Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Gustave Courbet táo bạo, khuynh đảo tư tưởng phải đạo




Gustave Courbet táo bạo, khuynh đảo tư tưởng phải đạo

Gustave Courbet táo bạo, khuynh đảo tư tưởng phải đạo

http://www.viet.rfi.fr/phap/20140623-dong-chauvet-cua-phap-duoc-xep-hang-%E2%80%98%E2%80%98di-san-the-gioi%E2%80%99%E2%80%99

GUSTAVE COURBET 2014 @ TUAN THAO
(12:18)



Tác phẩm L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian - 1866) của danh họa Gustave Courbet (khổ 46 x 55 cm) - DR
Tác phẩm L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian - 1866) của danh họa Gustave Courbet (khổ 46 x 55 cm) - DR
Tuấn Thảo
Trong lãnh vực hội họa Tây phương, bức tranh L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian) của Gustave Courbet có một chỗ đứng riêng biệt. Được vẽ vào năm 1866, bức họa chỉ được chính thức trưng bày trong viện bảo tàng vào năm 1995. Nội dung táo bạo có thể giải thích vì sao tác phẩm đã bị cất giấu trong hơn một thế kỷ, bởi vì bức tranh không vẽ gì khác ngoài bộ phận sinh dục của đàn bà.
Bức tranh L’Origine du Monde hiểu theo nghĩa Cội Nguồn Trần Thế hay Cội Nguồn Nhân Gian, nằm trong số 10 tác phẩm nổi tiếng nhất của viện bảo tàng Orsay, cũng như bức tranh Mona Lisa tiêu biểu cho viện bảo tàng Louvre. Thế nhưng, du khách nào tò mò muốn xem tận mắt tác phẩm này thì phải đợi đến sau tháng Chín năm 2014. Vì trong suốt mùa hè năm nay, tác phẩm L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian) được đưa về trưng bày trong vòng ba tháng, từ ngày 07/06 đến 01/09/2014, tại thị trấn Ornans, gần thành phố Besançon, miền Đông Nam nước Pháp, nguyên quán của danh họa Gustave Courbet (sinh năm 1819 – mất năm 1877). Bức tranh được trưng bày ở nhà riêng của danh họa, nay được biến thành viện bảo tàng.
Nổi tiếng là một trong những gương mặt tiêu biểu của trường phái hiện thực, danh họa Gustave Courbet đã vẽ bức tranh L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian) vào năm 47 tuổi (1866), theo đơn đặt hàng của nhà sưu tầm tranh lõa thể Khalil Bey. Tên thật là Halil Şerif Pasha, ông Khalil Bey là người gốc Ai Cập, từng làm đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Paris rồi Vienna. Giai thoại kể rằng ông Khalil Bey quen biết họa sĩ Gustave Courbet theo lời giới thiệu của nhà văn kiêm phê bình văn học Charles Augustin Sainte-Beuve. Ông Khalil Bey đặt hàng với họa sĩ Gustave Courbet nhiều bức vẽ táo bạo chứ không phải là một bức duy nhất.
Vào thời đó, đang có một cuộc tranh cãi rất lớn trong dư luận về bức tranh Kiều nữ Olympia của Édouard Manet vẽ vào năm 1863. Truyền thống vẽ tranh khỏa thân thật ra đã có từ thời kỳ Phục Hưng, cuối thế kỷ XV nhưng các họa sĩ thường hay luồn lách sự kiểm duyệt bằng cách ‘’ẩn nấp’’ đằng sau cái bình phong ‘’thẩm mỹ cổ điển’’. Vẽ khỏa thân để ca ngợi vẻ đẹp cơ thể người đàn bà thông qua các điển tích của truyện thần thoại Hy La (Hy Lạp và La Mã).
Bức họa Olympia của Édouard Manet, vẽ theo phong cách cổ điển một người đàn bà khoả thân, nhưng lại gây tranh luận vì nhân vật trong tranh đơn thuần là một cô gái điếm, chứ không phải là biểu tượng cao quý thanh thoát của thần Vệ Nữ. Qua việc vẽ một cô gái điếm dù là hạng sang, danh họa Édouard Manet (thuộc trường phái ấn tượng) đã cố tình xé rào, đi ngược lại với ‘’đạo đức thẩm mỹ’’, nêu đích danh điều mà rất nhiều người thời bấy giờ chuyên vòng vo nói lái.
Tác phẩm L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian) của Gustave Courbet ra đời trong cái bối cảnh đó, nhưng táo bạo hơn cả trăm lần, cả nội dung lẫn hình thức, so với bức họa Kiều nữ Olympia của Manet. Theo nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Fabrice Masanès, tác giả của tập sách biên khảo về Gustave Courbet, do nhà xuất bản Taschen phát hành vào năm 2006, trên thực tế, bức tranh đầu tiên mà Gustave Courbet đã vẽ theo đơn đặt hàng của ông Khalil Bey là tấm tranh đề tựa Les Dormeuses (Hai người đàn bà ngủ say).
Nhưng khi mua tác phẩm này, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chưa thật sự ưng ý cho lắm, nên mới đặt thêm một tác phẩm thứ nhì và thách đố họa sĩ Gustave Courbet vẽ một bức họa mà chưa ai "dám vẽ". Bản thân ông Khalil Bey cũng không ngờ rằng danh họa Courbet lại dám vẽ bộ phận sinh dục của người đàn bà theo góc nhìn trực diện và nhất là cận ảnh. Bức tranh khổ trung bình (46 cm trên 55 cm) khiêu khích vì cực kỳ sống động, táo bạo vì y hệt như thật. Tiêu điểm của bức tranh L’Origine du Monde là một khung tam giác đen huyền, để lộ một âm hộ hé mở.
Theo nhà nghiên cứu Michèle Haddad, người đã viết ba quyển tiểu luận về danh họa Gustave Courbet, đối chiếu hai quan điểm thiêng liêng và trần tục trong nghệ thuật hội họa thế kỷ XIX, nhà ngoại giao Khalil Bey đang lâm bệnh nặng khi đặt mua bức tranh Cội nguồn Nhân gian. Ông có mặt tại Paris để tìm cách điều trị bệnh giang mai, một chứng bệnh vô phương cứu chữa đối với ngành y học thời bấy giờ. Theo bà Michèle Haddad, tựa đề Cội nguồn Nhân gian L’Origine du Monde vì thế có cả hai ý nghĩa, đó là nguồn gốc của mầm sống, chốn sinh ra con người, nhưng theo quan niệm đạo đức tôn giáo của thời bấy giờ, đó cũng là nguồn gốc của cõi chết : hiểm họa tiềm tàng trong khoái lạc tình dục, bệnh tật rình rập trong thú vui xác thịt.
Dù gì đi nữa, bức tranh này trở thành một trong những tác phẩm hội họa thế kỷ XIX nổi tiếng nhất trên thế giới. Trong gần 130 năm, rất nhiều người được nghe nói tới nhưng ít bao giờ được nhìn thấy tận mắt. Chỉ có hai nhà văn Maxime Ducamp và Edmond de Goncourt (người đồng sáng lập giải văn học cùng tên) có mô tả bức tranh này trong bài viết của họ vào những năm 1880. Mãi đến một thế kỷ sau, người ta lần đầu tiên mới được thấy ảnh chụp bức vẽ này trong quyển sách nghiên cứu y khoa của bác sĩ người Pháp Gérard Zwang, phát hành vào năm 1967.
Thật ra, lúc sinh tiền nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Khalil Bey đã bán toàn bộ sưu tập tranh khỏa thân của ông để kiếm tiền chữa bệnh. Nhưng tác phẩm L’Origine du Monde không được đem ra bán công khai mà chỉ có một nhóm nhà sưu tầm, có đủ tiền mua tranh, mới được trông thấy. Sau nhiều lần đổi chủ (nhà sưu tầm Antoine de la Narde, phòng tranh Berheim Jeune, nam tước François de Hatvany … ), bức tranh L'Origine du Monde lọt vào tay nhà phân tâm học Jacques Lacan vào năm 1955.
Ông Jacques Lacan nhờ người anh rể là họa sĩ André Masson thuộc trường phái siêu thực, vẽ một bức tranh phong cảnh trừu tượng đề tựa Terre Érotique (Vùng đất gợi tình), làm một khung đôi để ghép chồng bức thứ hai lên trên bức họa nguyên tác. Khi muốn xem, thì chỉ cần xê dịch tấm tranh thứ nhì như một ngăn kéo là hé lộ bức vẽ L’Origine du Monde (Cội nguồn Nhân gian). Sau khi nhà phân tâm học Jacques Lacan qua đời, gia đình ông mới biếu tặng tấm tranh này cho viện bảo tàng Orsay. Từ năm 1995 trở đi, tức là hơn một thế kỷ sau ngày ra đời, tác phẩm này mới bắt đầu được phổ biến qua ảnh chụp hay qua các phiên bản sao chép.

Trong vòng 130 năm, bức họa L’Origine du Monde (Cội nguồn Nhân gian) đã bị che đậy cất giấu, nội dung táo bạo đến mức những người sở hữu tác phẩm tự kiểm duyệt, do muốn tránh gặp rắc rối với ngành tư pháp, nên không thể công khai phổ biến hay không muốn để cho mọi người cùng xem. Mãi đến cuối thế kỷ XX, khi tác phẩm được trưng bày ở viện bảo tàng, thì bức tranh lại gây tranh cãi.
Nhiều người đánh giá rằng bức vẽ này quá thô tục, sống sượng chẳng khác gì sách báo đồi trụy hay phim ảnh khiêu dâm. Có ý kiến cho là qua bức vẽ này, nhân cách hay phẩm giá của phụ nữ bị hạ thấp, phơi bày cơ thể của người đàn bà như một đồ chơi tình dục, một món hàng rao bán cho đấng mày râu rửa mắt thỏa mãn. Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến phản bác lại khi cho rằng Gustave Courbet đã thực hiện một cú đột phá “ngoạn mục” khi xoá mờ ranh giới giữa sáng tác nghệ thuật và ý tưởng khiêu dâm.
Nhiều người tưởng lầm rằng tác phẩm đầu tiên thể hiện người đàn bà khỏa thân là bức tranh Ngày ra đời của Thần Vệ Nữ do Sandro Boticelli vẽ vào năm 1485. Trong lãnh vực này, bức khỏa thân đầu tiên là một bức tượng Thần Vệ nữ (Aphrodite de Cnide) của nhà điêu khắc Hy Lạp Praxitèle, thế kỷ IV trước Công nguyên. Trước Boticelli, danh họa Hà Lan Jan Van Eyck vào năm 1432 từng vẽ cảnh Adam và Eva trần như nhộng (Adam and Eve) trong bức họa L'Agneau Mystique. Thời kỳ Phục Hưng, tranh vẽ khỏa thân đã có nhiều bậc thầy như danh họa người Ý Titien trong bức họa Venere di Urbino (Venus d’Urbin) vẽ vào năm 1538, gần hai thế kỷ sau danh họa Tây Ban Nha Goya vẽ bức Giai nhân khỏa thân (Maja Desnuda 1790)
Về phần mình, danh họa Gustave Courbet trước khi vẽ bức Cội nguồn Nhân gian, đã sáng tác nhiều bức tranh khỏa thân khác như Vénus et Psyché, La Femme au Perroquet, hay là Les Dormeuses ... Nhưng theo lời bà Isolde Pludermacher, quản đốc kho lưu trữ viện bảo tàng Orsay, không phải ngẫu nhiên mà bức vẽ L’Origine du Monde (Cội nguồn nhân gian) trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của Gustave Courbet.
Bức họa này tiêu biểu ở hai điểm : thứ nhất là nó phá vỡ hoàn toàn mọi khuôn thước về loại tranh lõa thể, thứ hai là trong cách chọn góc nhìn cận ảnh, Courbet đã không dùng "uyển họa" để làm nhẹ đi bút pháp, cũng như không giảm bớt tác động của bức tranh đối với người nhìn. Về mặt bố cục của bức tranh L’Origine du Monde, Gustave Courbet đóng khung nhân vật trong bức vẽ từ ngang ngực tới ngang đùi, đặt khối tam giác mầu đen huyền làm điểm nhấn của bức họa. Dù có đứng ở vị trí nào, ánh mắt của người xem tranh vẫn bị thu hút bởi cái tiêu điểm ấy.
Thủ pháp cận ảnh này tạo sự đột phá vì khá mới lạ trong hội họa và chỉ phổ biến sau này qua nghệ thuật nhiếp ảnh và điện ảnh. Bức tranh L’Origine du Monde có tác dụng như một hòn đá nam châm, một là nó thu hút người xem, không thể nào mà không dán mắt vào bức vẽ, hai là nó đẩy lùi ngay tức khắc những người nào tình cờ bắt gặp bức họa. Có người thẹn thùng đỏ mặt, không còn cách nào khác là cúi đầu ngoảnh mặt, nhìn sang một nơi khác.
Thấy sao vẽ vậy …. tranh luận vẫn nảy sinh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dù ít có ai tận mắt nhìn thấy. Danh họa người Pháp Gustave Courbet dám phơi bày tất cả những gì người khác chỉ muốn che đậy ! Góc nhìn trực diện táo bạo của Gustave Courbet chất vấn thách đố tư tưởng phải đạo, khuynh đảo vạch mặt ‘‘quân tử ngụy tạo’’.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét