Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

BÙI VĂN PHÚ – “ĐỪNG ĐỐT” CHIẾU Ở BERKELEY


BÙI VĂN PHÚ – “ĐỪNG ĐỐT” CHIẾU Ở BERKELEY

08/02/2010 | 12:37 chiều | 1 phản hồi
Tác giả: Bùi Văn Phú
“Đến với em”: một thoáng mơ mộng qua nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm
Năm năm trước, cuốn nhật kí [1] của một nữ bác sĩ Quân đội Nhân dân trong thời chiến tranh Việt Nam đã tạo dư luận, nhất là ở Việt Nam. Chỉ vì người ghi lại những dòng nhật kí đó đã hi sinh trên chiến trường ở Quảng Ngãi, còn số phận cuốn nhật kí lại theo một người lính Mỹ phiêu bạt đến Hoa Kỳ, để rồi 35 năm sau người lính Mỹ cất giữ quyển nhật kí mới tìm được người thân của tác giả để cho gia đình biết rằng trước khi hi sinh cô đã để lại cho đời những tâm tư thầm kín nhất.
Người viết nhật kí là bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tình nguyện đi B năm 1968, hi sinh tại chiến trường ngày 22.06.1970 khi đời còn non trẻ. Những dòng nhật kí là những khao khát tình yêu nhưng không được đáp lại, là những thời khắc giáp mặt với vết thương, với sinh tử gây ra do bởi chiến tranh, là những mơ ước hòa bình. Chiến tranh trong phim là những phút sôi động ở chiến trường Đức Phổ, là sơ tán khỏi Hà Nội cuối năm 1972.
“Cần tình yêu để vượt qua gian khổ thì đạn bom đến.”
“Ước mong của em chỉ là hòa bình lập lại. Em được về với mẹ của em. Chỉ thế thôi.”
“Mẹ ơi trong ngày khải hoàn sẽ không có con của mẹ đâu.”
Đó là vài hàng từ nhật kí của Đặng Thùy Trâm hiện lên trong phim.
Câu chuyện về cuốn nhật kí có nhiều biến chuyển lôi cuốn. Khi tịch thu được nhật kí, một người lính Việt Nam Cộng hòa, trung sĩ Nguyễn Trung Hiếu đã đưa cho người lính Mỹ phụ trách quân báo là Fred Whitehurst và nói: “Đừng đốt. Trong này đã có lửa của tình yêu, dâng hiến.”
Sau đó cuốn nhật kí theo Fred về Mỹ. Tại nhà ở bang North Carolina, vợ của Fred là một cô gái Việt miền Nam tên Mai cũng chẳng muốn đọc “nhật kí của một Việt Cộng”, kẻ thù của cô. Nhưng sau đó Mai đọc và tỏ ra hiểu những thương đau của cuộc chiến. Còn gia đình Fred là một gia đình có truyền thống binh nghiệp, nhưng cuộc chiến Việt Nam đã đem đến những tranh cãi giữa anh em trong nhà, ngay trong ngày sinh nhật của mẹ. Từ đó Fred không còn muốn quan tâm gì đến Việt Nam nữa.
Cho đến 35 năm sau.
Fred lục lại những thùng đồ kỉ niệm và muốn tìm đến gia đình của người đã viết nhật kí để trao lại. Trong khi đó mẹ của Đặng Thùy Trâm như có linh tính báo trước khi bà nằm mơ thấy cô hiện về, cần một quyển sổ. Bà lên chùa khấn nguyện và khi đốt hàng mã để cúng cũng không quên đốt theo cuốn tập nhỏ. Chẳng bao lâu, có người quen của Fred lặn lội từ Mỹ qua Việt Nam, ghé đến nhiều nơi ở Hà Nội dò hỏi và cuối cùng tìm được đến nhà và trao cho gia đình cố bác sĩ Đặng Thùy Trâm một bản sao cuốn nhật kí mà Fred đã gửi vào thư viện của Trung tâm Việt Nam, Đại học Texas Tech ở Lubbock để lưu giữ.
*
Đạo diễn Đặng Nhật Minh, đứng giữa, đang nghe khán giả tranh luận trong buổi chiếu phim của ông tại Berkeley ngày 25.01.2010.
Buổi chiếu phim ngày 25.01.2010 do Trung tâm Nghiên cứu Đông nam Á của Đại học Berkeley tổ chức và đã có khoảng 150 khán giả đến xem. Cho đến nay Đừng đốt mới chỉ chiếu tại một số đại học Mỹ từ Yale, Harvard, Texas Tech qua đến U.C. Berkeley, University of Southern California.
Sau khi xem phim, khán giả đã có dịp trò chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh. Giáo sư Peter Zinoman điều hợp buổi giao lưu và thày Trần Hạnh, giảng viên Việt ngữ và là sinh viên ban tiến sĩ tại Đại học Berkeley giúp chuyển dịch giữa hai ngôn ngữ Việt Anh.
Khán giả (H): Tôi đã coi nhiều phim của anh mang tính nhân bản. Riêng phim này đã vượt đến một mức quốc tế làm giao động cả đến ba bốn phía chứ không riêng gì câu chuyện của cô Đặng Thùy Trâm. Làm phim thì anh rất có tài nghệ. Nhưng phim này đạt đến mức quốc tế thì có phải vì có sự hợp tác của Mỹ không?
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (ĐNM): Phim này kinh phí là do phía nhà nước Việt Nam cấp cho chúng tôi. Trong phim có nhiều yếu tố người nước ngoài. Có 7 diễn viên Mỹ đóng trong phim này. Âm nhạc do hai nhạc sĩ người Hung viết và dàn nhạc của Hung-ga-ri biểu diễn. Ngoài ra các khâu kĩ thuật khác do phía người Việt Nam làm. Riêng về âm thanh phải đưa phim qua Bangkok với kĩ thuật của Mỹ mới thực hiện được phần âm thanh Dolby system như các bạn đã thấy.
H: Đau khổ ghi khắc trong tâm khảm của người Việt Nam. Một dân tộc quá đau khổ biết bao nhiêu năm nay. Anh có nghĩ người Việt Nam đã phải trả một cái giá quá đắt cho hòa bình? Bây giờ chúng ta đã đạt được những gì sau khi có hòa bình?
ĐNM: Phim các bạn vừa xem là câu chuyện có thật 100%. Tôi chỉ sắp xếp lại trong một cấu trúc thuộc thể loại phim truyện để chuyển tải sự thật. Bộ phim có đời sống của nó và mỗi người có quyền suy nghĩ của mình từ bộ phim. Tôi tôn trọng ý kiến của các bạn.
H: Tôi là người rất thích những phim trước của anh. Cuốn phim này dựa trên sự thật của một cuốn nhật kí. Có điều chiến tranh xảy ra do hai phía. Anh dựa trên cuốn nhật kí thì cuốn phim này dưới con mắt nhìn của tôi anh chỉ nói về một phía kia [miền Bắc] mà thôi. Anh có nghĩ là phim này chiếu ra quốc tế thì không công bằng cho phía khác [miền Nam] hay không?
ĐNM: Trong phim này tôi nghĩ có đủ mọi phía. Phía gia đình bên Mỹ có rất nhiều. Chúng tôi quay bên Mỹ. Gia đình phía Việt Nam, tôi không đứng về phía nào cả. Về lượng thời gian chúng tôi quay thì bằng nhau và tôi chỉ nói về một sự thật mà thôi. Nếu lấy thước mà đo thì nó bằng nhau. Tôi xin nói thêm đây là phim của Việt Nam làm và quay bên đất Mỹ với những diễn viên Mỹ. Trước đây không có chuyện đó.
H: Tôi coi phim này nếu không biết lịch sử thì đây là cuộc chiến chống Mỹ xâm lăng.
ĐNM: Tôi xin trình bày như thế này. Nhiệm vụ của người đạo diễn khi làm phim là trình bày sự thực. Người xem có quyền suy nghĩ và tôi tôn trọng mọi suy nghĩ của mọi người. [khán giả vỗ tay to]
H: Tôi muốn hỏi anh về chuyện bản quyền. Đoàn làm phim đã thương lượng với ai? Với anh Fred là người đã đưa nhật kí về Mỹ, với Đại học Texas Tech là nơi hiện lưu giữ quyển nhật kí hay với gia đình của Đặng Thùy Trâm.
ĐNM: Trước khi làm phim, chúng tôi đã đến làm việc về bản quyền với gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cụ thể là với bà Doãn Ngọc Trâm. Bà Doãn Ngọc Trâm đồng ý cho bản quyền và mẹ của Đặng Thùy Trâm cũng đại diện cho anh Fred cho phép sử dụng. Đây không phải là một bộ phim chuyển thể, minh họa cuốn nhật kí này. Nhưng dù sao chúng tôi cũng xin phép bản quyền. Đó là việc của nhà sản xuất và tôi biết họ đã làm việc này.
H: Tôi muốn có cơ hội này để cám ơn ông nhiều về những cống hiến tuyệt vời trong phim ảnh. Ông đã quá rộng lượng mà đến với chúng tôi tối nay. Tôi hi vọng phim của ông sẽ được chiếu ở nhiều nơi khác tại Mỹ, nơi mà cuộc chiến Việt Nam đã bị chìm vào quên lãng. Cám ơn ông đã cho ra đời một phim tuyệt vời và rất cảm động.
ĐNM: Cám ơn ông.
H: Đây là một phim hay. Tôi tò mò muốn biết có phải là vì ông là một đạo diễn giỏi hay nhờ có những trải nghiệm bản thân về cuộc chiến?
ĐNM: Nó có mối liên hệ tình cảm khi tôi làm cuốn phim này. Vì cha tôi cũng là một bác sĩ và cũng hi sinh trong cuộc chiến tranh. Do đó làm phim này tôi nghĩ cũng như một nén hương để thắp lên cho những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh này, như cô Đặng Thùy Trâm, như cha tôi.
H: Cuộc chiến này là một cuộc thảm sát ghê gớm. Người đứng sau cuộc chiến là McNamara đã nhận rằng đó là một sai lầm. Người Mỹ chúng tôi nói đến 55 nghìn người đã chết. Không nghe nói đến 3 triệu người Việt đã hi sinh. Tôi hi vọng mọi người sẽ coi phim này, sẽ hiểu được hơn và liên hệ nó với cuộc chiến hiện tại ở Afghanistan, ở Iraq vì những sự việc đang xảy ra ở đó. Chúng ta phải chấm dứt những cuộc chiến ở đó. Bản thân tôi có nhiều thương cảm cho người dân Việt Nam đã phải chịu đựng những sự thảm sát đó.
ĐNM: Cám ơn ông.
H: Tôi muốn biết có những nhật kí nào khác trong chiến tranh không, và nhật kí trong phim này có khác với nhật kí trong những phim khác không? Điều gì đã làm cho việc xuất bản quyển nhật kí này được đón nhận nồng nhiệt như thế?
ĐNM: Tôi được biết trong chiến tranh có nhiều người viết nhật kí, ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Như nhật kí của Anne Frank chẳng hạn. Sở dĩ tôi làm phim này vì cuốn nhật kí này có một số phận đặc biệt. Rất nhiều cuốn nhật kí, nhưng không có những câu chuyện xung quanh cuốn nhật kí. Những câu chuyện xung quanh có ý nghĩa của nó nên tôi đã làm phim này. Nhiều người đã đọc nhật kí này. Tôi thấy người viết nó rất thành thật với mình. Như trong bức thư mà anh Fred gửi cho mẹ nói rằng: rõ ràng chị Thùy Trâm viết cho chính mình chứ không phải viết cho thế giới đọc. Chính vì chị viết cho chính mình nên nó rất thật. Chính sự thật đó đã làm cho nó có giá trị.
H: Cám ơn ông đã đến dự và giao lưu trong buổi chiếu phim hôm nay. Tôi muốn biết phim này có được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới không. Ông có kế hoạch phổ biến phim này rộng rãi ở Hoa Kỳ không?
ĐNM: Phim này sản xuất năm ngoái. Trong tháng 5 vừa qua đã được chiếu rộng rãi ở Việt Nam. Đến giờ vẫn còn người xem ở Việt Nam. Trên đất Mỹ mới chỉ chiếu tại các trường đại học thôi chứ chưa chiếu ở ngoài, vì muốn chiếu ở ngoài phải có nhà phát hành phim. Hiện nay chưa có nhà phát hành nào xem phim này.
H: Tôi có đi du lịch đến Việt Nam và thấy người dân ở đó ngại nói về cuộc chiến tranh đã qua. Hay nói với một thái độ rất dè dặt. Liệu sau khi cuốn phim này được trình chiếu thì có làm thay đổi quan niệm và làm cho nhiều người bàn luận hơn về cuộc chiến đã qua không?
ĐNM: Điều này tôi không dám chắc là có thay đổi được gì không. Nhưng những lần chiếu xong cũng có người đến bắt tay tôi, có nhiều người mắt đỏ hoe cảm động. Còn có thay đổi được gì không tôi không biết.
H: Cám ơn chú đã làm một phim rất cảm động. Em có câu hỏi là khi nói về chiến tranh thì có hai phía, một phía là người Mỹ, một phía là miền Bắc Việt Nam. Em nghĩ là còn một side (phía) nữa là Nam Việt Nam, là nhiều người trong cộng đồng ở đây. Câu hỏi của em là khi đem chiếu phim ở đây thì cộng đồng người Việt nghĩ sao, họ có phản ứng, resist, gì không?
ĐNM: Trong những phim về chiến tranh Việt Nam do Hollywood làm tôi chỉ thấy có một side thôi. Phim này tôi đã làm có hai phía rồi. Nếu có 3 phía thì mệt quá, không làm nổi [nhiều tiếng cười]. Cũng xin nói thêm để bạn trẻ biết là trong phim cũng có side thứ ba, có một chút trong đó là trung sĩ Hiếu. Và cái kết là bà mẹ người miền Bắc có nói với con gái mình rằng: “Hỏi xem anh trung sĩ Sài Gòn bây giờ ở đâu và cám ơn cả anh ấy nữa.” Như thế tôi thấy là cũng quá nhiều side rồi. Thông cảm nhá.
H: Cám ơn ông về vẻ đẹp của sự nhân bản trong phim, về cảnh đẹp của đồng quê Việt Nam qua cách quay phim. Tôi luôn yêu đất nước đẹp xinh đó.
ĐNM: Cám ơn ông.
H: Trong quá trình làm phim chắc là ông có những đối thoại với ông Fred. Sau khi làm phim xong, ông thấy nhận xét của Fred như thế nào?
ĐNM: Năm ngoái có buổi chiếu phim ở New York. Fred có đến xem. Xem phim xong ông ấy chạy ra ngoài khóc một lúc rồi mới vào giao lưu với khán giả. Trên sân khấu hôm đó thì có 3 Fred, 2 Fred đóng phim và 1 Fred thật cùng ngồi với tôi trong lúc giao lưu. Khi có khán giả đặt câu hỏi cho Fred thì ông ấy hỏi: “Fred nào?”. Ông ấy rất cảm động với phim này. Bộ phim rất chân thật.
H: Cám ơn ông về một phim rất cảm động. Phim đã soi sáng nhiều vấn đề của cuộc chiến. Làm việc với những diễn viên Mỹ ông có gặp trở ngại gì không?
ĐNM: Khi làm việc tôi không có trở ngại gì với diễn viên Mỹ cả. Trước khi sang, tôi có hỏi họ đọc kịch bản rồi thì thấy thế nào, có điều gì cần trao đổi hay sửa chữa gì không. Họ nói không có gì cần thay đổi cả. Cứ như thế mà làm. Ông Fred trẻ có sang Việt Nam quay tiếp một tháng nữa. Trong thời gian một tháng làm việc với chúng tôi anh cũng bắt chước bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết nhật kí đem về cho mẹ anh ấy đọc. Anh ấy nói đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời của anh ấy. Anh ấy cũng đã mời cả bố mẹ đi xem phim khi chiếu ở New York. Mẹ anh ấy rất cảm động. Xem hai lần đều khóc.
*
Sau khi chương trình chấm dứt, nhiều người đến gặp đạo diễn hỏi thăm, chụp hình. Có người đem theo sách Nhật kí Đặng Thùy Trâm để xin chữ kí của đạo diễn.
Trong khi đó, một vài người Việt tiếp tục tranh luận với nhau về nội dung phim, về bản chất và hệ lụy của cuộc chiến và những tầm nhìn về cuộc chiến Việt Nam. Đôi lúc đã trở nên gay gắt với nhau. May là ở đây mọi người có quyền tự do phát biểu quan điểm, nhận định của mình.
Tôi đã xem nhiều phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Vì có lẽ đã được đọc và biết nhiều về những sự việc chung quanh quyển nhật kí nên khi xem Đừng đốt tôi không cảm thấy lôi cuốn bằng khi xem Bao giờ cho đến tháng Mười hay Mùa ổi.
___
[1] Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nxb Hội Nhà văn 2005. 322 trang. Giá 43.000 ĐVN. In 40.000 cuốn. Sách đã được dịch ra trên 10 ngôn ngữ khác.
[ảnh trong bài của Bùi Văn Phú]
© Buivanphu 02.2010

Phản hồi

1 phản hồi (bài “Bùi Văn Phú – “Đừng đốt” chiếu ở Berkeley”)
  1. “Phim này tôi đã làm có hai phía rồi. Nếu có 3 phía thì mệt quá, không làm nổi [nhiều tiếng cười]. Cũng xin nói thêm để bạn trẻ biết là trong phim cũng có side thứ ba, có một chút trong đó là trung sĩ Hiếu. Và cái kết là bà mẹ người miền Bắc có nói với con gái mình rằng: “Hỏi xem anh trung sĩ Sài Gòn bây giờ ở đâu và cám ơn cả anh ấy nữa.” Như thế tôi thấy là cũng quá nhiều side rồi. Thông cảm nhá.”
    (Đặng Nhật Minh)
    Lịch sử chỉ đơn giản là cái gì không “mệt” thì làm, mệt thì xin “thông cảm” thôi sao?
    Nhà nước VN thường chỉ trích người hải ngoại thích gợi lại quá khứ, “dựng dậy xác chết”. Nhưng xem ra không ai làm trò này tài tình, ăn khách bằng chính người của nhà nước.
    Chuyện nhật ký Đặng Thùy Trâm sẽ không bao giờ tồn tại nếu không có thái độ ứng xử nhân bản, văn hóa của một người lính trung sĩ Việt Nam Cộng Hoà. Vậy mà anh ta chỉ được hưởng một câu nói vớt cuối phim!!!
    Nói vậy thôi chứ tôi không bao giờ mong đợi những “nghệ sĩ nhân dân” như Đặng Nhật Minh có thể làm một cái gì cho số phận những người lính miền Nam. Chuyện đó người miền Nam và hải ngoại sẽ tự lo lấy. Chỉ mong ông giúp thuyết phục nhà nước Việt Nam cho chiếu những phim như Vượt Sóng (Journey of the Fall) của Hàm Trần ở những trường đại học trong nước như cái cách ông đem phim của mình sang chiếu ở những đại học Mỹ. Được vậy thì mới gọi là “giao lưu” có văn hoá và “hoà giải” đúng điệu chứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét