Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Trình bầy lại bài viết về nhà bất đồng chính kiến






Nhà hoạt động Đinh Đăng Định qua đời ngày 3 tháng Tư, 2 tuần sau khi được lệnh 'đặc xá' của Chủ tịch nước




Một nhà hoạt động nhân quyền được quốc tế biết tiếng đã từ trần, 2 tuần sau khi nhận được ‘lệnh đặc xá’ từ Chủ tịch nước Việt Nam cho bản án 6 năm tù về tội danh ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ trong những ngày cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư.

Cựu tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định lãnh án tù năm 2012 vì các bài viết kêu gọi dân chủ-đa đảng tại Việt Nam và bày tỏ các quan ngại về an ninh cũng như tác hại môi trường đối với dự án khai thác bauxite Tây Nguyên do Trung Quốc trúng thầu.

Hôm 21/3, ông Định chính thức được trả tự do vì tình trạng nguy kịch của căn bệnh ung thư dạ dày mà ông cho biết đã phát hiện rất sớm nhưng trại giam không cho chữa trị cho tới khi bệnh trầm trọng.

Nghe đọc 
Nghe đoạn băng ghi âm lời ông Định trăng trối lại với các con trước ngày ông qua đời:
Gia đình ông Định cho biết cựu giảng viên môn hóa của trường trung học Lê Qúy Đôn, Dak Nông, qua đời lúc 9 giờ 40 phút tối ngày 3/4 tại tư gia, 50 tuổi. Cô Đinh Phương Thảo, con gái ông Định, nói với VOA Việt ngữ:
“Bố em đã rơi vào hoàn cảnh hôn mê từ 4-5 ngày nay. Trong 4-5 ngày nay, ông không còn nói được gì hết. Thực sự lời nhắn gửi của bố em đã được truyền tải từ lâu, từ khi ông còn tỉnh. Ông nói là ông căm thù chế độ này vì nó làm bố thân tàn ma dại đến thế. Nhưng bố em lại dạy chúng em rằng chúng em không được dùng lòng căm thù để đối xử lại với người ta, mà hãy đối xử lại với họ bằng lòng từ bi. Bố bảo khi bố chết, bố muốn được hỏa táng thả xuống sông Sài Gòn. Bố muốn đi phiêu du khắp đất nước để hồn bố lúc nào cũng ở quanh đất nước.”
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 với chúng tôi sau khi rời trại giam, ông Định kêu gọi quốc tế và các cơ quan giám sát nhân quyền Liên hiệp quốc tới thăm các trại tù Việt Nam để đánh giá thực trạng nhân quyền của Hà Nội, thành viên của Công ước Chống tra tấn Liên hiệp quốc và Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Con gái ông Định bức xúc nhắc lại tâm nguyện lớn nhất của bố mình:
“Thực sự mà nói ung thư không phải là căn bệnh không thể chữa được. Nếu như được chữa trị kịp thời, chắc chắn sẽ có biện pháp để ngăn chặn. Bố em là một trường hợp điển hình, một ví dụ điển hình về tình trạng ngược đãi tù nhân trong nhà tù. Nếu ông được chạy chữa đúng mức, không phải chữa câu giờ hay làm cho có, thì chắc chắn ông không phải ra đi như thế này đâu. Mong mỏi lớn nhất của bố em và của gia đình, như bố em đã nói trong lần phỏng vấn trước với VOA, là muốn quan sát viên quốc tế, các cộng đồng chú ý đến nhân quyền Việt Nam hãy đến chứng kiến trực tiếp tại các nhà tù Việt Nam để thấy được cảnh sống của tù nhân, chứ không phải qua các bản báo cáo từ phía chính phủ Việt Nam đưa ra, những cái đó không hoàn toàn thật.”
Cô Thảo bày tỏ lòng biết ơn của gia đình đối với sự quan tâm từ cộng đồng quốc tế và những người ủng hộ trong và ngoài nước đối với bố cô:
“Mọi người gọi điện, nhắn tin chia sẻ rất nhiều. Qua đài VOA, gia đình con xin gửi lời cảm ơn các quý ân nhân luôn quan tâm đến bố và gia đình con.”
Nhà đấu tranh dân chủ Đinh Đăng Định nhất mực phản đối bản án mà ông gọi là bất công và cho rằng việc phóng thích ông không ‘nhân đạo’ hay ‘khoan hồng’ như nhà nước Việt Nam tuyên bố, như lời chia sẻ của ông với VOA Việt ngữ cách đây 2 tuần khi nhận tin được trả tự do:
“Không khoan hồng, không chút nhân đạo gì. Những người quan tâm, xin hãy quan tâm đến phương diện chung đó là cuộc đấu tranh chống độc tài của chế độ cộng sản. Còn cá nhân tôi thì cũng không còn gì để quan tâm nữa.”
Ông Định được tạm hoãn thi hành án từ tháng 2 năm nay sau khi hàng chục đại sứ nước ngoài gửi thư cho nhà cầm quyền Việt Nam yêu cầu phóng thích ông trên cơ sở nhân đạo.
Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng bình luận chính thức về trường hợp của ông Định.
Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH có trụ sở tại Châu Âu mới tháng rồi công bố thống kê cho thấy Việt Nam là nhà tù lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á giam giữ tù nhân chính trị, với ít nhất 212 nhà bất đồng chính kiến đang bị giam cầm và nhiều người khác đang bị quản thúc tại gia.
Hà Nội lâu nay vẫn tuyên bố ở Việt Nam không có tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm, chỉ có những người phạm pháp mới bị xử lý theo đúng pháp luật
*
Hình ảnh lúc ông Định được trả tự do vì tình trạng nguy kịch
*


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét