
kém gì VN trên thế giới, nhưng Trung Cộng có thừa tiền để nếu không mua được
bạn bè đồng minh thì cũng khiến cho nhiều quốc gia cảm thấy ngần ngại không
muốn mất đi một đối tác thương mại lớn, một thị trường kinh tế khổng lồ…nếu xen
vào giữa cuộc tranh chấp, thậm chí chiến tranh nếu có, giữa hai nước
Việt-Trung.
Thua về mặt quân sự, thua luôn về truyền thông.
“Cái loa” tuyên truyền của Bắc Kinh từ trước đến nay luôn luôn to hơn, mạnh mồm
hơn “cái loa” của Hà Nội, về nghệ thuật vu cáo, nói ngược, đổi trắng thay đen…
thì Trung Cộng luôn luôn là thầy của Việt Cộng. Mọi mánh khóe của Hà Nội Bắc
Kinh đều hiểu rõ, vì cùng một giuộc như nhau.
Thua về mặt pháp lý. Tranh chấp về lãnh thổ lãnh
hải, trong lúc VN chần chờ, lưỡng lự chưa dám kiện Trung Quốc thì Trung Quốc đã
đi trước, kiện VN ra trước Liên Hiệp Quốc. Một động thái hoàn toàn trái ngược
so với việc theo đuổi đường lối chính sách khăng khăng chỉ giải quyết mọi
chuyện song phương từ trước đến nay của họ, mà ví dụ mới nhất là từ chối không
chịu tham gia vào vụ kiện do Philippines khởi xướng về quyền hàng hải.
Tại sao? Vì suốt trong mấy chục năm qua, khi
đảng cộng sản VN u mê mù quáng tin tưởng vào tình hữu nghị giữa hai đảng, hai
nhà nước, thì đảng cộng sản Trung Quốc đã âm thầm “gài bẫy” đảng cộng sản VN
bằng rất nhiều cách khác nhau. Và hậu quả là những bằng chứng bán nước từ công
hàm năm 1958 của ông Phạm Văn Đồng đến bản đồ, sách giáo khoa…của nước VNDCCH
thừa nhận Hoàng Sa-Trường Sa là của Trung Quốc mà Bắc Kinh vừa mới trưng ra. Đó
là chưa nói đến những bản thỏa thuận ký kết bí mật giữa hai đảng, hai nhà nước
cộng sản, đặc biệt là trong Hội nghị Thành Đô 1990…Nên khác với vụ kiện của
Philippines, Trung Cộng tự cho là họ có đủ tự tin để đi kiện VN.
Nhưng cái lý do chính yếu nhất, là từ sự khác
nhau của chính nhà cầm quyền VN khi đương đầu với Trung Cộng, so với khi còn
đánh nhau với Pháp, Mỹ. Bây giờ họ hèn. Cái hèn của họ nhân dân đều thấy, thế
giới cũng phải nhận thấy. Họ hèn, họ bạc nhược một cách lạ lùng.
Cái hèn ấy một phần do bị ràng buộc về ý thức
hệ, về mối quan hệ “anh em đồng chí 16 chữ vàng” mà Bắc Kinh thì đã vứt vào sọt
rác từ lâu, nhưng Hà Nội vẫn chưa dám và chưa thể thoát ra, do bị vướng mắc bởi
những món nợ từ sự viện trợ, giúp đỡ của Trung Cộng dành cho VN thời chiến
tranh, mặc dù tính ra thì Trung Quốc mới chính là kẻ phải mang ơn VN từ cuộc
chiến tranh đánh Mỹ. Nghĩa là đảng và nhà nước cộng sản VN chưa thể thoát “ta”
thì nói gì đến “thoát Trung”?
Từ mưu mô tham vọng cho tới tầm nhìn, chiến lược
của nhà cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã là của một nước lớn, tính toàn chuyện
đường dài, chơi canh bạc lớn và vì thế, họ đã âm thầm chuẩn bị mọi đường đi
nước bước từ hàng chục năm trước khi xuất chiêu. Trong khi đó, nhà cầm quyền VN
vẫn tư duy theo kiểu nước nhỏ, quen thói đu dây, dựa dẫm vào nước khác, lúc thì
Liên Xô lúc thì Trung Quốc, không nhìn thấy hoặc giả có nhìn thấy trước âm mưu
xâm lược của Tàu thì cũng không chuẩn bị nên khi chuyện xảy ra là lại lúng
túng, bị động. Từ cuộc chiến biên giới Việt-Trung từ năm 1979 cho tới câu
chuyện giàn khoan HD 981, vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế hay việc
chuẩn bị cho các bước tiếp theo như thế nào, khi Trung Cộng xây xong các căn cứ
quân sự khổng lồ tại Hoàng Sa-Trường Sa chặn bít lối ra biển của VN…tất cả đều
cho thấy sự lúng túng, bị động, tầm nhìn kém cỏi đó của nhà cầm quyền VN.
Cái hèn ấy một phần do các thế hệ lãnh đạo VN
kém tầm hơn các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, nhưng họ lại còn tự hù dọa mình
trước nguy cơ phải đương đầu với Trung Quốc và bằng mọi giá tìm cách né tránh
điều này. Nhưng họ có né tránh được không? Thực tế trong bao nhiêu năm qua và
trong những ngày gần đây đã là câu trả lời.
Cái hèn ấy do trong hàng ngũ đảng cộng sản VN có
qua nhiều những kẻ vì lợi ích của bản thân đã chọn con đường thân Tàu, thậm chí
như nhân dân đã vạch ra, là những Lê Chiêu Thống thế kỷ XXI, sẵn sàng bán nước
để giữ đảng, giữ chế độ và giữ ghế.
Cuối cùng, cái hèn ấy còn do suốt trong bao năm
qua, VN đã trở nên lệ thuộc Trung Quốc nặng nề về mọi mặt, nhất là kinh tế,
khiến mọi sự trả đũa của Bắc Kinh đều có thể khiến VN phải trả giá đắt v.v…
Nghĩa là lý do chủ quan là chính. Chưa kể, nguồn
sức mạnh lớn nhất mà đảng cộng sản VN từng sử dụng rất hiệu quả là lòng yêu
nước, chí quật cường của nhân dân trước mọi kẻ thù xâm lược thì bây giờ, chính
họ đã hủy diệt lòng yêu nước ấy bằng sự bịt miệng, đàn áp…bao nhiêu năm, cộng
thêm chính sách ngu dân, khinh dân, không muốn cho dân tham gia vào việc nước
“Mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo”. Nên bây giờ một bộ phận dân chúng có
thờ ơ, vô cảm, không hiều biết về tình hình thế sự hay nhút nhát sợ hãi không
dám bộc lộ lòng yêu nước thì đó là lỗi của nhà cầm quyền.
Chưa kể, lòng dân đa phần đã không còn tin tưởng
vào đảng cộng sản, chán ghét đảng cộng sản, chán ghét chế độ. Người VN muôn đời
vẫn nồng nàn lòng yêu nước nhưng liệu bây giờ chiến tranh xảy ra, nhân dân có
sẵn lòng hy sinh dưới ngọn cờ của đảng cộng sản một lần nữa?
Thế nên VN sẽ thua là vì vậy.
Cho đến thời điểm hiện tại, nói thẳng ra, VN
chẳng có gì nhiều để mà chơi lại trong ván bài Việt-Trung và biển Đông, VN chỉ
còn có một con đường, một sự lựa chọn duy nhất đúng, như nhiều người cũng đã
phân tích, đó là phải thoát Cộng và thoát “ta” trước khi thoát Trung. Ngoài lý
do để tập trung được tối đa sức mạnh đoàn kết của nhân dân, có thêm bạn bè đồng
minh thực sự từ các nước dân chủ thì ai cũng thấy rõ, chỉ khi nào chế độ này
không còn tồn tại nữa thì mọi ràng buộc, nợ nần ân oán cho đến mọi văn bản, ký
kết, thỏa thuận giữa hai đảng, hai nhà nước cộng sản mới trở nên vô giá trị, VN
mới có thể đường hoàng thắng Trung Cộng về mặt pháp lý, ngoại giao mà thôi.
*Nội dung bài viết không nhất thiết phản ánh
quan điểm của RFA.
Tin, bài liên quan
|
Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014
Blog: Nếu chiến tranh Việt-Trung xảy ra…
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét