Ở quê hương, chúng ta thường uống nước rau má, một thứ nước giải khát bình dân, và cảm thấy khoan khoái trong những ngày hè nóng bức.
Nhưng khả năng của rau má không ngừng ở đây, vì thiên nhiên muốn giúp loài người nhiều hơn nữa như quý vị sẽ thấy dưới đây.
Rau má thuộc họ apiaceae, vì mọc khắp Á Châu, nên có nhiều tên khác nhau, như tích tuyết thảo (Tàu), phanok (Lào), trachiek kranh (Miên), gotu kola (Sri Lanka), pegagan (Indonesia), takip kohol (Philippine), bua-bok (Thai Lan). Tiếng Anh gọi là pennywort. Tên khoa học là Centalla Hydrocotyle Asiatica hay Centalla Trisenthus Cochinchinensis
Lá rau má
Rau má là loại cỏ mọc bò trên mặt đất. Cuống dài, lá có rãnh, nên nom giống trái thận theo Trung Hoa hay như 2 bán cầu não theo Ấn Độ. Hoa mọc ở kẽ lá, từng cụm với từ 1-5 hoa nhỏ, màu trắng hoặc tím hồng. Quả dẹt, màu đen. Hạt dính với quả, hình bầu dục, thường có 2 hạt nhỏ, nom giống quả thận. Rau má mọc hoang khắp nước ta, nơi đất ẩm thấp, thu hái cả bốn mùa.
Rau má và bệnh thấp khớp
Dưới đây là bản dịch của ông Thương công Huân từ nguyên bản tiếng Anh của báo The Northern Stars trong quyển Arthitis and Paradoxical Pennywort (Bịnh thấp khớp và lá rau má) của ông Russ Maslen thuật lại việc một số người Úc đã tự chữa bệnh thấp khớp bằng loại thảo dược dân gian cổ truyền này
"Russ Maslen ở tại vùng Mullumbimby tin tưởng rằng ông đã tình cờ khám phá ra loại rau cỏ có thể chữa được chứng phong thấp của ông.
Nếu câu chuyện nhai mỗi ngày 2 lá rau má, một loại rau cỏ tầm thường mọc hoang dã khắp nơi trên đất Úc có thể làm giảm đau và chữa lành hàng ngàn bịnh nhân của chứng thấp khớp là sự thật thì đó là một chuyện hi hữu. Rau má còn có tên là Centella và thông thường người ta gọi nó là Swamp Pennywort.
Ðây là một loại rau bò sát mặt đất mọc hoang dã tại miền Bắc tiểu bang Queensland chạy dài tận tiểu bang Tây Úc ( Western Australia ) và kể cả tiểu bang hải đảo Tasmania nữa.
Ông Russ và bà vợ của ông đã được nổi danh vì là những người khởi xướng và thành lập công viên bảo tồn di sản thiên nhiên Brunswick Valley trên một đồng cỏ sỏi đá rộng 4 mẫu tây tọa lạc đối diện với ngôi nhà của ông bà ở Mullumbimby.
Khi khởi sự vào công tác thành lập, đã có khoảng 12 người tình nguyện phụ giúp. Nhưng con số này dần dà giảm thiểu, rồi vài năm sau đó chỉ còn lại võn vẹn có hai vợ chồng ông Russ và bà Beryl săn sóc công viên ấy mà thôi.
Chỉ có những cây cối bản xứ ở những địa phương như Tweed, Bruswick và thung lũng Richmond, khoảng 400 chủng loại, được phép trồng ở công viên này. Và nơi đây nghiễm nhiên đã trở thành địa phương bảo tồn thảo mộc, trong số đó có vài loại hiện nay được tìm thấy rất hiếm.
Vào tháng 7 năm 1989, một khách phương xa đến viếng công viên, thấy ông Russ đang nhổ cọng rau má bò sát mặt đất dưới bóng mát của một tàng cây lớn, bèn dừng lại nói chuyện với ông. Người đàn ông này đề cập huyên thuyên về chuyện ông Russ đã vô tình cắt bỏ đi loại cỏ dại mà theo ông ấy là "một thứ dược thảo quan trọng". Rồi sau đó diễn tả về hình dáng và đặc tính của loại rau này.
Ông nói tiếp: "Mỗi người chỉ cần nhai và nuốt hai lá rau má liên tục, chỉ hai lá chớ không phải một hoặc ba, thì trong một thời gian sau có thể chữa lành hoặc giảm bớt được bịnh thấp khớp". Ông Russ lúc đó không thấy hứng thú về dược thảo nên không màng để ý và chỉ ít lâu sau đã quên phứt câu chuyện mà người khách phương xa đã nói.
Một tháng sau, trong khi đang sửa soạn cho buổi ăn trưa, Beryl đã than là không còn có thể đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón tay được nữa. Các ngón tay đều đau nhức, đặc biệt là các ngón của bàn tay trái. Ông Russ bảo: " Những tiếng bực mình gắt gỏng luôn luôn xảy ra trong nhà bếp. Tôi đã bảo về việc người đàn ông nọ đã miêu tả về sự hữu dụng của cây rau má. Nhà tôi tin ngay và mỗi ngày đã nhai hai lá một cách thường xuyên như đã được chỉ dẫn. Ðến tháng 11 năm đó, Beryl đã đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón tay trở lại được như xưa, các ngón tay khác thì không còn bị quặp xuống và đau nhức nữa. Ðồng thời những tiếng bực mình không còn được nghe thấy xảy ra trong nhà bếp, chẳng hạn như những tiếng than đau nhức về các ngón tay".
Ðến tháng Tư năm sau, ông Russ đi khám bịnh đã được xét nghiệm thấy bị viêm khớp ở các đốt xương cổ, nên thường hay cảm thấy đau nhức. Ông cũng bắt đầu nhai hai lá rau má mỗi ngày để tự chữa như vợ ông. Chỉ ba tháng sau, các triệu chứng của bịnh viêm khớp không còn nữa.
Thấy rau má quả thật có hiệu nghiệm trong việc chữa trị một số các chứng bịnh thấp khớp, ông Russ cảm thấy phấn khởi nên đã bứng trồng vào các chậu nhỏ để tặng cho bà con và bạn bè bị cùng chứng bịnh như ông. Tiếng đồn lan xa. Sau đó rất nhiều người đến từ khắp nơi đổ xô về công viên này để hỏi han về cây Rau Má.
Ngoài ra ông cũng nhiệt tâm và cố gắng phổ biến cho những người đồng bịnh ở các tiểu bang khác về cách trị liệu đặc biệt này. Theo ông cho biết, đã có 15 bệnh nhân bịnh thấp khớp chỉ nhai hai lá rau má mỗi ngày, sau ba tháng, đã hoàn toàn bình phục hoặc thuyên giảm một cách rõ rệt gần như đã dứt hẳn. Mặc dầu cây Rau Má có công hiệu thực sự trong việc chữa trị bịnh thấp khớp, nhưng sự kiện này chưa được thử nghiệm và chứng minh bằng phương pháp khoa học. Nó cũng không gây được sự hứng thú để người ta làm một cuộc thử nghiệm như vậy. Ông Russ Maslen bảo rằng ông đã viết thư cho Phân Khoa Y Học của trường Ðại Học Monash ở Melbourne và Quỹ Giúp Ðỡ Bịnh Nhân Phong Thấp (Arthritis Foundation) tại Sydney nhằm cố gắng thuyết phục họ đưa vào chương trình nghiên cứu để chữa bịnh lâm sàn. Nhưng cho đến giờ phút này, ông không nhận được một sự phúc đáp nào. Ông buồn và bảo: " Tôi nói bằng sự thật, qua kinh nghiệm, rau má chữa được bịnh thấp khớp; nhưng tôi không có gì để chứng minh. Nếu nó không công hiệu thì tôi đã thành thật bảo nó không công hiệu rồi".
Ông tiếp: "Hiện thời tại nước Úc, đã có hơn một triệu sáu trăm ngàn bịnh nhân bị bịnh thấp khớp, và việc chữa trị bằng phương pháp này nếu được chấp thuận cũng góp phần đáng kể. Nhưng tôi đã đủ cay đắng mà nghĩ rằng, bởi vì Rau Má là một loại cỏ hoang dại, tầm thường và không mất tiền mua, nên không ai màng đến việc thử nghiệm nó. Theo tôi, nếu nó được thí nghiệm và được công nhận có công hiệu đàng hoàng thì người ta cũng có thể hái ra tiền trên loại rau cỏ hoang dại này".
Xin lưu ý: Mỗi ngày nhai hai lá rau má để trị bịnh thấp khớp là liều lượng trung bình. Không nên sử dụng quá liều trong một thời gian lâu dài vì nó có thể làm hạ huyết áp.
Một vài công dụng khác của rau má theo kinh nghiệm bản thân
Bạn laonongat-- người đã phổ biến tài liệu trên mà chúng tôi nhận đươc qua bạn TamZen--- có nhã ý chia sẻ với chúng ta một số thông tin và kinh nghiệm thực tế mà bạn ấy đã thu lươm đươc về rau má như sau
Rau má còn có tên là "Tích tuyết thảo", tên khoa học là Centella asiatica (vì mọc chủ yếu ở châu Á). Rau má có tánh sát khuẩn rất mạnh. Theo một số nghiên cứu của ngành dược tại Miền Nam trước năm 75, trong rau má có một dược chất tương tự như thuốc kháng sinh aureomycine. Trong các phương thuốc cổ truyền, người Việt dùng rau má để chữa các bệnh hủi (phong cùi), bệnh lao. Nước ép rau má uống lâu ngày có công năng làm mềm các tế bào gan đang bị chai cứng (xơ gan cổ trướng- cirrhosis). Người Pháp nghiên cứu cây rau má ở VN, chế ra một sản phẩm rất nổi tiếng có tên là Madecasol dùng trong giải phẫu thẩm mỹ, làm da mau lành và không để lại vết sẹo, giá bán rất mắc.
Kinh nghiệm bản thân: Năm 1983 trước khi ra tù, trại tù A30 cho tôi làm vườn hoa của trại (khoảng 4 tháng), ngày nào tôi cũng nhổ một nắm to rau má (trong khi làm cỏ cho vườn hoa), tối về, sau khi điểm danh, tôi đâm rau má trong một chiếc ca sắt, vắt lấy nước, pha chút đường đen, uống. Thấy người khoẻ ra rất nhiều. Ngày ra tù, khi đón xe từ Tuy Hòa về Saigon, không có chỗ ngồi, phải bám vào cửa xe đò đứng suốt đêm, từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau về tới Saigon mà không ngủ gục, rớt xuống đường. Bạn nào trước đây hay nhậu, gan có vấn đề xin dùng thử nước rau má nguyên chất, (xay bằng máy xay sinh tố) uống hằng ngày. Hy vọng không bị xơ gan. Thử xem. Không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang. Có người bảo "Uống nước rau má hại máu". Tui ở tù 8 năm, máu đâu còn nhiều, vậy mà uống nước rau má gần 4 tháng (đêm nào cũng uống) có sao đâu. Vài hàng chia xẻ với những ai tin.
Phân tích các công dụng của rau má
Trên đây chỉ là một khía cạnh nhỏ về lợi ích dươc học của rau má. Chúng tôi xin trích dẫn dưới đây một phẩn bài khảo luận về rau má của bác sĩ Nguyện Khắc Minh và dược sĩ Bùi Đình Nam (đăng trên Anh Dương) để quý vị tiện bề tham khảo thêm
Kinh nghiệm của Đông Phương :
Y học Dân Tộc Việt Nam cho đây là một loại thuốc mát, vị đắng, hơi ngọt, tính bình hòa, có tác dụng thanh nhiệt, thông tiểu, giải độc. Tổ tiên ta dùng rau má như sà lát hay nấu canh để ăn, làm nước giải khát để uống và làm thuốc chữa những bịnh thông thường:
- cảm cúm, sốt, khát nước, nhức đầu.
- viêm họng, cổ đau và sốt.
- đau bụng lưng khi hành kinh, lợi sữa cho sản phụ mới sanh.
- dùng khoảng 30-40 gam lá tươi, vò nát rồi vắt lấy nuớc uống
Dân Tích Lan (Sri Lanka) dùng gotu kola như một món rau ăn hàng ngày, để được khoẻ và trẻ lâu. Người Thái Lan thường uống một ly nước rau má sau khi ngủ trưa, để thấy tỉnh táo, hăng say làm việc tiếp.
Từ nhiều ngàn năm nay rau má là 1 môn thuốc hữu hiệu trong y học dân tộc của Ấn Độ và Trung Hoa.
Ayuverda Medicine, nền y học cổ truyền nổi tiếng của Ấn Độ, coi rau má là 1 loại cỏ làm cho tươi trẻ, trường thọ, tăng cường não bộ vì giúp cho dễ tập trung tư tưởng để ngồi Thiền, trí nhớ được bền lâu và đầu óc minh mẫn. Rau má còn được dùng để chữa các bịnh phong cùi, bịnh ngoài da, eczema
Trung Y thấy rau má có khả năng bổ gan ích thận, và coi đây là một loại thuốc quý, có thể giúp cho nhiều chứng bịnh kinh niên và thoái hóa như lao, cùi, hay phong thấp, thấp khớp. Hơn nữa, Trung Y thấy rau má có tác dụng như nhân sâm, có thể bồi bổ cho cơ thể suy nhược vì bịnh tật hay tuổi cao. Thần Nông Bản Thảo ghi rau má là 1 thuốc trường sinh. Rượu thuốc có rau má là một trong nhiều yếu tố đã giúp Li Ching Yun sống tới 254 năm (1677-1933). Ông đã được chính phủ Trung Hoa chúc thọ khi được 150, 200 tuổi và báo New York Time đăng tin ông mất vào năm 1933..
Kinh nghiệm của Tây Phương:
Đại Học Y khoa Maryland khảo cứu nhiều về rau má, và thấy
- rau má cho khá nhiều chất hữu ích khi được phân tách ra::
- khoáng chất như calcium, cobalt, selenium, manganese, phosphorus, zinc, sodium, potassium.
- amino-acid cần thiết như asparate, glutamade, serine, threonine, alanine, lysine, histidine
- vitamine như C, B1, B2, B6,
- và nhất lá các hóa chất hữu cơ thuộc loại triterpene và saponin. Có ba chất chính là bracoside A, bracoside B và asiaticoside. Bracoside A kích thích sự bài tiết nitric oxide của mô để làm dãn nở vi động mạch cùng mao quản, nên lượng máu di chuyển qua mô được nhiều hơn, chất độc dễ được đào thải, tế bào sống thoải mái trong 1 môi trường lành mạnh. Bracoside B ảnh hưởng tới não bộ, tăng cường các chất chuyển hóa (neurotransmitters) giúp cho tế bào óc làm việc tích cực hơn. Asiaticoside kích thích hệ reticuloendothelial nên sức miễn nhiểm của cơ thể. được mạnh hơn. Asiaticoside làm tan màng nến bọc quanh vi trùng lao và cùi để bảo vệ chúng, nên rất đắc lực trong việc điều trị hai bịnh này. Asiaticoside giúp tế bào da chống oxy hóa, phát triển mô liên kết, nên làm mạnh tế bào da, mô da căng trẻ, và giúp cho vết mổ vết loét mau lành,
- rau má.có tác dụng hữu ích cho bịnh dãn nở tĩnh mạch với những vết loét ở chân vì tuần hoàn trì trệ nên tế bào bị hủy hoại, và các bịnh áp huyết cao, ngoài da, nhức khớp, đau lưng. Nghiên cứu lâm sàng thấy rau má giúp cho được an thần, bớt lo âu, dễ tập trung tư tưởng và tăng trí nhớ. Với 1 số trẻ bi tật bẩm sinh đần độn, rau má đã làm tăng chỉ số thông minh. Rau má cón có thể giúp cho trẻ em bị bịnh khó tập trung ý chí (ADD: Attention Deficit Disorder). Khả năng của rau má giúp bịnh lãng trí (Alzheimer) đang được nghiên cứu ở nhiều nơi.
Vì tác dụng vào tuần hoàn và làm tế bào da vững mạnh, rau má được dùng làm kem bôi mặt ở Pháp để làm bớt những vết nhăn cho nét mặt được trẻ trung. Kinh nghiệm ở Úc thấy rau má giúp được nhiều những chứng đau đớn vì phong thấp và thấp khớp.
Tham luận:
Như vậy, ngoài những khoáng chất, vitamine, acit amin cần thiết, rau má mang lại cho chúng ta những dưọc chất có hai khả năng tuyệt vời cho cuộc sống, mà khoa học Tây phương mới khám phá ra:
- khả năng chống oxy hóa, phàn ứng này làm màng tế bào bị xâm chiếm bởi các gốc tự do, như 1 thỏi sắt bị han rỉ, khiến cho sức sống của tế bào bị giảm thiểu hay suy sụp, rồi dẫn cơ thể đến l tình trạng suy nhược, mắc bịnh thoái hóa hạy ung thư. Cũng giống như gấc, rau má làm cho tế bào được luôn luôn vững mạnh nên cơ thể được kiện khang. Kinh nghiệm nhiều ngàn năm của Trung Hoa và Ấn Độ, thấy rau má chống lão hóa, làm trẻ lâu, tăng tuổi thọ… là nhờ khả năng chặn đứng tác động tai hại của những gốc tự do này, khám phá ra từ 1956, mà môi trường sống mang lại cho cơ thể từng giây từng phút vì ô nhiễm, tâm tư dao động (stressful), do nội tâm (thất tình) hay ngoại cảnh (xã hội) gây ra.
- khả năng làm cho các mô tiết ra nitric oxide, chất này là một khám phá quan trọng nên giải thưởng Nobel về Y năm 1998 được trao cho ba giáo Sư Hoa Kỳ R Furchgott, L. Ignarro và F. Murad. Chính nhờ qua trung gian nitric oxide mà nitroglycerine mới chấm dứt ngay được những cơn đau tim, vì nitric oxide làm dãn nở vi động mạch, mao quản nên tim bơm máu ra cơ thể dễ dàng hơn, cần it oxy hơn, bên cung bên cầu không còn chênh lệch. Cũng vì bài tiết được nitric oxide mà đại di thực bào (macrophage), bạch huyết cầu có thể làm tê liệt vi trùng rồi tiêu diệt chúng. Và Viagra được nổi tiếng cũng do sự trung gian của nitric oxide này. Liên quan của nitric oxide tới sự khang kiên hay bịnh tật của cơ thể, về tinh thần hay vật chất, càng ngày càng được hiểu biết thêm.
Hai khả năng trên giúp tế bào được luôn luôn vững mạnh, sống trong 1 môi trừòng hoàn hảo, ít độc tố, nhiều oxy, sạch trùng… và là cơ sở cho những kinh nghiệm về trẻ lâu và trường thọ. Tế bào da là nơi bị tấn công nhiều nhất. nên những khả năng của rau má làm cho chóng lành những vết thương, vết loét, trị mụn mặt, giảm vết nhăn ở mặt… đều có thể hiểu được.. Hai khả năng trên cũng khiến cho rau má mang lại nhiều năng lực sống cho bịnh nhân trong tình trạng suy nhược, giống như 1 thần dược của Trung Y là nhân sâm. Đông Phương không phân tách để tìm hiểu như Tây Phương, nhưng thấy 1 đặc điểm là sau nhiều năm, rể của rau má nom giống hình người như củ sâm, nên rễ rau má có tên nữa là sâm Ấn Độ.
Với Việt Nam mình, rau má có hai chi tiết đáng ghi nhớ và tìm hiểu.
O
Vào thế kỷ 18, linh mục Bồ Đào Nha João de Loureiro, 1 y sỹ kiêm dược sỹ, sống ở miền Nam nhiều thập kỷ để nghiên cứu cây cỏ, đã cho rau má một danh từ khoa học là Centalla Trisenthus Cochinchinensis, vì Cochinchine là tên của nam bộ hồi đó. Cùng với gấc, rau má đã đi vào danh tư khoa học của Tây Phương với phần tên liên quan tới miền Nam của tổ quốc.
O
Vì có khá nhiều dược tính hữu ích, nên rau má còn được Tây phương gọi là "Pharmacy In One Herb", giống như sự săn sóc chu toàn về nhiều mặt của người Mẹ. Má là tiếng gọi Mẹ ở miền Nam. Không biết đây có phải là một sự trùng hợp thích thú, hay nhờ một linh tính, một viễn kiến nào đó mà tổ tiên ta dùng chữ má để gọi loại rau này. Mong được sự chỉ giáo của cao nhân về ngôn ngữ Việt.
Kết Luận:
Rau má là thức ăn bổ ích, và cũng là thứ thuốc để phòng bịnh hay chữa bịnh. Khả năng của rau má rất phong phú, với những tác dụng chính như sau
- Giải nhiệt và giảm thiểu những triệu chứng cảm cúm
- giúp cho tế bào được vững mạnh, trẻ trung, cơ thể kiện khang, cuộc đời trường thọ.
- làm cho não bộ tỉnh táo, dễ tập trung, tăng trí nhớ, rất cần cho tuổi trẻ học hành tiến bộ. Tên là gotu kola nhưng không có coca hay cafeine, nên không kích thích não bô như cà phê, để làm cho tỉnh táo đó nhưng thần kinh dễ căng thẳng..
- giúp điều trị bịnh ngoài da, các chứng đau đớn vì phong thấp hay thấp khớp, những vết loét kinh niên, vết thương hay vết mổ khó lành.
Nếu Hải Thượng Lãn Ông, Y Tổ của Việt Y, có một bài thơ tuyệt vời về dược học, mở đầu bằng hai câu:
Thuốc men sẵn ở khắp nơi,
Trong vườn, ngoài ruộng, trên đồi, dưới sông…
và Hippocrates, Y Tổ của Tây Y, dạy môn sinh hãy lấy thức ăn làm thuốc (Let Food Be Thy Medicine)…
thì rau má là một minh chứng cho hai lời dạy trên. Vừa là thức ăn bồi dưỡng cơ thể và phòng bịnh, vừa là thuốc với khá nhiều công năng hữu ích.
Hippocrates còn có một lời dạy khác: trước hết đừng làm hại bịnh nhân (Prima Non Nocere). Nhưng Tây dược ngày nay, dù được bào chế tinh vi theo khoa học hiện đại, và bị giám sát chặt chẽ bởi cơ quan FDA, vẫn mang lại nhiều phản ứng bên lề như đã được ghi chép đầy đủ trong cuốn PDR, và ở Hoa Kỳ mỗi năm có cả nhiều ngàn bệnh nhân thành nạn nhân. Trong khi đó, phản ứng phụ của rau má chỉ thấy ghi lại là ói mửa, nhức đầu nếu dùng nhiều, và lời khuyên cẩn thận tránh dùng ở sản phụ hay trẻ em mà ta thường thấy trong Tây dược.
Với những hiểu biết trên, chúng ta - bệnh nhận, dược sỹ hay y sỹ - có nhiều dịp để tìm hiểu và chứng nghiệm lâm sàng về rau má, một thực dược phẫm tuyệt vời mà thiên nhiên mang lại cho loài người. Rau má nên được dùng hàng ngày, trong đường hướng dưỡng sinh, phòng bệnh và chữa bệnh, như để tận hưởng lòng ưu ái và sự che chở của Đất Trời.
Đây là một lọai rau quen thuộc của quê hương, dáng dấp khiêm cung mọc sát mặt đất, nhưng không ngờ lại mang cho chúng ta nhiều dược chất trân quý để giúp tế bào trẻ lâu, cơ thể khang an và trường thọ, đầu óc tỉnh táo dễ tập trung, trí nhớ có nhiều để học hành đỗ đạt, hay thành công trong nghề nghiệp.
-------------------------------------------------
Tham khảo
1- Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc và Vị Thuốc Việt Nam. NXB Khoa Học Và Kỹ Thuật 1991
2- Antani JA, Kulkarni RD, Antani NJ. Effect of abana on ventricular function in ischemic heart disease. Jpn Heart
3. Nov 1990: 829-835. 3- Brinkhaus B, Linder M, Schuppan D, Hahn EG. Chemical, pharmacological and clinical profile of the East Asian medical plant Centella asiatica. Phytomed. 2000;7(5):427-448.
4- Shukla A, Rasik AM, Dhawan BN. Asiaticoside-induced elevation of antioxidant levels in healing wounds. Phytother Res. 1999;13(1):50-54.
5- http://www.umm.edu/a...icles/gotu-kola 000253.htm#Medicinal%20Uses%20and%20Indications
TNT
----- Forwarded Message -----
From: Hiep-Hong Tran
To:
Sent: Thursday, September 5, 2013 4:09:43 PM
Subject: Fwd: Công dụng của rau má.
--------------------------------------------------
--------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét