Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Đặc vụ Trung Quốc kích động biểu tình bạo động?





image.jpg
Cảnh sát chống bạo động đứng bên ngoài một nhà máy ở Bình Dương bị người biểu tình quá khích đốt cháy hôm 14/5/2014
AFP photo















Tình hình Việt Nam đang diễn biến nghiêm trọng, ngoài biển thì việc mất chủ quyền đã rõ ràng. Bên trong thì những cuộc biểu tình sôi sục trong tình trạng mất kiểm soát ở nhiều nơi gây thương vong cho hàng trăm người Hoa và người Việt, số người chết theo Reuters là 21 người. Trong bối cảnh đầy bế tắc và bất lợi, Việt Nam thực hiện một bước nhỏ không mang nhiều ý nghĩa là lưu hành công hàm phản kháng Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Trước phong trào biểu tình qui tụ hàng ngàn tới hàng chục ngàn người ở nhiều nơi mà chính quyền đã mất kiểm soát khá lâu, khiến cho hàng trăm công ty nước ngoài bất kể quốc tịch bị đốt phá ở Bình Dương, cũng như diễn biến nghiêm trọng nhất xảy ra hôm 14/5 ở Vũng Áng Hà Tĩnh với thiệt hại nhân mạng. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nói:
“Phải rất mừng khi thấy nhân dân còn tỏ thái độ khi thấy đất nước bị lâm nguy bị xâm chiếm. Nếu họ buông xuôi, họ không thiết tha gì với việc đất nước bị xâm chiếm như vậy thì điều đó là cực kỳ nguy hiểm. Những người lãnh đạo đất nước phải hiểu dân mình đang muốn gì, đang trông mong gì ở mình trước hiểm họa đối với tổ quốc.
Chúng tôi, những người đã tổ chức biểu tình, những người đã xuống đường vừa ra một lời kêu gọi công bố vào chiều hôm qua (14/5), trong đó thái độ của chúng tôi rất minh bạch và rõ ràng quyết liệt phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta và chính quyền phải có một thái độ dứt khoát và rõ rệt về hành động xâm chiếm lãnh thổ đó nhưng kêu gọi dân chúng phải rất bình tĩnh trước những sự việc đó, khi họ xuống đường không được xâm phạm tài sản và tính mạng của người khác. Và chúng tôi cũng cho rằng, những sự việc manh động đó là có bàn tay của những đặc vụ Trung Quốc nhúng tay vào để gây ra những biến loạn đó và họ lấy cớ để có thái độ với Việt Nam.”
Và chúng tôi cũng cho rằng, những sự việc manh động đó là có bàn tay của những đặc vụ Trung Quốc nhúng tay vào để gây ra những biến loạn đó và họ lấy cớ để có thái độ với Việt Nam.
- Nhà báo Nguyễn Quốc Thái 
Chúng tôi nêu câu hỏi là có bằng chứng nào cho thấy đặc vụ Trung Quốc giật dây kích động biểu tình bạo lực. Ông Nguyễn Quốc Thái đáp lời:
“Không bao giờ những người xúi giục kích động lại dán trên trán của họ: tôi là người được sai bảo để kích động vụ này cả. Nhưng sự nhận xét của đa số quần chúng và của anh em chúng tôi thì cho rằng, những công nhân vốn dĩ hiền hòa đột nhiên họ có thái độ như vậy và có dấu chỉ là có nhiều người lạ mặt ở trong đám biểu tình. Đó là điều cơ quan cảnh sát điều tra phải làm rõ.”
Tất cả báo chí do nhà nước quản lý đều đưa tin hôm 15/5 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gởi công điện yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền phải bảo đảm an ninh trật tự và trấn an nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng Việt Nam đề cao việc nhân dân cả nước tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan  HD 981 trái phép tại vùng biển Việt Nam là hành dộng chính đáng.
000_Hkg9816573-250.jpg
Tàu hải giám TQ neo đậu gần giàn khoan HD 981 được chụp từ một tàu VN hôm 13/5/2014. AFP photo
Tuy nhiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam chỉ đạo phải ngăn chặn và xử lý thích đáng những người có hành vi kích động, manh động trong các cuộc biểu tình. Chính quyền phải tuyên truyền vận động nhân dân không nghe lời kích động của kẻ xấu. Tuy không dùng từ bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp nước ngoài bị đốt phá trong các cuộc biểu tình vừa qua, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo chính quyền phải thực hiện ngay những biện pháp phù hợp để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp sớm ổn định và trở lại hoạt động sản xuất bình thường.
Ngày 15/5 trong cuộc họp báo tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam đã cho lưu hành trong Liên Hiệp Quốc công hàm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam và tùy vào diễn biến tình hình, Việt Nam sẽ có những giải pháp phù hợp. Theo Thanh Niên Online, ông Lê Hải Bình đã nói như vậy khi trả lời câu hỏi trong trường hợp Trung Quốc  không rút giàn khoan thì Việt Nam có đưa sự việc ra Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hay không.
Sự kiện Việt Nam lưu hành công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc mang ý nghĩa gì trên thực tế. Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, thành viên quỹ nghiên cứu Biển Đông cho rằng Việt Nam đã đưa sự phản đối lên một mức cao hơn.
“Biện pháp phản đối sử dụng công hàm tức là chính thức về mặt nhà nước. Và Liên Hiệp Quốc là tổ chức có quyền lực lớn nhất ở trên toàn cầu này, thì nó cho thấy một thái độ rất mạnh mẽ của Việt Nam trong phản đối này.”
Trong những ngày qua báo chí Việt Nam đưa nhiều tin bài với các ý kiến theo đó Việt Nam nên kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoặc đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. TS Nguyễn Quang A thuộc nhóm chủ trương Diễn đàn Xã hội Dân sự kêu gọi nhà nước nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết. Ông nói:
Hành động cụ thể bây giờ là khởi kiện ngay lập tức, nêu vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ...và chỉ có những biện pháp như thế mới có thể ngăn ngừa được.
- TS Nguyễn Quang A
“Hành động cụ thể bây giờ khởi kiện ngay lập tức, nêu vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc … Làm như thế để nâng cái giá chính trị mà Trung Quốc phải trả trong hành động này của họ và chỉ có những biện pháp như thế mới có thể ngăn ngừa được. Tất nhiên là chúng ta cố gắng tránh hết những chuyện đụng tới vũ lực. Nhưng mà tất cả những biện pháp nhất là pháp lý và ngoại giao thì phải tiến hành khẩn cấp càng nhanh càng tốt.”
Đưa vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp trên vùng biển Việt Nam ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ gây một tiếng vang lớn. Tuy vậy nó có rất nhiều trở ngại và có thể nhìn thấy trước kết quả. Thạc sĩ Hoàng Việt phân tích:
“Điều kiện đưa ra Hội đồng Bảo thì phải là những vấn đề đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực, của thế giới. Khái niệm thế nào là đe dọa an ninh hòa bình của khu vực hay thế giới thì phải thuyết phục cộng đồng quốc tế. Nhưng mà phản ứng của quốc tế về vấn đề này cũng dè đặt, chỉ có một số quốc gia lên tiếng chính thức. Thí dụ như Hoa Kỳ, còn những quốc gia khác cũng chưa đưa ra một tiếng nói rõ ràng. Nga, Ấn Độ những quốc gia mà Việt Nam trông đợi thì cho đến hết ngày 14/5 cũng chưa lên tiếng.
Như vậy nếu Việt Nam thuyết phục được Hội đồng Bảo an trong đó có 5 cường quốc rằng tình trạng này ảnh hưởng an ninh hòa bình của khu vực, của thế giới thì đó là điều rất khó khăn. Và vấn đề thứ hai Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Trung Quốc nắm quyền phủ quyết. Nghị quyết nào bất lợi cho Trung Quốc thì họ sẽ phủ quyết và cuối cùng nghị quyết đó sẽ không được thông qua nếu chỉ cần một thành viên không đồng ý nó phủ quyết nó. Khả năng đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an rất khó khăn.
Ý kiến của giới trí thức, các nhà hoạt động dân quyền kiến nghị nhà nước kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Nếu làm việc này như Philippines đã hành động với Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải chuẩn bị những gì và có thể thu lượm được những kết quả như thế nào. Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông, giảng viên Luật quốc tế ở TP.HCM nhận định:
“Phải đặt vấn đề thế này, thứ nhất kiện để làm gì, kiện gây tiếng vang quốc tế là một chuyện. Nhưng theo tôi nếu có kiện thì kiện chỉ là một trong nhiều biện pháp. Xem vụ kiện Philippines với Trung Quốc, để xây dựng hồ sơ pháp lý Philippines mất ít nhất 1 năm. Khi Hội đồng trọng tài được thành lập mà thụ lý hồ sơ đó cho đến giải quyết mất ít nhất ba năm. Nếu trong ba bốn năm như thế mà Việt Nam không có một biện pháp đầu tiên thực tế để giữ được các vùng biển của mình, thì khi mà đưa được vụ kiện ra, Việt nam có khi không còn biển nữa thì còn gì để kiện. Thực tế Trung Quốc đã chiếm rồi thì còn gì mà kiện nữa.”
Tranh chấp của Việt Nam và Trung Quốc cốt lõi ở vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Trên thực tế Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Báo Tuổi Trẻ Online trích lời ông Dương Danh Huy thuộc Quỹ nghiên cứu Biển Đông nhận định rằng, khó khăn pháp lý là hiện nay không có tòa án hay tòa trọng tài nào có thẩm quyền để xác định quần đảo Hoàng Sa thuộc về nước nào, không có tòa án nào có thẩm quyền để vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, hoặc xác định  vùng đặc quyền kinh tế thuộc quần đảo Hoàng Sa vươn ra đến đâu. Như vậy tức là không có tòa nào có thẩm quyền để công nhận quan điểm của Việt nam hay Trung Quốc.
Người cộng sản Việt Nam từ chỗ là đồng chí với Trung Quốc đã trở thành thù địch và trải qua cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu năm 1979. Thế nhưng đến năm 1990 Hà Nội-Bắc Kinh đã bình thường hóa  bang giao trên tinh thần 16 chữ vàng và 4 tốt. Chính sách thân Trung Quốc và nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh do Đảng Cộng sản Việt chủ trương đang phải trả giá đắt.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét