Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Hen suyễn






http://vietbao.vn/Suc-khoe/Lam-gi-khi-gap-con-hen-suyen-cap-tinh/2131789448/250/


Làm gì khi gặp cơn hen suyễn cấp tính?

Thở khò khè là triệu chứng thường gặp nhất của cơn hen Ảnh: Telegraph.co.uk
Không nên để quá trễ khi cơn suyễn đã diễn tiến khá lâu hoặc khi người bệnh không còn chịu đựng được nữa mới dùng thuốc.
Bệnh hen suyễn cấp là những đợt ho, khò khè, nặng ngực, khó thở xảy ra do tình trạng tắc nghẽn luồng khí thở do các phế quản bị co thắt, sưng phù làm hẹp lòng phế quản và do đàm nhớt làm bít tắc phế quản. Việc xử trí cấp cứu cơn hen suyễn nhằm mục đích chặn đứng cơn suyễn ngay tức thời giúp người bệnh giảm khó thở, tránh những biến chứng nặng của bệnh và tránh những diễn biến xấu về sau.
Biểu hiện
Cơn suyễn có thể khởi phát một cách rầm rộ, đột ngột, cũng có thể diễn tiến từ từ, nặng dần lên. Cũng có trường hợp cơn suyễn như "hung thần bóng đêm", đêm nào cũng xuất hiện phá vỡ giấc ngủ, "tác oai tác quái" vài giờ rồi đến khi mặt trời ló dạng thì dịu dần, người bệnh có thể đi học, đi làm bình thường rồi khi đêm đến, "hung thần" lại tái xuất hiện. Có 4 triệu chứng chính thường gặp trong bệnh hen suyễn:
Khó thở: Cảm giác ngộp, không thở được, "thiếu hơi", không đủ hơi để thở. Khi cơn suyễn diễn ra rầm rộ, dữ dội, người bệnh có cảm giác bị bóp nghẹt như ai siết cổ không thở được.
Khò khè: Là tiếng rít đi kèm với nhịp thở, thường nghe thấy khi thở ra. Thở khò khè là triệu chứng thường gặp nhất của cơn hen.
Ho: Thường đi kèm với khó thở, xảy ra nhiều vào lúc nửa đêm về sáng hay khi gắng sức. Cũng có trường hợp người bệnh hen suyễn chỉ có mỗi triệu chứng ho khiến cho việc chẩn đoán bệnh khó khăn.
Nặng ngực: Cảm giác như có vật gì nặng đè lên ngực, đây cũng là một biểu hiện của khó thở.
Thở khò khè là triệu chứng thường gặp nhất của cơn hen 

Ảnh: Telegraph.co.uk
Thở khò khè là triệu chứng thường gặp nhất của cơn hen 

Ảnh: Telegraph.co.uk
Những việc cần làm
Để chặn đứng cơn khó thở cấp tính, bạn cần phải:
- Tránh xa ngay tác nhân gây khởi phát cơn hen cấp nếu nhận diện được chúng (tránh khói hoặc các loại hóa chất có mùi nồng gắt nếu lên cơn hen suyễn ngay khi ngửi chúng, ngưng gắng sức nếu hen do gắng sức, giữ ấm nếu hen do luồng khí lạnh…).
- Sử dụng thuốc đường hít sớm và đúng cách: Sử dụng thuốc đường hít tức là đưa thuốc trực tiếp vào đường hô hấp bằng các dụng cụ bơm xịt, bình hít bột khô hay máy phun khí dung. Các phương pháp đều có ưu điểm là giảm bớt khó thở nhanh chỉ sau 2-5 phút.
Thuốc cần sử dụng trong trường hợp này là các loại thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn như Ventolin hoặc Berodual…Dùng thuốc đường hít nên được thực hiện sớm ngay khi có những triệu chứng đầu tiên.
Không nên để quá trễ khi cơn suyễn đã diễn tiến khá lâu hoặc khi người bệnh không còn chịu đựng được nữa mới dùng thuốc. Để càng muộn thì khả năng cắt cơn suyễn thành công càng thấp. Khi đó lượng thuốc đi vào phổi đã giảm nhiều do các phế quản đã bị co hẹp một phần, đàm tiết ra nhiều gây bít tắc và người bệnh đã quá mệt không còn đủ sức để hít thuốc nữa.
Cũng cần lưu ý về kỹ thuật dùng thuốc đường hít sao cho thao tác nhuần nhuyễn để đạt được hiệu quả. Nếu thao tác sai thì lượng thuốc hít vào quá ít không đủ làm giãn phế quản và cơn khó thở sẽ không được giải quyết.
Liều thường dùng là 2 nhát hít thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn. Nếu chưa bớt khó thở, xịt lặp lại mỗi lần 2 nhát cách nhau khoảng 5-10 phút.
- Các biện pháp hỗ trợ khác: Nghỉ ngơi, nhấp nước hoặc chất lỏng ấm, ngâm chân nước nóng, ngồi khom người ra phía trước khuỷu tay chống gối hoặc tựa lên mặt phẳng…
- Nếu cơn khó thở chưa cải thiện: Nếu không có đáp ứng sau 8 lần xịt hoặc cơn suyễn chỉ lui tạm thời trong vài giờ rồi trở lại thì nên đi khám bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức để được điều trị triệt để hơn.
Có thể hình dung việc chặn đứng cơn suyễn cũng như dập tắt một ngọn lửa. Nếu ngọn lửa chỉ mới bén, ta có thể dập tắt dễ dàng nhưng nếu ta chần chừ để cho ngọn lửa cháy bùng lên và bắt đầu lan ra xung quanh thì việc dập tắt lửa trở nên khó khăn hơn và để lại hậu quả ít nhiều.
Viet Bao.vn (Người lao động)

Biến chứng của hen phế quản

Bien chung cua hen phe quan
Hình ảnh phế quản phổi bình thường và
Hình ảnh phế quản phổi ở bệnh nhân hen phế quản.
Hen phế quản (HPQ) là một bệnh hay gặp. Biến chứng của HPQ rất nặng, nhưng người bệnh lại ít khi chú ý đến các biến chứng này.
Về mùa đông - xuân, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các biến chứng của bệnh hen xảy ra, cho nên mọi người cần phải biết để phòng tránh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hen là một hiểm họa của loài người, là một trong các bệnh mạn tính hay gặp nhất. Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 triệu người hen, dự tính đến năm 2025 con số này tăng lên 400 triệu người.
Đông Nam Á là khu vực có độ lưu hành hen gia tăng nhanh: Malaysia 9,7%, Philippines 11,8%, Thái Lan 9,2%, Singapore 14,3%, Việt Nam khoảng 5%. Tử vong do hen mỗi năm có 200.000 trường hợp, Việt Nam có 3.000 ca.
Hen tiến triển từng đợt cấp, sau mỗi đợt, bệnh diễn biến nặng hơn và nguy hiểm hơn, là bệnh hay gây ra những biến chứng như:
Xẹp phổi: Hơn 1/3 trẻ em nằm trong bệnh viện vì hen bị biến chứng xẹp phổi. Xẹp phổi một thùy hoặc nhiều thùy là biến chứng gặp tỷ lệ khoảng 10% số bệnh nhân vào viện. Khi hen ổn định thì tình trạng xẹp phổi sẽ khỏi.
Nhiễm khuẩn phế quản: Thường là biến chứng ở các bệnh nhân bị hen mạn tính. Nhân các đợt chuyển mùa, các đợt rét, thời tiết thay đổi đột ngột trong ngày, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây viêm nhiễm vùng tai mũi họng, đường hô hấp dưới, gây các đợt cúm làm cho những triệu chứng bệnh hen nặng hơn. Bệnh nhân sốt, khó thở tăng, có đờm nhiều. Xét nghiệm máu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Xét nghiệm đờm thấy bạch cầu thoái hóa và tạp khuẩn, có khi thấy vi khuẩn lao.
Giãn phế nang đa tiểu thùy: Sự đàn hồi của các phế nang ở bệnh nhân hen giảm dần theo thời gian, thở ra ít, thể tích khí cặn tăng. Còn gọi là bệnh khí phế thũng. Bệnh nhân khó thở khi gắng sức, thậm chí không thổi tắt được que diêm đốt cháy ở cách xa một ít. Ho khạc đờm nhiều, môi và đầu chi tím tái. Gõ phổi nghe tiếng rất vang, rì rào phế nang giảm, có khi mất. Tiếng tim xa xăm. Xquang: phổi quá sáng, cơ hoành hạ thấp, tim hình giọt nước, góc tâm hoành tù, các xương sườn nằm ngang và giãn rộng.
Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Gặp ở khoảng 5% hen mạn tính. Do các phế nang giãn rộng, tại vùng phế nang giãn, mạch máu thưa thớt, nuôi dưỡng kém, áp lực trong phế nang tăng. Khi phải làm việc gắng sức hoặc ho mạnh, thành phế nang dễ bị bục vỡ. Thường các dấu hiệu lâm sàng ít khi rầm rộ, nên phải có Xquang phổi mới phát hiện được. Khi có tràn khí phải xử trí cấp cứu kịp thời. Tràn khí màng phổi hai bên là nguyên nhân gây đột tử ở người hen phế quản.
Tâm phế mạn tính: Gặp ở 5% bệnh nhân hen mạn tính và nặng. Thể hiện khó thở khi gắng sức, tím tái liên tục, đau vùng hạ sườn phải, gan có thể to hoặc mấp mé bờ sườn. Điện tâm đồ: Nhịp xoang nhanh, sóng P cao nhọn. Sóng S chiếm ưu thế ở các chuyển đạo trước tim. Hen phế quản có khả năng phục hồi chức năng hô hấp, cho nên thời gian dẫn đến tâm phế mạn của từng bệnh nhân khác nhau, có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn.
Ngừng hô hấp kèm theo có tổn thương não: Do tình trạng suy hô hấp kéo dài, đưa đến thiếu ôxy não. Có lúc ngừng tim, ngừng hô hấp trong các thể hen nặng. Những trường hợp này thường có cơn ngạt thở đột ngột, dẫn đến tăng CO2 trong máu và gây tình trạng toan hỗn hợp, rồi cuối cùng đưa đến hôn mê và tử vong.
Suy hô hấp: Thường chỉ gặp ở những bệnh nhân nằm viện, bị hen cấp tính nặng hoặc hen ác tính. Bệnh nhân khó thở, tím tái liên tục, đôi khi ngừng thở, phải thở máy hỗ trợ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen.
Hen là một gánh nặng cho xã hội, theo OMS bệnh hen gây phí tổn cho loài người lớn hơn chi phí cho hai căn bệnh hiểm nghèo của thế kỷ là lao và HIV/AIDS cộng lại.
Biến chứng của hen phế quản còn nặng nề hơn. Do đó những người bị bệnh hen phế quản và mọi người trong toàn xã hội cần có sự hiểu biết để có ý thức điều trị bệnh hen ngay từ những giai đoạn đầu đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tiến tới kiểm soát được cơn hen, giảm các cơn khó thở trong tuần, trong ngày là góp phần khống chế một cách có hiệu quả các biến chứng của bệnh hen.
Khi gặp cơn hen ác tính hay nghi có các biến chứng của hen thì phải khẩn cấp đưa người bệnh đến các cơ sở cấp cứu ở bệnh viện để khám và xử trí kịp thời.
Theo Sức khỏe & đời sống

6 sai lầm thường gặp trong điều trị bệnh hen

6 sai lam thuong gap trong dieu tri benh hen
Thuốc trị hen cần được xịt sâu vào phế quản.
Mặc dù đã có chỉ định thường xuyên dùng ống hít nhưng nhiều bệnh nhân hen vẫn hạn chế hít vì sợ "ghiền", chỉ dùng thuốc dạng tiêm hoặc uống. Thực ra, hen là bệnh lý ở phế quản; nếu tiêm hoặc uống, thuốc sẽ theo máu đi khắp cơ thể, phế quản nhận được rất ít thuốc, trong khi các cơ quan khác lại bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Quản lý điều trị Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho biết, không ít người biết mình bị hen và tích cực điều trị nhưng bệnh vẫn diễn tiến ngày càng nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Đó là do họ đã phạm sai lầm kể trên hoặc các sai lầm sau:
1. Tự bỏ thuốc kháng viêm
Hen là bệnh viêm mạn tính của phế quản. Bệnh nhân phải sử dụng đồng thời cả thuốc kháng viêm (chữa gốc bệnh, phải dùng hằng ngày) và thuốc giãn phế quản (chữa triệu chứng, dùng khi có cơn hen). Người bệnh thường thấy phiền phức khi phải dùng cùng lúc 2 loại ống hít; hơn nữa, khi cơn hen nổi, họ hít thuốc giãn phế quản và thấy cũng tạm ổn nên đa số bỏ thuốc kháng viêm. Vì vậy, bệnh không được can thiệp từ gốc.
Hiện thị trường đã có loại ống hít hai trong một (có cả thuốc kháng viêm và thuốc giãn phế quản). Loại này đắt hơn nhưng hiệu quả hơn, giúp bệnh nhân dùng đều đặn cả 2 loại thuốc cần thiết.
2. Làm sai thao tác khi dùng ống hít
Việc hít hoặc xịt thuốc vào miệng được nhiều người cho là quá dễ. Thực ra, có rất nhiều sai lầm ở thao tác này bởi nhân viên nhà thuốc và bác sĩ thường chỉ hướng dẫn sơ cách sử dụng. Tuy các ống hít đều kèm theo bản hướng dẫn nhưng do chủ quan nên ít người để ý đến nó, hậu quả là thao tác sai: hít không đủ sâu.
Thuốc trị hen chỉ có tác dụng khi được đưa sâu vào tận phế quản. Người bệnh chỉ đạt được điều này khi cố gắng hít thật sâu, giống như người hút thuốc lào. Nếu hít rồi mà ở miệng, mũi có khói bay ra thì không hiệu quả.
4. Tự làm hỏng thuốc
Thuốc dùng cho ống hít có cả dạng nước và bột. Với ống hít thuốc bột, có loại phải nạp thuốc mỗi lần dùng, có loại đã nạp sẵn thuốc cho 60-100 lần hít. Khi sử dụng loại hít nhiều lần, người bệnh chỉ được thở ra khi không còn ngậm ống hít. Nhưng nhiều người lại thở ra ngay cả lúc đang ngậm ống, khiến cho hơi nước từ miệng bay vào thuốc, gây ẩm, khiến thuốc mất dần tác dụng.
5. Tăng liều lượng thuốc mà không lưu ý yếu tố gây bệnh
Việc điều trị hen liên quan rất mật thiết với yếu tố gây khởi phát bên ngoài như khói thuốc lá, khói xăng dầu, khói than củi, bụi (đặc biệt là bụi bám trong phòng ngủ, tủ sách và lưới lọc của máy lạnh). Càng loại trừ được các yếu tố này, diễn tiến bệnh càng tốt. Nhiều người bệnh và cả thầy thuốc khi thấy việc điều trị theo liều lượng cũ ngày càng mất hiệu lực thì liên tục tăng liều mà không chú ý đến việc loại trừ những yếu tố gây dị ứng.
6. Không đi xác định ngưỡng bệnh trở nặng
Do các loại thuốc, ống hít, xịt hạ cơn hen rất dễ mua và có vẻ dễ dùng nên hầu hết người bệnh không chịu đến thầy thuốc chuyên khoa để xác định ngưỡng trở nặng. Ở ngưỡng trở nặng bệnh, các cơn hen xuất hiện dày hơn và tỏ ra ít đáp ứng với thuốc giãn phế quản. Nếu không được thầy thuốc hướng dẫn cách nhận diện và chuẩn bị thuốc để xử lý trước khi kịp đến bệnh viện, bệnh nhân rất dễ tử vong khi có cơn hen cấp tính.
(Theo Người Lao Động)

Khống chế bệnh hen bằng cách nào ?
Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức.
Hen (suyễn) là một bệnh lý về đường hô hấp, mà nền tảng là tình trạng viêm mãn tính đường thở, làm gia tăng tình trạng nhạy cảm quá mức với các tác nhân kích thích như: bụi khói, phấn hoa, thời tiết, thức ăn... Khi tiếp xúc với các tác nhân này đường thở sẽ bị co thắt hẹp lại, cản trở không khí lưu thông ra vào phổi và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Ước tính chi phí y tế, xã hội cho hen cao hơn tổng chi phí điều trị lao và HIV/AIDS cộng lại. Để giúp người bệnh hiểu rõ hơn về căn bệnh này, chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Hồng Đức (ảnh) - Trưởng khoa Khám Trung tâm Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh. BS Đức cho biết:
- Việc không nhận biết được bệnh hen là rất phổ biến trong hầu hết mọi người. Trong nhiều trường hợp bệnh rất khó chẩn đoán và bệnh nhân thường được bác sĩ chẩn đoán là viêm họng, viêm họng hạt, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm amidan... Đáng ngại nhất nếu không được chẩn đoán kịp thời, điều trị đúng mức có thể gây ra tử vong trong những cơn suyễn cấp tính. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5% dân số mắc bệnh hen, riêng tại TP Hồ Chí Minh mỗi năm chi phí trung bình khoảng 108 triệu USD cho việc chữa bệnh, 288.064 ngày công lao động bị mất cùng với 4 tỉ đồng cho các phương pháp điều trị không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân khiến việc điều trị hen chưa đạt hiệu quả là do người bệnh chưa hiểu biết đúng đắn về hen và không biết rằng bệnh hen có thể kiểm soát được bằng những phác đồ điều trị thích hợp.
* Như đã nói, hen là một bệnh viêm mãn tính nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được?
- Bác sĩ Nguyễn Hồng Đức: Khi người ta nói kiểm soát được bệnh hen tức là kiểm soát được tình trạng viêm. Suốt từ thập niên 80 đến nay người ta đều biết rằng nền tảng của bệnh hen chính là tình trạng viêm mãn tính nằm tiềm tàng trong niêm mạc hệ thống phế quản. Chính tình trạng viêm này làm cho hệ thống phế quản của người bị bệnh hen dễ bị phản ứng một cách quá lố khi bị kích thích và khi nó phản ứng một cách quá lố như thế sẽ gây ra các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực. Triệu chứng này thay đổi theo từng lúc và khi có các triệu chứng đó có nghĩa là sự lưu thông không khí trong phế quản bị tắc nghẽn. Bệnh nhân có thể sống bình thường một khi đã biết cách khống chế bệnh bằng cách tránh xa những gì có thể làm cơn suyễn khởi phát, sử dụng thuốc điều trị đúng như bác sĩ chỉ dẫn; đến bác sĩ khám 2 hoặc 3 lần trong một năm, ngay cả khi cảm thấy khỏe và không có vấn đề gì về hô hấp.
Cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào chữa khỏi bệnh hen nhưng có thể kiểm soát được để người bệnh cũng có đời sống gần như bình thường với mọi người. Cái gốc của bệnh hen là do viêm, vì thế cách điều trị cơ bản hằng ngày là dùng thuốc kháng viêm. Khi nào các triệu chứng của căn bệnh bộc lộ ra bên ngoài như: ho, khò khè, khó thở... thì chúng ta phải sử dụng thuốc cắt cơn. Tùy theo bậc hen mà người ta khuyến cáo sử dụng thuốc thích hợp, theo đó ngoại trừ bậc 1, các bậc từ 2 đến 4 cần phải dùng cả hai loại thuốc phòng ngừa và cắt cơn. Ngày nay để thuận tiện cho công tác điều trị, một loại thuốc phối hợp gồm ICS và LABA đã ra đời dưới tên gọi Symbicort góp phần giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể dễ dàng quản lý bệnh hen hơn vì loại thuốc này sẽ làm cắt cơn hen nhanh chóng, có tác dụng kéo dài chỉ với cùng một ống hít, nó cho phép bác sĩ và bệnh nhân linh hoạt trong việc điều chỉnh liều dùng tùy theo tình trạng bệnh nhân.
Cẩm Nhung
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)

------------------------------------------------------------------------



*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét