Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Blog - Blog, nhu cầu mới của người sáng tác chuyên và không chuyên ngày nay ở Việt Nam


Blog, nhu cầu mới của người sáng tác chuyên và không chuyên ngày nay ở Việt Nam


Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm mời quý vị cùng với Mặc Lâm điểm qua vài trang blog văn chương trên mạng để tìm hiểu thêm một nhu cầu mới của người sáng tác chuyên và không chuyên ngày nay trong lĩnh vực văn học mạng.

BlogCoGaiDoLong200.jpg
Trang blog Cô Gái Đồ Long
Số blog tại Việt Nam ngày càng nhiều và điều này nói lên một tâm lý của người sáng tác rằng họ cần một không gian không bị gò bó bởi hệ thống kiểm duyệt và điều quan trọng hơn cả là không phụ thuộc vào hệ thống xuất bản, vốn là rào cản đầu tiên đối với những cây viết chưa khẳng định được mình với công chúng.
Hãy nói với em, bằng đôi mắt no tròn hạnh phúc Hay cứ nói bằng trái tim không còn vẹn nguyên. Có hề chi ngày mai Có hề gì bao cuộc phân ly. Vì có thể sẽ không làm thơ được nữa cũng không còn nước mắt để yêu thương. Hai bàn tay bé nhỏ cố che mấy vẫn không kín dạ đàn bà. Nhưng đủ lớn để mở ra những khung trời đầy nắng Cũng đủ sức khép lại những ngày đầy giông Cũng có thể xây cho anh một thế giới cuộn tròn yên bình Với những ô cửa màu xanh. Có dây bìm leo tím biếc. Có dẫu ngày mai sẽ khác Dẫu mặn nồng rồi phai nhạt Rồi hư ảo như trời. Rồi phiêu diêu như mây. Có hề chi ngày mai Có hề gì bao lẽ ở – đi. Cả một thế giới đang bước đi cùng anh cùng em. Hãy mở lòng ra Đừng ngại ngần Những con đường cuối phố, thường là ngã ba. Một bên em và một đến vô cùng…
Bài thơ có âm hưởng thật hiền lành và nghe quen thuộc như vừa bước ra một trang thơ của một tờ báo nào đó. Thật ra tác giả bài thơ này là nhà báo Hương Trà, một trong nhiều tác giả có thơ và bài viết trong trang nhật ký mạng còn gọi là trang blog do chị tạo ra.
Trang blog của Hương Trà hồi gần đây trở nên nổi tiếng khi chị đăng một bài viết có liên quan đến ca sĩ Phương Thanh và bị cô ca sĩ có biệt danh "Chanh" này chính thức đâm đơn lên tòa án đòi bồi thường danh dự bằng cách buộc Hương Trà phải công khai xin lỗi cô trên nhiều tờ báo lớn tại Việt Nam vì đã nhục mạ cô qua những trang viết công khai trên blog có tên Cô Gái Đồ Long.
Trong tuần lễ vừa qua, trang blog Cô Gái Đồ Long bỗng dưng đen nghịt người truy cập chỉ để xem Hương Trà viết gì trong đó và nhiều người, nhiều giới vào cuộc, người chống kẻ bênh. Người bênh thì cho rằng những bài viết của tác giả hòan toàn dựa vào sự thật còn kẻ chống thì cho rằng đây là hành động bôi bẩn cá nhân và đòi phải có biện pháp đối với những trang blog này.
Sự kiện hàng triệu người vào một trang viết đã xảy ra nhiều lần trong thời gian vừa qua khi trang blog của Cường OZ đăng bài phóng sự mang tên Dân Chơi Hà Thành đã làm cộng đồng mạng tại Việt Nam nhốn nháo. Hàng triệu lượt truy cập của thanh niên đã nói lên được tính chất nhạy bén và nóng hổi của phương tiện thông tin đại chúng mới mẻ này.
Văn chương blog cũng không chịu kém, các nhà văn trong và ngoài nước đua nhau ra mắt những trang blog chuyên về văn chương và mời gọi độc giả tham gia ngày càng nhiều đã khiến người đọc Web hôm nay thừa hưởng nhiều món lợi tinh thần đáng giá.
Trước đây nhiều văn thi sĩ chọn hình thức đăng bài vở của mình trên trang web cá nhân và hình thức này xem ra vẫn được ưa chuộng mãi cho tới thời gian gần đây khi phong trào viết blog nổi lên ồ ạt. Sự khác biệt đáng kể giữa một trang web cá nhân và một trang blog ở chỗ: Một trang Web được chăm chút cẩn thận và chỉ để đăng những sáng tác của người sở hữu nó và không cho phép độc giả tham gia ý kiến.
Trong khi đó, một trang blog lại thỏa mãn được sự yêu cầu phản hồi trực tiếp của người đọc. Người truy cập một trang blog chỉ việc đăng ký và ghi cảm tưởng của mình một cách dễ dàng, và sau đó những ý kiến này lại được các ý kiến khác phản hồi, cứ thế hình thành một chuỗi bài viết tranh luận hoặc góp ý rất sống động mà một trang Web cá nhân không có được.
Người ta gọi blog là trang nhật ký mở thật ra không sai. Tuy nhiên ý nghĩa của chữ nhật ký không còn hoàn toàn đúng vì hiện nay những người trẻ có ý định bước chân vào lĩnh vực văn chương đã xử dụng rộng rãi phương tiện này cho mục đích của mình. Hàng triệu bài thơ đã được xuất bản một cách dễ dàng và phân phối đến công dân mạng trong thời gian nhanh nhất.
Những bài thơ đủ loại hay có dở có, đua nhau đòi góp mặt với đời bất kể tên tuổi của chủ nhân của chúng có nổi tiếng hay không. Tình trạng văn chương bị xem rẻ rúng trên nhiều tờ báo đã được giải quyết qua những trang blog. Nhà thơ trẻ Nguyễn Hữu Hồng Minh, người từng có thơ xuất bản và khá nổi tiếng trong văn giới cho biết những cảm tưởng của anh khi được hỏi về blog.
Anh nói: “Nổi tiếng và sáng tác có chủ đích như Hồng Minh mà vẫn cần một trang blog huống chi là những cây viết không chuyên muốn thử sức mình trước hàng triệu đôi mắt của công dân mạng?”
Không những blog cho phép người ta sáng tác mà còn dịch thuật những tác phẩm tiếng nước ngoài nào mà bạn thích, miễn tác phẩm được sự cho phép của tác giả. Trang Hạ có lẽ là người thành công nhất trong lĩnh vực này sau khi tác phẩm gây sôi nổi mang tên "Xin lỗi, em chỉ là con đĩ" của Tào Đình được đưa vào trang blog của chị khiến hàng trăm ngàn người tranh nhau vào xem và chờ đợi những bản dịch mới hàng ngày.
Hiện tượng này được nhìn nhận như thế nào đối với xu hướng mới tiếp cận với các độc giả trẻ ngày nay? Dĩ nhiên là nhiều đại gia trong ngành xuất bản đã chú ý tới vấn đề này và không lạ gì khi tin đồn mua lại những trang blog có tiếng với giá nhiều chục ngàn đô la đã xuất hiện đâu đó trong cộng đồng mạng.
Nhà văn Trang Hạ đã sắc sảo khi nhận xét rằng "sở dĩ blog có vị trí quá quan trọng như ngày nay tại Trung Quốc và bắt đầu cả ở Việt Nam là bởi blog kế thừa được tất cả những tính chất văn học và tính chất thời đại được thể hiện liền mạch của một xã hội cận đại và nhất là hậu hiện đại.
Đó cũng là việc quyền lực về thông tin đã được trao tới tay người dân (người sử dụng mạng), đó còn là hiện tượng trao đổi và lan truyền của văn học giữa những người sử dụng mạng Internet. Sau đó, nó như đầu tàu kéo theo những hoạt động liên hệ mật thiết với blog như văn hoá đại chúng, như các hoạt động giải trí và thương mại đi theo sau blog."
Dòng văn học đang hình thành trong thời gian gần đây được gọi là văn học mạng có tính chất rất dễ nhận ra là tác giả của chúng cho phép người đọc biên tập lại bài viết của mình. Một đặc tính nữa của loại hình này là các sáng tác thường tiếp nối trong nhiều kỳ và thu hút sự chú ý của người đọc tương tự như một tiểu thuyết Feuilleton trên các trang nhật báo. Tính chất chờ đợi đã hâm nóng và làm người đọc có tâm lý bồn chồn khiến trang viết được đón nhận mang tính thời sự hơn là văn chương.
Nhận xét về vấn đề này nhà văn Trang Hạ nhận thấy rằng "hầu như rất nhiều nhà nghiên cứu khi quan sát sự phát triển của hiện tượng blog, đã dường như chỉ nói đến sức mạnh bùng nổ của blog cá nhân mà không đề cập đến khía cạnh rất quan trọng rằng: Blog là một sự phát triển mới của Văn Học Mạng.
Những trang Blog có thể bù đắp được sự thiếu hụt của truyền thông ngày nay, đó là bởi blog có tính phát tán lan truyền thông tin nhanh chóng, phạm vi rộng, nó lại tránh được sự biên tập và kiểm duyệt của cơ quan chức năng." Nhà văn Trang Hạ có quá lạc quan hay không khi cho rằng các blog hiện nay tại Việt Nam có thể nhẩn nha sáng tác tùy hứng với bất cứ đề tài nào khi các cơ quan có trách nhiệm biên tập và kiểm duyệt không thể vói tay vào được?
Câu hỏi này cũng đang được tranh luận âm ỉ tại Việt Nam hiện nay sau khi vụ Nhật Ký Vàng Anh trở thành đề tài nóng của hàng triệu bloggers. Tính đạo đức của những trang blog bẩn có nên xem lại hay không vẫn là câu hỏi chưa có trả lời thỏa đáng.
Dư luận e ngại một sự kiểm duyệt đại trà khiến nhiều trang blog hiện nay lọt vào danh sách cấm vì nội dung khai phá cũng như những biểu kiến chính trị khác với tôn chỉ của nhiều người sẽ bị xóa sổ. Ngoại trừ những hình ảnh dâm ô, còn những vấn đề gì cần phải khai quang theo định nghĩa một blog bẩn? Thật khó trả lời cho rốt ráo chung quanh khái niệm bẩn hay không bẩn này.
Nhà thơ, kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, một người có blog mang tên Hội Ngộ Văn Chương đã lên tiếng về việc này trên trang blog của mình như sau:
Gần đây một số Site Blog Việt mới xuất hiện, và dù mạnh đến mấy thì cũng chưa có ông chủ nào đạt được con số triệu thành viên, thậm chí có Site Blog “triển vọng” cũng mới đến số nghìn. Mà luật của ta cũng chỉ quản lí được Site Blog ta mà thôi. Nếu luật gây cản trở hay làm khó chịu các bloger Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ bỏ Việt mà đi… sang các Site Blog Ngoại Quốc mất thôi. Thế thì Nhà nước phải tính đến hậu quả đó mà “quản cái lí”.
Nhưng ở thời hội nhập này, chúng ta cũng nên tuân thủ luật chơi chung có tính Quốc tế, chứ cứ thay đổi quy định xoành xoạch như thay áo kiểu Bộ Văn Hóa Thông Tin cấm học trò hát ở quán bar rồi lại cho học trò hát ở quán bar như cũ thì thật là tội nghiệp cho các em mà cũng tội nghiệp cho Bộ.
Thiết nghĩ các nhà làm luật, các nhà quản lí ở Việt Nam nên nhìn xa hơn cây tre một chút. Có như thế thì văn minh mới đến với dân Việt sơm sớm được. Và không chỉ cái món Blog, mà còn nhiều món khác nữa về ngôn luận, về buôn bán cũng không thể giăng rào lâu mãi được. Vấn đề là hãy nâng cao dân trí. Mà muốn nâng cao dân trí, trước hết hãy nâng cao quan trí. Chúng ta bội thực Tự khen mà bỏ đói Tự chê thì còn lâu mới biết mình đang ở đâu.
Các bạn và các nhà quản lí thử nhìn xem Site Blog Ta đang ở đâu?
Quý vị vừa nghe qua đề tài những trang blog văn chương trên mạng. Mặc Lâm mời quý vị theo dõi tiếp đề tài "Những trang blog của các nhà báo tự do" trong chương trình văn học nghệ thuật kỳ tới, xin mời quý vị đón theo dõi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét