Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Kho vàng của thượng tướng cộng sản Chu Văn Tấn


Kho vàng của thượng tướng cộng sản Chu Văn Tấn
Tác giả: Võ Đại Tôn
Trại tù Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại ô Hà Nội, cũng như trại tù Hỏa Lò ở Hà Nội, là những trại giam hình sự, nhưng có một số phòng đặc biệt để giam cầm những phần tử mà chế độ cộng sản gọi là “phản động, chống đối cách mạng”. Tại trại tù Hỏa Lò, trong thời gian chiến tranh, các phi công Hoa Kỳ (trong đó có đương kim Thượng Nghị Sĩ Mc.Cain) bị bắt giữ, giam cầm. Các tù nhân chiến tranh Hoa Kỳ này thường gọi mỉa mai đó là “Khách sạn Hilton”.
 (Cổng trại tù Thanh Liệt (bí số B-14) ngoại ô Hà Nội – hình do một người bạn Mỹ tặng tác giả năm 1993 tại Hoa Thịnh Đốn, với câu nói: “Chúng tôi biết sau cổng trại tù này, Ông đã bị biệt giam hơn 10 năm…”. Hình nhỏ bên trái: – Hình chụp tác giả tại tư gia ở Sydney khi ở tù về, 1992, sau 10 năm 1 tháng 17 ngày bị biệt giam ở trại tù Thanh Liệt).

Suốt hơn 10 năm bị giam tại trại tù Thanh Liệt, phòng số 8 – Khu D -, tôi không được ra ngoài đi lao động, không được liên lạc với gia đình, chỉ thường xuyên bị “làm việc” với các cán bộ quản giáo, hoặc thẩm vấn viên từ Bộ Nội Vụ. Những năm tháng sau cùng thì tôi dường như bị “bỏ quên”, không ai hỏi tới, đặc biệt là sau ngày họp báo Quốc Tế năm 1982 mà tôi đã “phản phé” làm cho chế độ Hà Nội phải mất mặt trước các ký giả ngoại quốc. Vì sống cô đơn trong cảnh biệt giam, thiếu dinh dưỡng và các vết thương bị tra tấn còn hằn sâu trên thân xác ngày càng kiệt quệ, tôi phải vận dụng trí óc để quyết tâm tồn tại, nhất là không bị điên loạn.
 Viết đến đây, tôi nhớ lại những chuyến qua Hoa Kỳ công tác, sau khi ở tù về từ đầu năm 1992 đến nay, tôi có dịp gặp lại một số bạn cựu quân nhân Mỹ đã từng bị Hà Nội giam cầm ở Hỏa Lò, tuy chỉ có vài năm, nhưng dường như hầu hết đều bị bệnh tâm thần, gia đình ly tán. Tôi cũng có đọc một bản nghiên cứu của cơ quan STARTTS về tù nhân chính trị dưới các chế độ cộng sản, tổng kết là tất cả tù nhân chính trị nào bị biệt giam từ 5 năm trởl ên đều mắc phải bệnh tâm thần, trầm uất vô thức, có lúc bi quan đến tận cùng tuyệt vọng, có lúc nóng giận bất chợt. Những ai chưa hề trải qua một ngày cận kề với cái chết ngoài mặt trận trong chiến tranh, chưa hề một ngày bị cộng sản biệt giam đày đọa tinh thần và thể xác, không bao giờ hiểu được, không cảm thông chia sẻ, chỉ biết đem cái “bình thường” để phê bình trách cứ cái “bất thường vô thức” của người tù chính trị đang cố đấu tranh nội tâm ngày đêm để tồn tại và tiếp tục chiến đấu. Thay vì nâng đỡ, cảm thông, thì lại lạnh lùng phán xét, hạ nhục bằng lời phỉ báng những người đã trở về từ địa ngục đang cố gắng đồng hành vì Tự Do cho quê hương.
 Trở lại với gần 4.000 ngày đêm bị tù biệt giam, tôi đã tận dụng tối đa sức con người để sống còn qua từng hơi thở, “tiếp xúc” với gia đình qua trí tưởng tượng, “tâm sự” với muỗi rệp cho bớt nỗi cô đơn trong mấy nghìn đêm đáy vực. Tôi luyện ôn lại ngoại ngữ, nhớ rõ từng câu thơ, từng đoạn văn, đã “viết” bằng trí nhớ, và bất cứ những gì xảy ra trong nhà tù mà tôi biết được, không bao giờtôi quên. Tôi vẫn còn nhớ rõ những cái chết khốn cùng đau thương của các người bạn là Nguyễn Kim Thúy (Giám Đốc Nha Kế Hoạch, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH) ở phòng số 7 bên cạnh, của Tiến Sĩ Tô Cẩm Sơn ở Pháp về… (tôi đã kể lại trong hồi ký lao tù “Tắm Máu Đen”). Và luôn cả nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, qua trao đổi lén lút giữa hai phòng giam, số 8 và số 7. Có ba lần tôi được sống chung với một vài bạn tù khác, trong một thời gian ngắn, vì tù nhân chuyển về trại quá đông mà thiếu buồng giam. Có cựu Trung Tá Cảnh Sát Trần Văn Xoàn, từ trại Nam Hà chuyển về, được đưa vào tạm sống chung với tôi khoảng một tuần, rồi chuyển đi nơi khác. (Bạn Trần Văn Xoàn sau này qua Mỹ theo diện H.O. và đã qua đời tại Nam Cali. Tôi đã có dịp gặp lại ông bạn Xoàn trong những lần tôi qua Hoa Kỳ công tác đấu tranh). Một lần khác là với hai tù nhân hình sự, khoảng hai ngày đêm, cũng chẳng nói gì với nhau, mạnh ai nấy sống. Nhưng có một lần đặc biệt tôi được sống chung với một người tù đặc biệt gần hai tuần lễ, trong một dịp Tết, vào năm 1988, sau khi tôi đã ở tù hơn bảy năm. Từ đó, câu chuyện “Kho vàng của Thượng Tướng Việt Cộng Chu Văn Tấn” mà tôi vẫn còn nhớ rõ, được kể lại hôm nay, không kèm theo lời bình luận.
 Chiều 30 Tết năm 1988, tôi đang nằm trong xà lim biệt giam, không còn muốn nhớ đến hương vị của những ngày Tết xa xưa với gia đình và những người thân yêu, sợ rằng hồi tưởng ký ức sẽ làm kiệt quệ thêm tinh thần trong tận cùng cô đơn. Vẳng nghe những tiếng ồn ào của đám tù nhân hình sự từ các khu khác vọng về, tiếng quát tháo của đám cán bộ quản giáo và bảo vệ. Lại có tiếng mở cửa sắt các buồng giam. Chợt, có mấy cán bộ mở cửa phòng giam của tôi và đưa vào một người tù, ra lệnh cho tôi dọn dẹp phòng vì có người đến ở chung, tạm thời trong dịp Tết. Tôi chẳng có gì gọi là “tài sản” riêng tư để mà dọn dẹp, vội ngồi lên, dựa lưng vào vách tường, thản nhiên nhìn người “bạn tù” mới vào. (Suốt hơn 10 năm trong tù, tôi chỉ được phát cho hai bộ áo quần tù, một cái áo bông đã rách để mặc mùa đông, và một cái bô nhựa vệ sinh, chẳng có gì hơn. Những năm cuối đời tù hơn 10 năm, áo quần đã rách, nhiều lúc tôi khỏa thân, “một trăm phần trăm em ơi”, và từng bịbà cán bộy tá mắng là “kém văn hóa” mỗi khi thấy tôi “bày hàng sexy”, nằm trần trụi trên giường. Tù nhân chúng tôi chẳng biết đâu mà mò, áo quần rách nát, xin cấp phát bộ khác thì không cho, lại còn bị mắng là “kém văn hóa, bêu xấu chế độ”!). Khi cán bộ khóa cửa và bỏ đi, tôi quan sát người tù mới vào, đấy là một ông già gầy gò, mặt sạm đen, mang theo một túi xách bằng vải, tù nhân thường gọi là “nội vụ”, có nghĩa là vật dụng riêng và áo quần được phép mang theo. Chợt ông ta mỉm cười chào tôi và nói với giọng “Bắc Kỳ” đặc sệt, khàn khàn:
- “Thế là chúng ta được trực diện với nhau rồi. Tôi ở buồng bên cạnh từ mấy tháng qua, có vài lần nói chuyện với ông vào đêm khuya, nhưng chưa gặp mặt. Buồng của tôi hôm nay có mấy tên hình sự bị bắt vào dịp Tết, dồn vào đấy, cho nên tôi bị tống qua bên này sống tạm với ông đấy. Thế cũng vui. Sống với bọn hình sự ngán lắm. Tôi biết ông là “Z” mà, có thoáng thấy ông mấy lần khi ra lấy cơm.
 (Ghi chú: tù nhân ngoài Bắc thường gọi “tù ngụy quân ngụy quyền” là diện “Z”, chẳng hiểu vì sao, cũng như bộ đội cộng sản xâm nhập vào miền Nam trong chiến tranh thì được gọi là “đi “B”).
 Qua một vài lần lén nói chuyện với nhau trước đấy vào ban đêm, tôi cứ nghĩ ông ta còn trẻ, ai ngờ lại là một ông già, khô như một gốc tre rừng. Tôi cười:
- “Có phải ông bạn là “Ông Liên Khu Việt Bắc” không?” (Đấy là tên tôi đặt ra cho ông ta sau vài lần lén chuyện với nhau, mấy tháng trước đó).
 Ông ta vừa tháo túí vải ra vừa nói nhỏ:
- “Đúng đấy, từ từ rồi chúng ta nói chuyện sau. Lại đến Tết rồi, tôi biết là ông không có tiếp tế. Tôi có ít quà và thuốc lào đây. Cùng khò vài bi với nhau cho ấm đã”.
Ông ta lôi điếu cày ra, lấy thuốc và mời tôi. Lâu rồi không được rít thuốc lào, tôi hút liên tục hai hơi, bụng đói, ho sặc sụa, và tê cả người, gần như đứng thở, xây xẩm mặt mày.
 Trong tuần lễ đầu tiên sống chung với nhau, chúng tôi chỉ nói chuyện tầm phào, chuyện gia đình, phong tục tập quán, chuyện đời tù. Tôi thận trọng nhận xét, qua lời nói và cử chỉ, trình độ, ông ta rất thành thật, mộc mạc, không có dấu hiệu gì tìm hiểu nhiều về tôi, không soi mói dò la. Đặc biệt ông ta rất tốt bụng, chia cho tôi quà bánh và thuốc lào trong những ngày Tết với nhau, coi tôi như là người thân trong gia đình, cùng chung khổ nạn.
Tên ông ta là Chu Văn Neo, người bộ tộc Nùng ở Lạng Sơn, thuộc Liên Khu Việt Bắc. Cấp bậc Thượng Tá bộ đội. Trình độ học vấn cấp tiểu học nhưng tỏ ra rất từng trải chuyện đời. Đôi khi chúng tôi nói chuyện chen lẫn tiếng Việt với tiếng Quảng Đông, khi ông ta biết tôi cũng nói được một ít ngôn ngữ này. Đặc biệt, khi tôi cho biết có thời gian tôi từng phục vụ chung với anh em biệt kích người Nùng ở miền Nam, huấn luyện về Tâm Lý Chiến cho các toán nhảy ra Bắc công tác mật trong thời gian chiến tranh, và tôi có bí danh Nùng là Wòng-A-Lình, thì ông ta cầm tay tôi, nói rất chân tình:
- “Như vậy là chúng ta có duyên với nhau. Không ngờ lại gặp nhau trong hoàn cảnh này, sống chết chưa biết ngày nào, coi nhau như anh em vậy, đừng hại nhau là tốt rồi”.
 Ông ta cho biết họ Wòng thuộc một bộ tộc Nùng rất lớn ở Lai Châu, và vợ ông ta cũng thuộc bộ tộc này. (Ở miền Nam có đơn vị Nùng Wòng-A-Sáng). Từ đó, chúng tôi thường tỉ tê tâm sự với nhau nhiều chuyện trong đời rất vui. Ông ta có vợ và ba con, đều là con gái, ở Lạng Sơn, thỉnh thoảng gửi quà tiếp tế cho ông ta qua các trại tù. Ông bạn tù này của tôi cho biết là bị bắt từ năm 1979, đã ở tù gần 10 năm rồi, qua nhiều trại ở Cao Bằng, Hoàng Liên Sơn, Bắc Cạn, Hà Nội, và nhiều lần bị chuyển về trại Thanh Liệt này. Chưa biết ngày nào được thả, không có án lệnh gì cả. Khi kể chuyện về vợ con, có một chi tiết vui vui làm tôi cười thầm và vẫn còn nhớ đến hôm nay. Ông ta tâm sự là người vợ lớn hơn ông ta bốn tuổi, tuy đã có ba con với nhau, nhưng mấy chục năm qua chung sống, ông ta chưa hề nhìn thấy “mật khu” của vợ mình. Vì lẽ, đời sống bộ đội ít khi ở nhà, thỉnh thoảng gặp nhau thì lại sinh con, tắm suối cũng mặc váy, “gần” nhau thì chỉ lén lút vào ban đêm trên nhà sàn chung đụng nhiều người trong gia đình anh em bà con với nhau. Ông ta tặc lưỡi:
- “Thây kệ, có con là được rồi! Thế nào cũng xong”.
 Nằm nghe ông ta kể chuyện giữa đêm khuya trong tù, tôi cười thầm: “Tắt đèn, nhà tranh cũng như nhà ngói (Tắt đèn – Ngô Tất Tố), chị Năm cũng như chị Mười”.
 oOo
 Đã hết Tết rồi mà chúng tôi vẫn còn được sống chung với nhau, cũng vui và bớt cô đơn. Chưa biết ngày nào sẽ xa nhau. Một đêm, khi kể chuyện về Khu Tự Trị Việt Bắc, tôi hỏi ông ta:
- “Ông có bà con gì với Tướng Chu Văn Tấn không?”
 Ông ta cho biết là cháu họ, gọi Tướng Chu Văn Tấn bằng Ông Chú, đồng thời cũng là Ông Thầy. Trong bộ tộc Nùng, ông Tướng Tấn còn được gọi là Ông Châu, Ông Quan. Tôi lại hỏi:
- “Có phải bí danh của ông Tướng Tấn là Quan Trung không?”
- “Ông hay đấy, sao ông biết rõ vậy?”
- “Có lẽ chúng ta sẽ chết trong tù cho nên tôi cũng chẳng muốn giấu gì ông. Ở miền Nam, khi chúng tôi thả toán biệt kích Nùng ra các khu Việt Bắc của các ông thì cơ quan Tình Báo Việt-Mỹ hỗn hợp thường cấp cho giấy đi đường, phép của Thượng Tướng Quan Trung. Giấy phép giả nhưng trông như thật, đấy là “nhà nghề” tình báo mà. Nhưng tôi muốn hỏi riêng ông, tại sao bí danh Quan Trung, chữ Quan không có “g” ?
- “À, Quan Trung không phải giống như bí danh Quang Trung của Ông Vua Nguyễn Huệ đâu. Đấy là bí danh do “Ông Hồ” đặt cho Ông Thầy của chúng tôi. Ông Quan, Ông Châu là tên gọi của Thủ Trưởng Bộ Tộc, Quan Trung có nghĩa là Ông Quan, Ông Châu trung với Đảng, hiếu với Dân đấy! Ông Thầy của chúng tôi còn có bí danh khác là Năm Hồng”.
Ông ta lại cho biết thêm đa số người bộ tộc Nùng ở vùng Việt Bắc, giáp giới với Trung Cộng, chỉ học đến cấp tiểu học là cao nhất. Sau đó, tùy theo nhu cầu công tác, sẽ được học bổ túc văn hóa. Tướng Chu Văn Tấn cũng chỉ học đến tiểu học, trước kháng chiến 1945, đi lính cho Pháp, chuyên vềdu kích miền núi. Người Nùng nói thông thạo cả hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Quảng Đông. Có một chi tiết mà tôi thường lưu ý riêng là trong suốt thời gian sống chung với nhau, trong mọi câu chuyện khi đề cập đến Hồ Chí Minh thì ông ta không gọi là “Cụ Hồ” hay “Bác Hồ” như những đảng viên cộng sản hoặc người dân khác, mà chỉ gọi là “Ông Hồ”. Có lẽ với tinh thần bộ tộc tự trị, với tính tình mộc mạc hoang sơ như núi rừng, với sự phục tùng riêng tư nào đó, đối với ông ta thì Tướng Chu Văn Tấn – Ông Thầy – là cao cả nhất.
Những ngày đêm còn lại, ông bạn tù Chu Văn Neo lại tỉ tê kể thêm cho tôi nghe về chuyện tù, về cuộc đời và kho vàng của Thượng Tướng Chu Văn Tấn, như là một tiết lộ bí mật, không hề quan tâm gì đến hậu quả khi nói ra. Tôi nhớ lại, sắp xếp câu chuyện mạch lạc trước sau, không thêm một lời bình luận nào cả. Từ khi ra khỏi ngục tù Thanh Liệt đến nay, tôi không có dịp và cũng không có thì giờ để quan tâm tìm hiểu thêm tài liệu về sự kiện này.
Sau đây là chuyện kể, lời của người bạn tù trong dịp Tết 1988 tại trại giam Thanh Liệt:
… “Tôi đã bị bắt giam gần 10 năm nay rồi, kể từ năm 1979 đến nay (1988), bị chuyển trại nhiều lần, nhiều nơi. Tôi tin rằng tôi sẽ bị chết trong tù, sẽ bị thủ tiêu, như Ông Thầy của tôi, cho nên tôi chẳng ngại gì mà không nói qua cho ông biết. Tôi cũng không sợ ông sẽ báo cáo lại với các “cấp Trên” vì học ũng sẽ  không khai thác được gì thêm. Những gì tôi biết thì tôi sẽ mang theo khi chết. Còn vợ con tôi thì tôi không muốn nghĩ đến nữa, họ sống với núi rừng quen rồi, có tôi hay không còn tôi thì cũng chẳng sao. Riêng đối với ông, tuy mới quen nhau, được chung sống với nhau chưa biết ngày nào sẽ cách ly, nhưng tôi cũng đã nghe nói về ông rồi. Ông từnước ngoài về đây, ông ra họp báo chống lại cộng sản. Tôi trọng ông về điều đó, mặc dù tôi cũng là đảng viên cộng sản, nhưng tôi theo đảng là vì tôi theo Ông Thầy của tôi. Bây giờ thì Ông Thầy của tôi đã chết rồi, tôi chẳng còn có gì phải lo nữa. Già yếu, tù tội không án lệnh, trước sau gì cũng chết ở đây thôi… Ông Thầy của tôi được phong quân hàm Thượng Tướng đầu tiên, lúc chưa tới 50 tuổi, từng làm BộTrưởng Quốc Phòng, làm Phó Chủ Tịch Quốc Hội. Chỉ có núi rừng Việt Bắc của chúng tôi mới sinh ra được một Ông Thầy vĩ đại như vậy. Ngay chính giặc Pháp cũng phải nể trọng gọi Ông Thầy là “Hùm xám Bắc Sơn” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp kia mà. (Tôi lưu ý mỗi lần nói về Tướng Chu Văn Tấn thì ông bạn tù của tôi dường như có kèm theo một vài tiếng nấc, tiếng khóc uất ức nào đó). Khi “Ông Hồ” làm việc ở Pắc Pó thì chính Ông Thầy của chúng tôi lo việc bảo vệ an ninh, và “Ông Hồ” lúc nào cũng tin cẩn Ông Thầy, một trong số ít đồng chí được “Ông Hồ” quý yêu nhất. Ông Thầy của chúng tôi cũng là Uỷ Viên Trung Ương Đảng đấy…
Ông còn nhớ không, vào năm 1945, 1946 gì đó, có Tuần Lễ Vàng khắp cả nước, kêu gọi nhân dân đóng góp vàng để làm phương tiện chi tiêu đánh giặc Pháp, giặc Nhật. Tôi nghe nói đã quyên góp được hơn 400 ký vàng đủ loại, và nhiều thứ đồ trang sức khác, cũng như mấy chục triệu tiền Đông Dương thời đó. Sau đó, “Ông Hồ” lệnh cho Ông Thầy chúng tôi chuyển tải khoảng hơn 200 ký vàng và mấy triệu đồng qua Tàu để cầu xin ủng hộ  việc đánh Pháp, giành độc lập. Chính tôi cũng được đi theo các đoàn chuyển tải vàng này. Nhưng Ông Thầy ra lệnh là chỉ chuyển đi khoảng 100 ký thôi, số còn lại thì chôn cất tại nhiều nơi ở Lạng Sơn, Cao Bằng, sẽ sử dụng riêng cho khu Tự Trị Việt Bắc sau này. Thời bấy giờ mà có được số vàng như vậy là lớn lắm đấy. Chúng tôi chỉ biết theo lệnh của Ông Thầy, không thắc mắc, không báo cáo với ai cả. Tôi được biết những nơi chôn cất vàng ấy nhưng đến chết cũng không khai báo. Có một vài anh em chúng tôi cũng được biết, nhưng họ cũng như tôi, không bao giờ tiết lộ, tôi tin điều đó, nhất là khi Ông Thầy của chúng tôi đã bị thủ tiêu…
Chúng tôi không bao giờ phản lại Ông Thầy. Chết thì thôi, sá gì…
Sau khi “Ông Hồ” chết, thì ông Lê Duẩn, không biết tìm hiểu tin tức ở đâu, cứ cật vấn Ông Thầy chúng tôi về các kho vàng bí mật tại vùng Việt Bắc. Nhưng cũng chẳng khai thác được gì. Có nhiều lần Ông Thầy bị gọi về Hà Nội “làm việc”, có tôi tháp tùng, bị hăm dọa đủ điều nhưng chúng tôi không hề hé môi. Đến năm 1979, chuyện chiến tranh biên giới Việt-Trung lại xảy ra, nhất là tại các vùng Cao Bằng, Lạng Sơn. Quân ta bị đánh tơi bời, riêng bộ tộc Nùng của chúng tôi thì rút sâu vào rừng cho nên không bị thiệt hại nhiều. Lại có tin đồn là Ông Thầy và chúng tôi có mật ước gì đó với Trung Quốc, muốn vùng lên lập khu tự trị riêng cho người Nùng chúng tôi và Ông Thầy sẽ làm thủ lãnh biệt lập. Ông Lê Duẩn lại nghi ngờ thêm, tước hết binh quyền và chức vụ của Ông Thầy, bắt về Hà Nội giam lỏng. Chúng tôi bơ vơ từ đó… Và tôi cũng bị bắt giam luôn, bị cách ly. Tôi bị tra khảo suốt mấy năm trời, âm mưu gián điệp với Trung Quốc thì chẳng có, còn bí mật chôn cất vàng thì tôi không khai báo. Tôi đã nói với ông rồi, có chết cũng không nói mà. Sau này thì họ cứ giam lỏng tôi, thỉnh thoảng cho gia đình tiếp tế quà, không có án lệnh, không biết bao giờ được thả ra. Tôi tin là sẽ bị chết luôn trong tù. Đến năm 1984 thì tôi được tin các bạn tù cho biết là Ông Thầy của tôi đã chết ở Hà Nội, chết trong tù, nghe nói là bị bóp cổ, thủ tiêu, sau khi họ không khai thác được tin tức gì về kho vàng. Họ cho chôn Ông Thầy ở Văn Điển, có nói ra thì ông cũng chẳng biết Văn Điển ở đâu. Và sau đó thì cho cải táng về Thái Nguyên, quê hương của Ông Thầy chúng tôi. Đối với tôi, đấy là một cái tang lớn, tôi có lời thề là sống chết gì cũng theo Ông Thầy… Rồi đến năm 1986 thì ông Lê Duẩn chết. Bây giờ là năm 1988 rồi, tôi cũng chẳng biết ra sao… Tôi tiếc là chúng ta không được gặp nhau ngoài đời, gặp nhau ở Việt Bắc, vì với tánh khí của ông, mặc dù mới trực diện nhau, nhưng tôi tin là chúng ta có thể cộng tác nhiều việc. Biết đâu, với thân tình, tôi sẽcho ông biết thêm về kho vàng của chúng tôi, kho vàng của Ông Thầy…
Thôi, chúng ta cố ngủ đi, rồi mai sẽ nói chuyện tiếp… Mấy con gà ở bên kia vách tường huyện Thanh Trì sắp gáy sáng rồi đấy… “.
Câu chuyện còn đang gay cấn, tôi tò mò muốn biết thêm nhiều điều bí mật làm tư liệu hi hữu trong đời, mỗi đêm được nghe kể chuyện là một điều thích thú, quên cả đời tù. Biết đâu nếu sau này còn sống, ra khỏi tù, tôi sẽ có dịp tìm tòi thêm tài liệu, tôi đã nghĩ như vậy trong thời gian chung sống với bạn tù Chu Văn Neo.
Nhưng vào một buổi sáng, khi chưa có tiếng kẻng sớm trong trại tù, cán bộ quản giáo và bảo vệ mở cửa phòng giam của tôi và ra lệnh cho ông bạn tù di chuyển. Ông ta xin phép cán bộ để lại cho tôi mấy cái bánh đậu xanh, một ít thuốc lào với giấy vấn và diêm để hút. Rồi, ông ta liếc nhìn tôi, lách mình qua khung cửa sắt, cúi đầu đi theo cán bộ, không nói một lời. Tổng cọng chúng tôi được sống chung với nhau khoảng hai tuần lễ.
Tôi viết lại câu chuyện kể trong tù nhân dịp Tết 1988, đến nay đã 25 năm trôi qua, có lẽ ông bạn tù của tôi đã chết rồi, mang theo bí mật về kho vàng của Thượng Tướng Chu Văn Tấn vào cõi Vô Cùng nào đó… “Hồn ở đâu bây giờ?”…

Võ Đại Tôn
Chuyện kể trong tù nhân một dịp Tết Hải ngoại, cuối năm 2013

http://hung-viet.org/blog1/2014/01/30/kho-vang-cua-thuong-tuong-cong-san-chu-van-tan/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét