http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=338
» Hiện 1 bài viết liên quan trong Thư viện bài viết » Hiện một số bài thơ có cùng từ khoá ----------------------------------------------------------
Dịch Thơ và Thơ Dịch Thuần Lương Vũ văn Toàn Nước Việt Nam ta đã du nhập thi ca của một số quốc gia như Pháp, Anh,...nhưng nhiều nhất là Trung Hoa. Ngoài những bài cổ phong, một số thơ Đường đã được ông cha ta xưa ngâm vịnh trong những lúc nhàn đàm, trà dư tửu hậu. Riêng người Trung Hoa thì có thể nói không một thanh niên nam cũng như nữ đã học xong bậc trung học mà không biết đến bài thơ thất ngôn bát cú Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Tác giả bài thơ đậu tiến sĩ và làm quan đời Đường Huyền Tông thế kỷ thứ VIII. Lầu Hoàng Hạc không rõ xây dựng từ năm nào, hiện còn ở trên ghềnh đá Hoàng Hạc thuộc huyện Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc. Bài thơ được đề trên vách lầu. Tương truyền Phí Văn Vi, một tu sĩ đắc đạo thành tiên đã từ nơi đây cưỡi hạc vàng bay đi, do đó mà có cái tên là lầu Hoàng Hạc. Lý Bạch đã có lần du ngoạn đến nơi đây, đọc bài thơ, không tiếc lời khen ngợi và chỉ đề hai câu thơ ở dưới: Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc, Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu. (trước mắt có cảnh đẹp mà không nói lên được. Thôi Hiệu đã đề thơ trên kia rồi- ngụ ý: thơ hay quá rồi còn gì mà nói nữa) Người ta cũng kể rằng năm 1972 Tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc, được Mao Trạch Đông dẫn đi xem lầu Hoàng Hạc, và khi đứng trước cảnh đã ngâm bài Hoàng Hạc Lâu cho Mao sếnh sáng nghe. Âu cũng là mánh khoé của nhà ngoại giao không ngoài mục đích ve vãn. Qua câu chuyện này đủ biết người Trung Hoa trân trọng bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu biết là chừng nào. Nguyên tác: Hoàng Hạc Lâu Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, Bạch vân thiên tải không du du. Tình xuyên lình lịch Hán dương thụ, Phương thảo thê thê Anh vũ châu. Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Dịch nghĩa: Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi, Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc: Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không Lòng sông quang tạnh in rõ cây đất Đương Hán Cỏ xanh mướt ở bãi sông Anh Vũ, Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu ? Khói sóng trên sông khiến ai buồn sầu. Chú thích: Hán Dương là một địa danh Châu = cồn, bãi sông. Bãi sông này có tên là Anh Vũ. Anh Vũ = ta quen gọi là con vẹt (perroquet, parrot) Bài dịch I Hoàng Hạc Lâu Người đi cưỡi hạc từ xưa, Đất này Hoàng Hạc còn lưa một lần. Hạc vàng đi mất từ lâu, Ngàn năm mây trắng một mầu mênh mông. Hán Dương cây bóng lòng sông, Bãi kia Anh Vũ, cỏ trông xanh rì. Chiều hôm lai láng lòng quê, Khói lan sóng vỗ, ủ ê nỗi sầu. Trần Trọng Kim Theo ý người viết bài này thì dịch giả nên chú tâm đến hai câu thực, gói ghém cái ý đối chiếu "nhất khứ" và "thiên tải", hay nói cách khác cái "khoảnh khắc" đối với cái "miên trường". Người đời, việc đời nói chung thì cái gì cũng mòn mỏi, cũng qua đi, cũng xoá nhoà (Tout lasse, tout passe, tout s'efface). "Yên" dịch là khói nhưng đừng hiểu như trong câu "Không có lửa sao có khói". Đây chỉ là hơi nước bốc lên. Từ "yên ba" thường gợi cái ý cô tịch. "Lửa", tiếng cổ ít còn dùng, có nghiã như lưu lại. Dưới đây cũng là một bài thơ dịch khác theo thể lục bát: Bài dịch II Lầu Hoàng hạc Người xưa cưỡi hạc bay đi, Trơ lầu Hoàng Hạc còn gì nữa đâu! Một đi hạc chẳng quay đầu, Ngàn năm mây trắng một màu phiêu diêu. Hán Dương cây cối mỹ miều, Bãi xa Anh Vũ, bóng chiều cỏ xanh. Hoàng hôn đâu bóng quê mình ? Khói lan sóng nước, buồn tênh ai người ? Văn Toàn Làm sao cắt nghiã được lời thơ ? Một câu hỏi được đặt ra: "Bài Hoàng hạc lâu vì sao được ca tụng và lưu truyền ?" Cái gì thì cũng có cái lý của nó. Bạch Cư Dị, một nhà thơ cự phách đời Đường đã từng nói: "văn viết phải hợp với mỗi thời đại, thi ca phải sát với đề tài"- nói cách khác là văn chương nói chung phải hiện thực (réel, concret). Thử xét xem bài Hoàng Hạc Lâu có những điểm chính yếu này không ? Cái chuyện người xưa đắc đạo cưỡi hạc về trời khỏi cần phải chứng minh vì muôn ngàn năm sau vẫn chỉ là truyền thuyết (une légende). Cái hiện ra trước mắt vẫn là lầu Hoàng Hạc. Mộng và thực quấn quít lấy nhaụ Thần thoại với vết tích gắn liền với nhau. Hạc vàng bay đi không hề trở lại trong khi đó mây trắng vẫn nổi trôi trên bầu trời trước như sau đâu khác. Bối cảnh cho chủ đề đầy màu sắc, đường nét, mây trắng bay, dòng sông lung linh, bóng cây trên bờ in rõ nét, cỏ xanh mướt một màu, có thể nói đường nét và màu sắc hoà điệu (s'harmoniser) bao quát cả trời cao đất thấp. Cũng nên nói thêm thời gian lặng lẽ trôi, thoáng một cái trời đã trở về chiều - nhật mộ - mà xưa nay cái cảnh chiều tà vẫn thường gieo vào lòng người một nỗi buồn xa vắng nhất là với kẻ tha hương. Tiện đây xin chép thêm mấy bài thơ dịch khác gọi là "đông có mây, tây có sao". Bài dịch III Hoàng Hạc Lâu Người xưa cưỡi hạc biết đi đâu? Hoàng hạc trơ đây một mái lầu. Biền biệt hạc vàng không trở lại, Phiêu diêu mây trắng vẫn trên đầu. Sông quang rõ nét Dương Hán thụ. Cỏ mướt xanh màu Anh Vũ châu. Quê cũ chiều tà đâu chẳng thấy. Trên sông khói sóng khiến ai sầu. Văn Toàn Bài dịch IV Lầu Hoàng hạc Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ? Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ. Hạc vàng đi mất từ xưa, Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. Hán Dương sông tạnh cây bày, Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non. Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng aỉ. Tản Đà Bài dịch V Lầu Hoàng hạc Người xưa cưỡi hạc đã lên mây, Lầu hạc còn suông với chốn này. Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay. Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày. Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ? Đầy sông khói sóng gợi niềm tây! Ngô Tất Tố Các cụ Trần Trọng Kim, Tản Đà, Ngô Tất Tố đều là những bậc thâm nho, lại sính dịch thơ Đường. Mình, hậu bối, cũng thử dịch chơi, mon men lên chiếu các cụ cũng là một ngạo mạn nhỉ ? Để kết luận, người viết nghĩ rằng mỗi bài thơ dịch có cái hay, cái khéo riêng. Đọc nguyên tác của Thôi Hiệu người viết cho rằng cái điều khiến mãi mãi về sau cảm động lòng người là cái ý rất mơ hồ, bàng bạc là "thiên vẫn trường, địa vẫn cửu" mà chỉ con người, việc người xuất hiện trong khoảnh khắc rồi mất bóng thật đáng buồn. Kẻ tu hành đắc đạo lên tiên. Sao ta cứ lẩn quẩn với cuộc sống, cơ khổ với công danh sự nghiệp, quấn quít với vợ con, khổ lụy vì thương nhà nhớ nước ? Nhưng thử hỏi đã mấy người tu dắc đạo hay chỉ có bề ngoài mà lòng trí vẫn ấn vương, vương vấn sự đời nhỉ ? Nguồn: http://thivien.maihoatran...hp?p=thamkhao&tkid=12 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét